Danh sách câu hỏi
Có 19,418 câu hỏi trên 389 trang
Đọc truyện và trả lời câu hỏi:
Các em nhỏ và ông cụ
Mặt trời đã lùi dần về chân núi phía tây. Đàn sếu đang sải cánh trên cao. Sau một cuộc dạo chơi, đám trẻ ra về. Tiếng nói cười ríu rít. Bỗng các em dừng lại khi thấy một ông cụ đang ngồi ở vệ cỏ ven đường. Trông ông rất mệt mỏi, đôi mắt lộ rõ vẻ u sầu.
- Chuyện gì xảy ra với ông cụ thế nhỉ? – Một em trai nói.
- Hay ông cụ đánh mất cái gì?
– Chúng mình nên hỏi thử xem đi.
Các em tới chỗ ông cụ, lễ phép hỏi:
– Ông ơi, chúng cháu có thể giúp gì ông không ạ?
Ông cụ thở nặng nhọc, nhưng đôi mắt ánh lên những tin ấm áp:
– Cảm ơn các cháu! Nhưng các cháu không giúp ông được đâu.
Ông cụ ngừng lại, rồi nghẹn ngào nói tiếp:
- Ông đang rất buồn. Vợ của ông nằm bệnh viện mấy tháng nay rồi. Bà ẩm nặng lắm, khó mà qua khỏi. Ông ngồi đây chờ xe buýt để đến bệnh viện. Ông cảm ơn lòng tốt của các cháu. Dẫu các cháu không giúp gì được, nhưng ông cũng thấy lòng nhẹ hơn.
Đám trẻ lặng đi. Các em nhìn ông cụ đầy thương cảm.
Một lát sau, xe buýt đến. Giúp ông cụ lên xe rồi, các em còn đứng nhìn theo mãi mới ra về.
(Theo V. A. Xu-khôm-lin-xki, Tiếng Việt 3, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020)
a. Ông cụ đã gặp khó khăn gì?
b. Các em nhỏ đã thể hiện sự cảm thông, giúp đỡ ông cụ như thế nào?
c. Sự cảm thông, giúp đỡ của các em nhỏ mang lại điều gì cho ông cụ?
Đọc câu chuyện và trả lời câu hỏi
Năm nay, lớp 4A có cô giáo mới. Buổi đầu tiên làm quen với lớp, cô giáo yêu cầu:
– Các em hãy giới thiệu đôi nét về bản thân và gia đình mình.
Cả lớp sôi động hẳn lên, bạn nào cũng hào hứng:
– Thưa cô, em tên là Hồng. Bố mẹ em là công nhân nhà máy điện ạ!
– Thưa cô, em tên là Sơn. Bố em là bộ đội biên phòng, mẹ em là giáo viên ạ!
– Thưa cô, em tên là Trang. Bố em là phóng viên, mẹ em là bác sĩ ạ!
Đến lượt Hà, cũng như các bạn, em kể rất tự hào:
– Thưa cô, em là Hà. Bố mẹ em đều là lao công ạ!
Trong lớp bỗng rộ lên những tiếng cười. Hà ngơ ngác nhìn quanh, rồi như hiểu ra, mặt em đỏ bừng, rơm rớm nước mắt. Cô giáo bước đến bên Hà, âu yếm đặt tay lên vai em:
Cảm ơn bố mẹ em, những người lao động đã giữ cho thành phố của chúng ta luôn sạch đẹp. Không có nghề nào là tầm thường, chỉ có những kẻ lười biếng, vô công rồi nghề mới đáng xấu hổ.
Không khí im lặng bao trùm lớp học. Những bạn lúc trước cười to nhất, giờ cúi mặt ngượng ngùng. Một bạn rụt rè đứng dậy:
– Thưa cô, chúng em thật có lỗi. Chúng em xin lỗi cô, xin lỗi bạn Hà!
(Theo Thuy Dung, Đạo đức lớp 4, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014)
a. Vì sao một số bạn trong lớp lại cười khi nghe bạn Hà kể về công việc của bố mẹ?
b. Chúng ta nên có thái độ như thế nào với người lao động?
Đọc câu chuyện và trả lời câu hỏi:
Cái gì quý nhất
Một hôm, trên đường đi học về, Hùng, Quý và Nam trao đổi với nhau xem ở trên đời này, cái gì quý nhất.
