Câu hỏi:

11/06/2022 1,362

Chủ đề bản tin học tập Ngữ văn tháng này của trường em là: “Vẻ đẹp của những bài thơ”. Em vừa đọc được một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ rất hay và muốn viết đoạn văn để chia sẻ cảm xúc về bài thơ đó với các bạn. Hãy thực hiện dự định của mình và gửi đoạn văn đến ban biên tập bản tin (10 mẫu)

Siêu phẩm 30 đề thi thử THPT quốc gia 2024 do thầy cô VietJack biên soạn, chỉ từ 100k trên Shopee Mall.

Mua ngay

Quảng cáo

Trả lời:

verified
Giải bởi Vietjack

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

Xác định đề tài

Hãy đọc kĩ đề bài và xác định:

- Đề bài yêu cầu viết về vấn đề gì?

→ Viết về cảm xúc của mình với một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ mà em đã đọc được và thấy rất hay.

- Kiểu bài nào? Độ dài của đoạn văn là bao nhiêu?

→ Kiểu bài đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ. Độ dài đoạn văn khoảng 200 chữ.

Thu thập tư liệu

Để viết được đoạn văn đáp ứng yêu cầu của đề bài, em hãy tự hỏi:

- Cần tìm những thông tin nào?

→ Thông tin chung về bài thơ: nhan đề bài thơ, tên tác giả, hoàn cảnh sáng tác

- Tìm những thông tin ấy ở đâu?

→ Tìm thông tin từ nguồn trích, nguồn mà em đọc được hoặc tìm kiếm từ các trang mạng xã hội em có thể dùng.

- Em xác định:

+ Mục đích viết bài này là gì?

→ Viết bài đăng lên bản tin Học tập Ngữ văn của trường để chia sẻ cảm xúc về bài thơ bốn hoặc năm chữ mà em cảm thấy hay với các bạn.

+ Người đọc bài này có thể là ai?

→ Các bạn học trong lớp, trong trường, các thầy cô giáo

+ Nội dung và cách viết như thế nào?

→ Nội dung: Những cảm xúc của mình với bài thơ: yêu thích, đồng cảm với những cảm xúc của nhà thơ gửi gắm trong tác phẩm

→ Cách viết: Viết đoạn văn khoảng 200 chữ đúng yêu cầu đề bài ra và đảm bảo các quy định về hình thức đoạn văn.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

Tìm ý

Em hãy:

- Đọc diễn cảm bài thơ vài lần để cảm nhận âm thanh, vần, nhịp điệu của thơ bốn chữ hoặc năm chữ và hiểu cảm xúc, ý tưởng của tác giả.

- Tìm và xác định ý nghĩa của những từ ngữ, hình ảnh độc đáo, giọng điệu và các biện pháp tu từ mà nhà thơ đã sử dụng để thể hiện cảm xúc và ý tưởng.

- Xác định chủ đề bài thơ.

- Xác định những cảm xúc mà bài thơ đã gợi cho em và lí giải vì sao em có cảm xúc đó.

- Liệt kê những ý tưởng nảy sinh trong đầu bằng một vài cụm từ.

Lập dàn ý

Hãy sắp xếp các ý đã có thành dàn ý của đoạn văn theo gợi ý sau:

- Mở đoạn giới thiệu nhan đề bài thơ, tên tác giả và nêu cảm xúc chung về bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ mà em đã chọn.

- Thân đoạn: trình bày chi tiết các ý thể hiện cảm xúc của em về bài thơ.

- Kết đoạn: khẳng định lại cảm xúc về bài thơ và ý nghĩa của nó đối với bản thân. Bước 3: Viết đoạn

Dựa vào dàn ý đã lập, viết một đoạn văn hoàn chỉnh. Khi viết, cần đảm bảo yêu cầu đối với đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ.

Mẫu 1

Bài thơ Cảnh khuya được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào năm 1947, khi quân và dân ta đang thắng lớn trên chiến trường Việt Bắc. Sông Lô, Đoan Hùng đã đi vào lịch sử bằng những nét vàng chói lọi đầu tiên của ta trong chín năm kháng chiến chống Pháp. Bài thơ thể hiện cảm hứng yêu nước mãnh liệt dạt dào ánh sáng và âm thanh. Đó là ánh sáng của trăng Việt Bắc, của lòng yêu nước sâu sắc. Cùng với các bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc, Đi thuyền trên sông Đáy, Cảnh khuya thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu nước sâu sắc của Bác trong một đêm trăng nơi núi rừng Việt Bắc. Một thi sĩ với tâm hồn thanh cao đang sống những giây phút thần tiên giữa cảnh khuya chiến khu Việt Bắc. Nếu giữa bức tranh thiên nhiên rộng lớn và hữu tình như vậy, thì tâm trạng thi sĩ bỗng vút cao thả hồn theo cảnh đẹp đêm trăng bởi đêm nay Bác không ngủ. Trước cảnh đẹp đêm trăng: có suối, có hoa lá, núi ngàn, và cả tâm trạng của Bác.

Mẫu 2

“Sang thu” của Hữu Thỉnh là một bài thơ vô cùng hấp dẫn viết về chủ đề thiên nhiên đất trời vào thu. Nét độc đáo của bài thơ này không chỉ là những dòng thơ hay mà còn thể hiện qua những cảm nhận tinh tế bằng nhiều giác quan, nhiều góc độ, nhiều hình ảnh mới lạ như “hương ổi, gió se, sương, dòng sông” hay như những đám mây trời vắt nửa mình sang thu. Đây cũng là những hình ảnh gợi lên bài thơ sang thu một nét độc đáo. Không những thế, tác giả còn cảm nhận thu bằng đầy đủ các giác quan như: thính giác, khứu giác, thị giác. Đặc biệt, nhà thơ còn cảm nhận mùa thu từ xa (hương ổi) đến gần (sương) từ cáI vô hình (gió se, hương ổi) đến cái hữu hình (dòng sông). Thật biết ơn nhà thơ đã mang đến cho chúng ta một bài thơ khác lạ so với những bài thơ thu trước đó.

Mẫu 3

Bài thơ "Con chim chiền chiện" được nhà thơ Huy Cận viết vào năm 1967, in trong tập "Hai bàn tay em". Khung cảnh thiên thiên bao la, tươi đẹp là tấm nền để cánh chim bay cao vút trong không gian, cất cao tiếng hót ngọt ngào. Chiền chiện là cánh chim của bầu trời cao xanh, là chim của đồng quê mang tình thương mến, chim càng bay cao tiếng hót càng trong veo. Cánh chim chiền chiện tung bay là cánh chim tự do trên bầu trời quê hương đất nước. Hình ảnh con chim chiền chiện tự do bay lượn giữa không gian cao rộng được vẽ lên qua những từ ngữ, hình ảnh đầy ấn tượng: "Bay vút, vút cao", "Cánh đập trời xanh - Cao hoài, cao vợi", "Chim bay, chim sà", "Bay cao, cao vút - Chim biến mất rồi"... Tiếng hót của chim chiền chiện đã mở ra một khung cảnh bình yên, tươi đẹp cho đất nước, làm say mê lòng người đọc. Bài thơ không chỉ là miêu tả khung cảnh quê hương, đất nước tươi đẹp dưới tiếng hót, dưới cánh chim chiền chiện mà qua đó còn bộc lộ tình yêu đất nước, yêu thiên của tác giả, là khao khát về một cuộc sống tự do, hòa bình.

Mẫu 4

Bài thơ “Một mùa xuân nho nhỏ” đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng em. Đọc bài thơ, ta cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống tha thiết của nhà thơ Thanh Hải. Không chỉ vậy, bài thơ còn được sáng tác trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, đó là khi tác giả đang nằm trên giường bệnh, một tháng trước khi qua đời. Có lẽ bởi vì vậy mà tình yêu cuộc sống, yêu quê hương, đất nước mới dâng trào một cách mạnh mẽ, cháy bỏng trong lòng nhà thơ. Tình yêu quê hương, đất nước đó như được truyền tải qua từng lời thơ đi sâu vào lòng người. Tất cả được thể hiện thông qua bức tranh thiên nhiên của xứ Huế đẹp, thơ mộng và đầy trữ tình. Nó như chạm đến trái tim của từng người con đất Việt, thôi thúc họ thêm yêu và tự hào về đất nước mình hơn. Để rồi khi đọc xong bài thơ, trong đầu em vẫn văng vẳng lời thơ như tiếng hát:

                                          “Một mùa xuân nho nhỏ

                                            Lặng lẽ dâng cho đời

                                            Dù là tuổi hai mươi

                                            Dù là khi tóc bạc…”

Mẫu 5

 Bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên là một bài thơ ngũ ngôn bình dị mà cô đọng, đầy gợi cảm. Trong bài thơ, tôi ấn tượng nhất với hình ảnh: "Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu". Khi đọc hai câu thơ này, người ta dễ dàng nhận thấy ở đây có sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa. Vì giấy, mực nghiên là những vật vô tri, vô giác giờ đây lại cũng biết buồn. Vậy là những vật dụng liên quan đến thư pháp, liên quan đến một vẻ đẹp truyền thống của ông cha đã trở thành một điều gì đó thiêng liêng, tinh túy, vì chúng có "hồn". Đấy có lẽ là một trong những nét nghĩa đầu tiên của hai câu thơ này. Vậy còn nét nghĩa thứ hai? Nếu để ý, ta sẽ thấy hai câu thơ chỉ thuần tả cảnh mà không tả người. Cảnh vật ở đây có hồn, như nhuốm màu tâm trạng. Không có một từ ngữ nào nói về con người và trạng thái tâm lí của họ, nhưng "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"! Chính là vì thế, vì người không vui nên cảnh mới buồn. Nói cách khác, bóc lớp nghĩa sử dụng biện pháp nhân hóa, ta sẽ thấy được nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Vậy là chỉ hai câu thơ tưởng như đơn giản, mà có tới hai tầng ý nghĩa. Điều đó đã cho thấy sự cô đọng, gợi cảm trong bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên.

