Câu hỏi:

13/07/2025 92

CÂY LÚA

(Nguyễn Sĩ Đại)

Mảnh mai cây lúa quê nhà
Nghìn năm bão lũ xoáy qua đất này
Mẹ cha nghiêng xuống rãnh cày
Lật hai phía đất mà xây mùa màng

Phất cờ trụ với thời gian
Qua trăm bồi lở vượt ngàn bom rơi
Lá xanh vút thẳng lên trời
Bông vàng trĩu xuống cho người cầm tay

Rễ bền hút chặt đất đai
Mà nên cổ thụ với đời, lúa ơi
Nợ nần nước mắt, mồ hôi
Thuỷ chung toả xuống vai người ấm no

Rưng rưng cây lúa quê nhà
Tôi từ bóng lúa lớn ra cuộc đời

Phú Lộc, 2-1983

(Theo thivien.net)

Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính của bài thơ Cây lúa.

Quảng cáo

Trả lời:

verified
Giải bởi Vietjack

- Thể thơ: lục bát.

- Phương thức biểu đạt: biểu cảm.

Câu hỏi cùng đoạn

Câu 2:

Nêu chủ đề và cảm hứng chủ đạo của văn bản trên.

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

- Chủ đề của bài thơ là ca ngợi vẻ đẹp, sức sống bền bỉ, ý nghĩa to lớn của cây lúa – biểu tượng của làng quê Việt Nam.

- Cảm hứng chủ đạo là tình yêu quê hương, đất nước, lòng biết ơn đối với người nông dân và sự trân trọng vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên.

Câu 3:

Trong bài thơ, tác giả đã sử dụng những những từ láy nào? Giải nghĩa các từ láy em vừa tìm được. Nêu giá trị biểu đạt của một từ láy trong bài thơ.

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

- Từ láy: mảnh mai, mùa màng, rưng rưng.

- Giải thích nghĩa:

+ Mảnh mai: mảnh, trông có vẻ yếu nhưng ưa nhìn.

+ Mùa màng: mùa thu hoạch, vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.

+ Rưng rưng: (nước mắt) ứa ra đọng đầy tròng nhưng chưa chảy xuống thành giọt.

- Giá trị biểu đạt của từ “mảnh mai”: gợi dáng vẻ cây lúa có vẻ gầy yếu nhưng lại dễ nhìn.

Câu 4:

Từ “vàng” trong câu thơ “Bông vàng trĩu xuống cho người cầm tay” và từ “vàng” trong câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” là 01 từ đa nghĩa hay 02 từ đồng âm? Vì sao?

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

Hai từ vàng là từ đa nghĩa: vàng của bông lúa là màu vàng, vàng của “lửa thử vàng” chỉ tên/ chất liệu của 1 loại trang sức cũng có màu vàng.

Câu 5:

Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau:

Lá xanh vút thẳng lên trời

Bông vàng trĩu xuống cho người cầm tay

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

Câu thơ sử dụng phép nhân hóa “vút thẳng”, “cho người cầm tay”, cây cỏ vốn vô tri nhưng ở đây đã trở lên có linh hồn, có hành động, từ đó cây lúa trở lên gần gũi, thân thương.

Câu 6:

Hình ảnh cây lúa trong bài thơ gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về phẩm chất của người nông dân Việt Nam?

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

Hình ảnh cây lúa trong bài thơ gợi cho tôi suy nghĩ về phẩm chất kiên cường, cần cù, chịu thương chịu khó của người nông dân Việt Nam. Cây lúa trải qua bao khó khăn, thử thách vẫn vươn lên, cho ra những bông lúa vàng, cũng như người nông dân luôn nỗ lực, vượt qua gian khổ để làm ra hạt gạo nuôi sống dân tộc.

