Câu hỏi:

13/07/2025 22

CON CÒ

(Chế Lan Viên)

I
Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay:
"Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò Cổng Phủ
Con cò Đồng Đăng..."
Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ
"Con cò ăn đêm
Con cò xa tổ
Cò gặp cành mềm
Cò sợ xáo măng..."
Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân
Con chưa biết con cò con vạc
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân

II
Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên
Cho cò trắng đến làm quen
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi
Mai khôn lớn, con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
Lớn lên, lớn lên, lớn lên...
Con làm gì?
Con làm thi sĩ
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn

III
Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con
À ơi!
Một con cò thôi
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi
Ngủ đi, ngủ đi!
Cho cánh cò, cánh vạc
Cho cả sắc trời
Đến hát
Quanh nôi

(Chế Lan Viên toàn tập (Vũ Thị Thường sưu tập và biên soạn), NXB Văn học, 2002)

Bài thơ “Con cò” được viết theo thể thơ nào? Thể thơ đó có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung và cảm xúc bài thơ?

Quảng cáo

Trả lời:

verified
Giải bởi Vietjack

- Bài thơ được viết bằng thể thơ tự do.

- Thể thơ này giúp bài thơ linh hoạt trong cảm xúc, phù hợp với lời ru, gợi âm hưởng ngọt ngào, thủ thỉ, giàu chất trữ tình.

Câu hỏi cùng đoạn

Câu 2:

Phân tích hình tượng con cò trong bài thơ và cho biết ý nghĩa biểu tượng của hình tượng này.

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

- Hình tượng con cò xuất hiện xuyên suốt bài thơ với nhiều ý nghĩa biểu tượng:

+ Là hình ảnh người mẹ tần tảo nuôi con khôn lớn.

+ Là biểu tượng của tình mẫu tử thiêng liêng, sự che chở, đồng hành bền bỉ và thủy chung theo con suốt đời.

+ Đồng thời, là hình ảnh lời ru truyền thống, mang đậm chất văn hóa dân gian.

Câu 3:

Chỉ ra và nêu hiệu quả của một biện pháp tu từ tiêu biểu được sử dụng trong khổ thơ sau:

Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

- Biện pháp tu từ: Điệp ngữ (“con dù lớn…”, “đi hết đời…”).

- Tác dụng: Nhấn mạnh tình cảm mẫu tử không thay đổi, không điều kiện, vượt thời gian và không gian.

Câu 4:

Phân tích đoạn thơ sau và nhận xét về vai trò của lời ru và tình mẹ trong quá trình lớn lên và trưởng thành của con:

Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên

Cho cò trắng đến làm quen

Cò đứng ở quanh nôi

Rồi cò vào trong tổ

Con ngủ yên thì cò cũng ngủ

Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

- Đoạn thơ thể hiện hình ảnh con cò như một người bạn tuổi thơ, một biểu tượng ẩn dụ cho lời ru của mẹ.

- Lời ru ấy theo sát con từ giấc ngủ đầu đời đến khi con trưởng thành.

- Sự đồng hành “hai đứa đắp chung đôi” thể hiện sự gắn bó bền chặt giữa tình mẹ và cuộc đời con.

- Khẳng định vai trò dưỡng nuôi cả thể chất và tinh thần của mẹ đối với sự hình thành nhân cách con người.

Câu 5:

Bài thơ cho em có những cảm xúc, suy nghĩ gì về tình mẫu tử được thể hiện trong bài thơ?

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

Bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên gợi ra hình ảnh thiêng liêng về tình mẫu tử sâu nặng. Mẹ hiện diện trong từng lời ru, từng giấc ngủ của con. Tình mẹ theo con suốt hành trình từ thơ ấu đến trưởng thành. Chính vì thế, dù con “lớn lên”, “đi hết đời” thì mẹ vẫn dõi theo, vẫn yêu thương không điều kiện. Tình mẹ không chỉ là nguồn nuôi dưỡng mà còn là suối nguồn tinh thần bền vững.

CÂU HỎI HOT CÙNG CHỦ ĐỀ

Lời giải

- Đảm bảo yêu cầu về hình thức, dung lượng

+ Viết đúng hình thức đoạn văn (diễn dịch, quy nạp, móc xích…).