Mẫu 6

Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh giúp người đọc thấy được sự biến chuyển đầy tinh tế của cảnh vật trong không gian cuối hạ đầu thu. Mùa thu được nhà thơ cảm nhận qua từng giác quan như khứu giác (hương ổi), xúc giác (gió se), thị giác (sương chùng chình). Từ đó, những tín hiệu đặc trưng nhất của mùa thu cũng lần lượt xuất hiện. Dưới mặt đất, dòng chảy của con sông trở nên chậm hơn, không cuồn cuộn như lúc hè về. Trên bầu trời, từng đàn chim sải cánh bay bắt đầu trở nên vội vã, âu lo tìm về phương nam tránh cái lạnh. Đám mây của mùa hạ nay đã “vắt nửa mình sang thu”, nửa nghiêng về mùa hạ, nửa lại nghiêng về mùa thu. Dường như, những sự vật thiên nhiên trong bài thơ đã được tác giả thổi vào đó những hành động của con người. Ở hai khổ thơ đầu, tác giả bộc lộ cảm xúc trước vẻ đẹp thiên nhiên. Thì đến khổ thơ cuối, dòng cảm xúc ấy chuyển sang suy tư, triết lý. Những hiện tượng thiên nhiên như “nắng”, “mưa”, “sấm” là biểu tượng cho những biến cố xảy đến với con người trong cuộc sống. Còn “hàng cây đứng tuổi” chính là hình ảnh của những con người đã từng trải, đã bước qua thời tuổi trẻ. Triết lí mà nhà thơ muốn gửi gắm là những con người từng trải khi gặp phải sóng gió sẽ biết cách đối diện, đương đầu một cách bình thản, trưởng thành hơn. Như vậy, bài thơ đã gợi lên những cảm nhận tinh tế về sự chuyển biến của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu. Và từ những tín hiệu của mùa thu đến khung cảnh thiên nhiên lúc vào thu, tác giả đã có những suy tư sâu sắc về cuộc đời.

Mẫu 7

Bài thơ “Con chim chiền chiện” của Huy Cận đã đem đến cho tôi nhiều cảm nhận. Hình ảnh trung tâm của bài thơ - con chim chiền chiện được nhà thơ khắc họa thật chân thực và sống động. Cánh chim bay vút trên trời, với tiếng hót long lanh giống như cành sương chói, hình ảnh so sánh kết hợp với ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Tiếng hót giờ đây không chỉ được cảm nhận bằng thính giác mà còn có thể nhìn thấy bằng thị giác - đầy long lanh, giống như hình ảnh giọt sương trên cành cây được nắng chiếu sáng. Những câu thơ tiếp theo khiến chúng ta có cảm thấy dường như chim chiền chiện đang trò chuyện với con người. Chúng đang làm tốt nhiệm vụ của mình, gieo những niềm vui đến với thế gian, cánh chim bay mãi đến trời xanh dường như không biết mệt mỏi. Với những dòng thơ trong trẻo, đẹp đẽ của mình, nhà thơ cũng muốn gửi gắm một bức thông điệp ý nghĩa rằng con người cần có giao hòa, gắn bó với thiên nhiên để cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, đồng thời thêm yêu mến, trân trọng thiên nhiên.

Mẫu 8

Nếu thơ của Xuân Diệu mang trong mình giọng điệu say đắm, rạo rực; thơ Hàn Mặc Tử lại có chút gì đó điên loạn; Huy Cận có nỗi buồn ảo não và thơ Vũ Đình Liên lại có chút giọng điệu hoài cổ về thời kì xưa cũ. Thấy rằng mỗi nhà thơ đều có giọng thơ, phong cách, nỗi niềm tâm tư khác nhau nên không thể nào đem ra cân đo đong đếm được thơ của vị này hơn vị kia nên chỉ có thể nói về ấn tượng riêng của người đọc kia nói đến về thơ của một nhà thơ nào đó. Nói đến Vũ Đình Liên người đọc nhớ đến nhà thơ có gia tài sáng tác không nhiều nhưng trong đó có tác phẩm mang lại giá trị cho nền văn học Việt Nam. Đó chính là bài thơ "Ông đồ"

Bài thơ "Ông đồ" được đăng trên tạp chí "Tinh hoa" năm 1936. Những năm trước khi ra đời bài thơ, nền văn hóa phương Tây dần xâm nhập vào nước ta, bởi vì thế mà nền văn hóa Hán học dần mất đi vị thế của mình. Những ông đồ viết chữ nho nay cũng chẳng còn vị thế như trước nữa, thậm chí là còn bị lãng quên đi. "Ông đồ" là một nhan đề đọc lên đủ để cho người ta thấy một nền văn hóa tinh thần của dân tộc ở trước mắt, bao nét đẹp của văn hóa đi theo ông đồ như vậy mà dẫn chìm vào dĩ vãng, một sự tiếc thương vô cùng cũng là lí do và mục đích khiến tác giả đã sáng tác nên bài thơ này.

"Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già"

Hoa đào tượng trưng cho mùa Tết đến, mỗi mùa Tết đến người ta lại thấy những ông đồ - những người thầy dạy chữ Nho bày ra những "tàu giấy đỏ" bên những con phố đông đúc người qua lại, viết nên những câu đối đỏ.

"Bày tàu mực giấy đỏ
Bên phố đông người qua"

Vào thời đắc ý, hay còn gọi là thời vàng son của ông đồ hình ảnh mực tàu, giấy đỏ cùng ông đồ được bày biện bên cạnh những con phố chẳng lấy gì là xa lạ, nó giống như một điều tất yếu mỗi khi Tết gần về. Như một sự tuần hoàn có chu kỳ của thời gian, dịp chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, những cánh hoa đào tươi khoe sắc thắm thì ông đồ xuất hiện. Thử hình dung một chút thôi, thời tiết gần Tết có chút se lạnh, bên góc đường đang nhộn nhịp với các gánh hàng mua bán hoa đào thì có nơi yên tĩnh đến lạ thường, những ông đồ tỉ mỉ, cẩn thận, chăm chút thể hiện những nét chữ uyên bác. Nghĩ đến đây thôi cũng đủ thấy một bức tranh tươi vui và tràn ngập không khí Tết về. "Mỗi" hay "lại" đều giúp người đọc hiểu được cái nhịp điệu đều đặn ấy. Xuân đến, Tết về hình ảnh ông đồ và hoa đào song hành cùng với nhau để tạo thêm vẻ đẹp cho ngày Tết.

"Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay"

Ở thời kì này có biết bao lời khen, thán phục được dành cho ông đồ? Có lẽ chẳng đếm xuể. "Tấm tắc", "hoa tay", "phượng múa rồng bay", tất cả đều là những lời có cánh mang ý nghĩa tốt đẹp được trao cho vị ông đồ này. Những người thuê ông viết chữ không chỉ quý trọng nét chữ mà còn có một lòng kính trọng dành cho ông. Tài năng của ông đồ được phô diễn qua các câu đối đỏ, người thuê cũng nhận thực được phải là những người am hiểu về Hán học, hiểu biết chữ Nho thì mới có thể viết ra được những nét chữ tài hoa như vậy. Tác giả sử dụng phép tu từ so sánh "Như phượng múa rồng bay" để thể hiện cái lòng ngưỡng mộ, sự tôn trọng đến ông đồ. Qua đây ta cũng có thể thấy được sự trân trọng giá trị truyền thống xưa cũ của tác giả Vũ Đình Liên.

Thời này ông đông khách vô cùng, người thuê ông viết chữ đều thán phục những nét chữ phóng khoáng mà đầy ý nghĩa được tạo ra từ bàn tay của ông. Thấy được rằng cả người viết cùng người chơi chữ đều có mối đồng cảm sâu sắc với nhau, bởi vì họ đều là những người viết yêu và biết thưởng thức cái đẹp chăng?

Vạn vật đều có thời kì đỉnh cao và thời kì đi xuống, ông đồ cũng vậy, thời thế thay đổi ông đồ không còn được trọng vọng và ngưỡng mộ như trước nữa.

"Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu..."

Mọi thứ đều ảm đạm. Ông độ tự nhận thức được người thuê viết mỗi năm càng vắng đi nhưng ông vẫn thắc mắc những người thuê viết trước đây đã đâu mất rồi? Những người thuê ông viết chữ vẫn ở đó, họ vẫn sống một cuộc sống thường ngày nhưng nền văn hóa phương Tây đã dần thay đổi họ, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng vậy mà dần bị mai một. Vũ Đình Liên miêu tả khung cảnh vắng vẻ qua chính "mực tàu" và "giấy đỏ". Đến nay giấy đỏ buồn còn chẳng đủ thắm, người đến thuê chữ ít đi nên khiên cho mực đọng trong nghiên, mọi vật xung quanh trở nên "sầu" hơn bao giờ hết.

Biện pháp nhân hóa ví những vật vô tri vô giác có cảm xúc giống như một con người thể hiện nên tâm trạng u uất của ông đồ, đồng thời cũng thể hiện sự xót xa, thương cảm của nhà thơ khi đứng trước thời thế này.

Tuy nền Hán học đã suy tàn nhưng:

"Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay"

Mặc cho người thuê viết chữ đã thay đổi, ông đồ vẫn kiên trì ngồi đó, ngồi bên hè phố như bao mùa hoa đào trước đây. Nhưng tiếc rằng sự xuất hiện của ông không còn được mọi người mà cụ thể là người thuê ông viết chữ chú ý hay quan tâm như thời vàng son nữa. Cứ như vậy mà bóng dáng của ông đồ dần chìm bên đường, lặng lẽ bên phố mà chẳng ai biết ai hay. Lần này thực sự ông đồ đã bị quên lãng, thật vô tình.

"Lá vàng" thể hiện cho sự phai tàn, úa rụng. Mọi người nay đã gạt ông đồ ra khỏi trí nhớ và kí ức của họ, sự xuất hiện của ông đồ giống như người vô hình trong xã hội bấy giờ.

"Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?"

Tết đến, hoa đào vẫn nở. Bên góc phố người bán người mua hoa vẫn tấp nập nhưng sao tác giả thấy trống vắng như vậy. Phải chăng vì ông đồ không còn ở đó nữa?

Đúng vậy, sau bao nỗ lực kiên trì ngồi bên góc phố đợi người viết thuê thì nay ông đồ không còn xuất hiện nữa. Đến đây ta thấy được sự vắng bóng của cả một giá trị tinh thần của dân tộc chứ không đơn giản là sự vắng bóng của một cá nhân là ông đồ. Những người mua năm trước nay đã thay đổi, họ bận thay đổi, thích nghi với nền văn hóa mới của phương Tây, họ không còn chỗ trống cho những sự tinh túy của nền văn hóa truyền thống nữa.

"Hồn ở đâu bây giờ?". Câu hỏi tu từ vang lên nhưng một tiếng thương xót của tác giả, bao cảm xúc hối tiếc, cảm thương đều được đọng lại ở cuối bài thơ.

Tác giả Vũ Đình Liên sử dụng hình ảnh hoa đào, ông đồ ở đầu và cuối bài thơ để nhằm khắc họa nên hình ảnh trái ngược của ông đồ ở hai thời kì là vàng son và ở thời kì thất thế. Những câu thơ năm chữ đã giúp cho nhà thơ bày tỏ được cảm xúc một cách dễ dàng hơn và sâu sắc hơn, thể hiện được cái sự hoài niệm về một giá trị tinh thần xưa cũ cùng với niềm cảm thương sâu sắc của tác giả. Qua đây ta thấy được ở nhà thơ Vũ Đình Liên một lòng thương người, tấm lòng nhân ái và điều đặc biệt là luôn ân nghĩa thủy chung với giá trị văn hóa của dân tộc.

