Câu hỏi:
04/01/2023 1,253Sách mới 2k7: Bộ 20 đề minh họa Toán, Lí, Hóa, Văn, Sử, Địa…. form chuẩn 2025 của Bộ giáo dục (chỉ từ 110k).
Quảng cáo
Trả lời:
Mẫu 1
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, có vô vàn những câu truyện dân gian hay, cảm động và có ý nghĩa, trong số đó có truyện “Sọ Dừa” một câu chuyện với nhiều tình tiết hoang đường đầy ly kì nhưng cũng mang rất nhiều ý nghĩa cuộc sống nhất là ước mơ của những người nông dân nghèo.
Sọ Dừa ra đời một cách vô cùng huyền bí và li kì với nhiều tình tiết hư cấu, kì ảo. Một bà mẹ đã lâu chưa có con một ngày bà đi làm đồng do khát nước lại thấy nước trong một chiếc sọ dừa liền uống. Về nhà bà có thai sau đó đẻ ra một bé trai không chân và không tay, duy nhất chỉ có mỗi một cái đầu nhìn như sọ dừa, nên cậu bé được đặt là Sọ Dừa. Khi Sọ Dừa lên 7-8 tuổi thì cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Khi mẹ nói Sọ Dừa rằng nhà càng lúc càng nghèo và không biết lấy gì để nuôi Sọ Dừa nữa, không biết rồi cuộc sống của hai mẹ con ta sẽ ra sao. Sọ Dừa liền nói với mẹ: “mẹ yên tâm con lớn rồi con sẽ đi ở đợ cho nhà phú hộ kiếm tiền nuôi mẹ”. Cho thấy Sọ Dừa tuy là đứa trẻ tật nguyền nhưng lại vô cùng có hiếu, là đứa con ngoan biết giúp đỡ gia đình.
Tuy Sọ Dừa mang hình hài xấu xí nhưng lại vô cùng nhanh nhẹn và hoạt bát, nên khi xin đi ở đợ cho nhà phú ông, ban đầu phú ông không nhận nhưng sau một hồi tính toán thiệt hơn, thấy Sọ Dừa nuôi cơm đỡ tốn nên nhận Sọ Dừa. Sọ Dừa hàng ngày đều đưa trâu đi ăn đồng xa, nhìn con nào con nấy đều béo tốt và khỏe mạnh, phú ông lấy làm mừng lắm, càng tin tưởng Sọ Dừa hơn. Nhà phú ông có ba cô con gái nhưng chỉ có cô út là dịu dàng, nết na, hay nhận việc mang cơm cho Sọ Dừa. Chính việc đi đưa cơm cho Sọ Dừa nên cô út mới biết được bí mật rằng Sọ Dừa là một chàng trai khôi ngô, lại còn biết thổi sáo hay nữa.
Sọ Dừa nói với mẹ mình muốn lấy con gái phú ông, vì thương con mẹ Sọ Dừa cũng qua thưa chuyện. Phú ông lấy làm điều nực cười lắm nhưng không từ chối thẳng thừng mà thách Sọ Dừa mang thật nhiều sính lễ là vàng bạc châu báu thì phú ông mới gả con gái cho. Sọ Dừa vốn dĩ là tiên xuống trần gian để thử lòng con người, vì vậy Sọ Dừa biến được nhiều vàng bạc để làm sính lễ.
Hai cô chị nhà phú ông thấy Sọ Dừa xấu xí, khác người thì đã lắc đầu bĩu môi không thèm nhìn, chỉ có mỗi cô út là gật đầu đồng ý. Sau khi lấy được vợ Sọ Dừa trở về hình hài là một chàng trai tuấn tú, thông minh, Sọ Dừa đã biến một ngôi nhà vô cùng khang trang, tráng lệ, có người hầu đi lại liên tục. Chính điều này đã làm cho hai cô chị nhà phú ông không khỏi tiếc nuối và nghiên tức với cô Út.
Hình ảnh Sọ Dừa khác người, hình dạng xấu xí, đã thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc, sự thương cảm và lòng ưu ái, cảm thông của nhân ta đối với những số phận thiếu may mắn, bất hạnh, khi sinh ra bị khiếm khuyết. Câu truyện cũng muốn nhắn nhủ đến mọi người không nên chỉ chú trọng vẻ bên ngoài mà đánh đồng những đức tính bên trong của con người. Sọ Dừa khiếm khuyết nhưng nhiều tài, thông minh, nhanh nhẹn. Vẻ bề ngoài không thể biểu hiện được cả mặt chất và lượng của một con người.
Qua nhân vật Sọ Dừa nhân dân ta khi xưa muốn ngợi ca tình yêu một tình yêu trong sáng, không hám danh lợi, tình yêu chung thủy, không vì cái ngoại hình bên ngoài mà chia rẽ được tình cảm lứa đôi. Vì tình yêu con người ta có thể vượt qua được tất cả những khó khăn, thử thách. Đó chính là ước muốn, thông điệp của nhân dân qua hình ảnh nhân vật Sọ Dừa.
Mẫu 2
Sọ Dừa là truyện cổ về người mang lốt vật, được truyền tụng lâu đời trong dân gian. Truyện thể hiện ước mơ đổi đời, mong muốn những điều tốt đẹp, hạnh phúc sẽ đến với người hiền lành, lương thiện và khát vọng công lí của người xưa. Truyện còn đặt ra bài học về cách đánh giá con người: Đừng nhìn hình thức bên ngoài mà vội nhận xét bản chất bên trong. Bài học ấy được gửi gắm qua hình ảnh chàng Sọ Dừa dị dạng mà tài đức vẹn toàn.
Sự ra đời của Sọ Dừa có nhiều nét khác thường. Bà mẹ đi rừng khát nước, uống nước trong một cái sọ dừa rồi có thai sinh ra đứa con chỉ có cái đầu tròn lông lốc, thân mình, chân tay chẳng có. Bà mẹ chỉ vì thương con nên giữ lại nuôi và đặt tên là Sọ Dừa.
Các tình tiết li kì về sự ra đời và hình dạng khác thường của Sọ Dừa thể hiện sự quan tâm của nhân dân đến một loại người đau khổ nhất, số phận thấp hèn nhất trong xã hội. Đau khổ, thấp hèn từ dáng vẻ bề ngoài, lại bị coi là “vô tích sự”. Hình ảnh cái đầu tròn lông lốc gợi sự thương cảm sâu xa của mọi người đối với nhân vật này.
Tưởng chừng Sọ Dừa là kẻ vô tích sự, nào ngờ chàng lại làm việc giỏi. Chàng thưa với mẹ hãy xin phú ông cho chàng chăn đàn bò đông đúc của ông ta. Thật khó mà tin rằng chàng làm được công việc vất vả ấy. Thế mà chỉ sau một thời gian, bò con nào con nấy bụng no căng, béo mượt khiến phú ông rất hài lòng.
