Danh sách câu hỏi
Có 618 câu hỏi trên 13 trang
Khám phá vì sao phải quý trọng đồng tiền
Đọc truyện và trả lời câu hỏi:
Hũ bạc của người cha
Ngày xưa, có một người nông dân rất siêng năng. Về già, ông để dành được một hũ bạc. Tuy vậy, ông rất buồn vì người con trai của ông rất lười biếng. Một hôm, ông bảo con: “Cha muốn trước khi nhắm mắt thấy con kiếm nổi bát cơm. Con hãy đi làm và mang tiền về đây”.
Bà mẹ sợ con vất vả, liền dúi cho một ít tiền. Người con cầm tiền đi chơi mấy hôm, khi chỉ còn vài đồng mới trở về đưa cho cha. Người cha vứt nắm tiền xuống ao. Thấy con vẫn thản nhiên, ông nghiêm giọng: “Đây không phải tiền con làm ra”
Người con lại ra đi. Bà mẹ chỉ dám cho ít tiền ăn đi đường. Ăn hết tiền, anh ta đành tìm vào một làng xin xay thóc thuê. Xay một thúng thóc được trả công hai bát gạo, anh chỉ dám ăn một bát. Suốt ba tháng dành được chín mươi bát gạo, anh bán lấy tiền.
Hôm đó, ông lão đang ngồi sưởi lửa thì con đem tiền về. Ông liền ném mấy đồng vào bếp lửa. Bất chấp lửa nóng, người con vội đưa tay vào bếp lấy tiền ra. Ông lão cười chảy nước mắt: “Bây giờ cha tin tiền đó chính tay con làm ra. Có làm lụng vất vả, người ta mới biết quý trọng đồng tiền.”
(Theo Truyện cổ tích Chăm, Tiếng Việt 3, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020)
- Vì sao lần thứ nhất, người con lại thản nhiên khi thấy người cha ném tiền xuống ao?
- Lần thứ hai, khi thấy người cha ném tiền vào lửa, người con đã làm gì? Vì sao?
- Theo em, vì sao chúng ta phải quý trọng đồng tiền?
Khám phá vì sao phải giữ gìn tình bạn
Đọc truyện và trả lời câu hỏi:
Cô chủ không biết quý tình bạn
Ngày xưa, có một cô bé xinh xắn nuôi một con gà trống đẹp mã. Buổi sớm thức dậy, gà trống gáy:
- Ò ó o! Ò ó o! Xin chào cô chủ tí hon!
Gà trống chạy đến vui vẻ nhặt những hạt thóc trong lòng bàn tay cô bé, rồi nhảu lên bờ rào đứng. […]
Vậy mà một hôm nhìn thấy con gà mái của bà hàng xóm, cô bé thích lắm, liền nói với bà:
- Bà đổi cho cháu con gà mái lấy con gà trống của cháu nhé!
Gà trống nghe vậy buồn thiu, cúi đầu xuống, chiếc mào rũ sang một bên. Không làm thế nào được, cô chủ đã quyết định rồi.
Bà hàng xóm bằng lòng. Cô bé mang gà mái về. Con gà mái này có lớp lông tơ dày ấm áp. Cô bé ôm gà mái vào lòng vuốt ve, cho nó một nắm hạt kê và một bình nước.
Một lần khác bà hàng xóm lại mua về một con vịt. Thấy vịt, cô bé rất thích liền gạ gẫm:
- Bà đổi cho cháu con vịt nhét, cháu sẽ đưa bà con gà mái.
Gà mái nghe chuyện buồn lắm, bộ lông tơ xù ra. Còn biết sao nữa, vì cô chủ muốn thế. Cô bé lại làm thân với con vịt. Cả hai cùng đi ra sông tắm.
- Quạc! Quạc! Quạc! Cô chủ của tôi ơi! Cô đừng bơi xa, sông sâu lắm đấy!
Cô bé thích lắm, vùng vẫy bên con vịt. Lúc cô lên bờ, vịt cũng lên theo.\
Thế rồi, một hôm có người bà con đến chơi, dắt theo một con chó con. Cô bé rất thích, liền nói:
- Ôi, cún con tuyệt quá! Bác cho cháu nhé! Cháu sẽ biếu bác con vịt. […]
Cô chủ vuốt ve con cún và kể lể:
- Ta có một con gà trống, ta đem đổi lấy gà mái. Rồi ta lại đổi gà mái lấy vịt. Còn lần này ta đổi vịt lấy chú mày đấy!
