Câu hỏi:

23/12/2022 2,553

Hãy viết bài văn nghị luận trình bày ý kiến về câu nói của Lê-nin: Học, học nữa, học mãi. (10 mẫu)

Siêu phẩm 30 đề thi thử THPT quốc gia 2024 do thầy cô VietJack biên soạn, chỉ từ 100k trên Shopee Mall.

Mua ngay

Quảng cáo

Trả lời:

verified
Giải bởi Vietjack

Dàn ý

1. Mở bài

Giới thiệu về câu tục ngữ “Học, học nữa, học mãi” của Lê-nin.

2. Thân bài

- Giải thích:

·        Học là sự thu nhận kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức.

·        “Học nữa” tức là tiếp tục học

·        “Học mãi” tức là học không ngừng, đến hết cuộc đời.

=> Câu nói của V. Lênin muốn khuyên nhủ con người luôn luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức.

- Tri thức xã hội là vô tận, nhưng kiến thức của con người chỉ là hữu hạn. Việc học tập sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều hiểu biết.

- Xã hội ngày càng phát triển sẽ có thêm nhiều kiến thức được khám phá, con người cần phải học tập để tránh lạc hậu.

- Dẫn chứng: Những bậc thiên tài như Newton, Einstein… vẫn cần phải học hỏi không ngừng.

- Liên hệ bản thân: Học sinh cần cố gắng rèn luyện cho mình tinh thần học tập không ngừng, tránh xa lối sống ăn chơi đua đòi…

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị của câu “Học, học nữa, học mãi”.

Học, học nữa, học mãi - Mẫu 1

V. Lê-nin đã đưa ra lời khuyên: “Học, học nữa, học mãi” gợi nhiều suy tư sâu sắc. Đầu tiên, hiểu đơn giản thì học là sự thu nhận kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức. Từ “học” được nhắc lại tới ba lần cũng như mở rộng về “thời gian” cho động từ “học” đã chứa đựng ý nghĩa to lớn. Từ “học nữa” tức là tiếp tục học không ngừng nghỉ cho đến “học mãi” tức là học đến hết cuộc đời. Qua đây, Lê-nin muốn khuyên nhủ con người luôn luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức. Chúng ta có thể kể đến rất nhiều tấm gương, họ là những con người vĩ đại, đạt được nhiều thành công trong cuộc sống như Newton, Einstein, Thomas Edison… Nhưng họ vẫn luôn tích cực học tập mỗi ngày. Thế mới thấy rằng học tập là cả một quá trình, không phải là một giai đoạn hay một nghĩa vụ mà nó phải xuất phát từ nhu cầu và mục đích của việc học. Và học sinh khi đang ngồi trên ghế nhà trường cần hiểu được tầm quan trọng của việc học. Như vậy, mỗi người hãy ghi luôn cố gắng học tập để hoàn thiện bản thân ngày càng tốt đẹp hơn.

Học, học nữa, học mãi - Mẫu 2

Học tập có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Bởi vậy mà V. Lê-nin đã khuyên nhủ con người cần phải: “Học, học nữa, học mãi”. Nhà bác học - Charles Robert Darwin cũng từng khẳng định: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Có thể thấy, nhiều bậc giáo sư, tiến sĩ dù có kiến thức uyên bác nhưng họ vẫn không ngừng học tập. Bởi vậy mà chúng ta - những con người bình thường càng phải nỗ lực học tập hơn nữa. Mỗi người cần hiểu rằng tri thức của nhân loại là vô hạn, còn vốn hiểu biết mỗi người chỉ như giọt nước giữa đại dương. Việc học tập không ngừng sẽ giúp con người ngày càng hiểu biết hơn. Học là cả một quá trình, không phải là một giai đoạn hay một nghĩa vụ phải thực hiện. Mà việc học phải xuất phát từ nhu cầu và mục đích của mỗi cá nhân. Đặc biệt là với học sinh, khi đang ngồi trên ghế nhà trường cần hiểu được tầm quan trọng của việc học, để ra sức học tập. Đích đến thành công sẽ ở ngay phía trước bạn.