Chăn bò cực nhọc vô cùng nhưng Sọ Dừa đã biết tạo cho mình một niềm vui… Những lúc đàn bò mải mê gặm cỏ, Sọ Dừa trút bỏ lốt quái dị, biến thành một chàng trai tuấn tú, đu đưa trên chiếc võng đào mắc giữa hai thân cây, ung dung thổi sáo. Thật là thong dong, thư thái. Lao động nặng nhọc đã trở thành niềm vui nhẹ nhàng. Sọ Dừa không những lao động giỏi mà còn tài hoa biết mấy!
Bất ngờ và kì lạ hơn cả là Sọ Dừa nhờ mẹ đi hỏi con gái phú ông về làm vợ. Nghèo hèn, dị dạng, lại làm đầy tớ cho nhà người ta, thế mà chàng lại dám làm điều thiên hạ cho là đũa mốc mà chòi mâm son. Bà mẹ ngạc nhiên, thậm chí sợ hãi nhưng rồi cũng phải chiều con. Phú ông bật cười mai mỉa và thách cưới một cách nghiệt ngã, tưởng chừng giàu có cỡ nào cũng không lo nổi. Hắn định bụng trừng trị mẹ con gã đầy tớ kia một cách đích đáng. Vậy mà chỉ hôm sau, Sọ Dừa có đủ sính lễ theo yêu cầu của phú ông: mười mâm lụa đào, mười con lợn béo, một vò rượu tăm, một chĩnh vàng cốm. Sọ Dừa không phải là người phàm trần, chàng đã hóa phép ra tất cả.
Những đòi hỏi về sính lễ của phú ông có ý nghĩa như là một thử thách ban đầu mà Sọ Dừa phải vượt qua. Phú ông hoa mắt vì tham, nhưng rõ ràng vẫn ngần ngại, đo đó mới có chi tiết: Lão lúng túng nói với bà cụ: – Để ta hỏi con gái ta, xem có đứa nào ưng lấy thằng Sọ Dừa không đã. Điều lão không ngờ đã xảy ra là trong khi hai cô chị bĩu môi chê bai, thi cô út đồng ý lấy Sọ Dừa. Thế là phú ông đành phải nhận lễ và gả cô út cho Sọ Dừa.
Khác với hai cô chị, cô út nhận biết được thực chất vẻ đẹp bên trong của Sọ Dừa nên đã thuận lòng lấy chàng. Trong truyện này, bên cạnh nhân vật chính là Sọ Dừa, cô Út cũng là nhân vật đáng chú ý. Hai cô chị vốn tính ác nghiệt, đỏng đảnh nên thường hắt hủi Sọ Dừa. Cái định kiến sâu sắc về sự thấp kém, về sự dị hình và vô dụng đã khiến hai cô chị không thể nhìn thấy được bản chất tốt đẹp của Sọ Dừa.
Cô Út hiền lành, tính hay thương người. Ngay cả khi chưa biết gì về những điều kỳ lạ của Sọ Dừa, cô vẫn đối xử với Sọ Dừa rất tử tế. Phép lạ của Sọ Dừa có được là nhờ sự kết hợp của hai yếu tố: thứ nhất là dưới bề ngoài xấu xí, thực chất Sọ Dừa là chàng trai khôi ngô, tài giỏi và thứ hai là lòng thương người của cô Út. Chính lòng thương người ấy giúp cô có dịp thấy được bên trong cái hình hài sọ dừa lăn lóc là một chàng trai khôi ngô, tài giỏi. Cô út trỏ thành bà Trạng là phần thưởng xứng đáng mà truyện cổ thường dành cho những người nhân hậu.
Như vậy, ở truyện này, giá trị,cao quý của con người không chi thể hiện ở nhân vật Sọ Dừa mà còn thể hiện ở nhân vật cô út. Nhờ cô út, giá trị của Sọ Dừa mới có thể bộc lộ và phát triển. Cưới được con gái út phú ông, Sọ Dừa đã xóa được cái hố sâu ngăn cách giữa giàu và nghèo, giữa tầng lớp trên và tầng lớp dưới trong hôn nhân thời phong kiến. Bằng tài năng, đạo đức của mình, chàng buộc phú ông phải chịu thua. Đến lúc này, chẳng cần phải tiếp tục giấu mình trong cái lốt xấu xí nữa, Sọ Dừa hiện nguyên hình là một chàng trai khôi ngô, đẹp đẽ và càng tỏ ra có tài, có đức. Chàng học giỏi, thông minh khác thường và thi đỗ Trạng nguyên rồi được nhà vua cử đi sứ ở nước ngoài. Chàng đã đạt tới tột đỉnh danh vọng cao sang. Sọ Dừa đã đem đến cho người đọc những bất ngờ hết sức thú vị.
Nhưng hạnh phúc của chàng bị đe dọa bởi lòng đố kỵ và sự ghen ghét của những kẻ lòng dạ xấu xa. Hai cô chị vốn khinh rẻ Sọ Dừa, nay thấy chàng thành đạt lại rắp tâm hãm hại em gái để được làm vợ quan trạng. Mưu mồ của chúng thật hiểm độc nhưng nhờ trí tuệ sáng suốt, Sọ Dừa đã dự đoán và lo xa được tất cả. Trước khi lên đường, chàng chuẩn bị chu đáo cho vợ: con dao, hai quả trứng, hòn đá lửa… để phòng thân.
Quả nhiên, khi nàng út bị hãm hại, các thứ đó đều có ích cho nàng. Dao đâm chết cá kình, đá đánh ra lửa nướng cá làm thức ăn. Đặc biệt là hai quả trứng nở ra hai con gà sớm hôm bầu bạn với nàng và tiếng gáy của chú gà trống đã báo cho quan trạng biết mà ghé vào đảo hoang cứu vợ. Không chi có tài và trí, Sọ Dừa còn là người nhân đức và độ lượng. Trở về quê hương, chàng mở tiệc mừng sum họp. Mặc dù biết rõ lòng dạ độc ác của hai người chị nhưng chàng không một lời trách cử, chi lặng lẽ đưa vợ ra chào. Hai người chị xấu hổ, nhục nhã, âm thầm trốn đi. Vậy là quan trạng Sọ Dừa có đủ cả tài, đức, trí. Chàng xứng đáng được hưởng hạnh phúc.
Người xưa đã thành công khi miêu tả hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong của nhân vật Sọ Dừa có sự đối lập đến mức kỳ lạ. Dưới cái lốt kì quái, Sọ Dừa có đủ vẻ đẹp cả về hình dáng lẫn tài năng, phẩm chất tuyệt vời. Sự đối lập ấy khẳng định cái đáng quý là phẩm chất bên trong và đề cao giá trị của con người chân chính.
Trong xã hội phong kiến trọng người giàu sang, khinh kẻ nghèo hèn, người lao động khó lòng vượt qua số phận tăm tối của mình. Cho nên sự biến đổi kỳ diệu của Sọ Dừa chính là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú, thể hiện sức sống và tinh thần lạc quan mãnh liệt của nhân dân lao động. Còn sống là còn hy vọng, còn mơ ước, còn tin tưởng vào chiến thắng tất yếu của lòng tốt và sự công bằng trước sự độc ác, bất công của cuộc đời.