Cún con nghe nói vậy bèn cúp đuôi lại, chui vào gầm ghế. Đêm đến, nó lấy chân cạy cửa trốn đi:
- Ta không muốn kết bạn với cô chủ này. Cô ấy không biết quý tình bạn.
Sáng hôm sau, khi bừng tỉnh dậy, cô bé chẳng còn thấy một con vật nhỏ bé nào quấn quýt bên mình nữa.
(Theo Va-lăng-tanh Ô-xê-ê-va, Kể chuyện 3, NXB Giáo dục, 1993)
- Em có nhận xét gì về cách ứng xử của cô chủ nhỏ đối với những người bạn của mình? Cuối cùng, điều gì đã xảy đến với cô bé?
- Em rút ra được bài học gì từ câu chuyện trên?
- Theo em, vì sao chúng ta cần giữ gìn tình bạn?
Khám phá vì sao phải bảo vệ của công
Đọc truyện và trả lời câu hỏi:
Ghế đá kêu đau
Hằng năm, ở trường tôi, mỗi khóa học sinh cuối cấp đều tặng cho nhà trường một bộ bàn ghế đá làm kỉ niệm.
Những chiếc bàn, chiếc ghế nhẵn nhụi, bóng láng được đặt dưới bóng cây bàng, cây phượng mát rượi. Đây là nơi chúng tôi ngồi nói chuyện, vui đùa những lúc ra chơi hay những lần đi dọn vệ sinh trường, cũng là nơi mà các thầy cô giáo ngồi lại nói chuyện trong những giờ giải lao.
Nhưng gần đây, những chiếc bàn, chiếc ghế đá ấy đã bị một số bạn học sinh dùng vật nhọn khắc lên nhiều hình thù kì quái. Tệ hơn, các bạn còn dùng bút xóa để viết, vẽ bậy lên với những từ ngữ không đẹp. Dần dần, những chiếc bàn, ghế ấy bị sứt mẻ, xấu xí. Mặc dù nhà trường đã có biện pháp ngăn chặn nhưng “những nhà điêu khắc vô danh” ấy vẫn lén lút hoạt động.
(Theo Lê Thị Diễm Thu,
Báo Thiếu niên Tiền phong, Chủ nhật, số 37/2011)
- Em có nhận xét gì về việc làm của các bạn học sinh đối với bộ bàn ghế đá? Việc làm đó gây ra hậu quả gì?
- Theo em, vì sao phải bảo vệ của công?
Khám phá vì sao phải tôn trọng tài sản của người khác
Đọc truyện và trả lời câu hỏi:
Chuột con mượn rìu
Chiếc rìu của nhà chuột con bị hỏng, nó phải chạy sang mượn rìu nhà bạn hươu. Dùng xong, chuột con nghĩ: “Chiếc rìu này sắc thật, nếu mà nó thuộc về mình thì tốt biết mấy! Hay là mình cứ để ở nhà, không trả lại hươu nữa!”
Chuột con không trả lại rìu cho hươu. Tuy nhiên, trong lòng nó cảm thấy không dễ chịu chút nào, lúc nào cũng như nghe thấy tiếng nói: “Mượn rìu mà chưa trả!”. Mấy ngày sau, chuột con không thể chịu được nữa, nó liền đem chiếc rìu sang trả cho bạn hươu và nói: “Tớ dùng xong rồi, cảm ơn bạn hươu nhé!”. Hươu cười và nói: “Không có gì, lần sau cần dùng thì cứ sang mượn tớ nhé!”
Sau khi trả chiếc rìu cho hươu, chuột con cảm thấy lòng khoan khoái hơn rất nhiều.
(Theo Hoàng Thúy, Truyện kể về những thói quen tốt, NXB Hồng Đức, 2019)
- Chuột con cảm thấy thế nào khi không trả rìu cho hươu?
- Vì sao chuột con cảm thấy khoan khoái khi trả rìu cho hươu?
- Theo em, vì sao phải tôn trọng tài sản của người khác?