Câu hỏi:
13/07/2024 13,837Sách mới 2k7: Tổng ôn Toán, Lí, Hóa, Văn, Sử, Địa…. kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2025, đánh giá năng lực (chỉ từ 110k).
Quảng cáo
Trả lời:
Dàn ý Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen hút thuốc lá
1. Mở bài.
- Giới thiệu thực trạng của hiện tượng hút thuốc lá trong xã hội hiện nay.
2. Thân bài.
- Chỉ ra các nguyên nhân, biểu hiện, hậu quả, tác hại của việc hút thuốc lá (lấy dẫn chứng tiêu biểu minh hoạ, thuyết phục).
+ Ảnh hưởng tới sức khoẻ của mỗi cá nhân người hút thuốc sinh ra các căn bệnh hiểm nghèo. Ảnh hưởng tới những người xung quanh, sức khoẻ cộng đồng và vấn đề giống nòi.
+ Ảnh hưởng xấu tới môi trường sống.
+ Gây tốn kém tiền bạc cho người hút thuốc lá.
- Ảnh hưởng tác động của thuốc lá đến lứa tuổi thanh thiếu niên như thế nào ?
- Thái độ và hành động của thế giới, cả nước nói chung và của học sinh chúng ta nói riêng ra sao?
3. Kết bài.
- Lời kêu gọi hãy vì sức khoẻ cộng đồng và vì một môi trường không có khói thuốc lá.
- Liên hệ bản thân và rút ra bài học kĩ năng sống.
Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen hút thuốc lá - mẫu 1
Thuốc lá, mối nguy hại hàng đầu cho sức khỏe con người hiện nay. Thuốc lá là một loại sản phẩm được sản xuất từ cây thuốc lá được chế biến dưới các dạng như thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc một số dạng khác. Đối tượng sử dụng thuốc lá hiện nay rất đa dạng: trẻ vị thành niên, học sinh, phụ nữ, người già nhưng phổ biến nhất là nam giới ở mọi lứa tuổi.
Hằng năm, theo thống kê của bộ y tế, khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư. Khói thuốc lá chứa các thành phần gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe hô hấp, phổi của con người. Những người sử dụng thuốc lá có nguy cơ mắc các bệnh như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi… và thậm chí là ung thư phổi. Đặc biệt, hút thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe người hút mà còn vô tình trở thành vũ khí giết người vô hình khi gây hại cho cả những người hít phải khói thuốc lá một cách thụ động. Khi hít phải khói thuốc lá thụ động, mọi đối tượng đều có khả năng mắc những căn bệnh giống với người hút thuốc lá hay thậm chí mức độ nặng hơn. Một số trường hợp, sản phụ do hít phải quá nhiều khói thuốc lá đã dẫn đến dị tật bẩm sinh thai nhi, người già đau ốm, trẻ em đề kháng thấp. Theo số liệu thực tế cho thấy Việt Nam mỗi năm có hơn 40.000 người tử vong vì khói thuốc lá. Và có hàng vạn những trường hợp vô tình trở thành nạn nhân của khói thuốc khi đứng và di chuyển ở nơi công cộng.
Tác hại của thuốc lá đối với đời sống con người là vô cùng nghiêm trọng, tuy nhiên lại có rất nhiều người nghiện thuốc lá và nguyên do lí giải cho sự gia tăng về số lượng người hút là bởi vì thuốc lá kích thích sự tò mò và thế giới tư duy của người viết. Đặc biệt, thuốc lá rất khó để bỏ, có những người đã từng bỏ cả vài tháng nhưng sau đó lại quay lại sử dụng. Có thể thấy, mức độ thu hút của thuốc lá thực không đơn giản.