Mẫu 3
Truyện cổ tích là loại truyện dân gian kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật quen thuộc như nhân vật bất hạnh, nhân vật dũng sĩ và nhân vật có tài năng kì lạ, nhân vật thông minh và nhân vật ngốc nghếch, nhân vật là động vật. Tuy các nhân vật trong chuyện cổ tích có sự đa dạng về hình hài, số phận nhưng đều có đặc điểm chung là chúng được xây dựng nhằm thể hiện những ước mơ niềm tin của nhân dân về sự chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu, sự công bằng đối với sự bất công. Truyện cổ tích “Sọ Dừa” là một câu chuyện về đề tài “người đội lốt vật”, qua đó các tác giả dân gian đã khẳng định vẻ đẹp chân chính của con người, cũng như sự đồng cảm đối với những con người có số phận bất hạnh trong xã hội.
Trước hết, Sọ Dừa có một sự ra đời vô cùng kì lạ, một lần vào rừng hái củi, mẹ của Sọ Dừa đã uống nước ở trong một cái sọ dừa bên gốc cây, từ hôm đó về nhà bà hoài thai và sinh ra Sọ Dừa. Và khi sinh ra Sọ Dừa cũng có một hình dáng vô cùng kì lạ “…một đứa bé không chân, không tay, tròn như một quả dừa”, và khi người mẹ có ý định vứt bỏ thì đứa bé kì lạ này còn biết cất tiếng gọi đầy tha thiết, tội nghiệp “Mẹ ơi, con là người đây. Mẹ đừng vứt con đi mà tội nghiệp”. Đây là một tình tiết đầy kì lạ, bởi Sọ Dừa không chỉ có hình dáng khác người mà dường như cũng trưởng thành hơn, không giống như những đứa trẻ mới sinh. Có lẽ đây cũng chính là đặc điểm của những câu chuyện cổ tích, các tác giả dân gian xây dựng những yếu tố kì lạ để thể hiện những quan niệm thực, cách nhìn nhận, đánh giá rất thực về con người, về nhân sinh.
Sọ Dừa dù lớn cũng không khác gì lúc nhỏ, lúc nào cũng lăn lông lốc trong nhà, không làm được việc gì, khiến cho bà mẹ phải lên tiếng than phiền “Con nhà người ta bảy, tám tuổi đã đi ở chăn bò. Còn mày chẳng được tích sự gì”. Tuy nhiên, Sọ Dừa không phải là người “không được tích sự” gì như bà mẹ cũng như mọi người suy nghĩ. Ở Sọ Dừa luôn có sự trưởng thành hơn những đứa trẻ cùng trang lứa, thể hiện ngay trong lời nói và hành động của chàng “Gì chứ chăn bò thì con cũng chăn được. Mẹ cứ nói với phú ông cho con đến ở chăn bò”. Ý kiến này của chàng không chỉ khiến cho người mẹ bất ngờ mà còn khiến cho phú ông hoài nghi, thậm chí coi thường “..cả đàn bò giao cho thằng bé người không ra người, ngợm không ra ngợm ấy, chăn dắt làm sao?”.
Nhưng trái lại với sự coi thường, dè bỉu của phú ông, Sọ Dừa chăn bò rất giỏi, hàng ngày Sọ Dừa thả bò ra đồng, tối lại dắt về, không thiếu một con “…bò con nào con nấy bụng no căng”. Theo thời gian, Sọ Dừa cũng trưởng thành, chàng cũng có những mong muốn như bao chàng trai bình thường nào khác, đó chính là khát khao về tình yêu, về hạnh phúc. Cô con gái út của phú ông là người hiền lành, tốt bụng nhất trong ba chị em con phú ông, cô không dè bỉu, coi thường, cũng là người duy nhất tình nguyện mang cơm cho Sọ Dừa, trong một lần mang cơm, cô đã nghe thấy tiếng sáo véo von, khi đến gần thì thấy một chàng trai khôi ngô đang ngồi thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ.
Đây cũng là lần đầu tiên, con người thật của Sọ Dừa được khám phá, không phải với lốt vật như mọi người vẫn thấy. Từ đó mà cô út đem lòng yêu mến Sọ Dừa. Biết được tấm chân tình của cô gái mà Sọ Dừa về giục mẹ đến hỏi con gái phú ông về làm vợ. Ý muốn này thật khó thực hiện, làm cho bà mẹ không khỏi sửng sốt. Vì nếu Sọ Dừa có hình hài như một người bình thường, nhưng với một gia cảnh nghèo khó đã không thể lấy vợ, bởi quan niệm “môn đăng hậu đối” trong xã hội xưa rất khắt khe, hơn nữa đây còn là con gái của phú ông, mà Sọ Dừa cũng đâu phải người bình thường, hình hài của chàng luôn nhận sự coi thường, dè bỉu, đặc biệt là từ phú ông.
Sọ Dừa vốn không phải người bình thường, vốn ẩn giấu những điều kỳ lạ, sức mạnh kì lạ, vì vậy mà những sính lễ mà phú ông đưa ra, gồm “ …một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm” thì cũng không làm khó được Sọ Dừa. Khi chàng mang sính lễ sang bên nhà phú ông, lão đã rất bất ngờ, bị cho những sính lễ ấy làm cho hoa mắt. Lão hỏi con gái xem ai chịu lấy Sọ Dừa, như tính cách kiêu kì vốn có, ác nghiệt vốn có thì cô cả và cô hai không ai chịu lấy Sọ Dừa, chỉ có cô út đồng ý. Đám cưới của Sọ Dừa và cô út cũng vô cùng linh đình, gia nhân chạy ra vào tấp nập, vì vậy mà những người chị độc ác vô cùng ghen tức, có phần tiếc nuối vì khi ấy không chịu lấy Sọ Dừa.
Cuộc sống của vợ chồng Sọ Dừa vô cùng hạnh phúc, hơn nữa chàng còn ngày đêm đèn sách, chờ khoa thi. Và đúng như dự đoán, Sọ Dừa đã đỗ trạng nguyên, vua sai chàng đi sứ. Vốn là người thông minh, lại có cảm giác bất an nên Sọ Dừa đã đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà, dặn phải luôn mang trong người, phòng khi phải dùng đến. Quả nhiên như vậy, khi Sọ Dừa đi thì hai bà chị đã nhẫn tâm hại cô em gái, ý định muốn thay em làm bà trạng. Nhưng vì đã có những vật dụng mà Sọ Dừa đã đưa mà cô vợ có thể thoát khỏi kiếp nạn này. Không những thế, đó còn là những vật dụng giúp Sọ Dừa tìm được vợ.
Như vậy, nhân vật Sọ Dừa là kiểu nhân vật người mang lốt vật trong truyện cổ tích, đây là kiểu nhân vật khá quen thuộc trong truyện cổ tích của Việt Nam. Thông qua nhân vật này, các tác giả dân gian muốn đề cao giá trị của con người, đồng thời thể hiện sự đồng cảm với những con người bất hạnh trong cuộc sống. Các tác giả cũng thể hiện niềm tin cũng như khát vọng về lẽ công bằng ở đời, theo đó những con người thiện lương, tốt bụng sẽ được hưởng hạnh phúc, người có dã tâm độc ác sẽ phải nhận lấy những quả báo.
