Trong các trường hợp trên, các chủ thể đã vi phạm quy định nào của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân? Vì sao?
Trường hợp 1. Sau khi kết hôn, vợ chồng anh D, chị A sinh được 2 người con. Do tính chất công việc, anh D phải sống xa nhà, thỉnh thoảng mới về quê thăm gia đình. Gần đây, chị A đi thăm chồng thì phát hiện anh D đang chung sống như vợ chồng với chị O. Hai người còn chụp ảnh cưới, tổ chức đám cưới tại nhà hàng với sự tham dự của gia đình chị O và bạn bè hai bên.
Trường hợp 2. Tròn 16 tuổi. S được bố mẹ tổ chức đám cưới với anh họ (con trai của chị gái ruột bố của S). Sau khi kết hôn, vì không có ruộng đất nên S phải đi làm thuê khắp nơi kiếm tiền chăm lo cho gia đình. Năng lực có hạn, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh khiến cuộc sống của vợ chồng S càng ngày càng khó khăn, nhất là khi S sinh con gái đầu lòng và cháu bé không may bị nhiều dị tật bẩm sinh trên cơ thể khiến sức khoẻ suy yếu.
Trường hợp 3. Anh B và chị H kết hôn được 5 năm và đã có một con nhỏ. Trong thời gian chung sống, anh B nhiều lần có hành vi bạo hành vợ khi say rượu. Khuyên can chồng không được, chị H ngỏ ý muốn li hôn nhưng bị bố mẹ đẻ ngăn cản do sợ ảnh hưởng đến thanh danh, thể diện gia đình. Anh B cũng đe doạ, nếu chi H li hôn thì anh sẽ làm hại chị cùng con nhỏ.
Trường hợp 4. Anh M tâm sự với vợ muốn mua một căn nhà, khoản tiền cần trả trước là 400 triệu đồng, khoản vay là 1,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, anh M hiện đang trong danh sách khách hàng có khoản nợ xấu nên hai vợ chồng không thể vay thêm tiền ngân hàng. Anh bàn với vợ li hôn giả để chị K sau khi độc thân thì sẽ không bị ảnh hưởng bởi nợ xấu của anh và có thể vay tiền mua nhà. Chị K rất tin tưởng chồng nên đã đồng ý làm theo. Tuy nhiên, sau khi chị K rút hết khoản tiền vay được đưa cho anh M thì anh không mua nhà như đã thoả thuận trước đó. Anh chuyển về quê sinh sống và mở trang trại nuôi lợn trên mảnh đất của bố mẹ để lại. Khi chị K tìm về quê thì phát hiện anh M đã đăng kí kết hôn và chuẩn bị tổ chức đám cưới với một người phụ nữ cùng làng.