Người thân xung quanh tôi đã từng có rất nhiều người nghiện thuốc lá ví như bố tôi chẳng hạn. Một ngày ông sử dụng tới 2 bao thuốc Thăng Long và nhiều hơn nếu có thời gian sử dụng, răng ông ố vàng, miệng ông đượm mùi thuốc, người ông gầy gò ốm yếu và chẳng thấy da thịt sức sống gì. Không chỉ có ông, chị em tôi cũng là người bị ảnh hưởng nặng nề từ điều ấy, tôi và chị gái có sức khỏe hô hấp cực kì kém mắc viêm mũi, viêm xoang từ nhỏ và rất dễ bị viêm phế quản và viêm phổi mỗi khi trời lạnh. Nhận ra sự ảnh hưởng tiêu cực lớn đến sức khỏe cả gia đình, ông đã quyết định từ bỏ thuốc lá. Ông là một người đã hút thuốc lá thâm niên tới 20 năm, nhưng đến năm 2017, ông đã chính thức từ bỏ thuốc lá, bài trừ thuốc lá ra khỏi căn nhà của tôi. Cách để ông quên hẳn thuốc lá sau nhiều lần “bỏ hụt” chính là lấy cháu gái của tôi làm động lực. Ông tự động viên mình, phải cho cháu gái một môi trường sống khỏe mạnh khi ra đời, vậy nên ông đã ném bỏ bao thuốc ngay thùng rác bệnh viện ngày cháu bé xuất hiện. Đó là một điều kì diệu mà chính chúng ta cũng không thể lí giải được. Bên cạnh những cách thức cai nghiện thuốc lá bằng tâm lí thì cũng có những phương pháp khác qua vật lí trị liệu hoặc sử dụng các loại viên ngậm, nước súc miệng tạo cảm giác không thèm thuốc giúp người nghiện thuốc bài trừ dần dần và loại bỏ thói quen xấu này.
Đến nay, ông đã bỏ thuốc được năm năm, sức khỏe ông tốt lên rất nhiều, từ một người nặng 50kg nay ông đã lên 65kg, răng ông trắng hơn, miệng không còn hôi, không còn mệt mỏi và thể lực tốt, tinh thần thoải mái, thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng nâng cao sức khỏe và sức khỏe hệ hô hấp của cả gia đình tôi cũng có những chuyển biến tích cực hơn rất nhiều.
Chúng ta không xấu, môi trường công cộng không xấu nhưng khói thuốc chúng ta sử dụng rất xấu vì vậy hãy chung tay xây dựng một môi trường trong sạch, lành mạnh cho sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội. “Hãy nói không với thuốc lá, hãy là người thông thái với những thói quen sống của bản thân mình”.
Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen hút thuốc lá - mẫu 2
Cuộc sống mỗi con người bị chi phối bởi những thói quen. Thói quen tốt sẽ hình thành nên tính cách tốt. Thói quen xấu không chỉ khiến chất lượng cuộc sống con người bị ảnh hưởng mà một số thói quen xấu còn tạo ra tính cách xấu đẩy con người vào con đường tệ nạn. Hút thuốc lá điện tử là một thói quen xấu của các bạn học sinh hiện nay. Trong khi môi trường học đường cần được xây dựng trên tinh thần học tập nghiêm túc, rèn luyện thói quen lành mạnh, phẩm chất đạo đức tốt thì một số bạn đi ngược lại, phá bỏ những quy định, tạo cho mình một thói quen vô cùng tệ hại là hút thuốc lá điện tử.
Câu chuyện về thuốc lá chắc không còn xa lạ gì đối với mỗi chúng ta. Thuốc lá từ lâu đã được cảnh báo trên toàn thế giới về mức độ gây nghiện và gây hại đến sức khoẻ của nó đối với cả bản thân người hút và những người hít phải khói thuốc. Theo sự biến đổi không ngừng của thời đại, từ một điếu thuốc lá thông thường chuyển thành một dạng thuốc lá điện tử với hình thức cũng hiện đại, mới lạ hơn. TLĐT được quảng cáo trên thị trường là một phương pháp an toàn để thay thế hút thuốc truyền thống. Nhưng thực tế không phải vậy. Có thể hiểu, TLĐT là một dạng thiết bị chạy pin thông thường được thiết kế để người hút thấy và cảm nhận như thuốc lá bình thường. Nó sử dụng các hộp nạp bên trong chứa nicotine, hương liệu và một số loại hóa chất khác. Có một thiết bị đốt bên trong thuốc lá điện tử giúp chuyển đối các chất lỏng thành hơi nước để người hút hít vào. Chất nicotine là một hoá chất độc hại có trong thuốc lá thông thường và cũng là một nhân tố cơ bản gây hại đến sức khỏe cơ thể. Đâu chỉ vậy, TLĐT còn chứa thêm một số chất khác nguy hại không kém như những hạt siêu mịn hít vào phổi tạo sự bám chặt gây ung thư, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, các kim loại nặng niken, thiếc, chì đều là kim loại gây hại khi vào cơ thể. Ngoài ra chất tạo mùi trong TLĐT còn diacetyl là tác nhân liên quan bệnh phổi.