+ Đảm bảo dung lượng khoảng 200 chữ.

- Xác định đúng vấn đề nghị luận

+ Phân tích đặc sắc nghệ thuật của văn bản “Con cò” – Chế Lan Viên.

- Hệ thống ý:

a. Thể thơ và giọng điệu:

- Thể thơ tự do, giàu nhạc điệu, gợi cảm xúc sâu lắng, ngọt ngào như lời ru mẹ.

- Giọng điệu trữ tình, trìu mến, da diết, phù hợp với chủ đề về tình mẫu tử.

b. Hình ảnh biểu tượng “con cò”:

- Kế thừa từ ca dao dân gian ("Con cò bay lả bay la...") nhưng được nâng tầm thành biểu tượng của tình mẹ.

- Hình ảnh biến hóa linh hoạt: khi ru con, khi là bạn đồng hành trong cuộc sống, khi tượng trưng cho mẹ theo suốt đời con.

c. Thủ pháp nghệ thuật:

- Điệp từ, điệp cấu trúc ("ngủ yên", "con cò") → tạo nhạc điệu ru và nhấn mạnh ý.

- Ẩn dụ, nhân hóa → khiến hình ảnh con cò trở nên sống động, gần gũi, giàu sức gợi.

- Kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất dân gian và hơi thở hiện đại, tạo chiều sâu tư tưởng.

=> Nghệ thuật đặc sắc đã giúp Con cò vượt lên một bài thơ ru, trở thành áng thơ thấm đẫm tình mẹ – tình người, sống mãi với thời gian.

- Phát triển đoạn văn logic, thuyết phục

+ Dẫn chứng từ bài thơ để minh chứng cho nhận định.

+ Thể hiện rõ suy nghĩ về đặc sắc nghệ thuật của văn bản “Con cò” – Chế Lan Viên.

- Đảm bảo ngữ pháp, liên kết:

+ Trình bày rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả.

- Sáng tạo

+ Cách diễn đạt mới mẻ, có suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Đoạn văn tham khảo

Bài thơ Con cò của Chế Lan Viên là một thi phẩm đặc sắc viết về tình mẹ và lời ru, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhờ nghệ thuật biểu đạt tinh tế và sáng tạo. Trước hết, bài thơ được viết theo thể thơ tự do, với nhịp điệu linh hoạt, mềm mại như nhịp ru của mẹ, góp phần gợi nên không gian êm dịu, đầm ấm. Giọng điệu thơ trữ tình, ngọt ngào, đậm chất ru con, thấm đẫm tình cảm yêu thương. Một trong những thành công nghệ thuật lớn của bài thơ là việc xây dựng hình ảnh biểu tượng "con cò". Từ những câu ca dao quen thuộc trong dân gian, Chế Lan Viên đã nâng tầm con cò thành biểu tượng thiêng liêng của tình mẹ, của sự che chở, hi sinh và đồng hành không rời bên con. Con cò xuất hiện linh hoạt trong các vai trò: từ cánh cò trong lời ru, đến người bạn của con trên hành trình khôn lớn, và cuối cùng là hiện thân của người mẹ dõi theo con suốt cuộc đời. Nhà thơ còn vận dụng khéo léo các biện pháp nghệ thuật như điệp từ, điệp ngữ, ẩn dụ và nhân hóa, làm tăng tính biểu cảm và chiều sâu tư tưởng. Tất cả đã góp phần tạo nên một bài thơ nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng đầy sức lay động, làm nổi bật vẻ đẹp bất tận của tình mẫu tử trong văn học Việt Nam.

Lời giải

- Đảm bảo yêu cầu về hình thức, dung lượng

+ Viết đúng hình thức bài văn đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết bài.

+ Đảm bảo dung lượng khoảng 600 chữ.

- Xác định đúng vấn đề nghị luận: Phân tích bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên.

- Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ và dẫn chứng; trình bày được hệ thống ý phù hợp theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận. Có thể triển khai theo hướng:

* Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về tác giả Chế Lan Viên: nhà thơ nổi bật trong nền thơ hiện đại Việt Nam, từng chuyển mình mạnh mẽ từ siêu thực – tượng trưng sang trữ tình – chính luận.