Học, học nữa, học mãi - Mẫu 3

“Học, học nữa, học mãi” là một lời khuyên vô cùng quý giá. Trước hết, học là sự thu nhận kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức. Lê-nin đã điệp “học” tới ba lần cũng như mở rộng về “thời gian” cho động từ “học” đã chứa đựng ý nghĩa to lớn. Từ học nữa tức là tiếp tục học không ngừng nghỉ cho đến “học mãi” tức là học đến hết cuộc đời. Như vậy, câu nói của V. Lênin muốn khuyên nhủ con người luôn luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức. Những tấm gương trên thế giới như Newton, Einstein, Thomas Edison hay ở Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký thật đáng để noi theo. Mỗi người cần hiểu được rằng học tập là cả một quá trình, không phải là một giai đoạn hay một nghĩa vụ mà nó phải xuất phát từ nhu cầu và mục đích của việc học. Mỗi học sinh khi đang ngồi trên ghế nhà trường cần hiểu được tầm quan trọng của việc học. Có thể khẳng định lời khuyên của V. Lê-nin là vô cùng đúng đắn.

Học, học nữa, học mãi - Mẫu 4

Câu nói của V. Lênin đã đề cao vai trò của việc học tập trong cuộc đời của mỗi người. “Học” là hành động tiếp thu kiến thức, cái mới, những điều hay lẽ phải để con người trau dồi bản thân, vốn trí thức của mình. Tuy nhiên, theo V. Lênin, cần phải “học nữa” tức là học thêm nhiều cái mới mẻ hơn những kiến thức cơ bản ở trường lớp hay sách vở, học tăng lên một trình độ khác khó hơn, rộng hơn để nâng cao trình độ hiểu biết. Và cuối cùng ông khẳng định “học mãi”, nghĩa là say mê, học hỏi suốt đời, không giới hạn tuổi tác, sức khỏe, học không ngừng nghỉ, luôn không ngừng tiếp thu thêm mọi điều xung quanh ta. Như vậy, với cách nói tăng tiến, Lênin đã đưa ra một chân lý đanh thép mà đúng đắn vô cùng, đó là trong cuộc sống, con người ta luôn phải không ngừng học tập, rèn luyện, tiếp thu tri thức nhân loại.

Học, học nữa, học mãi - Mẫu 5

V. Lê-nin đã có lời khuyên về việc học tập: “Học, học nữa, học mãi” rất giàu giá trị. “Học” là việc tiếp nhận kiến thức được người khác truyền đạt, giảng dạy. Từ “học” tới ba lần kết hợp với các từ “nữa, mãi” nhằm nhấn mạnh vào mặt thời gian của việc học. Với “học nữa” có nghĩa là tiếp tục học không ngừng nghỉ, còn “học mãi” tức là luôn học tập, ngay cả đến khi kết thúc cuộc đời. Tóm lại, Lê-nin muốn khuyên nhủ con người rằng phải luôn luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Kiến thức là một sa mạc rộng lớn, mà hiểu biết của con người chỉ như một hạt cát. Bởi vậy, việc luôn nỗ lực học tập là vô cùng cần thiết để tích lũy kiến thức, kĩ năng cho bản thân. Học tập là một quá trình lâu dài, bền bỉ. Những nhà bác học như Thomas Edison, Albert Einstein hay Louis Pasteur dù đã có vốn kiến thức uyên bác nhưng họ vẫn luôn không ngừng học hỏi. Như vậy, lời khuyên của Lê-nin là hoàn toàn đúng đắn, hãy nỗ lực học tập không ngừng để có thể đạt được những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Học, học nữa, học mãi - Mẫu 6

Học tập mang lại cho con người nhiều kiến thức bổ ích, bởi vậy mà V.Lê-nin đã khẳng định rằng: “Học, học nữa, học mãi”. Về khái niệm “học” có thể hiểu đơn giản là sự tiếp thu kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức của bản thân. Câu nói sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ, từ “học” được nhắc lại tới ba lần kết hợp với các từ “nữa, mãi” nhằm mở rộng về “thời gian” cho động từ “học” đã chứa đựng ý nghĩa to lớn. Với “học nữa” có nghĩa là tiếp tục học, còn “học mãi” học tập không ngừng, kéo dài đến hết đời. Đây là một lời răn dạy đúng đắn, bởi việc học rất cần thiết đối với con người. Kiến thức giống như một đại dương vô tận, còn hiểu biết của chúng ta chỉ như một giọt nước. Dù là những nhà bác am hiểu sâu rộng, vẫn luôn nỗ lực học tập, tìm hiểu. Chúng ta cần hiểu được học tập là một quá trình, không phải chỉ là một giai đoạn. Thành công chỉ đến với những người luôn cố gắng.