Theo một số khảo sát và thống kê của Trung tâm kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ năm 2020, có đến 2807 ca tổn thương phổi xuất phát từ thuốc lá điện tử, trong đó có những ca chuyển biến nặng dẫn đến tử vong. Trên thế giới tỷ lệ giới trẻ sử dụng TLĐT đang ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, năm 2019, khoảng 2,6% thanh, thiếu niên độ tuổi 13-17 sử dụng TLĐT, trước đó chỉ 0,2%. Tỷ lệ sử dụng TLĐT ở Việt Nam có xu hướng gia tăng tại các thành phố lớn, đối tượng thuộc nhóm người trẻ tuổi, có mức sống khá. Không khó để bắt gặp hình ảnh những bạn học sinh. Anh chị sinh viên đang vô tư thả khói với đủ mùi hương khác nhau, trong số đó có không ít các trường hợp vẫn còn mặc bộ quần áo đồng phục trên người. Gần đây, thuốc lá điện tử (còn gọi là vape) len lỏi vào trường học. Vape được bán với giá ‘học sinh’ khoảng 120.000 – 150.000 đồng dưới dạng son môi, bút, viết, USB…Những loại này đa dạng hương vị dâu, cam, xoài… bán trôi nổi, có nicotine và cần sa gây nghiện.
Nhiều bạn trẻ vẫn lầm tưởng rằng thuốc lá điện tử (hay còn gọi là vape) an toàn hơn thuốc lá truyền thống, nhưng một nghiên cứu mới đây cho thấy thuốc lá điện tử gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mọi mặt, đặc biệt là đối với sự phát triển toàn diện của học sinh. Nạn nhân đầu tiên của chất nicotin là não bộ. Chất này gây ra những biến đổi hoá học kéo dài và nguy hiểm nhất là gây nghiện. Ngoài ra, người dùng còn có thể bị đau đầu, chóng mặt hoặc run lẩy bẩy. Nicotin và diacetyl-một chất tạo hương- được tìm thấy trong một số sản phẩm thuốc lá điện tử tăng nguy cơ mắc bệnh phổi và ung thư phổi. Các bạn trẻ hút thuốc lá điện tử sẽ khiến tăng huyết áp về lâu về dài, bạn đã tự đặt mình vào hiểm họa máu cơ tim và đột quỵ. Một nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc lá điện tử tàn phá hệ miễn dịch của bạn còn hơn cả hút thuốc truyền thống. Chẳng những ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, hút thuốc lá điện tử nghĩa là bạn đang đầu độc những trẻ em và những thai nhi quanh đó. Ngoài tác hại trực tiếp đến sức khỏe, TLĐT sẽ gây rối loạn thần kinh Những người hút thuốc có thể sẽ cảm thấy chán nản, mệt mỏi, hoặc cáu kỉnh khi không được hút . Lâu dài dẫn đến rối loạn hành động ,gây giảm khả năng kiểm soát bản thân trong thời gian dài, khiến các bạn học sinh mắc các vấn đề với khả năng chú ý và suy luận điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập. Chưa kể đến những tác hại ngoài ý muốn của TLĐT do pin gây cháy nổ mà ra. Những hình thức dùng chung khi hút thuốc lá điện tử sẽ tạo cơ hội lây lan các bệnh truyền nhiễm từ đường hô hấp trong đó có Covid. Chẳng những thế, giá thành của thuốc lá điện tử khá cao, muốn mua được loại thuốc này các bạn học sinh không thể xin tiền ba mẹ nên dẫn đến tình trạng gian lận, trộm cắp. Từ những hành vi lệch lạc sẽ là con đường của tệ nạn xã hội.