Hùng nói: “Theo tớ, quý nhất là lúa gạo. Các cậu có thấy ai không ăn mà sống được không?”.
Quý và Nam cho là có lí. Nhưng đi được mươi bước, Quý vội reo lên: “Bạn Hùng nói không đúng. Quý nhất phải là vàng. Mọi người chẳng thường nói quý như vàng là gì! Có vàng là có tiền, có tiền sẽ mua được lúa gạo!”.
Nam vội tiếp ngay: “Quý nhất là thời gian. Thầy giáo thường nói thời gian quý hơn vàng bạc. Có thời gian mới làm ra lúa gạo, vàng bạc!”.
Cuộc tranh luận thật sôi nổi, người nào cũng có lí, không ai chịu ai. Hôm sau, ba bạn đến nhờ thầy giáo phân giải.
Nghe xong, thầy mỉm cười rồi nói:
– Lúa gạo quý vì ta phải đổ bao mồ hôi mới làm ra được. Vàng cũng quý vì nó rất đắt và hiếm. Còn thời gian đã qua đi thì không lấy lại được, đáng quý lắm. Nhưng lúa gạo, vàng bạc, thời gian vẫn chưa phải là quý nhất. Ai làm ra lúa gạo, vàng bạc, ai biết dùng thời gian? Đó chính là người lao động, các em ạ! Không có người lao động thì không có lúa gạo, không có vàng bạc, nghĩa là tất cả mọi thứ đều không có và thời gian cũng trôi qua một cách vô vị mà thôi.
(Theo Trịnh Mạnh – Tiếng Việt 5, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014)
a. Bài học quý mà Hùng, Quý và Nam nhận được là gì?
b. Theo em, vì sao phải biết ơn người lao động?
Xử lí tình huống
- Tình huống 1: Trong thư viện, Bin và Tin ngồi đọc báo Nhi đồng. Sau khi đọc được thông tin về một em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, thiếu đồ dùng học tập, Bin nói với Tin: “Mình muốn giúp đỡ em này quá!”. Tin đáp” “Thiếu đồ dùng học tập thì có sao đâu!”
Nếu là Bin, em sẽ ứng xử như thế nào?
- Tình huống 2: Trên đường đi học về, Bin nhìn thấy một cụ già bị ngã, đồ đạc trong giỏ rơi hết ra ngoài. Ngay lúc ấy, Tin nói với Bin: "Về nhà nhanh lên! Sắp đến giờ xem phim rồi".
Nếu là Bin, em sẽ ứng xử như thế nào?
- Tình huống 3: Bà Sáu là Mẹ Việt Nam Anh hùng nhưng sống một mình. Chủ nhật, Na đang đọc truyện thì Cốm đến rủ: "Chúng mình sang thăm và giúp bà Sáu làm việc nhà đi!".
Nếu là Na, em sẽ ứng xử như thế nào?
- Tình huống 4: Sáng nay, khu phố nhà Cốm tổ chức nấu cơm thiện nguyện. Cốm định tham gia nhặt rau thì Na đến rủ: "Bạn đến nhà mình xem phim hoạt hình đi!".
Nếu là Cốm, em sẽ ứng xử như thế nào?
Đọc câu chuyện và trả lời câu hỏi
Khi nào mẹ về?
Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, mẹ Na là y tá nên tình nguyện tham gia chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân cách li điều trị ở bệnh viện. Đã một tháng qua, lúc nào Na cũng mong mẹ về. Một buổi tối, khi cả nhà đang ăn cơm, mẹ Na gọi điện thoại về. Na mếu máo:
– Mẹ ơi! Con nhớ mẹ lắm, mẹ mau về nhà đi!
Mẹ Na xúc động:
– Mẹ cũng nhớ con lắm!
– Vậy sao mẹ không về nhà? – Na hỏi mẹ.
Mẹ ôn tồn bảo:
- Còn rất nhiều bệnh nhân đang cần sự giúp đỡ của mẹ. Rất nhiều bạn nhỏ đang mong bố mẹ mau khỏi bệnh để trở về nhà. Cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn mang lại niềm vui cho mình và mọi người. Na đợi mẹ nhé!
Na gật đầu, nói với mẹ:
- Vâng ạ, Con hiểu rồi ạ. Mẹ hãy giữ gìn sức khỏe nhé!
- Mẹ Na đã làm gì để giúp đỡ những người bệnh?
- Theo em, vì sao phải cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn?