a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Phân tích đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét vẻ đẹp quê hương đất nước trong trang văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận: tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? và đoạn trích.
* Phân tích đoạn trích
- Sông Hương trong mối quan hệ với lịch sử:
+ Sông Hương được so sánh “là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc”. Tác giả coi sông Hương là “dòng sông của thời gian ngân vang" - sông Hương đã mang trong mình nó những âm vang hào hùng, bi tráng của dòng thời gian lịch sử với cả những chiến công và những đau thương. Sông Hương còn được coi là dòng sông “của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc" so sánh kết hợp với nghệ thuật ẩn dụ làm hiện lên vai trò của một chứng nhân lịch sử, cách miêu tả tinh tế lại gợi ra những sắc thái khác nhau cùng tồn tại trong một dòng sông, vì sử thi còn được gọi là anh hùng ca, là thể loại gắn với những chiến công, gọi đến chiến tranh; nhưng “màu cỏ lá xanh biếc” lại là sắc màu mang chất trữ tình của cuộc sống, của tình yêu và sự bình yên. Sông Hương vì thế vừa sử thi, vừa trữ tình, vừa là thiên anh hùng ca hùng tráng, vừa là khúc tình ca tươi mát, dịu dàng.
+ Sông Hương được nhân hóa như một con người và “Khi nghe lời gọi, nó biết cách tự hiến đời mình làm một chiến công, để rồi nó trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước”. Dòng sông trở thành hình ảnh biểu tượng cho con người xứ Huế nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Khi độc lập, tự do của đất nước bị xâm phạm, họ sẵn sàng chiến đấu, hi sinh còn khi đất nước bình yên, họ lại trở về với cuộc sống bình thường, trở về với bản tính tự nhiên muôn thủa.
- Sông Hương trong mối quan hệ với thi ca:
+ Nhà văn cho rằng có một dòng thi ca về sông Hương và mỗi thi nhân đều tìm cho mình một cảm hứng mới mẻ, độc đáo về dòng sông. Điều đó không chỉ xuất phát từ cảm nhận chủ quan của thi sĩ mà còn vì những vẻ đẹp phong phú, biến ảo của dòng sông.
+ Người con gái - sông Hương ây khơi gợi những cảm hứng khác nhau cho các nhà thơ: khi là “nỗi quan hoài vạn cổ” trong thơ Bà Huyện Thanh Quan; khi mang vẻ đẹp hùng tráng như “kiếm dựng trời xanh” trong thơ Cao Bá Quát; khi lại là “sức mạnh phục sinh tâm hồn” trong những bài thơ Tố Hữu. Khi nhắc đến sức mạnh phục sinh tâm hồn của sông Hương, nhà văn đã ngưỡng mộ ngợi ca: “Dòng sông quả thực là Kiều, rất Kiều” – niềm trân trọng thân yêu đã biến một danh từ chỉ tên người được tính từ hóa, khẳng định vẻ đẹp đa đoan say lòng người của một dòng sông “trong veo” có thể cuốn đi tất cả những ô uế của cuộc đời: “Không gian sặc sụa mùi ô uế mà nước dòng Hương mãi cuốn đi”
- Câu hỏi về cội nguồn tên gọi của dòng sông: + Đối tượng hỏi: đất, trời.
+ Nội dung hỏi: Ai đã đặt tên cho dòng sông? -> câu hỏi dường như không thể có một lời đáp cụ thể.
+ Mục đích:
. Không phải để hỏi nguồn gốc của một danh xưng địa lý thông thường mà là một sự nhấn mạnh, ẩn chứa niềm tự hào sâu sắc về dòng sông quê hương.
. Gợi mở cho người đọc những hướng trả lời khác nhau bằng trải nghiệm văn hóa của bản thân.
-> Tên riêng của một dòng sông có thể do một cá nhân nào đó đặt ra, qua năm tháng, danh xưng của tác giả bị mai một, nó trở thành tài sản chung của cộng đồng. Tuy nhiên, cái tên đích thực của dòng sông phải là danh từ gắn với biểu tượng văn hóa, tinh thần, chiều sâu lịch sử của một dân tộc. Ở khía cạnh này, chính những người dân bình thường – những người sáng tạo ra văn hóa, văn học, lịch sử là những người “đã đặt tên cho dòng sông".
- Đặc sắc nghệ thuật:
+ Ngôn ngữ : phong phú, giàu hình ảnh.
+ Sử dụng nghệ thuật so sánh độc đáo bằng liên tưởng lãng mạn, đậm chất trữ tình.
+ Sử dụng nghệ thuật nhân hóa gợi hình ảnh sông Hương được cảm nhận như một sinh thể sống động (là người con gái dịu dàng, đằm thắm với tất cả các cung bậc cảm xúc) thuận lợi để đan cài những suy tưởng về văn hóa, lịch sử, về truyền thống con người và đất nước Việt Nam.
* Đánh giá chung:
- Đoạn trích khắc hoạ mối quan hệ của sông Hương với lịch sử và thi ca Huế.
+ Sông Hương có lịch sử - hùng tráng và đời thường - giản dị, sông Hương đã tự biết thích ứng với từng hoàn cảnh, không gian và thời gian khác nhau. Điều đó không chỉ khiến dòng sông luôn trở nên mới mẻ trong cảm nhận của con người mà còn có thêm những vẻ đẹp mới.
+ Trong thi ca, sông Hương cũng mang vẻ đẹp độc đáo, đa dạng. Vì con sông không bao giờ lặp mình, nó luôn có những vẻ đẹp mới, có khả năng khơi những nguồn cảm hứng mới mẻ cho các văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà thơ.
* Nhận xét vẻ đẹp quê hương đất nước trong trang văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường
- Vẻ đẹp quê hương đất nước trong trang văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường được hiện hữu qua hình ảnh con sông Hương. Sông Hương vốn là biêu tượng của xứ Huế mộng mơ, bởi vậy mà việc lựa chọn sông Hương là chủ thể trữ tình của tác phẩm là sự khởi đầu cho tất mọi biểu hiện trong ngòi bút trữ tình của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Sông Hương không chỉ gắn bó với cuộc sống của con người xứ Huế mà còn là nền tảng cho sự ra đời của nền thi ca, văn hóa, âm nhạc Huế, là dòng chảy ngọt ngào nuôi lớn tâm hồn của biết bao nhiêu thế hệ con người lớn lên bên bờ sông Hương xứ Huế. Qua đó, ta thấy dù miêu tả ở góc nhìn nào thì sông Hương cũng là biểu tượng cho vẻ đẹp của thiên nhiên xứ Huế nói riêng, của quê hương, đất nước Việt Nam nói chung bắt nguồn từ cảm hứng ngợi ca, trân trọng, từ những sự liên tưởng, tưởng tượng độc đáo.
- Như vậy, vẻ đẹp quê hương đất nước trong trang văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường là vẻ đẹp phong phú, đa dạng của thiên nhiên mang dấu ấn riêng của từng vùng đất, của quê hương đất nước được tái hiện một cách bình dị, gần gũi qua trang văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường từ đó tạo nên tình cảm thân thuộc đối với bạn đọc về một giá trị thiêng liêng, đáng trân trọng của non sông Tổ quốc.
về câu hỏi!