Mẫu 4
Truyện cổ tích "Sọ Dừa" là một câu chuyện ly kỳ hấp dẫn, mang nhiều yếu tố hoang tưởng thần kỳ vô cùng phong phú. Sọ Dừa là một truyện cổ tích do trí tưởng tượng của tác giả dân gian xây dựng lên, nhưng nó nói lên ước mơ khát vọng của người dân lao động xưa. Nhân vật Sọ Dừa đại diện cho mong ước của người nông dân lao động nghèo khổ. Nhân vật Sọ Dừa được ra đời một cách ly kỳ mang yếu tố kỳ ảo. Có một bà mẹ hiếm muộn đã lâu chưa có con một hôm bà đi làm đồng khát nước quá nhìn thấy nước mưa chứa trong một cái sọ dừa bà liền uống.
Về nhà bà mang thai rồi để ra một cậu bé trai không có chân tay, chỉ có mỗi cái đầu, tròn lăn như sọ dừa. Bà liền đặt tên con trai mình là Sọ Dừa. Năm Sọ Dừa được chừng 7-8 tuổi trong nhà ngày càng khó khăn. Mẹ Sọ Dừa mới tâm sự với con nhà mình càng ngày càng nghèo không biết mẹ con ta sẽ sống sao? Thì Sọ Dừa liền nói với mẹ rằng "mẹ yên tâm con lớn rồi con sẽ đi ở đợ cho nhà phú hộ kiếm tiền nuôi mẹ." Điều này cho thấy Sọ Dừa là nhân vật có hiếu với cha mẹ, là người biết tự lập từ khi còn rất nhỏ.
Sọ Dừa xấu xí nhưng nhanh nhẹn, chàng xin mẹ cho đi làm chăm trâu cho gia đình phú hộ gần nhà, phú hộ lúc đầu không muốn nhận nhưng nghĩ nuôi Sọ Dừa ít tốn cơm hơn nên nhận lời cho làm thử. Sọ Dừa ngày ngày đi chăn trâu, ở rất xa, khi về con nào con đó đều béo khỏe, phú hộ vui lắm. Nhà phú hộ có ba cô con gái nhưng hai cô chị kiêu ngạo, đánh đá chỉ có cô em út hiền lương, dịu dàng thường mang cơm cho Sọ Dừa. Cô út nhiều lần mang cơm đã phát hiện ra sự việc lạ đó là Sọ Dừa thực ra là một chàng trai vô cùng khôi ngô tuấn tú, có tài thổi sáo rất hay.
Sọ Dừa nhờ mẹ mình sang hỏi con gái phú hộ cho mình. Phú hộ buồn cười lắm nhưng mà ông ta cũng đồng ý với điều kiện nhà Sọ Dừa phải lo được nhiều vàng bạc châu báu thì mới được cưới con gái lão. Bởi lão nghĩ nếu từ chối thẳng thừng thì không hay lắm nên cứ thách cưới thật cao, cho mẹ con nhà Sọ Dừa bỏ cuộc bởi nhà Sọ Dừa nghèo khó lấy đâu ra vàng bạc châu báu mà cưới con gái lão.Nhưng lão phú hộ đã nhầm, Sọ Dừa thực ra là người tiền xuống trần gian thử lòng người, nếu ai tốt thì gặp may mắn hạnh phúc, còn ai xấu xa thì phải trả giá. Chính vì vậy, Sọ Dừa đã biến ra nhiều vàng bạc để tới hỏi cưới con gái phú hộ.
Nhưng hai cô chị vừa thấy Sọ Dừa là đã bĩu môi, lườm nguýt chẳng thèm nhìn một lần. Họ chỉ thấy Sọ Dừa là một cục thịt có mỗi cái đầu lăn đi lăn lại như trái bóng, khác nào một tên tàn phế, dị hợm, nên không bao giờ thèm ngó tới Sọ Dừa, chỉ có cô con gái út của phú hộ là e thẹn đồng ý. Sau khi lấy vợ Sọ Dừa trút bỏ bộ dạng xấu xí biến thành chàng trai khôi ngô, học giỏi, biến ngôi nhà lụp xụp của mẹ mình thành nhà cao cửa rộng khang trang có người hầu kẻ hạ. Khiến hai cô chị con gái phú hộ ganh ghét đố kỵ với em út của mình.
Đằng sau nhân vật Sọ Dừa xấu xí chính là tấm lòng nhân đạo chứa đựng nhiều lòng chắc ẩn của người dân xưa với những con người bị hẩm hiu số phận thiếu may mắn cho họ một vẻ bề ngoài xấu xí. Tác giả dân gian xưa muốn khuyên nhủ con người không nên nhìn vẻ bên ngoài mà đánh giá con người bên trong. Sọ Dừa tuy xấu xí nhưng tài giỏi, mưu trí, thông minh nhanh nhẹn hơn người.Ngoài ra, thông qua nhân vật Sọ Dừa tác giả dân gian xưa muốn ca ngợi tình yêu thật lòng chung thủy, không vì tiền bạc, hoặc ngoại hình bên ngoài tình yêu nam nữa có thể vượt qua mọi rào cản ranh giới giàu nghèo, xấu đẹp để tới với nhau xây dựng cuộc sống hạnh phúc.
Nó chính là mong ước, khát vọng của người xưa muốn nhắn gửi thông qua nhân vật Sọ Dừa. Dù nhân vật Sọ Dừa xấu xí nhưng lại thông minh, có tài thổi sáo vô cùng hay, có tài chăn bò rất giỏi có sự nhanh nhẹn hoạt bát. Đừng nhìn vẻ bề ngoài mà vội vàng kết luận đánh giá một con người, hoặc làm tổn thương ai đó vì vẻ bề ngoài không được đẹp đẽ của họ, thể hiện sự nhân văn của tác giả dân gian với những số phận chịu bất hạnh trong cuộc sống.
Mẫu 5
Trong các truyện cổ tích Đông Tây thường có những người, và bên ngoài xấu xí đến ghê tởm, nhưng chính đó lại là trai tài, gái sắc. Có lẽ là tác giả hư cấu ra như vậy để thử thách người chỉ biết nhìn cái vỏ ngoài mà không chú ý đến thực chất bên trong chăng?
Sọ Dừa là một nhân vật như vậy. Sinh ra dị dạng nhưng thực ra là một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, có tài nghệ, lao động lại giỏi giang: Chuyện đó không ai biết cả, từ mẹ chàng cho đến phú ông thuê chàng ở chăn bò. Phú ông có ba người con gái thì hai cô chị cũng không biết, chỉ cô em út biết mà thôi. Vì thế mà hai cô chị đối với chàng tỏ ra khinh thường, còn cô em út thì đem lòng yêu mến, bằng lòng lấy Sọ Dừa khi Sọ Dừa cầu hôn.
Phú ông tưởng cứ thách cưới cho to là mẹ con Sọ Dừa, nhà nghèo lấy đâu ra mà sửa sang đô sính lễ! Chẳng ngờ, Sọ Dừa đưa đầy đủ những gì phú ông thách cưới. Lúc này Sọ Dừa mới biến thành một chàng trai tuấn tú. Rồi chàng dùi mài kinh sử, gặp khoa thi, đỗ Trạng nguyên, được bổ làm quan.