Khi các bạn bỏ thói quen hút thuốc lá điện tử nghĩa là các bạn đang tạo cho mình một và mọi người một môi trường học đường lành mạnh, trong sáng. Trong môi trường ấy chúng ta chỉ dành thời gian cho việc xây dựng tình cảm bạn bè, nghiên cứu học tập, tham gia các hoạt động chung của trường…Ngừng hút thuốc lá điện tử bạn sẽ bảo vệ được sức khoẻ của mình, có sức khoẻ chúng ta mới có thể tập trung học hành, sống vui tươi, hạnh phúc. Từ chối sự rủ rê, lôi kéo hút thuốc lá điện tử từ những người khác là bạn đang bảo vệ lối sống lành mạnh, tạo cho mình nhân cách tốt đẹp. Không chỉ thế, bỏ thói quen xấu này bạn không phải mất tiền một cách vô bổ. Gia đình bạn sẽ không lo lắng, xáo trộn vì thói xấu của bạn, thầy cô sẽ không còn gánh nặng với những học sinh cá biệt.
Để đẩy lùi tình trạng hút thuốc lá điện tử trong học sinh, cần có sự quan tâm phối hợp giữa các cấp các ngành. Cơ quan chức năng nhà nước, cục thực phẩm cần quản lý chặt chẽ hơn nữa việc mua bán các loại hình thuốc lá điện tử dành cho đối tượng trẻ em. Nhà trường nên thường xuyên có những buổi học ngoại khoá để tuyên truyền, giáo dục các em học sinh tránh xa TLĐT, cần nghiêm khắc hơn trong việc học sinh, giáo viên hút TLĐT. Gia đình cần quan tâm hơn nữa đến con em mình. Không nên nuông chiều, dễ giải với những hành vi gian lận tiền bạc, thời gian vào những việc vô bổ, ảnh hưởng đến học tập và sức khỏe. Quan trọng nhất vẫn là phía giới trẻ chúng ta nói chung và học sinh nói riêng. Chúng ta nên hiểu rõ về tác hại của TLĐT và tránh xa chúng. Nên dành thời gian cho việc học tập, vui chơi lành mạnh. Cùng chung tay với nhà trường trong việc đẩy lùi nạn hút TLĐT ra khỏi học đường.
Cuộc sống này là của chúng ta. Tương lai mai sau là kết quả của những gì chúng ta làm hôm nay. Hãy tự bảo vệ mình bằng cách tránh xa những tệ nạn xã hội, tránh xa những tác nhân gây hại đến sức khỏe, ảnh hưởng việc học hành. Nói không với TLĐT để trả lại môi trường trong sáng của học trò cũng là để giới trẻ chúng ta có được một nền tảng tốt rèn luyện và phát triển.
Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen hút thuốc lá - mẫu 3
Cuộc sống hiện đại mang tới nhiều tiện ích cho con người, song nó cũng luôn ẩn chứa những mặt trái với các tệ nạn xã hội. Hút thuốc lá chưa phải là một tệ nạn mang tính nguy hiểm cấp thiết nhưng cũng gây ra nhiều tác hại trong cuộc sống hiện nay.
Theo nghiên cứu và các thông tin được công bố, hút thuốc lá tiềm ẩn nhiều tác hại chứ không mang lại lợi ích gì cho con người. Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người hút thuốc mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến những người xung quanh. Mặc dù trên các vỏ bao thuốc lá hiện nay đều có dòng chữ “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” nhưng có vẻ người hút vẫn thờ ơ với lời cảnh báo ấy. Trong thuốc lá có chứa chất nicotin gây nghiện, khiến cho người hút thuốc lá bị lôi cuốn và khó bỏ. Điều này lại làm gia tăng tỉ lệ hút thuốc lá cũng như gia tăng tần suất hút thuốc lá. Hút thuốc lá nhiều, người hút có thể mắc các bệnh như hen suyễn, ho, khó thở, tức ngực, ung thư phổi, ung thư vòm họng. Những hệ lụy đó hiện tại chưa thấy nhưng hậu quả về sau sẽ rất khủng khiếp. Khi ấy, dù có cố gắng chữa trị thì cũng chưa chắc đã khỏi.
