Danh sách câu hỏi
Có 865 câu hỏi trên 18 trang
Em hãy đọc thông tin sau và thực hiện yêu cầu
Thông tin. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp sinh năm 1981, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ nhỏ, cô đã chăm chỉ, chịu khó học tập. Năm 2007, cô đến Hàn Quốc nhờ khoản học bổng toàn phần nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Khoa học Y khoa. Năm 2012, cô hoàn thành luận án tiến sĩ và trở về nước tham gia nghiên cứu, giảng dạy. Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp hiện là Trưởng Khoa Kĩ thuật Y sinh, Trưởng Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2016, với đề tài nghiên cứu những phát hiện mới trên việc biến đổi bề mặt của loại vật liệu Titanium làm cải thiện độ bám dính mô nha trong ngành nha khoa phục hồi, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp giành được Giải thưởng nghiên cứu cấp quốc gia do L'Oreal tài trợ và được Hội đồng Giải thưởng Khoa học L'Oréal - UNESCO đánh giá có năng lực cao, khả năng nghiên cứu tốt, tâm huyết với khoa học và có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế vật liệu sinh học. Năm 2017, nữ Tiến sĩ xuất sắc đoạt giải Nhất - Giải thưởng ASEAN - US về "Giải pháp giảm áp lực lên các thành phố đô thị hoá nhanh - mảng sức khoẻ cộng đồng". Năm 2018, cô nhận được giải thưởng tài năng trẻ toàn cầu do L'Oréal - UNESCO trao cho 15 nhà khoa học nữ đến từ năm châu lục vì đã phát triển một loại gel nano thông minh có thể đẩy nhanh quá trình tái tạo mô da. Công trình nghiên cứu này là nền tảng giúp cô đoạt giải Nhất - Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019.
Đặc biệt, năm 2019, cô được tạp chí Asian Scientist vinh danh là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2019 do có những đóng góp nổi bật cho cộng đồng trong lĩnh vực kĩ thuật y sinh. Khi được vinh danh, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp rất bất ngờ và vui mừng. Cô chia sẻ: “Khoa học công nghệ là sức mạnh quan trọng của mỗi quốc gia, mình phải tự nghiên cứu, khám phá và làm chủ nó thì mình mới phát triển được. Tôi hi vọng mình có thể góp phần truyền thêm niềm tin, động lực cho các bạn trẻ làm nghiên cứu khoa học. Hãy làm việc và cống hiến hết mình, rồi các bạn sẽ gặt hái được thành quả tốt đẹp và được xã hội ghi nhận”. Để đạt được những thành quả này, nữ Phó giáo sư, Tiến sĩ đã làm việc chăm chỉ, không ngừng nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để có thể kiên định theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.
- Em hãy chỉ ra biểu hiện của lao động cần cù, sáng tạo của nhân vật trong thông tin trên.
- Em hãy cho biết ý nghĩa của sự cần cù, sáng tạo trong lao động.
Em hãy đọc thông tin sau và trả lời câu hỏi
GIÁO SƯ - BÁC SĨ NÔNG HỌC LƯƠNG ĐỊNH CỦA - MỘT NHÀ KHOA HỌC, MỘT TRÍ THỨC TIÊU BIỂU TRONG THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH
Giáo sư - Bác sĩ Nông học Lương Định Của là một người con ưu tú của làng Đại Ngãi, quận Kế Sách (nay là thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng). Ông là nhà trí thức gắn bó với đồng ruộng để tạo ra các giống lúa mới. Những đóng góp của ông đã góp phần bảo đảm lương thực để cuộc chiến đấu giành độc lập và tự do của dẫn tộc ta đi đến thắng lợi. Ông luôn cần mẫn làm việc và đã nghiên cứu lai tạo thành công một số giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt. Cùng với những ứng dụng tiến bộ kĩ thuật, Giáo sư - Bác sĩ Nông học Lương Định Của đã đề xướng các mô hình canh tác “bờ vùng, bờ thửa”, “cấy nông tay thẳng hàng, “đảm bảo mật độ” được hàng triệu nông dẫn áp dụng thành công trên diện rộng, tạo ra một cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Cuộc đời của nhà bác học nông dân Lương Định Của gắn liền với con đường lúa gạo Việt Nam. Suốt đời, ông luôn lặng lẽ cần cù, sáng tạo nhằm tôn vinh hạt ngọc Việt. Năm 1952, theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng tiếng gọi của quê hương, Lương Định Của cùng vợ con đã trở về Việt Nam với mong muốn dùng hết khả năng của mình để đóng góp vào sự phát triển của quê hương. Ông còn có công lớn trong giáo dục, đào tạo nhiều thế hệ học trò trở thành cán bộ đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học nông nghiệp.
Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1967, được truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1975 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt I năm 1996. Kể từ sau ngày thống nhất đất nước năm 1975 đến nay, cây lúa Việt Nam luôn đạt năng suất cao. Thành tựu này ngoài mồ hôi, công sức của những người nông dân chân lấm tay bùn, còn có sự cống hiến trí tuệ và tấm lòng của Giáo sư - Bác sĩ Nông học Lương Định Của.
- Em có suy nghĩ gì về cách làm việc của Giáo sư - Bác sĩ Nông học Lương Định Của?
- Theo em, thế nào là cần cù, sáng tạo trong lao động?