Học, học nữa, học mãi - Mẫu 7

Cuộc sống là một hành trình không ngừng nghỉ. Và trong hành trình đó, học tập là một điều vô cùng cần thiết. Bởi vậy mà Lê-nin đã khuyên nhủ con người: “Học, học nữa, học mãi”.

Đầu tiên, hiểu đơn giản học là sự thu nhận kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức. Học không chỉ là đi khám phá cái mới lạ mà còn là sự nối tiếp, nâng cao hơn của những tri thức đã biết, tự tìm tòi để giải quyết các vấn đề dựa trên các kinh nghiệm đã đạt được trước đó. Học tập cũng không phải là một đích đến mà là cả một quá trình dài. Nó không chỉ kết thúc sau khi chúng ta không còn ngồi trên ghế nhà trường nữa. Chính vì vậy, con người cần có ý thức tự giác học tập để hoàn thiện bản thân. Học tập cũng chính là con đường ngắn nhất giúp con người đến với thành công.

Nhà bác học học Charles Robert Darwin từng khẳng định: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Dù đã trở thành giáo sư, tiến sĩ được mọi người kính trọng. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta hiểu biết tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống. Câu chuyện kể về một vị tiến sĩ được mọi người nể phục bởi tri thức và tài năng. ông đã đạt được nhiều thành tựu vẻ vang trong lĩnh vực của mình nhưng ông lại hoàn toàn bó tay với việc đi chợ, ông tỏ ra bối rối trước bà bán rau. Ở khía cạnh này có thể nói những bà nội trợ học hành nông cạn cũng có thể giỏi hơn vị tiến sĩ miệt mài đèn sách có những công trình lớn. Vì vậy trong cuộc sống, chúng ta phải luôn linh động để học hỏi và tiếp thu, cần tránh tư tưởng bảo thủ học tập theo lối mòn của bản thân mà không tự thử thách để tìm ra tri thức mới. Tri thức của nhân loại là vô hạn, còn vốn hiểu biết mỗi người chỉ như giọt nước giữa đại dương. Chính vì vậy mà chúng ta phải luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng học hỏi.

“Học, học nữa, học mãi” - điều đó đã được thể hiện qua tấm gương chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước. Người đã tự mình học hỏi để rồi có được một vốn hiểu biết phong phú về văn hóa các nước. Cũng như am hiểu thông thạo nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Hoa, Nga… Ngay cả cho đến khi đã trở thành một vị chủ tịch nước, Người vẫn tiếp tục học tập. Quả là một tấm gương đáng ngưỡng mộ biết bao. Kế thừa tinh thần đó của Bác, trong xã hội hiện tại, có rất nhiều bạn học sinh, sinh viên tự mình học hỏi, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để có được kết quả cao trong học tập… Người luôn ý thức việc học không chỉ đối với học sinh, mà học tập là cả một quá trình suốt đời.

Học tập là cả một quá trình, không phải là một giai đoạn hay một nghĩa vụ mà nó phải xuất phát từ nhu cầu và mục đích của việc học. Mỗi học sinh khi đang ngồi trên ghế nhà trường cần hiểu được tầm quan trọng của việc học. Từ đó, bản thân cần ra sức học tập, rèn luyện kiến thức và kĩ năng. Con đường thành công nằm ngay ở phía trước.

Như vậy, lời khuyên nhủ của Lê-nin “Học, học nữa, học mãi” đã để lại một bài học sâu sắc. Thành công chỉ đến với những người biết cố gắng không ngừng nghỉ.

Học, học nữa, học mãi - Mẫu 8

Trong cuộc đời, ai cũng mong muốn sau này lớn lên sẽ trở thành một con người có ích trong xã hội, đặc biệt trong thời đại mà xã hội ta đang trên con đường đổi mới theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để đất nước có thể theo kịp các nước khác chúng ta phải có nhiều nhân tài. Và đối với thế hệ học sinh, nhiệm vụ học tập là vô cùng quan trọng vì họ chính là người chủ tương lai đất nước, họ phải là những con người có tri thức có trình độ mới có thể làm tốt vai trò quan trọng của mình sau này. Về ý thức học tập, Lênin có một câu nói rất nổi tiếng “Học, học nữa, học mãi”.

