Câu hỏi:

13/07/2025 22

CÂY TRONG VƯỜN THÁNG BA

(Lê Thành Nghị)

Mùa đi trên lá
Trái xanh hát tuổi dậy thì
Một ngày gió
Xôn xao vòm lá trái cây chua

Không còn trẻ mà lá thì quá mướt
Chùm nắng non tưởng trái chín đầu cành
Chiều mượn gió làm sào rung nắng xuống
Trong lòng tay một vệt nắng non

Không có nhiều như thế - những chiều xanh
Nắng và gió, cây và người quên tuổi
Người bắt chước lá non khi gió thổi
Cây run như trước cuộc hẹn hò

Năm tháng âm thầm, năm tháng đi qua
Điều ao ước. Dù lâu. Rồi sẽ đến
Tháng giêng bận bịu hoa, tháng ba cành trĩu xuống
Tháng tư thơm từ trái chín trên cao
.

2011

(Lê Thành Nghị, “Khoảng giữa những giọt sương”, Nhà xuất bản Văn học 2016)

* Lê Thành Nghị (sinh năm 1946) là nhà thơ, nhà phê bình văn học Việt Nam, được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012. Ông đã ba lần được nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.

Xác định thể thơ của bài thơ Cây trong vườn tháng ba. Nêu căn cứ xác định.

Quảng cáo

Trả lời:

verified
Giải bởi Vietjack

- Thể thơ tự do

- Số chữ trên một dòng thơ không đều nhau.

Câu hỏi cùng đoạn

Câu 2:

Liệt kê các từ láy được sử dụng trong bài thơ Cây trong vườn tháng ba.

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

- Xôn xao, âm thầm, bận bịu

Câu 3:

Nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

- Cảm hứng chủ đạo: Tình yêu thiên nhiên và niềm trăn trở về khát vọng của tuổi trẻ.

Câu 4:

Nhận xét cách miêu tả, cảm nhận thiên nhiên của chủ thể trữ tình trong hai dòng thơ:

Chiều mượn gió làm sào rung nắng xuống

Trong lòng tay một vệt nắng non.

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

- Cách miêu tả, cảm nhận thiên nhiên của chủ thể trữ tình rất tinh tế, liên tưởng độc đáo. Điều này được thể hiện qua cách nhân hóa, kết hợp từ đầy độc đáo “mượn gió”, “rung nắng”, “vệt nắng non”, để từ đó gợi ra sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên.

Câu 5:

Câu thơ “Không còn trẻ mà lá thì quá mướt” gợi cho em thông điệp gì về thời gian và tuổi trẻ.

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

Tuổi trẻ thì hữu hạn còn thời gian thì vô hạn.

- Hs lí giải đầy đủ hơn.

Câu 6:

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích, đánh giá chủ đề của bài thơ “Cây trong vườn tháng ba” của Lê Thành Nghị.

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

- Đảm bảo yêu cầu về hình thức, dung lượng

+ Viết đúng hình thức đoạn văn (diễn dịch, quy nạp, móc xích…).

+ Đảm bảo dung lượng khoảng 200 chữ.

- Xác định đúng vấn đề nghị luận

+ Phân tích đánh giá chủ đề của bài thơ “Cây trong vườn tháng ba” – Lê Thành Nghị.

- Hệ thống ý:

+ Chủ đề chính: Bài thơ thể hiện vẻ đẹp của cây trái và thiên nhiên tháng ba, đồng thời là biểu tượng của sự sống, tuổi trẻ, khát vọng và chờ đợi trong tâm hồn con người.

+ Cây trong vườn là hình ảnh trung tâm, mang tính ẩn dụ:

. Màu xanh non, trái chua, vệt nắng – biểu tượng của tuổi trẻ, khát khao và hy vọng.

. Dù “không còn trẻ”, con người vẫn “quên tuổi” khi sống hòa vào thiên nhiên – thể hiện niềm yêu đời, cảm xúc trẻ trung vẫn tồn tại bất chấp thời gian.