Câu 7:

Nêu tác dụng của một biện pháp tu từ có trong khổ thơ sau:

Phất cờ trụ với thời gian

Qua trăm bồi lở vượt ngàn bom rơi

Lá xanh vút thẳng lên trời

Bông vàng trĩu xuống cho người cầm tay

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

Biện pháp tu từ nhân hóa trong khổ thơ: “Phất cờ trụ với thời gian/ Qua trăm bồi lở vượt ngàn bom rơi/ Lá xanh vút thẳng lên trời/ Bông vàng trĩu xuống cho người cầm tay” làm cho hình ảnh cây lúa trở nên sinh động, gần gũi, có hồn hơn. Cây lúa được nhân hóa như một chiến sĩ kiên cường, bất khuất, luôn vươn lên trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Nhân hóa giúp người đọc cảm nhận được sức sống mãnh liệt, ý chí kiên trung của cây lúa, đồng thời thể hiện sự trân trọng, ngợi ca của tác giả đối với hình ảnh ấy.

Câu 8:

Nêu cách hiểu của anh/ chị về hai câu thơ cuối:

Rưng rưng cây lúa quê nhà

Tôi từ bóng lúa lớn ra cuộc đời.

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

Hai câu thơ cuối: “Rưng rưng cây lúa quê nhà/ Tôi từ bóng lúa lớn ra cuộc đời” thể hiện sự gắn bó sâu nặng của tác giả với cây lúa, với quê hương. Cây lúa không chỉ là nguồn sống vật chất mà còn là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, là nơi chôn rau cắt rốn của tác giả. Hình ảnh “rưng rưng” thể hiện sự xúc động, trân trọng của tác giả đối với cây lúa và quê hương.

Câu 9:

Tìm những chi tiết, hình ảnh được tác giả sử dụng để miêu tả hình dáng của cây lúa.

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

Hình dáng cây lúa: mảnh mai, xanh, trĩu.

Câu 10:

Qua bài thơ, em cảm nhận được những vẻ đẹp phẩm chất của cây lúa?

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

Cây lúa cần cù, chịu thương chịu khó cùng con người lao động, cây lúa thủy chung, gan dạ, dũng cảm cùng con người chiến đấu, hy sinh.

Câu 11:

Tình cảm của tác giả với cây lúa được thể hiện như thế nào qua bài thơ trên?

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

Cây lúa cần cù, chịu thương chịu khó cùng con người lao động, cây lúa thủy chung, gan dạ, dũng cảm cùng con người chiến đấu, hy sinh.

Câu 12:

Bài học sâu sắc nhất mà anh/ chị rút ra được sau khi đọc văn bản trên là gì?

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

Bài học sâu sắc nhất mà tôi rút ra được sau khi đọc bài thơ là sự trân trọng những giá trị bình dị, gần gũi trong cuộc sống. Cây lúa, người nông dân, quê hương là những điều tưởng chừng đơn giản nhưng lại chứa đựng những giá trị to lớn, đáng quý. Chúng ta cần biết ơn và bảo vệ những giá trị đó.

CÂU HỎI HOT CÙNG CHỦ ĐỀ

Lời giải

- Đảm bảo yêu cầu về hình thức, dung lượng

+ Viết đúng hình thức đoạn văn (diễn dịch, quy nạp, móc xích…).

+ Đảm bảo dung lượng khoảng 200 chữ.

- Xác định đúng vấn đề nghị luận

+ Phân tích cấu tứ của văn bản “Cây lúa” – Nguyễn Sĩ Đại.

- Hệ thống ý:

+ Hình ảnh cây lúa mang dáng vóc sử thi – biểu tượng của sức sống dân tộc

. “Phất cờ trụ với thời gian”: Cây lúa hiện lên như một chiến sĩ, kiên cường “phất cờ”, bền bỉ vượt qua bao thử thách.

. “Qua trăm bồi lở vượt ngàn bom rơi”: Câu thơ gợi lên những biến động lịch sử – thiên tai, chiến tranh, nhưng cây lúa vẫn bám đất, không khuất phục → thể hiện sức mạnh dân tộc.