Để hiểu nội dung của lời khuyên này trước hết chúng ta cần hiểu học là gì? Học là một quá trình thu nhận, tích lũy kiến thức, kĩ năng để giúp cho bản thân có thêm hiểu biết về trình độ khoa học, kĩ thuật. Học là một khái niệm rất rộng chứ không phải bó hẹp trong phạm vi ngôi trường mà ngay từ nhỏ khi sống giữa vòng tay yêu thương của cha mẹ, ông bà chúng ta đã được dạy dỗ từ cách ăn nói, ứng xử, đi đứng đối xử với người trên với bạn bè. Khi đến trường, chúng ta lại được các thầy cô dạy kiến thức về khoa học về xã hội. Dưới bàn tay chăm sóc ân cần của các thầy cô giáo, chúng ta còn được học và rèn luyện cả về đạo đức. Khi đi ra ngoài xã hội ta còn được học hỏi qua bạn bè, qua những người xung quanh mình, rồi còn qua các thông tin đại chúng như đài báo sách vở... Song có một điều chúng ta cần chú ý là phải học toàn diện tránh tình trạng hỏi về bất cứ vấn đề về tự nhiên thì đều biết còn hỏi về các vấn đề xã hội thì chẳng biết gì.

“Học nữa” là học hết trình độ này chúng ta phải chuyển sang trình độ khác, từ dễ đến khó, từ phạm vi hẹp đến phạm vi rộng. Việc học không bao giờ được ngừng nghỉ mà là một mạch nối tiếp nhau và không ngừng nâng cao để ta có cơ hội trau dồi tri thức, nâng cao trình độ hiểu biết của mình. Mỗi lần nâng lên một mức học con người sẽ trưởng thành và vững chắc thêm một bước về tri thức và trình độ và đó là thứ hành trang quý giá giúp con người tự tin khi bước vào cuộc sống tự lập sau này và quan trọng nhất là có tri thức trí tuệ để có thể vận dụng tốt vào công việc và có thể sáng tạo ra những công trình khoa học, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Còn “học mãi” là học liên tục, học không ngừng nghỉ suốt đời, luôn nâng cao trình độ hiểu biết của mình. Học mãi để tạo thành thói quen ham học hỏi, say mê với khoa học. Và việc học phải được liên tục không bị hạn chế bởi tuổi tác. Khi ta còn trẻ việc học tập là đương nhiên thế nhưng khi ta càng cao tuổi thì việc học không vì thế mà ngưng trệ, mà ta cũng cần chăm chỉ học hỏi hơn nữa bằng cách tự học, nghiên cứu qua sách vở. Như vậy, việc học là vô tận vừa học vừa làm vô cùng có lợi bởi quá trình làm việc sẽ giúp ta hiểu được mình còn thiếu kiến thức gì và việc học sẽ bổ sung cho ta. Câu nói của Lênin đã cho ta thấy cần phải học như thế nào mới giúp ta trở thành con người hoàn thiện, một người có tri thức.

Vậy vì sao chúng ta phải học như vậy? Trước hết, việc ta học tập tốt sẽ có lợi cho chính bản thân ta, bởi nếu ta không học sau này ta sẽ không thể làm tốt công việc được. Kết quả công việc sẽ không được tốt đẹp như ta mong muốn và chúng ta sẽ không thể nuôi sống bản thân mình, không thể giúp được gia đình cũng như không thực hiện được nghĩa vụ cao cả của đất nước; là người làm chủ tương lai đất nước. Bác Hồ đã từng nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần công lao học tập của các cháu”. Đúng thế, nếu chúng ta không học tập thì cả thế hệ trẻ sẽ chẳng có ai tài giỏi để giúp cho đất nước tiến lên. Vậy nên, việc học tập là vô cùng cần thiết và hơn thế còn là trách nhiệm đối với mỗi người học sinh chúng ta để đưa đất nước sánh ngang với các nước khác trên thế giới. Chúng ta không học tập tốt không nắm được những tri thức khoa học hiện đại chúng ta sẽ trở thành những người lạc hậu trước sự lớn mạnh như vũ bão của khoa học kĩ thuật trong ngày nay. Học tập tốt là giúp cho bản thân và cho xã hội, ngoài ra cũng phát huy truyền thống hiếu học của ông cha ta từ xưa cho đến nay.