Bấy giờ hai cô chị vốn ác nghiệt, chua ngoa với Sọ Dừa rắp tâm hại em để cướp chồng em, thay em làm bà Trạng! Nhân khi quan Trạng đi sứ, ở nhà hai cô chị lập mưu xô em xuống sông, giữa dòng nước xoáy. Nhưng trời không để nàng chết. Nàng trôi dạt vào một đảo hoang. Đến khi thuyền quan Trạng đi sứ trở về qua thì hai vợ chồng lại gặp nhau. Tất nhiên, hai cô chị xấu hổ, bỏ trốn đi biệt xứ.
Truyện có nhiều tình tiết hoang đường như Sọ Dừa lúc sinh ra chỉ là một cục thịt, không có tay chân, nhưng biết nói, biết chăn bò, vv... Hoặc như quan trạng biết trước vợ sẽ gặp tai nạn nên lúc ra đi, đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà. Nhờ có những thứ ấy mà cá kình nuốt vào bụng, nàng không chết, lại lấy dao mổ bụng cá chui ra, vv... Nhưng ý nghĩa truyện thì rõ ràng: "Người chăm chỉ lao động sẽ được đền bù; người hiền hậu sẽ được hưởng hạnh phúc. Chỉ có kẻ ác độc mới phải chịu số phận hẩm hiu".
Mẫu 6
Trong truyện cổ tích Sọ Dừa ngoài nhân vật chính là Sọ Dừa thì nhân vật cô Út cũng là một nhân vật đáng được nhắc đến hơn cả. Cô Út là hiện thân cho hình mẫu phụ nữ tiêu biểu của thời kỳ phong kiến, hiền lành, dịu dàng, công dung ngôn hạnh, tài đức có đủ.
Trong truyện cô Út xuất hiện lần đầu bằng những dòng rất vắn tắt “hiền lành, tính hay thương người, đối đãi với Sọ Dừa rất tử tế”, người ta không đề cập đến nhan sắc của cô, nhưng có lẽ đây là một người con gái có vẻ đẹp dịu dàng. Sọ Dừa vốn mang một hình hài quái dị, trong thực tế nếu là ai thì cũng có phần kiêng dè, nhưng chỉ có riêng mình cô Út lại không như thế, hẳn cô ấy phải có một lấm lòng nhân hậu và một tình thương vô bờ bến, cảm thông sâu sắc trước cảnh tội nghiệp của chàng, càng vì thế cô lại càng dặn lòng phải đối xử tử tế với Sọ Dừa. Người tốt thì thường được trời thương, cô Út may mắn thấy được hình dáng thực sự của Sọ Dừa, chàng vốn chẳng phải người phàm trần, mà là một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, lâu nay vẫn ẩn núp trong cái sọ dừa, lại có tiếng sáo làm say lòng người. Trái tim của cô gái hiền lành, tốt bụng ấy chẳng biết từ lúc nào đã âm thầm cảm mến chàng trai, yêu thương chàng mà không cầu mong điều chi, chỉ lặng lẽ chăm sóc “có của ngon vật lạ đều giấu đem hết cho chàng”.
Cô Út không biết được rằng Sọ Dừa vốn đã nhìn thấu tâm tư của cô nàng qua sự ân cần chăm sóc, chàng hỏi cưới con gái của phú ông, nhưng không chỉ rõ là ai, mục đích là muốn xác nhận xem cô Út có muốn là người đi cùng chàng suốt đời hay không. Lẽ dĩ nhiên, một người con gái như Út, bỗng được người mình thầm yêu bấy lâu ngỏ ý cầu hôn, thì bụng bảo dạ “e lệ, cúi mặt xuống, tỏ ý bằng lòng”. Chi tiết này cho thấy cô Út là người rất ngoan hiền, ở cô có sự e ấp, ngượng ngùng đúng kiểu thiếu nữ thời xưa. Có câu “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu”, cô Út rất vâng lời cha, cô chưa bao giờ cãi lời hay tỏ thái độ không bằng lòng, vô cùng nhu mì và đúng mực, không giống như hai cô chị vừa chanh chua lại chỉ biết coi thường người khác. Và với những đức tính tốt đẹp cùng lòng yêu thương, cô đã có một cuộc hôn nhân viên mãn, bên cạnh một chàng trai tài giỏi.
Sóng gió ập đến khi, Sọ Dừa nay đã trở thành trạng nguyên và được cử đi sứ, cô Út ở nhà một mình cùng với hòn đá lửa, hai quả trứng và con dao găm mà chồng cho. Hai cô chị bộc lộ dã tâm muốn làm bà trạng, bèn hợp mưu giết cô em, đẩy cô xuống biển cho chết đuối. May thay dù bị cá kình nuốt chửng nhưng cô Út vẫn đủ sự bình tĩnh và dũng cảm, lấy ra con dao găm chồng cho để rạch bụng cá chui ra và bơi vào bờ, rồi lại cực kỳ thông minh, sáng tạo khi tận dụng luôn thịt con cá Kình để làm nguồn thức ăn duy trì sự sống, hòn đá lửa chính là công cụ để cô nấu chín thức ăn. Tuy không nhắc nhiều đến cuộc sống của cô trên đảo nhưng có thể thấy được rằng cô Út là một người phụ nữ kiên cường, ở cô có sự lạc quan, yêu đời, cô sống rất thong dong, thậm chí còn ấp được một đôi gà đẹp để vui vầy làm bạn, và hàng ngày cô vẫn tìm cách để trở về, chưa bao giờ nản chí. Nếu như đặt vào một người phụ nữ khác chưa chắc đã có đủ bình tĩnh và bản lĩnh như cô Út, một thân một mình trên đảo hoang, mà có lẽ đã chết ngay từ trong bụng cá rồi cũng nên.
Sau bao trắc trở cuối cùng cô Út cũng gặp lại chồng, hai người lại sống một cuộc sống êm đềm hạnh phúc, còn kẻ gây tội ác thì mãi mãi phải đi biệt xứ. Ở đây không thấy nhắc đến chi tiết trả thù của cô Út, có lẽ xuất phát từ tấm lòng nhân hậu, bao dung của cô, nể tình chị em cô Út đã bỏ qua, dù trước kia hai cô chị toan giết mình. Điều đó lại càng làm cho hai cô chị cảm thấy tội lỗi chồng chất, bèn bỏ đi biệt tích, không quay lại. Chi tiết này đề cao tính nhân văn, triết lý của câu chuyện, cách trả thù tốt nhất là sự tha thứ xuất phát từ lòng khoan dung.
Như bao câu chuyện cổ tích khác, Sọ Dừa đem đến cho chúng ta một câu chuyện hấp dẫn và đặc sắc, với chi tiết cái sọ dừa hóa thành chàng trai tài giỏi. Đồng thời đây cũng là một bài học đáng giá trong cuộc sống, giáo dục cho chúng ta những triết lý nhân sinh sâu sắc, ở hiền thì gặp lành, ở ác thì không bao giờ có được kết cục tốt đẹp. Ngoài ra còn cho chúng ta thấy lòng nhân hậu sẽ đem đến cho chúng ta nhiều điều tuyệt vời, trong truyện là nhân vật cô Út với tấm lòng thiện lương cuối cùng có một người chồng tài giỏi lại yêu thương cô hết mực, cuộc sống viên mãn đủ đầy.