Không chỉ vậy, hút thuốc lá còn là một “kẻ giết người” vô hình đối với những người xung quanh. Trong khói thuốc lá cũng chứa nhiều chất độc hại, khi những người xung quanh khi hít phải khói thuốc lá cũng có thể mắc những bệnh tật đã trên như ho, tức ngực, khó thở hay thậm chí nghiêm trọng hơn là ung thư phổi. Nhất là đối với phụ nữ đang mang thai, nếu hút thuốc lá hay hít phải khói thuốc nhiều sẽ dẫn đến dị tật thai nhi và kéo theo những hậu quả rất đáng lo ngại.
Như vậy, mỗi chúng ta hãy nâng cao ý thức, người đang trực tiếp hút thuốc lá hãy dừng lại để bảo vệ chính bản thân mình và người xung quanh, thuốc lá rất khó bỏ nhưng không có nghĩa là không bỏ được. Xây dựng môi trường không khói thuốc lá không chỉ giúp bảo vệ chúng ta mà còn giúp môi trường trở nên trong lành hơn.
Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen hút thuốc lá - mẫu 4
Xã hội đang phát triển từng ngày kéo theo nhiều nhu cầu mới phát sinh và các tệ nạn cũng theo đó mà ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của mỗi người. Hút thuốc lá chưa phải là tệ nạn nhưng nó là vấn đề gây nhức nhối đối với tất cả mọi người. Bởi nó đặt ra nhiều thách thức chưa thể tháo gỡ được.
Tình trạng hút thuốc lá hiện nay diễn biến rất phức tạp và ngày càng gia tăng, chưa thể kìm hãm lại. Mặc dù các công ty sản xuất thuốc lá vẫn có dòng chữ “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” nhưng họ bỏ qua, mặc kệ vẫn hút.
Thuốc lá là một chất gây nghiện, khi dính vào thì rất khó mà thoát ra. Ngày nay ai cũng biết rằng hút thuốc lá chỉ có hại không có lợi. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người hút thuốc mà còn ảnh hưởng rất lớn đến những người xung quanh. Thuốc lá vừa ảnh hưởng trực tiếp vừa ảnh hưởng gián tiếp đến mọi người.
Khi xã hội phát triển từng ngày, chúng ta vẫn bắt gặp trên bàn làm việc, trong các buổi gặp gỡ trò chuyện vẫn có những bao thuốc lá. Vậy nguyên nhân của việc hút thuốc lá do đâu? Nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song chủ yếu vẫn là do giao tiếp. Một số khác do mượn thuốc để giải sầu, hoặc hiện nay có một số phần tử thanh niên hư hỏng tập hút thuốc để tự khẳng định mình. Chính vì sự đua đòi đó đã làm hỏng một con người.
Thuốc lá có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng ta, gây ra nhiều bệnh cho người hút như ung thu phổi, ung thư vòm họng. Nó để lại nhiều hệ lụy mà sau này chúng ta mới nhận ra hoặc nếu nhận ra rồi thì cũng làm ngơ, vẫn cứ hút như một thói quen.
Thuốc lá còn là “kẻ giết người” gián tiếp. Bạn có biết rằng khi mình hút thuốc đã mang đến rất nhiều nguy hiểm cho những người xung quanh. Chỉ là khói thuốc lan tỏa ra nhưng nó lại là tác nhân gây bệnh cho mọi người, đặc biệt phụ nữ mang thai nếu hít phải nhiều khói thuốc độc hại này thì có thể dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.
Hằng năm có biết bao nhiêu người nhập viện vì bệnh ung thư phổi mà theo xét nghiệm thì nguyên nhân chính là hút thuốc lá. Chỉ vì hút thuốc lá mà suốt quãng đời còn lại họ chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo này. Liệu rằng có quá nghiệt ngã không.