+ Vẻ đẹp của sự hài hòa – vừa kiêu hãnh vừa dịu dàng, dâng hiến

. “Lá xanh vút thẳng lên trời”: Gợi sự vươn lên mạnh mẽ, sức sống mãnh liệt.

. “Bông vàng trĩu xuống cho người cầm tay”: Gợi sự dâng hiến, kết tinh thành quả cho con người → thể hiện vẻ đẹp của sự hy sinh và cống hiến thầm lặng.

=> Cây lúa không chỉ là nguồn sống vật chất mà còn là biểu tượng cho phẩm chất người Việt: cần cù, bền bỉ, thủy chung. Khổ thơ khắc họa cây lúa bằng chất trữ tình xen lẫn âm hưởng sử thi, góp phần tôn vinh vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam.

Đoạn văn tham khảo

Khổ thơ cuối trong bài “Cây lúa” của Nguyễn Sĩ Đại đã khắc họa sâu sắc vẻ đẹp kiên cường, dâng hiến và đầy biểu tượng của cây lúa – loài cây gắn bó mật thiết với đời sống dân tộc Việt Nam. Hình ảnh “phất cờ trụ với thời gian” khiến cây lúa hiện lên như một chiến sĩ giữa đời thường, không chỉ vững vàng trước dòng chảy của thời gian mà còn đại diện cho ý chí dân tộc kiên cường, bất khuất. Dù “qua trăm bồi lở, vượt ngàn bom rơi”, lúa vẫn sinh sôi trên mảnh đất từng chịu nhiều đau thương, minh chứng cho sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam trong chiến tranh và hòa bình. Không chỉ kiêu hãnh vươn lên với “lá xanh vút thẳng lên trời”, cây lúa còn dịu dàng và hào phóng, “bông vàng trĩu xuống cho người cầm tay” – hình ảnh biểu trưng cho sự dâng hiến, kết tinh từ mồ hôi, máu thịt, và tình đất quê hương. Qua khổ thơ, tác giả không chỉ ngợi ca cây lúa mà còn gửi gắm niềm tự hào sâu sắc về truyền thống cần cù, thủy chung và kiên cường của dân tộc Việt.

Lời giải

- Đảm bảo yêu cầu về hình thức, dung lượng

+ Viết đúng hình thức bài văn đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết bài.

+ Đảm bảo dung lượng khoảng 600 chữ.

- Xác định đúng vấn đề nghị luận: Phân tích bài thơ “Cây lúa” của Nguyễn Sĩ Đại.

- Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ và dẫn chứng; trình bày được hệ thống ý phù hợp theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận. Có thể triển khai theo hướng:

* Mở bài:

- Giới thiệu về cây lúa – biểu tượng của văn hóa nông nghiệp và đời sống người Việt.

- Giới thiệu bài thơ “Cây lúa” của Nguyễn Sĩ Đại – bài thơ ngắn gọn nhưng sâu sắc, ca ngợi vẻ đẹp kiên cường, bình dị và thiêng liêng của cây lúa.

- Nêu khái quát vấn đề: Hình tượng cây lúa được thể hiện vừa chân thực, vừa giàu tính biểu tượng.

* Thân bài:

1. Hình ảnh cây lúa gắn với truyền thống lâu đời và sức sống bền bỉ

- Cây lúa “mảnh mai” – bình dị, nhỏ bé nhưng gắn bó mật thiết với quê hương.

- Cây lúa tồn tại nghìn năm, vượt qua “bão lũ” – hình ảnh ẩn dụ cho bao biến thiên, thăng trầm lịch sử đất nước.

- Gắn liền với “mẹ cha nghiêng xuống rãnh cày” – thể hiện sự hy sinh, cần cù của người nông dân, của bao thế hệ vun trồng.