Từ thuở em còn bé tí, bà nội đã kể cho em nghe bao câu chuyện cổ thật hay. Những nhân vật hiền lành, tài năng như Thạch Sanh, cô Tấm, An Tiêm, Lang Liêu… đã để lại trong tâm trí em ấn tượng sâu sắc. Truyện Sọ Dừa cũng là một cổ tích lí thú. Nhân vật phú ông trong truyện có ba người con gái, nhưng hạnh phúc không đến với hai cô chị mà chỉ đến với cô Út bởi cô hiền lành nhân hậu, xứng đáng được hưởng hạnh phúc.
Cô Út là người giàu lòng nhân ái. Cô chẳng nề hà gì khi phải mang cơm cho người đầy tớ chăn bò ở tận trên núi cao. Dù Sọ Dừa dị dạng, xấu xí, cô vẫn đối xử ân cần tử tế. Cô thương người như thể thương thân. Những người bất hạnh, sinh ra đã kì hình dị tướng, thường hay buồn tủi. Chỉ cần một chút cảm thông, trân trọng như thái độ của cô Út cũng đủ đem lại cho họ niềm an ủi lớn lao.
Cô Út là người có trái tim vàng. Chính trái tim nhân hậu đó đã cho cô một cách nhìn đời, nhìn người hết sức đúng đắn. Từ những buổi đưa cơm lên núi cho Sọ Dừa, cô đã được chứng kiến chàng có tài thổi sáo tuyệt vời. Tiếng sáo đã nói lên tâm tư, ước vọng của chàng. Cô Út lắng nghe và nhận ra điều đó. Cũng từ đấy cô phát hiện ra điều bí mật của Sọ Dừa. Bên trong cái lốt xấu xí là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài hoa. Cũng giống như ở đời, có biết bao tâm hồn cao thượng ẩn giấu dưới hình dạng cục mịch quê mùa. Việc làm của cô Út đã nhắc nhở mọi người chớ nhìn dáng vẻ bề ngoài mà đã vội nhận xét phẩm chất bên trong.
Cô Út đã hành động theo sự mách bảo của con tim. Cô nhận lời lấy Sọ Dừa trong sự dè bỉu, khinh thường của gia đình, nhất là của hai cô chị. Khi mẹ con Sọ Dừa mang lễ vật sang cầu hôn, phú ông rất lúng túng vì không muốn gả con cho kẻ đầy tớ hèn mọn. Nhưng vốn tham lam, trước bao nhiêu lễ vật quý giá, lão cũng không dám chối từ. Lão đã gọi ba cô con gái lên hỏi ý kiến. Hai cô chị bĩu môi khinh bỉ, chỉ có cô Út e lệ tỏ ý bằng lòng. Bởi vì cô đã nhận ra phẩm chất đẹp đẽ của Sọ Dừa và đem lòng yêu mến chàng. Trong xã hội phong kiến thời xưa, hành động đó chứng tỏ cô là một phụ nữ thông minh và dũng cảm, dám vượt lên những định kiến khắt khe.
Vì nhân hậu, thương người nên cô Út đã vui vẻ chấp nhận cùng Sọ Dừa kết duyên đôi lứa. Hạnh phúc thật sự đã mỉm cười với cô. Sọ Dừa thi đỗ Trạng nguyên, cô Út thành bà Trạng. Nhưng hai cô chị sinh lòng ghen ghét đã lập mưu hãm hại em. Cô Út không thể chết. Sóng biển đã đưa cô dạt vào một hòn đảo vắng. Những đồ vật nhỏ bé thân thuộc cô đem theo bên mình đã giúp đỡ cô. Con dao và hòn đá đánh lửa đã giúp cô sống được giữa đảo hoang. Đôi gà nhỏ trở thành bầu bạn chia sẻ buồn vui cùng cô. Cô Út bền gan vững chí, ngày đêm trông ngóng người chồng yêu quý. Nghị lực, tình yêu và lòng chung thủy tăng thêm sức mạnh cho cô. Cuối cùng, cô Út đã được sum họp cùng quan trạng. Kết thúc có hậu ấy làm thỏa lòng mong ước của bao người từng nghe truyện Sọ Dừa.
Hàng ngàn năm đã trôi qua nhưng hình ảnh cô Út đẹp người đẹp nết đã in sâu trong tâm trí bao người. Truyện Sọ Dừa mãi mãi được người Việt Nam thích thú và truyền tụng.
Mẫu 8
Khi nhắc tới câu chuyện Sọ Dừa, truyện cổ tích nổi tiếng và vô cùng thân thuộc của Việt Nam thì không ai không biết, ngoài Sọ Dừa thì Cô út nhân vật chính trong truyện là một trong những điển hình đại diện cho người con gái xưa: đoan trang, hiền hậu, nết na, thùy mị, một lòng vì chồng nhưng cũng vô cùng sắc sảo và thông minh.
Khác với 2 cô chị đanh đá, tham lam và vô cùng ác nghiệt, luôn hắt hủi và khinh rẻ Sọ Dừa thì cô út lại được khắc họa là người con gái hiền dịu, tốt bụng, luôn sống vì người khác, không ngại khổ, ngại khó. Trong những câu văn đầu miêu tả cô út hiện lên thật xinh đẹp như tiên giáng trần lại còn trong sáng. Lúc đầu cô đâu biết Sọ Dừa là chàng thanh niên đẹp trai, tuấn rú đâu chỉ biết anh vẫn mang trong mình cái vỏ dừa làm vỏ bọc bên ngoài xấu xí và kỳ dị nhưng dù là con giá phú ông nhưng cô chưa bao giờ xem thường hay kinh bỉ chàng mà ngược lại luôn đối đãi với chàng rất tử tế, qua việc này cho thấy cô không những là người hiền lành mà còn biết thương người. Cô vẫn đều đặn mang cơm cho chàng, không thiếu bữa nào, ngược lại thì hai cô chị lúc nào cũng tỏ ra ta là con người ông chủ, xem thường và kinh bỉ Sọ Dừa, nói tới việc mang cơm tới cho chàng là họ tỏ thái độ ngay, môi thì trễ xuống.
Nhắc tới chuyện cưới xin khi phú ông có thiện chí gả con gái cho Sọ Dừa, cô thì lúc nào cũng ngoan ngoãn bố bảo như thế nào thì nghe như thế đó, mà nói chung là cô cũng có thiện cảm ngay từ đầu với chàng rồi, và nhận ra chàng không hề tầm thường như người ta nhìn nhận về anh mà cô cảm nhận được sự phi thường trong con người của chàng. Cho thấy cô là người của ông chủ, có cơ đồ, giàu sang phú quý nhưng chưa bao giờ khinh bỉ và miệt thị ai hết, đồng thời cũng cho thấy sự sắc sảo và thông minh của cô khi nhìn nhận về con người nào đó, không phải ai cũng có thể có được tố chất này.