- Giới thiệu bài thơ “Con cò”: Một bài thơ cảm động viết về tình mẹ, lời ru, và hành trình lớn lên của con trong vòng tay yêu thương của mẹ.

- Nêu vấn đề nghị luận: Phân tích nội dung và nghệ thuật đặc sắc của bài thơ “Con cò”.

* Thân bài:

1. Khái quát về bài thơ

- Bài thơ nằm trong giai đoạn sau 1975, khi Chế Lan Viên chuyển sang viết về con người đời thường với chiều sâu triết lí nhân sinh.

- Mượn hình ảnh con cò trong ca dao, nhà thơ khắc họa tình mẫu tử thiêng liêng và hành trình trưởng thành của con người trong sự chở che của tình mẹ.

2. Phân tích nội dung chính của bài thơ

a) Khổ I: Con cò trong lời ru của mẹ

- Hình ảnh con cò được dẫn dắt từ ca dao dân gian: “Con cò bay la…”, gợi không gian ngọt ngào của lời ru.

- Lời ru mẹ hát chứa đựng hình ảnh con cò vất vả, lẻ loi → tượng trưng cho sự hi sinh, tảo tần của người mẹ.

- Dù con chưa hiểu ý nghĩa những câu hát, nhưng lời ru đã nuôi dưỡng tâm hồn, tiềm thức tuổi thơ.

- Hình ảnh mẹ hiện lên như chốn bình yên vững chãi: “Cành có mềm mẹ đã sẵn tay nâng”.

b) Khổ II: Con lớn lên trong sự đồng hành của cánh cò

- Cò trở thành người bạn thân thiết, song hành cùng con trong từng giai đoạn cuộc đời.

- Từ chiếc nôi thơ ấu → bước chân đến trường → hành trình sáng tạo nghệ thuật (trở thành thi sĩ).

- Cánh cò là biểu tượng cho lý tưởng, khát vọng, và nguồn cảm hứng – có gốc rễ từ tình mẹ, lời ru.

c) Khổ III: Con dù lớn vẫn là con của mẹ

- Tình mẹ như cánh cò – đi theo con suốt đời, vượt mọi không gian, khoảng cách.

- Dù con trưởng thành, mẹ vẫn dõi theo, yêu thương và bảo bọc: “Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”.

- Lời ru mẹ hát, hình ảnh con cò chính là biểu tượng thiêng liêng của cuộc đời mẹ – sống vì con, gắn bó với con đến tận cuối cùng.

3. Đặc sắc nghệ thuật

- Thể thơ tự do, nhịp điệu nhẹ nhàng như lời ru, mang lại sự êm dịu, gần gũi.

- Giọng điệu trữ tình, sâu lắng, tha thiết.

- Hình ảnh con cò từ ca dao được phát triển thành biểu tượng nghệ thuật đa tầng: gợi mẹ, lời ru, tình thương và cả hành trình trưởng thành.

- Biện pháp tu từ phong phú: điệp ngữ (“ngủ yên”, “con cò”), nhân hóa (cánh cò đồng hành với con), ẩn dụ (cò = mẹ).

* Kết bài:

- Khẳng định lại ý nghĩa sâu sắc của bài thơ: “Con cò” không chỉ là một bản tình ca về tình mẹ mà còn là sự nối tiếp và phát triển sáng tạo giá trị văn hóa dân gian trong thơ hiện đại.

- Gợi nhắc người đọc về giá trị của lời ru mẹ, của tình mẫu tử trong hành trình làm người và trưởng thành.

Bài văn tham khảo

Trong kho tàng thi ca hiện đại Việt Nam, Chế Lan Viên là một tên tuổi nổi bật với phong cách thơ sâu sắc, giàu chất triết lí và sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt, sau năm 1975, thơ ông có sự chuyển hướng rõ nét, từ những vấn đề lớn lao của thời đại sang sự chiêm nghiệm về con người đời thường, về tình mẫu tử và giá trị văn hóa dân gian. Bài thơ “Con cò” là một tác phẩm đặc sắc tiêu biểu cho giai đoạn này. Qua hình ảnh con cò quen thuộc trong ca dao, bài thơ ca ngợi tình mẹ bao la, lời ru ngọt ngào và hành trình trưởng thành của con người trong sự chở che ấm áp của mẹ.