Thuở xưa, Mạc Đĩnh Chi là con nhà nghèo nhưng vẫn ham mê học. Đêm đến vì nhà nghèo không có đèn học nên ông phải bắt đom đóm cho vào vỏ trứng để học. Sau này ông mới có thể đỗ đạt thành tài.

Song, việc học như thế nào để đem lại hiệu quả tốt? Chúng ta cần phải học tập thật chăm chỉ, học say mê hứng thú và phải luôn sáng tạo, bên cạnh đó chúng ta cũng cần xem xét phương pháp học tập sao cho đạt được kết quả cao. Khi đến lớp cần chăm chú nghe cô giáo giảng bài, ghi chép đầy đủ về nhà học lại và làm bài tập đầy đủ, chuẩn bị bài mới trước khi đến lớp. Ngoài ra ta còn phải học hỏi thêm bạn bè thầy cô giáo và quan trọng là chúng ta phải luôn chủ động trong việc học tránh sự sao chép học tủ học lệch để có thể phát huy được tính sáng tạo của mình. Luôn tạo cho mình một thói quen học tập thật nghiêm túc, say mê, sáng tạo. Học phải đi đôi với hành bởi có như vậy chúng ta mới nhớ lâu kiến thức đã được học.

Câu nói trên của Lênin đã khuyên chúng ta phải học tập thật nhiều học không mệt mỏi để tạo thành nguồn kiến thức vô tận trong mỗi người để sau này trưởng thành có thể làm chủ mọi công việc, góp phần xây dựng đất nước, xã hội ngày một giàu đẹp văn minh. Đó là một lời khuyên mà mỗi học sinh chúng ta cần nhớ và làm theo.

Học, học nữa, học mãi - Mẫu 9

Con người có thể tìm thấy nguồn tri thức rộng lớn cho mình từ những cái mà họ bắt đầu. Và để phát triển toàn diện hơn nữa. Nguồn tri thức rộng lớn ấy đã khởi nguồn trong tiềm thức con người cái gọi là tri thức sáng tạo và tìm hiểu - cái gọi là học tập. Con người đã định hướng được tầm quan trọng của việc học từ thời xa xưa, những tri thức ấy dần dần được tích lũy và truyền đạt cho thế hệ ngày nay. Và việc học có tầm quan trọng vô cùng lớn lao. Vì ý thức được tầm quan trọng ấy của việc học, Lênin đã đưa ra một câu nói: “Học, học nữa, học mãi”. Xét cho cùng, cái ý nghĩa nằm trong đó chứa đựng rất nhiều điều.

Câu nói đó chính là một lời khuyên, một quan niệm đúng đắn. Điều quan trọng mà việc học mang lại chính là tri thức, một thứ tri thức lớn lao, thứ tri thức quý giá của nhân loại. Thứ tri thức ấy góp phần định hướng khả năng của mỗi người, đưa con người tới bờ cõi của sáng tạo, tìm tòi và khám phá. Nó là điểm đến có giới hạn đối với sức của mỗi người mà họ tự đặt mục tiêu cho mình, để có sự cố gắng học thật nhiều hơn nữa.

Và đối với con người, sức học của họ luôn luôn có giới hạn, nhưng nguồn tri thức mãi mãi không có dấu chấm hết. Câu nói trên, xét cho cùng thì đó chính là chân lý của học tập, rằng việc học chưa bao giờ là trọn vẹn, chưa bao giờ là có giới hạn. Con người cho dù có học đến mấy đi chăng nữa thì nguồn kiến thức mà họ nhận được mãi mãi không bao giờ đầy, và tất nhiên là cũng không khi nào là đủ cả. Nhưng mỗi người không thể nào không cố gắng tích lũy những kiến thức của mình mà bỏ mặc nó, coi như không màng tới, như vậy là chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội được học, được sáng tạo. Câu nói đó muốn khuyên con người phải biết cố gắng học tập, tìm hiểu, dù ít, dù nhiều, cũng là kinh nghiệm sống lớn lao cho đường đời sau này.