Rồi một ngày, cô út vẫn thường lệ đưa cơm cho Sọ Dừa, ngạc nhiên không thấy bóng dáng chàng ở đâu chỉ thấy một chàng trai khôi ngô, tuấn tú ngồi thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ, sau hôm đấy chàng trai của chúng ta như biết được tâm tư của cô út trẻ liền đòi mẹ sang nhà phú ông xin cưới, mẹ chàng cũng hoảng hốt không tin nhưng rồi cũng đồng thuận theo con sang xin nhà phú ông cho con trai mình, nghe tin phú ông ngạc nhiên vô cùng nên nảy ra ý định thách cưới vì biết là hoàn cảnh của chàng sẽ không bao giờ đáp ứng nổi sính lễ đâu, nhưng ông đã nhầm mẹ chàng đã mang đầy đủ sính lễ cưới hỏi ngay tới trước mặt ông, ông đành ngậm ngùi bảo ba cô con gái ra cho các on lựa chọn, hai cô chị thì mặt phụng phịu, đùn đẩy mãi, còn tới cô út thì gật đầu ngay, đám cưới diễn ra trong sự bàng hoàng của mọi người, chàng Sọ Dừa ghê sợ kia đâu mà trước mắt họ là chàng trai đẹp tới mê hồn, hai người thật xứng đôi vừa lứa, còn hai cô chị tức lắm. Qua vụ việc cho thấy cô út là người con hiếu thảo, luôn nghe lời bố mẹ, là người vợ hiền dâu thảo.
Họ về sống với nhau, Sọ Dừa quyết tâm thi đỗ trạng nguyên, trong một lần lên kinh vì được vua trọng dụng mời đến, trước khi đi chàng đưa cho vợ một con dao, một hòn đá lửa, hai quả trứng và dặn luôn phải mang theo bên mình, cô út luôn vâng lời và nghe theo sự chỉ bảo của chồng, đúng như dự báo của Sọ Dừa hai cô chị âm mưu sát hại cô út để cướp chồng, họ cố tình đẩy cô xuống biển, bị cá ăn thịt nhưng trong lúc nguy hiểm cô nhớ ra vật dụng mà chồng cô đã bảo cô mang bên người, cô liền lấy con dao rạch bụng cá kình chết, xác của nó dạt vào bờ, cô leo lên bờ thì hai quả trứng nở ra một trống một mái, còn hòn lửa thì cô dùng để sưởi ấm.
Ông cha ta bảo chưa bao giờ sai, ở hiền thì gặp lành, ở ác ắt gặp quả báo, hai cô chị thì cuối cùng nhận cái kết cay đắng, cô út là nhân vật đáng được ngợi ca.
Mẫu 9
Kho tàng truyện dân gian Việt Nam không chỉ để lại cho chúng ta những bài học mang ý nghĩa sâu sắc mà những nhân vật được tạo dựng trong mỗi tác phẩm đều để lại ấn tượng khó quên đối với người đọc. Nhân vật cô em Út trong tác phẩm “Sọ Dừa”đã để lại cho em thiện cảm về lòng tốt, tình yêu thương, bao dung, độ lượng của cô.
Cô em út là một nhân vật mờ trong tác phẩm Sọ Dừa, tuy nhiên lòng nhân ái và sự độ lượng của cô thật đáng trân trọng. Cô là con gái út của phú ông trong một gia đình có ba chị em gái. Sinh ra trong một gia cảnh giàu có, đầy đủ giai nhân, kẻ hầu người hạ, lại được phú ông nuông chiều nhưng không vì thế mà cô mang dáng dấp tiểu thư, yểu điệu. Cô chẳng quản ngại trời trưa, nắng gắt, đường sá xa xôi, nguy hiểm để mang cơm cho người đầy tớ chăn bò ở sau núi.Mặc dù hai cô chị hắt hủi, ghét cay ghét đắng Sọ Dừa bởi thân hình xấu xí, dị dạng nhưng cô thì không hề, ngược lại còn yêu thương, đồng cảm với chàng. Cô em út có tấm lòng thương người như thể thương thân, thật đáng trân trọng.
Sọ Dừa sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, lại còn xấu xí, dị nhân. Chính tấm lòng cảm thông, chia sẻ cao cả của cô em út đã giúp cho Sọ Dừa nhận được sự an ủi đáng trân trọng, trái tim của cô đã soi sáng cuộc sống đầy thiệt thòi, bất hạnh của Sọ Dừa.
Cô út là một người có tâm hồn cao cả, trong sáng và độ lượng. Chính trái tim nhân hậu giúp nàng có cái nhìn đúng đắn về con người, về cuộc đời. Những buổi trưa hè nắng gắt, cô không quản ngại khó khăn, nguy hiểm mang cơm cho Sọ Dừa và được chứng kiến tài thổi sáo của chàng thật tuyệt vời. Và cũng từ đây, cô phát hiện ra bí mật của Sọ Dừa. Bên ngoài cái lốt xấu xí, dị dạng là một chàng trai khôi ngô, tuấn tú. Phía sau lớp vỏ sần sùi là một tâm hồn thật đẹp. Chính chi tiết này nhắc nhở chúng ta không nên nhìn con người với vẻ bề ngoài, đánh giá con người qua hình thức mà cần nhìn sâu trong tâm hồn, thế giới bên trong.
Khi Sọ Dừa và mẹ chàng đến ngỏ lời xin cưới, cô út gật đầu e lệ, tỏ ý bằng lòng mà không có ý kiến gì. Trước sự chê bai, hắt hủi của hai cô chị, sự khinh thường nghèo khổ, xấu xí của phú ông thì cô út lại đồng ý không một chút do dự. Hành động đó chứng tỏ cô út chấp nhận gắn kết cuộc đời mình với Sọ Dừa, đồng thời lúc đó cô đã phát hiện ra Sọ Dừa là một chàng trai tuấn tú chứ không hề xấu xí như mọi người nhìn bề ngoài. Trước sự nghèo khổ của mẹ con Sọ Dừa, cô bất chấp định kiến xã, gia cảnh khó khăn để đi theo con tim, ta thấy được quyết định thông minh, đúng đắn và dũng cảm của nhân vật cô em út khi đi tìm hạnh phúc của cuộc đời mình.
Trở thành vợ của Sọ Dừa, cô sống một cuộc sống hạnh phúc với chàng và niềm vui nhân đôi khi Sọ Dừa đỗ trạng nguyên và nghiễm nhiên cô út trở thành bà Trạng. Hai cô chị gái nuối tiếc, ghen ăn tức ở khi đã không lấy Sọ Dừa làm chồng nên trả thù em gái. Với sự thông minh và được hỗ trợ từ chồng, trước khi lên đường, Sọ Dừa đã đưa cho vợ ba thứ: con dao, hòn đá và hai quả trứng. Đúng như dự đoán, cô út bị hai cô chị lập mưu hãm hại và nhờ có ba thứ chồng đưa mà cô đã thoát nạn và trở về với chồng. Qua đây, ta thấy được một chân lí ở hiền gặp lành mà tiêu biểu là nhân vật cô út. Bị hai chị hãm hại nhưng cô không hề trả thù mà vẫn vui vẻ đến chào hỏi hai chị cùng Sọ Dừa. Chính sự bao dung và lòng vị tha của cô út đã mài nhẵn thêm tâm hồn cao thượng, trong sáng của cô.
