Danh sách câu hỏi
Có 618 câu hỏi trên 13 trang
Xử lí tình huống
Tình huống 1: Sáng nay, cả lớp đi lao động trồng cây xung quanh trường. Hạnh đến rủ Hương cùng đi. Trời lạnh, Hương ngại không muốn ra khỏi nhà nên nhờ Hạnh xin phép cô nghỉ với lí do là bị ốm.
Câu hỏi : Nếu là Hạnh, em sẽ làm gì?
Tình huống 2: Chiểu nay, Chung được bố mẹ giao cho việc nhổ cỏ ngoài vườn. Đúng lúc Chung đang ra vườn nhổ cỏ thì Tình sang rủ đi đá bóng. Thấy Chung ngần ngại, Tình bảo: “Để đấy, mai nhổ cũng được mà”.
Câu hỏi : Nếu là Chung, em sẽ ứng xử như thế nào?
Tình huống 3: Hằng ngày, ngoài giờ học Tâm thường xuyên làm các công việc gia đình như rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, tưới rau, cho gà ăn,... Ai cũng khen Tâm biết yêu quý lao động. Nhưng Lan lại nói với Tâm: “Là học sinh không nên mất thời gian làm
việc nhà mà chỉ cần tập trung học để có thành tích cao.”
Câu hỏi : Nếu là Tâm, em sẽ nói với Lan như thế nào?
Xử lí tình huống
Tình huống 1:
Mấy hôm nay, Hưng không đi học. Giờ sinh hoạt lớp, cô giáo buổn bã thông báo:
- Như các em đã biết, mẹ bạn Hưng lớp ta bị ốm đã lâu, nay bố bạn ấy lại mới bị tai nạn giao thông. Hoàn cảnh gia đình bạn đang rất khó khăn. Chúng ta cần phải giúp bạn Hưng vượt qua khó khăn này.
Câu hỏi 1: Em hãy đề xuất những việc có thể làm trong khả năng của mình để giúp Hưng.
Tình huống 2: Lớp 4C có thêm một học sinh mới từ tỉnh khác chuyển về. Bạn tên là Mây, người bé nhỏ, nói tiếng địa phương nghe rất lạ và quần áo bạn mặc không giống với các bạn trong lớp. Vì vậy, Mây thường bị một số bạn nam trong lớp trêu chọc, nhại giọng nói và xì xào, bình phẩm về trang phục,... Điều này khiến Mây rất buồn và mặc cảm.
Câu hỏi 2: Hãy nêu ý kiến của em để giúp bạn Mây vượt qua khó khăn, tiếp tục đến lớp.
Đọc truyện và trả lời câu hỏi:
Các em nhỏ và ông cụ
Mặt trời đã lùi dần về chân núi phía tây. Đàn sếu đang sải cánh trên cao. Sau một cuộc dạo chơi, đám trẻ ra về. Tiếng nói cười ríu rít. Bỗng các em dừng lại khi thấy một ông cụ đang ngồi ở vệ cỏ ven đường. Trông ông rất mệt mỏi, đôi mắt lộ rõ vẻ u sầu.
- Chuyện gì xảy ra với ông cụ thế nhỉ? – Một em trai nói.
- Hay ông cụ đánh mất cái gì?
– Chúng mình nên hỏi thử xem đi.
Các em tới chỗ ông cụ, lễ phép hỏi:
– Ông ơi, chúng cháu có thể giúp gì ông không ạ?
Ông cụ thở nặng nhọc, nhưng đôi mắt ánh lên những tin ấm áp:
– Cảm ơn các cháu! Nhưng các cháu không giúp ông được đâu.
Ông cụ ngừng lại, rồi nghẹn ngào nói tiếp:
- Ông đang rất buồn. Vợ của ông nằm bệnh viện mấy tháng nay rồi. Bà ẩm nặng lắm, khó mà qua khỏi. Ông ngồi đây chờ xe buýt để đến bệnh viện. Ông cảm ơn lòng tốt của các cháu. Dẫu các cháu không giúp gì được, nhưng ông cũng thấy lòng nhẹ hơn.
Đám trẻ lặng đi. Các em nhìn ông cụ đầy thương cảm.
Một lát sau, xe buýt đến. Giúp ông cụ lên xe rồi, các em còn đứng nhìn theo mãi mới ra về.
(Theo V. A. Xu-khôm-lin-xki, Tiếng Việt 3, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020)
Câu hỏi:
a. Ông cụ đã gặp khó khăn gì?
b. Các em nhỏ đã thể hiện sự cảm thông, giúp đỡ ông cụ như thế nào?
c. Sự cảm thông, giúp đỡ của các em nhỏ mang lại điều gì cho ông cụ?
Khám phá vì sao phải thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em
Đọc câu chuyện dưới đây và trả lời câu hỏi:
Hành trình yêu thương
Tháng 7 năm 2006, người dân ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam phát hiện trong vườn hoang một bé sơ sinh đang thoi thóp với cơ thể lấm máu, bị kiến và súc vật cắn mất một phần cơ thể. Em được đưa vào bệnh viện điều trị và được các bác sĩ đặt tên là Thiện Nhân với mong muốn ghi nhận lòng thiện, điều nhân của những người đã giúp đỡ và cưu mang em.
Sau đó, Thiện Nhân may mắn trở thành con nuôi trong gia đình cô Trần Mai Anh (Hà Nội). Mẹ Mai Anh đã dạy em tập ăn, tập nói, kiên trì, bền bỉ song hành cùng em nhiều năm, tới nhiều quốc gia như I-ta-li-a, Đức, Mỹ… để chạy chữa, tái tạo một phần cơ thể bị mất
Ngày hôm nay, Thiện Nhân đã khỏe mạnh và có cuộc sống bình thường như bao bạn bè khác. Thiện Nhân rất mê thể thao, có thể chơi bóng rổ, bóng đá cả ngày mà không chán. Trong học tập, bạn luôn tự giác và tích cực tham gia mọi hoạt động của trường, lớp.
Sự độc lập trong tính cách của Thiện Nhân chính là điều khiến mẹ Mai Anh yêu thích. Bạn thường đặt báo thức để tự thức dậy mỗi sáng mà không cần ai gọi. Khi ở nhà, bạn luôn thể hiện sự quan tâm, chu đáo tới từng thành viên trong gia đình. Mỗi khi có thời gian rảnh, bạn thường giúp mẹ và các anh trai làm những việc như nấu cơm, quét dọn nhà cửa,…
(Theo lời kể của cô Mai Anh – mẹ Thiện Nhân)
- Theo em, những em nhỏ bị bỏ rơi ngay từ khi mới chào đời đã bị tước đi những quyền gì của trẻ em?
- Việc làm của cô Mai Anh có ý nghĩa gì đối với Thiện Nhân?
- Thiện Nhân đã thực hiện tốt những bổn phận gì của trẻ em?
- Theo em, vì sao phải thực hiện tốt quyền và bổn phận của trẻ em?