Em hãy đọc trường hợp sau và thực hiện yêu cầu
Trường hợp. Bạn Y và bạn K rất yêu thích việc khám phá những nét đặc sắc của các nước trên thế giới nên thường rủ nhau xem những đoạn phim về chủ đề này. Có lần, hai bạn rủ nhau xem phim và nhận ra sự khác biệt khá lớn về hình dáng bên ngoài như màu da, màu mắt, kiểu tóc,... giữa các chủng người. Khi tìm hiểu về các nền văn hoá, cả hai rất ngạc nhiên khi phát hiện ra nhiều điều thú vị. Mỗi nền văn hóa đều gắn với những phong tục, tập quán,... khác nhau. Có khi, cùng một hành động, cử chỉ nhưng giữa các nền văn hóa này lại có ý nghĩa khác nhau. Càng tìm hiểu, bạn Y và bạn K càng say mê. Bạn Y nói với bạn K: "Mình ước mơ sau này sẽ được đi vòng quanh thế giới để trải nghiệm thật nhiều nền văn hoá".
- Em hãy nhận xét về việc làm của hai bạn trong trường hợp trên.
- Em hãy phân tích biểu hiện của đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới.
Em hãy đọc các thông tin sau và trả lời câu hỏi
Thông tin 1. Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về loại trừ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc ngày 20/10/1963 (theo Nghị quyết số 1940 (XVIII) của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc) đã long trọng khẳng định sự cần thiết phải xoá bỏ nhanh chóng nạn phân biệt chủng tộc trên toàn thế giới, dưới mọi hình thức và mọi biểu hiện của nó và về sự cần thiết phải bảo đảm sự hiểu biết và tôn trọng nhân phẩm con người.
Sự phân biệt giữa người với người dựa trên cơ sở sắc tộc, màu da và nguồn gốc dân tộc là trở ngại cho các quan hệ hữu nghị và hoà bình giữa các quốc gia, là yếu tố phá hoại hoà bình và an ninh giữa các dân tộc, cũng như phá hoại sự hoà hợp giữa những người đang chung sống trên và thuộc cùng một quốc gia.
Thông tin 2. Vào ngày 16/11/1995, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã thông qua ngày Quốc tế Khoan dung và chọn ngày 16/11 hằng năm để kỉ niệm. Đại diện của 185 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã kí vào bản Tuyên bố, đưa ra tại Hội nghị toàn thể lần thứ 28 của UNESCO, theo đó cam kết: “Tôn trọng, chấp nhận và hiểu đúng sự đa dạng, phong phú các nền văn hóa của thế giới, những hình thức tự biểu hiện và những khả năng thể hiện cá tính của con người”. Các quốc gia cũng công nhận một thực tế là con người khác nhau về hình dáng bên ngoài, địa vị, lời nói, cách ứng xử và các giá trị, song, đều có quyền được sống trong hoà bình và duy trì cá tính của riêng mình.
Câu hỏi:
- Công ước Quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc của Liên Hợp Quốc ra đời nhằm mục đích gì?
- Ngày Quốc tế Khoan dung ra đời nhằm mục đích gì?
- Sự đa dạng của các dân tộc trên thế giới được thể hiện như thế nào trong thông tin trên?
Em hãy đọc các trường hợp sau và thực hiện yêu cầu
Trường hợp 1. Là du học sinh, vào dịp Tết cổ truyền, bạn N cùng nhóm bạn tổ chức các hoạt động Tết theo truyền thống của người Việt ngay tại xứ người như: gói bánh chưng, bánh tét; trang trí hoa mai, hoa đào; mặc trang phục áo dài;... Đối với bạn N, dù ở nơi đâu thì Việt Nam vẫn luôn trong trái tim mình.
Trường hợp 2. Hàng năm, cứ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, thầy và trò Trường Trung học cơ sở A lại háo hức tham gia các hoạt động Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương như: dâng hương để tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước, tham gia các trò chơi dân gian,... Qua đó, học sinh biết trần trọng, tự hào về nguồn cội và có thêm động lực để cố gắng học tập tốt, góp phần xây dựng đất nước.
Trường hợp 3. Trong cuộc thi hùng biện tiếng Anh do Trường Trung học cơ sở X tổ chức, bạn H cùng nhóm bạn hăng hải sưu tầm tư liệu, hình ảnh để chuẩn bị tham gia dự thi với đề tài hiếu học. Không chỉ tích cực tham gia dự thi, nhóm của bạn H còn đam mê tìm tòi, nghiên cứu khoa học và đã từng đạt giải thưởng cao.
Yêu cầu
- Em hãy cho biết những biểu hiện của lòng tự hào về truyền thống dân tộc qua việc làm của các nhân vật trong các trường hợp trên.
- Em hãy kể những việc làm của bản thân và những người xung quanh trong việc thể hiện lòng tự hào về truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Em hãy xử lí các tình huống dưới đây:
a) Cuối tuần, Đoàn thanh niên xã tổ chức hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cho học sinh. Bạn A xin phép bố mẹ được tham gia, tuy nhiên bố mẹ bạn cho rằng đó không phải là hoạt động học tập nên không đồng ý.
Nếu là bạn A, em sẽ thuyết phục bố mẹ như thế nào?
b) Nghỉ hè, bạn T được mẹ đưa về quê chơi với ông bà và cậu út. Bạn thấy cậu út thường xuyên dùng thuốc trừ sâu phun cho rau và cây ăn quả. Cậu bảo, số rau và hoa quả đó trồng để bán nên cần phun nhiều thuốc để ngăn sâu bọ phá hoại.
Nếu là bạn T, dựa vào những quy định của pháp luật, em sẽ nói gì với cậu út?
c) Hai bạn M và P đang bắt cua ở con mương gần nhà thì vô tình mò được một vật có hình dáng giống khẩu súng được bao bọc kĩ. Bạn M muốn mang vật đó giao nộp cho cơ quan công an ngay. Tuy nhiên, bạn P lại muốn đem về nhà để hỏi ý kiến người lớn, nếu chắc chắn là súng thì giao nộp cũng không muộn.
Nếu là bạn M, dựa vào những quy định của pháp luật, em sẽ làm gì?