Kết thúc câu chuyện có hậu, vợ chồng Sọ Dừa được vui vẻ đoàn tụ, sống một cuộc sống hạnh phúc. Đó cũng là ước mơ ngàn đời của nhân dân ta hướng đến sự bình yên, đoàn tụ. Nghị lực, tình yêu thương, lòng vị tha và trái tim vàng của cô út luôn là tấm gương sáng để chúng ta noi theo. Đồng thời, qua câu chuyện và nhân vật cô em út đã để lại cho ta bài học quý báu, không nên nhìn nhận con người qua vẻ hình thức, bề ngoài mà cần đánh giá qua nhân phẩm bên trong.
Mẫu 10
Truyện cổ tích Việt Nam thường xuất hiện những nhân vật cô Út với phẩm chất, nét đẹp đáng quý như xinh đẹp, giàu lòng vị tha, nhân ái và cuối cùng cô nhận được phần thưởng xứng đáng. Nhân vật cô Út trong truyện cổ tích “ Sọ Dừa” là một nhân vật như vậy.
Phú ông trong truyện “ Sọ Dừa” có ba người con gái. Sau khi Sọ Dừa nhận chăn bò cho phú ông. Thấy Sọ Dừa chăn tốt nên phú ông rất mừng và từ đó yên tâm để Sọ Dừa chăm. Ông sai ba cô con gái thay phiên nhau đưa cơm cho Sọ Dừa. Hai cô chị thì ác nghiệt, kiêu kì, hắt hủi Sọ Dừa vì vẻ ngoài của cậu. Chỉ có cô Út hiền lành, lại thương người nên đối đãi với Sọ Dừa rất tử tế. Vậy nên có thể thấy cô út trong truyện “Sọ Dừa” là người hiền lành, có tấm lòng nhân ái.
Chính tấm lòng nhân ái, thương người của cô nên cô đã được nhìn thấy bên trong của Sọ Dừa lăn lóc dị hình là chàng trai khôi ngô, tuấn tú khi cô đi đưa cơm. Cô không hề khinh bỉ hay sợ hãi trước bề ngoài của Sọ Dừa mà đối đãi với chàng rất tử tế. Cô Út không đánh giá Sọ Dừa qua vẻ bề ngoài mà cô nhận thấy rằng chàng rất chăm chỉ, chịu khó, siêng năng.
Vậy nên kể từ khi phát hiện ra vẻ ngoài của Sọ Dừa cô càng yêu anh hơn. Đến khi Sọ Dừa muốn hỏi cưới một trong ba cô con gái của phú ông. Tình huống này giúp cho anh bộc lộ được tài năng của mình khi đem đủ các sinh lễ mà phú ông yêu cầu. Phú ông bèn gọi cả ba cô con gái ra. Ông hỏi lần lượt từng cô thì hai cô chị bĩu môi, chê bài, chỉ có cô Út bằng lòng. Chính tấm lòng thương người, nhận ra được tài năng, phẩm chất của Sọ Dừa đã giúp cô trở thành vợ của chàng trai khôi ngô, tuấn tú. Cô đã dám dũng cảm vượt lên định kiến của xã hội vì cô nhận ra không chỉ vẻ đẹp bên ngoài của chàng mà cô nhận thấy tài giỏi, cũng như phẩm chất tốt đẹp của Sọ Dừa.
Cô út hiện lên trong truyện là người thông minh, khéo léo, và chung thủy với Sọ Dừa. Khi hai cô chị biết được vẻ ngoài của Sọ Dừa đều vừa tiếc vừa ghen tức. Từ đó, họ đã rắp tâm chờ cô hội để hại em. Hai vợ chồng Sọ Dừa lấy nhau sống với nhau vô cùng hạnh phúc. Sọ Dừa vốn thông minh, chăm chỉ nên hàng ngày đọc sách, chờ khoa thi. Đến khi đỗ trạng nguyên, thì nhà vua sau quan trạng đi sứ.
Nhân cô hội này mà hai cô chị đã hại cô em, đẩy cô em xuống nước..May trước khi đi, Sọ Dừa đã đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao, và hai quả trứng dặn là phải giắt luôn trong người phòng khi dùng đến. Đến khi cô Út gặp nạn nhớ đến lời chồng, bị con cá kình nuốt vào bụng thì sẵn có con dao, cô em đâm chết cá rồi dạt vào hòn đảo. Từ những vật dụng mà chồng để lại mà cô Út đã tự nuôi sống được mình khi sống trên hòn đảo hoang đấy để chờ chồng đến đón. Nhờ nghe thấy tiếng gáy của gà trống mà Sọ Dừa tìm được vợ. Hai vợ chồng lại trở về với nhau sống hạnh phúc còn hai cô chị thì đi biệt xứ.
Cô út trong truyện “ Sọ Dừa” là nhân vật quan trọng để Sọ Dừa bộc lộ tài năng cũng như vẻ đẹp của mình. Cô út xứng đáng nhận được kết cục có hậu, trở thành bà trạng. Đồng thời, ta vẫn thấy cô út hiện lên vẫn sáng ngời những phẩm chất tốt đẹp, hiền lành, nhân hậu.
CÂU HỎI HOT CÙNG CHỦ ĐỀ
Câu 1:
Hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện (thần thoại, truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện cổ tích) mà bạn yêu thích.
Câu 2:
Câu 3:
Mở bài, thân bài và kết bài của ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu của bài viết phân tích, đánh giá một truyện kể chưa?
Câu 4:
Trong mỗi luận điểm, ngữ liệu đã có sự kết hợp giữa lí lẽ, bằng chứng như thế nào? Nêu ví dụ.
Câu 5:
Người viết đã phân tích, đánh giá những nét đặc sắc nghệ thuật nào của truyện kể? Chúng có tác dụng gì trong việc thể hiện chủ đề của truyện kể?
Câu 6:
Bạn có nhận xét gì về cách người viết phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị chủ đề?
Câu 7:
Các luận điểm trong ngữ liệu được sắp xếp theo trình tự nào, có hợp lí không?
Bộ 12 đề kiểm tra giữa học kì 1 Văn 10 Kết nối tri thức có đáp án - Đề 1
Đề kiểm tra giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều có đáp án (Đề 7)
Đề kiểm tra giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều có đáp án (Đề 10)
Đề kiểm tra học kì 2 Văn 10 Kết nối tri thức có đáp án (Đề 9)
Đề kiểm tra học kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo có đáp án (Đề 5)
Trắc nghiệm: Tam đại con gà có đáp án
Bộ 12 đề kiểm tra cuối học kì 1 Ngữ Văn 10 Cánh Diều có đáp án- Đề 1
Bộ 12 đề kiểm tra giữa học kì 1 Văn 10 Chân trời sáng tạo có đáp án - Đề 1
về câu hỏi!