Mẫu 9

Theo dòng thời gian bất tận, mọi thứ sẽ lùi vào dĩ vãng mịt mờ, để lại cho con người bao niềm tiếc nuối. Nhất là khi những vẻ đẹp tài hoa một thời nay chỉ còn vang bóng. Bắt nguồn từ cảm hứng ấy, bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên thể hiện nỗi day dứt, thương cảm cho một giá trị tinh thần sắp tàn lụi đã gây ám ảnh cho biết bao thế hệ bạn đọc.

Ra đời trong phong trào thơ Mới nhưng bài thơ “Ông đồ” không xoay quang trục cảm xúc thông thường của các nhà thơ lãng mạn khi “thoát lên tiên” để tìm cái tôi riêng mình, để đắm đuối trong tình yêu và bàn đèn, thuốc phiện. Vũ Đình Liên hướng lòng mình về quá khứ để nhận ra “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”. Sự trượt dốc của Nho học kéo theo một lớp người nạn nhân đau khổ. Và ông đồ là một nhân chứng.

Ông đồ là lớp nhà Nho không đỗ đạt, mở lớp dạy học ở quê nhà. Khi chế độ khoa cử bị bãi bỏ, ông chỉ còn xuất hiện vào những ngày giáp tết với những câu đối, cho những ai còn yêu lối chữ tượng hình. Thời gian trôi, sự vật đỏi thay, ông đồ cũng vắng bóng dần…

Mở đầu bài thơ là hình ảnh ông đồ trong những mùa xuân đông khách:

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”

Ông đồ xuất hiện vào mỗi dịp tết đến xuân về. Cụm từ “mỗi năm ... lại thấy” thể hiện sự xuất hiện của ông đồ gắn liền với hình ảnh hoa đào đã trở thành một quy luật bất biến của tự nhiên. Ông đồ xuất hiện trong không khí vui tươi, tấp nập của phố phường, trong sự rực rỡ của hoa đào. Ông góp thêm vào sự đông vui náo nhiệt, trở thành trung tâm của bức tranh ngày tết: “bao nhiêu người thuê viết”. Điều đó có nghĩa là ông rất đắt hàng và có dịp để khoe tài. Nghệ thuật so sánh “hoa tay thảo những nét- như phượng múa rồng bay” đã ca ngợi nét chữ ông đồ: mềm mại, uyển chuyển, phóng khoáng, sang trọng. Vì thế mà mọi người tấm tắc ngợi khen ông. Ông được trân trọng, yêu quý và ngưỡng mộ. Cùng với mực tàu, giấy đỏ, thú chơi câu đố đã tạo nên một nét rất riêng, rất cổ kính trong văn hóa dân tộc. Qua đó, có thể thấy sự trân trọng, tự hào và yêu kính của tác giả dành cho ông đồ- người đã giữ gìn văn hóa thanh cao lâu đời cho dân tộc. Nhưng ẩn đằng sau những câu thơ vui, đã có dấu hiệu của sự héo tàn. Nơi của ông đồ không phải là cửa thánh hiền dạy chữ cho bọn trẻ, chữ Nho không phải đẻ tặng, để biếu mà trở thành hàng hóa, ông đồ xuất hiện bên lề đường, chật vật trong công cuộc mưu sinh với đời. Hình ảnh của ông đồ trong hai khổ thơ đầu như ánh nắng cuối ngày rực rỡ trước khi lụi tàn, báo hiệu sự lụi tàn của nền Nho học.

Những câu thơ tiếp theo là hình ảnh ông đồ trong những mùa xuân vắng khách:

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?”

Mỗi năm mỗi vắng là nhịp thời gian khắc khoải đau lòng, đánh dấu lớp suy tàn quanh việc mua bán của ông đồ. Tác giả đã đặt cái sinh sôi: “hoa đào nở” bên cái lụi tàn “ông đồ già”, đặt hoa tay thư pháp “như phượng múa rồng bay” bên cái bất hạnh: “Người thuê viết nay đâu?”, đặt cái cô độc: “ông đồ vẫn ngồi đấy” bên cái tấp nập dửng dưng “qua đường không ai hay”. Không miêu tả tâm trạng ông đồ, chỉ miêu tả giấy mực mà qua đó thấy được cả tâm trạng và cảnh ngộ đáng thương của ông đồ:

“Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu”

Với bút pháp nhân hóa, bút nghiên, giấy mực cũng thấm đẫm nỗi buồn sầu tủi trước cảnh vắng khách của ông đồ. Giấy đỏ cả ngày, cả tuần phơi trên hè phố mà chẳng một lần được nhận lấy nét chữ tung hoành nên cũng phai nhạt dần đi, không còn thắm tươi như trước. Mực mài sẵn đã lâu không được động bút vào nên kết thành từng mảng, từng khối trong nghiên. Giấy và mực là duyên nợ của nhà Nho, là một mảnh tâm hồn của nhà Nho. Cách nhân hóa ấy khiến cho giấy, mực như có tâm hồn, thấu hiểu nỗi lòng chủ. Hay chính nỗi lòng tê tái của ông đồ đã tràn sang cả giấy mực? Hai câu thơ chỉ nói “mực đọng”, “nghiên sầu” mà giúp ta thấy được cả nỗi lòng buồn thương của con người trước sự vô thường của thời gian và con người.

“Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay”

Từ “vẫn” như một chút sinh lực cuối cùng ông đồ mang ra góp mặt với đời. Bằng sự gắng gượng trong miếng cơm manh áo, ông vẫn ngồi đấy. Lúc này, phố vẫn đông người, chỉ khác là không ai nhận ra sự hiện diện của ông giữa cuộc đời. Ông đồ rơi vào tình cảnh một nghệ sĩ hết công chúng, một cô gái hết nhan sắc:

“Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa một mình”

Nghệ thuật đối lập tài tình: một bên là sự đơn chiếc lẻ loi, một bên là cuộc sống xô bồ hiện đại; một bên là cái dáng ngồi bó gối bất động, một bên là không khí tưng bừng náo nhiệt khi tết đến xuân về; một bên là thái độ cố gắng níu kéo, một bên là sự thờ ơ lãng quên. Chữ Nho, bút nghiên, giấy mực đều trở nên cũ kỹ, lạc lõng giữa phố phường hiện đại. Ông đồ trở thành một di tích, một phế tích không hợp thời, lạc lõng, chơ vơ giữa thời đại ông đang sống.

Nơi ông đồ ngồi là “lá vàng mưa bụi”. Những chiếc lá vàng phủ kín trang giấy, nhạt nhòa vì thời gian, vì ế ẩm. Làn mưa bụi mịt mờ đất trời, lã chã rơi trên áo the, khăn xếp, trên nét mặt già nua mỏi mệt của ông đồ. Một khung cảnh buồn bã. Con người như bị nhòe lẫn trong cái tái tê của cảnh. Đây chính là hai câu thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc nhất trong bài. “Lá vàng, mưa bụi” hay chính là tâm trạng của ông đồ? Những chiếc là vàng chen ngang khung cảnh mùa xuân tràn đầy sức sống, phải chăng là một điều không hợp lí? Hình ảnh lá vàng trở về với đất mẹ hay chính là hình ảnh héo tàn, rơi rụng của ông đồ trước một xã hội mới đang sinh sôi. Hạt mưa bụi kia là mưa của đất trời hay mưa của lòng người, của thời gian, của quên lãng? Thời thế, con người đều lạnh lùng từ chối ông đồ già, từ chối những giá trị được coi là xưa cũ. Lá rơi không nghe tiếng, mưa bụi chẳng làm ướt ai nhưng người đọc hơn nửa thế kỉ qua vẫn còn nhỏ lệ trước tình cảnh đáng thương của ông đồ...

Những câu thơ kết lại là sự vắng bóng của ông đồ và niềm thương cảm của tác giả:

“Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”

Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Hoa đào kia vẫn nở, mùa xuân vẫn đến nhưng không còn thấy bóng dáng ông đồ đâu nữa. “Ông đồ già đã trở thành “ông đồ xưa”, trở thành người thiên cổ, chỉ còn là cái bóng mờ mờ trong tâm trí của những người hiện đại. Bóng dáng ông lẫn vào những nghiên, những bút rất xa xưa trong lịch sử. Câu hỏi “những người muôn năm cũ” là những người một thời rất trọng chữ Nho hay những người như ông đò- người xưa, người cũ đã ra đi viễn viễn không bao giờ còn thấy nữa. Câu thơ hiện lên một nỗi niềm day dứt ngậm ngùi. Ta đã lãng quên quá khứ, quên những con người tài năng, tâm huyết với đời, quên những nét đẹp truyền thống dân tộc. Câu thơ như lời tự vấn, ân hận và niềm thương cảm của tác giả dành cho những nhà Nho danh giá một thời.

Bài thơ khép lại thành kính như một nén tâm hương, thắp lên tưởng niệm những người đã khuất, lại có khả năng đồng cảm với bao thế hệ sau.

Như vậy, với thể thơ ngũ ngôn ngắn gọn, xúc tích, giàu tình tự sự kết hợp với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, Vũ Đình Liên đã vẽ lên cả một cuộc đời buồn đau, đáng thương của ông đồ thời thất thế. Cảnh không nhiều mà đầy sức ám ảnh. Nếu nói rằng sức mạnh của câu thơ ở chỗ không lời thì “Ông đồ” đã phát huy tối đa sức mạnh ấy. Một ngày, người ta chỉ nhớ đến ông đồ trong quá khứ, là một thời vàng son một đi không trở lại:

“Một thầy khóa gò lưng trên tấm phản
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân”
(“Chợ tết”- Đoàn Văn Cừ)

Dòng thời gian chảy vào biến thiên bất tận, mỗi con người chỉ là hữu hạn trong cuộc đời. Bởi thế, đối với những người chưa từng thấy ông đồ, bài thơ của Vũ Đình Liên vẫn thắp lên một nén tâm hương, là lời nhắc nhủ thấm thía. Để rồi một lúc nào đó lại dội về tiếng đưa nôi kẽo kẹt:

“Chẳng ham ruộng cả ao liền
Chỉ ham cái bút, cái nghiên anh đồ”...

Mẫu 10

Trước kia trên bàn thờ tổ tiên, bên cạnh cặp bánh chưng, mâm ngũ quả là đôi câu đối tết. Chính vì vậy mà những ông đồ già trên vỉa hè phố xá rất đông khách thuê viết chữ và hình ảnh đầu đội khăn xếp mặc áo the đã khắc sâu vào tâm trí của người dân Việt Nam, nhà thơ Vũ Đình Liên là một trong số đó. Để rồi tác giả viết lên bài thơ Ông đồ với 1 niềm thương cảm sâu sắc cho thân phận 1 lớp người tàn tạ và sự nuối tiếc 1 truyền thống đẹp đẽ của dân tộc.