Trong câu nói, cái “học” ở đây chứa đựng một hàm ý bao quát của việc học, nhưng cũng không là sự đơn thuần của việc học. “Học” không chỉ đơn thuần là tích lũy thật nhiều kiến thức, mà nó còn là sự trau dồi, học hỏi thêm về lối sống đạo đức, những cái hay, cái đẹp của cuộc sống, con người từ trước đến nay được hình thành qua nhiều thế hệ. Đạo đức và nhân phẩm con người là một điều không thể thiếu, vì thế, cái đó cũng cần phải học, và cái đó cũng được coi là một thứ kiến thức sống tốt đẹp mà ai cũng phải học hỏi. Ở đây, Lênin muốn nhấn mạnh về những tri thức trong cuộc sống. Nó chưa bao giờ có hạn, con người cũng không thể tự nhận thấy những thứ mình học đã đủ, họ cần phải nhận ra, mọi điều họ biết duy chỉ là một hạt cát nhỏ trong nguồn tri thức vô tận không điểm dừng của nhân loại, của sự sống. Vì thế, ngày nào còn sống, ngày nào còn thấy mình còn sức thì hãy cứ học, hãy cứ tiếp thu những cái mới trong cuộc sống. Cuộc đời con người là cả một quá trình học tập chưa bao giờ ngừng sáng tạo, ngừng ý tưởng, ngừng đấu tranh, nó là một cuộc đời cần có những việc làm có ý nghĩa, khoan hãy dừng lại và buông xuôi, để thấy chính mình có thể học và làm việc, thấy mình là người không sống một cách vô nghĩa.

Và một người, nếu như không chịu khó học tập, không nhận ra chân lý của việc học, bỏ quên kiến thức và cơ hội được tích lũy kinh nghiệm cho chính họ thì cả cuộc đời chỉ sống trong thế giới kiến thức hạn hẹp, giới hạn trong tâm tưởng, tầm nhìn về xã hội, mọi thứ sẽ trở nên đơn giản, nghèo nàn và trở nên nhàm chán. Ngược lại, một người, nếu biết cố gắng nắm bắt cơ hội học hỏi thật nhiều, tích lũy kiến thức, mở lối cho tri thức của chính họ, thì họ sẽ luôn nhận thấy sự hứng thú tìm hiểu nhiều hơn, cuộc sống từ đó đối với họ là mỗi một trải nghiệm mới hơn, không bao giờ là cũ.

Con người cần học tập để có thể làm được nhiều việc có ích cho xã hội và cho bản thân, cuộc sống là vô nghĩa nếu như không biết đấu tranh cho việc học tập, ngừng tìm hiểu về cuộc sống, về tri thức tức là tự mình bỏ qua cách sống thật sự ý nghĩa, thật sự trọn vẹn.

Nhận ra được chân lí trong câu nói của Lênin, là chúng ta đã phần nào định hình cho mình một cuộc sống mà tự mình nhận ra nó thú vị, luôn luôn mới mẻ. Học nữa, và học mãi chính là chân lý cho việc tìm hiểu nhiều hơn, mỗi chúng ta nếu không cố gắng học tập, thì đã tự giam mình vào một cái lồng của thứ kiến thức nhỏ bé, thứ kiến thức không có giá trị.

Học, học nữa, học mãi - Mẫu 10

Mỗi con người muốn thành công thì phải học, việc học không phải chỉ dành cho những người còn ngồi trên ghế nhà trường mà dành cho tất cả mọi người. Bởi tri thức là vô hạn, không bao giờ chúng ta có thể học hết được tri thức. Vì thế mà câu nói của Lênin dưới đây thật có ý nghĩa: “Học, học nữa, học mãi”.

Nói đến học chúng ta hiểu ngay là quá trình khám phá và tiếp thu những tinh hoa kiến thức của nhân loại. Học theo đó mà hướng đến việc mở rộng khả năng hiểu biết, hướng đến việc rèn luyện kĩ năng. Và từ đó mà tạo dựng nền móng vững chắc cho nghề nghiệp của mình. Học không chỉ ở trường, mà chúng ta còn học ở gia đình, ở ngoài xã hội. Học không chỉ cứ nhắm đến những kiến thức khoa họ lớn lao mà việc học chỉ đơn giản là việc học ăn, học nói, học cách cư xử, đối đãi, giao tiếp hằng ngày. Như vậy học là một quá trình luyện rèn toàn diện và diễn ra ở khắp mọi nơi. Nó hướng đến mục tiêu giúp cho bản thân mỗi chúng ta trở thành những con người hoàn thiện, có đức, có tài và có ích cho sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng tương lai.