2. Cây lúa là biểu tượng cho sự kiên cường và dâng hiến

- “Phất cờ trụ với thời gian” – cây lúa như người lính kiêu hãnh đứng giữa thời gian và thử thách.

- Dù “bồi lở”, “bom rơi” – lúa vẫn sinh tồn, như dân tộc Việt luôn kiên cường trong chiến tranh và thiên tai.

- “Lá xanh vút thẳng lên trời – Bông vàng trĩu xuống cho người cầm tay” – vừa mạnh mẽ, vừa khiêm nhường; lúa không chỉ sống, mà còn dâng hiến.

3. Cây lúa – kết tinh của công sức, tình cảm, truyền thống dân tộc

- “Rễ bền hút chặt đất đai” – sự gắn bó vững chắc giữa lúa và đất mẹ.

- Lúa như “cổ thụ với đời” – không chỉ là cây lương thực, mà là biểu tượng sống động của văn hóa, lịch sử, và tình cảm quê hương.

- “Nợ nần nước mắt, mồ hôi” – thể hiện sự lao động gian nan và cả nghĩa tình sâu nặng.

- “Thủy chung toả xuống vai người ấm no” – nhấn mạnh vai trò lúa mang lại no ấm, là kết quả của bao vất vả, hi sinh.

4. Tình cảm của tác giả dành cho cây lúa

- “Rưng rưng cây lúa quê nhà” – cảm xúc dâng trào, gắn bó thiêng liêng.

- “Tôi từ bóng lúa lớn ra cuộc đời” – cây lúa gắn với tuổi thơ, ký ức, hình thành nên nhân cách và tâm hồn người Việt.

* Kết bài:

- Khẳng định hình tượng cây lúa trong bài thơ là biểu tượng giàu chất nhân văn, thể hiện rõ bản sắc văn hóa Việt Nam.

- Qua bài thơ, Nguyễn Sĩ Đại không chỉ ngợi ca cây lúa mà còn khắc họa vẻ đẹp người nông dân và truyền thống dân tộc.

- Mở rộng: Giá trị của cây lúa vẫn còn nguyên vẹn trong đời sống hiện đại – cần gìn giữ và trân trọng.

Bài văn tham khảo

Cây lúa luôn được xem là biểu tượng gắn bó sâu sắc với đời sống và tâm hồn của người dân Việt. Bài thơ “Cây lúa” của Nguyễn Sĩ Đại vừa ngợi ca người nông dân vừa làm người đọc, người nghe cảm nhận rõ ràng hơn ý nghĩa thiêng liêng của cây lúa đối với con người, quê hương và đất nước.

Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh “cây lúa quê nhà” quen thuộc, mảnh mai, mộc mạc nhưng mang trên mình sức mạnh to lớn. Cây lúa được nhân hóa như một sinh thể có sức sống mạnh mẽ, thể hiện rằng tuy có “nghìn năm bão lũ” hay “vượt ngàn bom rơi”, cây lúa vẫn đứng vững, vẫn vươn cao phát triển, trĩu nặng bông vàng trước mọi biến đổi khắc nghiệt của môi trường xung quanh. Qua đó, thể hiện vẻ đẹp của sự kiên cường, bền bỉ của con người Việt Nam vẫn trường tồn dù có trải qua bao khó khăn, gian khổ.

Sự bền bỉ của cây lúa còn được thể hiện qua sự cần cù, vất vả của người nông dân. Mẹ cha, những người “nghiêng xuống rãnh cày”, đã đổ biết bao giọt mồ hôi, công sức vào việc cấy cày, chăm sóc và bảo vệ những cây lúa. Những giọt mồ hôi ấy không chỉ đơn thuần là sự vất vả khi lao động mà còn là tình yêu thương, sự gắn bó sâu nặng với đất đai. Hình ảnh “lá xanh vút thẳng lên trời” và “bông vàng trĩu xuống” thể hiện sự sinh sôi nảy nở từ bàn tay lao động gian khổ của con người, tượng trưng cho mối quan hệ gắn bó thân thiết, chân thành giữa con người và thiên nhiên.