+ Tháng ba: tượng trưng cho giai đoạn chuyển tiếp, mùa sinh trưởng, sự chờ đợi một kết quả ngọt lành trong tương lai – như đời người chờ đợi thành quả sau bao năm tháng.

+ Thông điệp: Dù năm tháng trôi qua, con người vẫn có quyền hy vọng, vẫn có thể sống trẻ trung và say mê, nếu giữ được niềm tin và cảm xúc trong trẻo như lá non, như nắng tháng ba.

=> Bài thơ vừa mang chất trữ tình sâu lắng, vừa thể hiện chiêm nghiệm tinh tế về thời gian, tuổi trẻ và khát vọng sống, thể hiện rõ tài năng và tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ.

- Phát triển đoạn văn logic, thuyết phục

+ Dẫn chứng từ bài thơ để minh chứng cho nhận định.

+ Phân tích, đánh giá chủ đề của bài thơ “Cây trong vườn tháng ba” của Lê Thành Nghị.

- Đảm bảo ngữ pháp, liên kết:

+ Trình bày rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả.

- Sáng tạo

+ Cách diễn đạt mới mẻ, có suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Đoạn văn tham khảo

Bài thơ “Cây trong vườn tháng ba” của Lê Thành Nghị để lại trong lòng người đọc một cảm xúc sâu lắng về vẻ đẹp thiên nhiên và những suy tư về tuổi trẻ. Hình ảnh khu vườn tháng ba hiện lên tươi mới, tràn đầy sức sống qua các hình ảnh lá non, trái xanh, vệt nắng non... Bức tranh thiên nhiên được thể hiện rất tinh tế, với những liên tưởng độc đáo như “chiều mượn gió”, “rung nắng”, và “cây run như trước buổi hẹn hò”. Tuy nhiên, ẩn dưới vẻ đẹp ấy là nỗi trăn trở sâu sắc về dòng chảy không ngừng của thời gian. Câu thơ “Không còn trẻ mà lá thì quá mướt” vang lên như một tiếng thở dài, khi con người nhận thức rõ sự hữu hạn của tuổi trẻ trong khi thiên nhiên tiếp tục vĩnh cửu. Từ những suy ngẫm về thời gian và tuổi trẻ, thi nhân gửi gắm một triết lý nhân sinh sâu sắc: “Điều ao ước. Dù lâu. Rồi sẽ đến”. Dẫu tuổi trẻ ngắn ngủi và qua đi nhanh chóng, nhưng nếu ta biết sống với ước mơ và khát vọng, cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa hơn, như tháng giêng bận rộn với hoa, tháng ba trĩu nặng trái cây. Qua đó, bài thơ không chỉ khắc họa vẻ đẹp của khu vườn tháng ba mà còn thể hiện sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên. Từ quy luật tuần hoàn của thiên nhiên, tác giả liên tưởng đến chu kỳ sống của con người. Vạn vật sinh sôi, con người có hy vọng và khát vọng thì cuộc sống sẽ đơm hoa kết trái, một thông điệp sâu sắc mà thi nhân gửi gắm qua bài thơ.

CÂU HỎI HOT CÙNG CHỦ ĐỀ

Lời giải

- Đảm bảo yêu cầu về hình thức, dung lượng

+ Viết đúng hình thức bài văn đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết bài.

+ Đảm bảo dung lượng khoảng 600 chữ.

- Xác định đúng vấn đề nghị luận: Phân tích bài thơ “Cây trong vườn tháng ba” của Lê Thanh Nghị.

- Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ và dẫn chứng; trình bày được hệ thống ý phù hợp theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận. Có thể triển khai theo hướng:

* Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Lê Thành Nghị là nhà thơ có giọng điệu trữ tình sâu lắng, tinh tế trong cảm nhận về thiên nhiên và cuộc sống.