Hút thuốc lá ngày càng gia tăng, mặc dù các cơ quan chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền nhưng dường như chỉ hạn chế được một thời gian, sau đó nó lại tiếp tục tái diễn. Hút thuốc lá rất khó bỏ, bởi rằng trong đó có chất gây nghiện nhưng không phải không thể. Sự nỗ lực của bản thân mình sẽ giúp cho bạn kiềm chế được cơn thèm muốn đó. Mỗi người hãy tự nhận thức được hành vi sai trái, ảnh hưởng đến sức khỏe một cách ghê gớm này mà kìm hãm lại. Đối với những cơ sở sản xuất thuốc lá và cơ quan chức năng cần có kế hoạch để giảm thiểu tỷ lệ người hút thuốc lá. Như thế chúng ta đang tạo nên một môi trường lành mạnh hơn. Không khói thuốc thì xã hội sẽ không ngừng phát triển.
Sự giúp đỡ của mọi người dành cho người hút thuốc lá cũng vô cùng quan trọng, vì nó tác động và ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của họ. Bởi vậy mọi người hãy cùng nhau bài trừ hành vi hút thuốc lá đáng trách này để mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen hút thuốc lá - mẫu 5
Hiện nay, khi xã hội phát triển hưng thịnh thì bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm được toàn dư luận quan tâm. Một trong số đó chúng ta phải nhắc đến chính là việc hút thuốc lá hiện nay. Mỗi năm trên thế giới có hơn 8 triệu người chết vì hút thuốc lá. Trung bình cứ 4 giây lại có một người chết. Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. 26% thanh thiếu niên độ tuổi 14 đến 24 đã làm quen với khói thuốc.
Thuốc lá có nhiều tác hại to lớn đối với con người. Đầu tiên là đối với người sử dụng: Thuốc lá gây ra 90% trường hợp ung thư phổi; ngoài ra thuốc lá còn gây ra các bệnh khác như viêm phế quản mãn tính, phổi tắc nghẽn mãn tính,… Đối với hệ tuần hoàn, thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra các bệnh lí tim mạch (xơ vữa thành mạch, rối loạn nhịp tim, huyết áp tăng cao,…). Đối với hệ thần kinh, thành phần trong khói thuốc lá tác động mạnh mẽ nhất đến hệ thần kinh trung ương là nicotin hình thành hiện tượng lệ thuộc vào nó. Đối với hệ tiêu hóa, hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ ung thư hầu hết các cơ quan trong hệ tiêu hóa: miệng, vòng họng, thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan… Đối với cơ quan sinh sản, sinh dục, khói thuốc gây rối loạn nội tiết hoocmon trong cơ thể của cả nam và nữ.
Ngoài ra, thuốc lá còn có các tác hại khác như: ảnh hưởng đến da, tóc, hoạt tính của hoocmon điều hòa đường huyết,… Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng mà nó còn có tác hại đối với người xung quanh: Khói thuốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của phụ nữ mang thai và thai nhi, gây ung thư phổi, khí phế thũng, rụng tóc và đục nhân mắt.
Hút thuốc lá thụ động thường xuyên sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh lí tim mạch, phổi và nguy cơ đột quỵ cũng rất cao. Từ những tác hại to lớn của thuốc lá, mỗi chúng ta hãy cố gắng tránh xa chất độc này và rèn luyện cho bản thân một lối sống lành mạnh, tích cực.
Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen hút thuốc lá - mẫu 6
Chúng ta không khó để bắt gặp người hút thuốc lá trong cuộc sống thường ngày. Mặc dù biết rõ những tác hại to lớn mà thuốc lá mang lại, tuy nhiên con người vẫn không ngưng việc sử dụng loại chất hại này.