Mở đầu bài thơ Ông đồ hình ảnh đã xuất hiện trong dòng suy tưởng, hoài niệm của tác giả:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ|
Bên phố đông người qua

Cấu trúc mỗi.. lại cho ta thấy ông đồ chính là 1 hình ảnh vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam vào mỗi dịp tết đến xuân về. Cùng với màu thắm của hoa đào, màu đỏ của giấy, màu đen nhánh của mực tàu và sự đông vui, náo nhiệt của ngày tết thì hình ảnh ông đồ đã trở nên không thể thiếu được trong bức tranh mùa xuân. Lời thơ từ tốn mà chứa bao yêu thương. Dẫu chỉ chiếm 1 góc nhỏ trên lề phố nhưng trong bức tranh thơ thì ông đồ lại chính là trung tâm, ông đã hòa hết mình vào cái không khí nhộn nhịp của ngày tết với những tài năng mình có:

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay

Từ bao nhiêu cho người đọc thấy được nghề cho chữ đã từng được mọi người rất yêu mến. Sự có mặt của ông đồ đã thu hút sự chú ý của mọi người, ông chính là trung tâm của sự kính nể và ngưỡng mộ. Hạnh phúc không chỉ là có nhiều người thuê viết mà còn được tấm tắc ngợi khen tài – Bởi ông có tài viết chữ rất đẹp. Ba phụ âm 't' cùng xuất hiện trong 1 câu như 1 tràng pháo tay giòn giã để ca ngợi cái tài năng của ông. Giữa vòng người đón đợi ấy ông hiện lên như 1 người nghệ sĩ đang say mê, sáng tạo, trổ hết tài năng tâm huyết của mình để rồi ông được người đời rất ngưỡng mộ. Với sự ngưỡng mộ đó thì Vũ Đình Liên còn thể hiện 1 lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc là chơi câu đối chữ. Nhưng liệu có bao nhiêu người thuê viết hiểu được ý nghĩ sâu xa của từng câu, từng chữ để mà chia sẻ cái niềm vui, niềm hạnh phúc với người viết ra những câu chữ ấy?. Ở khổ thơ thứ 3 vẫn nổi bật hình ảnh ông đồ với mực tàu giấy đỏ, nhưng mọi thứ đã khác xưa. Không còn đâu bao nhiêu người thuê viết- Tấm tắc ngợi khen tài mà thay vào đó là cảnh tượng vắng vẻ đến thê lương. Với cảm xúc buồn thương thấp thoáng ở 2 câu thơ trên, giờ đây cái cảm xúc đó được thể hiện trong câu hỏi đầy băn khoăn day dứt:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?

Cũng là mỗi năm nhưng lại đứng sau từ nhưng - còn chữ thường làm đảo lộn trật tự quen thuộc. Số người còn chút mến yêu và kính trọng chữ nho giờ cũng mỗi năm mỗi vắng, khách quen cũng tan tác mỗi người một ngả. Để rồi 1 chút hy vọng nhỏ nhoi của Ông đồ là góp chút tài nghệ cùng mọi người vào mỗi dịp tết đến xuân về cũng dần tan biến bởi cuộc sống mưu sinh cũng ngày càng khó khăn. Bằng câu hỏi tu từ hết sức độc đáo, Vũ Đình Liên đã thể hiện 1 nỗi nuối tiếc của 1 thời kì vàng son để rồi đọng lại thành nỗi sầu, nỗi tủi thấm sang cả những vật vô tri vô giác:

Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu

Giấy đỏ là thứ giấy dùng để ông đồ viết chữ lên, đó là 1 thứ giấy rất mỏng manh chỉ cần 1 chút ẩm ướt cũng có thể phai màu. Vậy mà “Giấy đỏ buồn không thắm” - không thắm bởi lâu nay không được dùng đến nên phôi pha úa tàn theo năm tháng. Mực cũng vậy - đó là thứ mực đen thẫm để ông đồ viết chữ, trước khi dùng thì ta phải mài mực rồi dùng bút lông họa lên những nét chữ. Nhưng nay “Mực đọng trong nghiên sầu” nghĩa là mực đã được mãi từ lâu, đã sẵn sàng cho bàn tay tài hoa của ông đồ để trổ tài nhưng đã đợi chờ trong vô vọng. Các từ buồn, sầu như thổi hồn vào sự vật cùng với phép nhân hóa đã khiến cho giấy đỏ, mực tàu vốn vo tri bỗng trở nên có hồn có suy nghĩ như con người. Nỗi buồn đó không chỉ thấm vào những đồ dùng mưu sinh hằng ngày mà cảm xúc đó của ông còn lan ra khung cảnh thiên nhiên, cảnh vật khiến không gian trở nên thật đìu hiu, xót xa:

Ông đồ vẫn ngồi đó
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay

Tuy nghề viết chữ không được người đời yêu mến và kính trọng nữa nhưng ông đã kiên trì, cố gắng ngồi bên lề đường chờ mong sự cưu mang giúp đỡ của người đời. Nhưng đâu có 1 ánh mắt nào để ý đến ông bên lề phố, không một trái tim nào đồng cảm và chia sẻ với ông. Bằng biện pháp tả cảnh ngụ tình nhà thơ Vũ Đình Liên đã cho ta thấy 1 khung cảnh thiên nhiên thật xót xa, đìu hiu trước tâm trạng của ông đồ:

Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay

Nhưng thật băn khoăn tại sao giờ đang là mùa xuân lại có lá vàng rơi? Phải chăng hình ảnh lá vàng rơi gợi đến sự tàn phai, tàn lụi về 1 thời kỳ, 1 lớp người trong xã hội và 1 phong tục tập quán đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam là chơi câu đối đỏ ngày tết giờ cũng trở thành quá khứ. Hình ảnh ông đồ cũng giống như hình ảnh lá vàng rơi, đã gắng níu kéo cuộc đời thầm lặng của mình nhưng so với thời đại mới thì chỉ còn là chiếc lá úa tàn đang rơi rụng. Nỗi buồn ấy âm thầm, tê tái nó đã khiến cơn mưa xuân vốn sức sống bền bỉ cũng trở nên đìu hiu xót xa

Ngoài giời mưa bụi bay

Giời - đó phải chăng là cách nói dân gian của những người tưởng như đã xa xưa lắm nhưng vẫn luôn hiện hữu. Câu thơ gợi ra tâm trạng buồn thảm của ông đồ trước cơn mưa bụi nhạt nhòa. Dẫu chỉ là mưa bay, mưa bụi nhưng nó cũng đủ sức xóa sạch đi dấu vết của 1 lớp người. Tuy đã không còn được người đời yêu mến, trọng vọng nữa nhưng đối với nhà thơ thì hình ảnh này vẫn luôn khắc sâu trong trái tim:

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa

Mở đầu bài thơ Ông đồ là hình ảnh rất nhẹ và kết thúc cũng với hình ảnh rất khẽ khàng. Năm xưa khi đào nở ta thấy ông đồ ngồi bên lề đường và hòa mình vào sự đông vui náo nhiệt của phố phường. Nhưng nay cùng thời điểm đó thì ông đã không còn nữa, hình ảnh xưa cũ cũng dần tan biến vào dòng thời gian. Tết đến xuân về, hoa đào lại nở, người người thì háo hức đi chợ sắm tết để chờ mong 1 năm đầy niềm vui và hy vọng. Tất cả đều rạo rực, tưng bừng. Cảnh còn đó nhưng người thì đâu? Giờ đây hình ảnh ông đồ chỉ còn là cái di tích tiều tụy đáng thương của 1 thời tàn, ông đã bị người đời quên lãng, bỏ rơi ngoài 1 thi sĩ Vũ Đình Liên. Dòng đời cứ trôi dần và trôi đi cả cuộc sống thanh bình đẹp đẽ, giờ chỉ còn là 1 nỗi trống trải, bâng khuâng để rồi nhà thơ cũng phải bật thành câu hỏi đầy cảm xúc:

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Hai câu thơ cuối tác giả đã trực tiếp bộc lộ cảm xúc dâng trào, kết đọng mang chiều sâu khái quát. Từ hình ảnh ông đồ nhà thơ liên tưởng đến hình ảnh những người muôn năm cũ và thi sĩ hỏi 1 cách xót xa: Hỏi mây hỏi trời, hỏi cuộc sống hỏi 1 thời đại, hỏi mà để cảm thông cho thân phận của những người muôn năm cũ đã bị thời thế khước từ. Câu hỏi tu từ đặt ra như 1 lời tự vấn, tiềm ẩn sự ngậm ngùi, xót thương. Và tất cả những gì của 1 thời hoàng kim giờ cũng chỉ còn 1 màu sắc nhạt phai, tê tái. Với cách sử dụng thành công biện pháp tu từ, nhà thơ Vũ Đình Liên đã tái hiện lên hình ảnh ông đồ với cái di tích tiều tụy đáng thương của 1 thời tàn khiến chúng ta lại càng cảm thương, xót xa cho số phận của ông.

Chỉ với bài thơ Ông đồ ngụ ngôn ngắn gọn, tác giả đã làm sống dậy trong lòng người 1 niềm thương của sự luyến tiếc không nguôi. Đọc bài thơ ta cảm nhận được ở Vũ Đình Liên - một con người có lòng thương người, lòng nhân ái, sự cảm thông sâu sắc và luôn ân nghĩa thủy chung.

 

Quảng cáo

book vietjack

CÂU HỎI HOT CÙNG CHỦ ĐỀ

Câu 1:

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của em về bài thơ Lời của cây (Trần Hữu Thung). (10 mẫu)

Xem đáp án » 27/12/2022 966

Câu 2:

Từ đoạn văn trên, em hãy xác định các đặc điểm của đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn hoặc năm chữ bằng cách trả lời các câu hỏi sau:

- Tác giả đã dùng ngôi thứ mấy để chia sẻ cảm xúc?

- Tác giả đã thể hiện những cảm xúc nào về bài thơ?

- Nội dung câu mở đoạn là gì?

- Phần thân đoạn gồm những câu nào và trình bày những nội dung gì?

- Nêu nội dung câu kết đoạn.

Xem đáp án » 11/06/2022 531

Câu 3:

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của em về bài thơ Con chim chiền chiện (Huy Cận). (10 mẫu)

Xem đáp án » 27/12/2022 436

Câu 4:

Hãy chọn một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ mà em yêu thích và viết đoạn văn chia sẻ cảm xúc của mình về bài thơ đó. (10 mẫu)

Xem đáp án » 26/12/2022 302

Câu 5:

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của em về bài thơ Sang thu (Hữu Thỉnh). (10 mẫu)

Xem đáp án » 27/12/2022 300

Bình luận


Bình luận