Ngay từ khổ thơ đầu, Chế Lan Viên đã dẫn dắt người đọc trở về với không gian tuổi thơ qua lời ru của mẹ. Con cò – hình tượng quen thuộc trong dân ca – không chỉ là hình ảnh thị giác mà còn là biểu tượng của sự vất vả, tảo tần. Những câu ca dao: “Con cò bay la / Con cò bay lả…” vang lên như dòng sữa nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ từ thuở nằm nôi. Dù đứa con còn bé, chưa hiểu hết lời ru, chưa biết “cò” là ai, nhưng bằng tình yêu và hơi ấm của mẹ, lời ru ấy đã thấm sâu vào tâm hồn con, gieo mầm cảm xúc và nhân cách. Mẹ hiện lên là điểm tựa vững chắc, là người “sẵn tay nâng” mỗi khi con đối diện với những “cành mềm” của cuộc sống.

Ở khổ thơ thứ hai, hình ảnh con cò không còn gắn với gian truân, mà đã trở thành người bạn đồng hành với con trên mọi nẻo đường. Cò từ lời ru bước vào tổ ấm, bay theo con đến trường, nâng bước con trong từng hành trình trưởng thành. Đặc biệt, khi con “làm thi sĩ”, cánh cò trắng lại “bay hoài không nghỉ” – trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo nghệ thuật, cho những vần thơ chan chứa yêu thương. Ẩn sau hình ảnh con cò là bóng dáng người mẹ – người âm thầm nâng đỡ và truyền cho con sức mạnh tinh thần.

Khổ thơ cuối như một bản tình ca đầy xúc động về tình mẫu tử. Dù con có lớn, có đi xa đến đâu – “lên rừng xuống bể” – thì “lòng mẹ vẫn theo con”. Mẹ là con cò không mỏi cánh, là tiếng ru vỗ về suốt cả cuộc đời. Tình mẹ không chỉ là nơi khởi đầu mà còn là điểm tựa vĩnh cửu, là suối nguồn yêu thương không bao giờ cạn. Hình ảnh “một con cò thôi / Con cò mẹ hát / Cũng là cuộc đời” mang tính khái quát sâu sắc, nâng tầm con cò từ biểu tượng dân gian lên thành biểu tượng văn hóa và tình thương vô biên.

Về nghệ thuật, bài thơ sử dụng thể thơ tự do, câu thơ linh hoạt, nhịp điệu nhẹ nhàng như nhịp ru của mẹ. Giọng thơ trữ tình, sâu lắng, kết hợp hài hòa giữa chất liệu dân gian và cảm xúc hiện đại. Việc khai thác hình tượng con cò từ ca dao dân ca để thể hiện triết lí sống nhân văn và ca ngợi tình mẫu tử là một thành công lớn về sáng tạo nghệ thuật của Chế Lan Viên.

Tóm lại, “Con cò” không chỉ là lời tri ân thiêng liêng dành cho mẹ, mà còn là bản giao hưởng chan chứa yêu thương về tình mẹ – con, về những giá trị truyền thống được gìn giữ trong lời ru dân gian. Đọc bài thơ, ta không chỉ thấy mình bé lại trong vòng tay mẹ, mà còn thấy lòng mình lắng lại để biết yêu thương, trân trọng hơn những điều bình dị mà sâu xa trong cuộc sống.

Lời giải

Bạn cần đăng ký gói VIP ( giá chỉ từ 199K ) để làm bài, xem đáp án và lời giải chi tiết không giới hạn.

Nâng cấp VIP

Lời giải

Bạn cần đăng ký gói VIP ( giá chỉ từ 199K ) để làm bài, xem đáp án và lời giải chi tiết không giới hạn.

Nâng cấp VIP

Lời giải

Bạn cần đăng ký gói VIP ( giá chỉ từ 199K ) để làm bài, xem đáp án và lời giải chi tiết không giới hạn.

Nâng cấp VIP