+ Cây trong vườn tháng ba là một thi phẩm tiêu biểu, giàu chất tượng trưng và cảm xúc lặng lẽ.

- Dẫn vào vấn đề: Bài thơ sử dụng hình ảnh cây trái trong vườn làm biểu tượng cho tuổi trẻ, khát vọng sống, sự chờ đợi và tin yêu giữa dòng thời gian.

* Thân bài:

1. Khung cảnh thiên nhiên vườn cây tháng ba gợi cảm xúc tươi mới

- Hình ảnh lá, trái, nắng, gió trong khổ thơ đầu:

+ “Mùa đi trên lá” – hình ảnh nhân hóa giàu nhạc tính, gợi sự chuyển động tinh tế của thời gian.

+ “Trái xanh hát tuổi dậy thì” – thiên nhiên trở thành biểu tượng cho tuổi trẻ và sức sống mới mẻ, trong trẻo.

- Thiên nhiên mang vẻ đẹp dịu dàng, tươi tắn, thức dậy cảm xúc và suy tưởng.

2. Sự cộng hưởng giữa thiên nhiên và con người

- Cây cối và con người cùng đón nhận gió nắng, cùng sống với thời gian:

+ “Không còn trẻ mà lá thì quá mướt” – đối lập giữa thời gian bên ngoài và tâm hồn bên trong, gợi sự trẻ trung nội tâm.

+ “Chiều mượn gió làm sào rung nắng xuống” – hình ảnh lãng mạn, đầy chất thơ.

- Tình cảm con người hoà vào thiên nhiên, gợi nên sự đồng điệu giữa cây – người – thời gian.

3. Niềm tin vào ước vọng sẽ đến, sự trĩu quả của đời người

- Những suy tưởng sâu xa về năm tháng:

+ “Năm tháng âm thầm... điều ao ước. Dù lâu. Rồi sẽ đến” – thể hiện niềm tin vào sự đền đáp, vào “trái chín” của cuộc đời.

+ Cây cối tháng ba trĩu cành, tháng tư ra quả – tương đồng với hành trình sống và khát vọng của con người: Dù phải đợi, quả ngọt sẽ đến.

- Thiên nhiên không chỉ là bối cảnh, mà trở thành ẩn dụ triết lí về thời gian, tuổi trẻ, niềm tin và tình yêu cuộc sống.

* Kết bài:

Khẳng định giá trị bài thơ:

- Với giọng điệu nhẹ nhàng, tinh tế, bài thơ không chỉ ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên mà còn truyền tải thông điệp nhân sinh sâu sắc.

- “Cây trong vườn tháng ba” là một khúc ca về niềm hy vọng, sự trẻ trung và bền bỉ của tâm hồn con người giữa dòng đời trôi chảy.

Bài văn tham khảo

Cây trong vườn tháng ba là một thi phẩm tinh tế của nhà thơ Lê Thành Nghị, một người vốn quen thuộc với giọng điệu trầm lắng, trữ tình và chiêm nghiệm. Bài thơ không chỉ vẽ nên bức tranh thiên nhiên dịu dàng mà còn là lời tự sự của một tâm hồn từng trải, đang suy ngẫm về thời gian, tuổi trẻ, niềm tin và cuộc sống. Dưới hình ảnh cây trái trong vườn, nhà thơ đã ẩn dụ khéo léo hành trình của con người giữa những mùa tháng của cuộc đời.

Ngay từ khổ thơ đầu, hình ảnh thiên nhiên hiện lên vừa gần gũi vừa kỳ diệu:

Mùa đi trên lá

Trái xanh hát tuổi dậy thì

Mùa xuân như đang dạo bước trên từng phiến lá, thổi vào đó sức sống của sự sinh sôi. Trái cây xanh non – biểu tượng của tuổi dậy thì – như đang “hát”, nghĩa là đang cất lên tiếng nói của sự sống, của ước mơ và hy vọng. Cả thiên nhiên hòa quyện trong dòng cảm xúc dịu dàng, mơn mởn. Trong không gian ấy, một cơn gió đến, làm “xôn xao vòm lá trái cây chua”, gợi một vẻ tinh nghịch, sống động, như chính những biến động ngọt ngào đầu đời của tuổi trẻ.