Vì sao Lênin lại dùng từ “học nữa” và “học mãi” để răn dạy thế hệ đi sau. “Học nữa” là học để nâng cao trình độ, để mở mang vốn trí thức cho bản thân mình. Tri thức của con người là vô cùng, vô tận, mà tri thức nào cũng đẹp, cũng hay, cũng cần thiết và hữu ích. Thế nên chúng ta phải rèn luyện thói quen không ngừng học tập. Học tập là sự nghiệp suốt cuộc đời. Vì thế mà Lênin mới gọi đó là “học mãi”. Mỗi con người chúng ta có “học nữa học mãi” suốt cuộc đời cũng không bao giờ là đủ. Làm sao trong đời một con người có thể học hết được vốn tri thức của nhân loại. Điều này lại một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc học cũng như nhiệm vụ của mỗi con người là không ngừng học tập.

Thực tế chỉ ra rằng kho tàng tri thức của nhân loại là mênh mông, chúng ta có dành hết cuộc đời cũng không sao tìm tòi hết được. Nhưng nếu chúng ta không học, chúng ta sẽ không có tri thức để đảm bảo cho cuộc sống. Hơn thế nữa, tri thức của chúng ta lại luôn lạc hậu so với sự phát triển nói chung. Thế nên để có thể tồn tại và trong cuộc sống này một cách vững vàng và hữu ích, chúng ta phải luôn luôn có ý thức bổ sung và tinh lọc ngay chính kho tàng tri thức của bạn thân mình.

Ngày nay trình độ khoa học kĩ thuật cũng ngày một phát triển hiện đại. Vì thế nếu chúng ta không xác định được rõ mục đích và động cơ học tập, chúng ta sẽ bị tụt hậu trước sự phát triển quá nhanh của xã hội. Khi ấy chúng ta sẽ trở thành những người vô dụng. Cuộc sống của chúng ta sẽ nhàm chán và vất vả biết nhường nào nếu không có tri thức.

Lời căn dặn của Lênin thật bất hủ, nó có ý nghĩa rất lớn và đặc biệt nó rất phù hợp với truyền thống hiếu học của dân tộc chúng ta. Truyền thống ấy trở thành ngọn lửa thắp sáng niềm tin, ước mơ và khát khao cho không biết bao thế hệ. Vì thế để xứng đáng với quá khứ của cha ông, thế hệ trẻ chúng ta ngay từ hôm nay cũng phải ra sức học hành, phải coi việc học là mục tiêu, là đích đến và tương lai bền vững lâu dài.

Ngày nay chúng ta vẫn coi câu nói của Lênin như một khẩu hiệu về niềm ham mê học tập mà thế hệ trước để lại cho thế hệ sau. Rất nhiều trường học để dòng chữ: “Học, học nữa, học mãi” ngay trước cổng trường, như một lời nhắc nhở chúng ta không ngừng học tập. Chỉ có học tập con người mới tiếp thu được kiến thức của nhân loại, từ đó giúp ích cho bản thân và cho nước nhà.

 

Quảng cáo

book vietjack

CÂU HỎI HOT CÙNG CHỦ ĐỀ

Câu 1:

Hãy viết bài văn nghị luận về những tác động tích cực và tiêu cực của mạng xã hội đến học sinh. (10 mẫu)

Xem đáp án » 23/12/2022 20,391

Câu 2:

Hãy viết bài văn nghị luận về vai trò của việc tự học. (10 mẫu)

Xem đáp án » 23/12/2022 3,646

Câu 3:

Bài viết đã đưa ra ý kiến, lí lẽ, bằng chứng nào về sự tha thứ?

Xem đáp án » 12/06/2022 1,991

Câu 4:

Xác định đoạn văn có chức năng giải thích và đoạn văn có chức năng bổ sung, xem xét vấn đề từ nhiều khía cạnh

Xem đáp án » 12/06/2022 1,465

Câu 5:

Ở phần kết bài, tác giả đã đề xuất giải pháp gì? Theo em, giải pháp đấy có hợp lí, khả thi hay không?

Xem đáp án » 12/06/2022 1,452

Câu 6:

Tác giả viết bài văn này nhằm mục đích gì?

Xem đáp án » 12/06/2022 1,362

Bình luận


Bình luận