Không chỉ vậy, câu thơ "Rễ bền hút chặt đất đai” thể hiện sự kết nối bền chặt giữa cây lúa và đất mẹ, tượng trưng cho sự gắn bó sâu nặng với quê hương. Cây lúa được ẩn dụ thành “cổ thụ”, tượng trưng cho nguồn sống, cho sự trường tồn của cây lúa trong lòng bao đời người. Loài cây này còn không chỉ biểu tượng cho tình yêu quê hương mà còn là sự kết nối giữa con người với đất nước. Cây lúa không chỉ sống nhờ đất mà còn nhờ mồ hôi, công sức của người nông dân. Chính vì thế, nó cũng như thấu hiểu tấm lòng, sự cần mẫn của người chăm bón mà cố gắng “toả xuống vai người ấm no.” Những hạt lúa thơm ngon, đầy đặn như một cách lúa đền đáp công ơn người nông dân - người đã vất vả ngày đêm chăm sóc, bảo vệ từng cánh đồng xanh tươi.

Bài thơ kết thúc bằng những dòng cảm xúc chân thành, sâu lắng của tác giả đối với cây lúa. Tác giả, cũng giống như bao người Việt Nam khác, lớn lên với cánh đồng lúa xanh mát, được nuôi dưỡng bởi hương đồng gió nội và tình yêu quê hương. Lúa không chỉ là nguồn sống mà là người bạn đồng hành suốt cuộc đời tác giả. Từ “rưng rưng” là nốt nhạc buồn gợi lên nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương và lòng biết ơn vô hạn với cây lúa - loài cây gắn liền với quê nhà của mỗi con người Việt Nam.

Tác phẩm “Cây lúa” không chỉ có giá trị về nội dung mà còn giàu tính nghệ thuật, thế hiện rõ hình ảnh biểu tượng, cảm xúc sâu sắc được truyền tải về cuộc sống lao động của người dân Việt Nam. Những áng thơ, vần thơ được sử dụng không cầu kì, hoa mĩ mà giản dị, mộc mạc nhưng thế hiện được cảm xúc trân trọng, biết ơn cây lúa và biết ơn sự hy sinh vất vả của người nông dân. Hình ảnh cây lúa và người nông dân trong đời sống thường nhật được khắc họa trong bài thơ cũng rất giản dị, quen thuộc, tạo sự gẫn gũi, thân thương. Hai yếu tố đó được kết hợp với nhịp thơ êm đềm, chậm rãi tạo cảm giác yên bình, phù hợp với hình ảnh làng quê, lúa chín, và sự gắn bó giữa người nông dân và thiên nhiên.

Bài thơ “Cây lúa” của Nguyễn Sĩ Đại không chỉ tôn vinh giá trị cây lúa mà còn gợi lên tình yêu thương và lòng biết ơn sâu sắc đối với quê hương, đất nước. Từ đó, độc giả càng thêm trân trọng và tự hào về nền văn hóa lúa nước ngàn năm cũng như những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Lời giải

Bạn cần đăng ký gói VIP ( giá chỉ từ 199K ) để làm bài, xem đáp án và lời giải chi tiết không giới hạn.

Nâng cấp VIP

Lời giải

Bạn cần đăng ký gói VIP ( giá chỉ từ 199K ) để làm bài, xem đáp án và lời giải chi tiết không giới hạn.

Nâng cấp VIP

Lời giải

Bạn cần đăng ký gói VIP ( giá chỉ từ 199K ) để làm bài, xem đáp án và lời giải chi tiết không giới hạn.

Nâng cấp VIP

Lời giải

Bạn cần đăng ký gói VIP ( giá chỉ từ 199K ) để làm bài, xem đáp án và lời giải chi tiết không giới hạn.

Nâng cấp VIP