Càng đi sâu vào bài thơ, người đọc càng cảm nhận rõ hơn sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người.

Không còn trẻ mà lá thì quá mướt

Một câu thơ như lời thú nhận nhẹ nhàng về tuổi tác, nhưng không mang nặng buồn bã, mà trái lại, còn là cái nhìn trìu mến về sự tươi mới của thiên nhiên. Cái “không còn trẻ” ấy không phủ nhận tuổi trẻ, mà khơi gợi một vẻ đẹp bên trong – sự sống vẫn đầy ắp trong tâm hồn. Những hình ảnh như “chùm nắng non”, “vệt nắng non trong lòng tay” đều gợi một sự chạm nhẹ giữa con người và thiên nhiên, giữa những gì mong manh và những xúc cảm sâu sắc.

Điều đặc biệt trong bài thơ là sự tương thông giữa cây và người.

Nắng và gió, cây và người quên tuổi

Người bắt chước lá non khi gió thổi

Cây run như trước cuộc hẹn hò

Giữa thiên nhiên và con người dường như không còn khoảng cách. Người bắt chước cây, cây như hiểu lòng người. “Run như trước cuộc hẹn hò” – câu thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi một nỗi xao xuyến của trái tim đang chờ đợi, khao khát được yêu thương. Thiên nhiên không tĩnh mà sống động, có tâm hồn như con người, còn con người lại trở nên nhẹ nhõm, trẻ trung như thiên nhiên.

Khổ thơ cuối mang đến chiều sâu suy tưởng triết lý:

Năm tháng âm thầm, năm tháng đi qua

Điều ao ước. Dù lâu. Rồi sẽ đến

Con người kiên trì chờ đợi những ước vọng của mình như cây chờ mùa ra quả. Và rồi, như quy luật của tự nhiên:

Tháng giêng bận bịu hoa, tháng ba cành trĩu xuống

Tháng tư thơm từ trái chín trên cao.

Thiên nhiên là biểu tượng của thời gian, của sự kết trái, của niềm tin vào điều tốt đẹp. Bằng hình ảnh hoa – cành – quả, nhà thơ khẳng định một quy luật vĩnh cửu: những nỗ lực và ước mơ, dù âm thầm đến đâu, cũng sẽ được đền đáp bằng hương thơm và trái ngọt.

Với chất giọng nhẹ nhàng, hình ảnh giàu liên tưởng và cảm xúc, bài thơ Cây trong vườn tháng ba không chỉ là bức tranh mùa xuân mà còn là một bản nhạc tâm hồn, gợi lên khát vọng sống, niềm tin và sự trẻ trung không tuổi của con người. Đó là bài thơ viết cho thiên nhiên, nhưng cũng là lời nhắn gửi đầy yêu thương dành cho mỗi trái tim biết sống và hy vọng.

Lời giải

- Xôn xao, âm thầm, bận bịu

Lời giải

Bạn cần đăng ký gói VIP ( giá chỉ từ 199K ) để làm bài, xem đáp án và lời giải chi tiết không giới hạn.

Nâng cấp VIP

Lời giải

Bạn cần đăng ký gói VIP ( giá chỉ từ 199K ) để làm bài, xem đáp án và lời giải chi tiết không giới hạn.

Nâng cấp VIP

Lời giải

Bạn cần đăng ký gói VIP ( giá chỉ từ 199K ) để làm bài, xem đáp án và lời giải chi tiết không giới hạn.

Nâng cấp VIP

Lời giải

Bạn cần đăng ký gói VIP ( giá chỉ từ 199K ) để làm bài, xem đáp án và lời giải chi tiết không giới hạn.

Nâng cấp VIP