Hiện nay, tình trạng hút thuốc lá đang diễn ra phổ biến và tràn lan, người sử dụng thuốc lá thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, chủ yếu là nam giới và cũng có nhiều trường hợp là nữ giới. Một vấn nạn đau đầu nữa của thuốc lá mà chúng ta phải kể đến chính là việc hút thuốc lá của các bạn học sinh: Nhiều cô cậu tuy còn đang ở độ tuổi vị thành niên nhưng trên tay và miệng phì phèo điếu thuốc, thậm chí có những bé trai chưa đến mười tuổi nhưng đã tập tành hút thuốc. Khói thuốc thật sự đã xâm nhập và len lỏi vào không gian trường học.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hút thuốc lá này đầu tiên là do ý thức của con người, do thói quen sử dụng khó bỏ cũng như hạn chế trong hiểu biết về tác hại của thuốc lá. Bên cạnh đó, thuốc lá có chất nicotin gây nghiện khiến người có thói quen hút thuốc khó bỏ, không hút sẽ cảm thấy khó chịu. Hút thuốc lá có nhiều tác hại to lớn đối với con người. Trong thuốc lá có chứa nhiều chất độc hại dẫn đến rất nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư vòm họng và ung thư phổi. Việc nghiện thuốc lá còn gây tốn kém về tiền của cũng như góp phần làm ô nhiễm môi trường do khói thuốc, tàn thuốc gây ra.
Thuốc lá không chỉ tác động xấu đến sức khỏe của người trực tiếp sử dụng nó mà khí còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh: Người hít phải khí thuốc sẽ có ảnh hưởng như người sử dụng và nguy hại nhất là khi phụ nữ mang thai, trẻ em, người già hít phải khói thuốc. Để hạn chế tối đa tình trạng hút thuốc lá của con người, trước hết mỗi người cần tự nâng cao nhận thức của bản thân về những tác hại mà thuốc lá mang đến.
Bên cạnh đó, nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền cần có nhiều biện pháp nghiêm khắc hơn nữa để hạn chế tình trạng hút thuốc lá của người dân. Cả nước cùng chung ta đẩy lùi tình trạng nghiện thuốc lá sẽ mang lại những hiệu quả to lớn. Vì một tương lai, vì một môi trường xanh - sạch - đẹp, hãy dừng sử dụng thuốc lá từ hôm nay.
Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen hút thuốc lá - mẫu 7
Xã hội hiện đại giúp cho con người trở nên văn minh hơn, song nó cũng luôn ẩn chứa những mặt trái với các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng. Hút thuốc lá chưa phải là một tệ nạn mang tính chất nguy hiểm như cướp của, giết người hay buôn bán thuốc phiện nhưng hiện tại, nó đang là một vấn đề gây nhức nhối trong xã hội hiện nay.
Với những nghiên cứu khoa học và những cảnh báo được tuyên truyền phổ biến, ai trong chúng ta cũng đều biết hút thuốc lá chỉ có hại chứ không có lợi ích gì. Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người hút thuốc mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến những người xung quanh. Mặc dù trên các vỏ bao thuốc lá hiện nay đều có dòng chữ “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” nhưng hầu như những người hút thuốc lá đều bỏ qua lời cảnh báo này.
Vì sao đã có những lời cảnh báo về tác hại ghê gớm của thuốc lá mà nhiều người vẫn hút thuốc? Nguyên nhân hút thuốc lá thì có nhiều và có lẽ chủ yếu là do giao tiếp. Bên cạnh tục lệ mời trầu tiếp khách của dân gian ngày xưa thì nay người ta mời nhau nước chè, thuốc lá để thể hiện sự “hiện đại, tân tiến”. Với một số người thì hút thuốc lá để giải tỏa cảm xúc. Hoặc với những phần tử thanh niên hư hỏng hiện nay thì hút thuốc lá là để “khẳng định ta đây đã là người lớn”. Chính vì thế mà ta rất dễ dàng bắt gặp những bao thuốc lá nằm trên bàn làm việc, trong các buổi gặp gỡ trò chuyện hay trong những đám hiếu, đám hỉ… ngày nay.
Như đã nói ở trên, ai trong chúng ta cũng đều biết thuốc lá có hại cho sức khỏe, thậm chí là người hút thuốc cũng biết nhưng lại không có ý thức ngừng sử dụng nó. Trong thuốc lá có chứa chất nicotin gây nghiện, khiến cho người hút thuốc lá rất khó bỏ, khó cai. Điều này lại làm gia tăng tỉ lệ hút thuốc lá cũng như gia tăng tần suất hút thuốc lá. Hút thuốc lá nhiều sẽ gây ra nhiều bệnh tật cho người hút như hen suyễn, ho, khó thở, tức ngực, ung thư phổi, ung thư vòm họng. Có thể thấy những hệ lụy mà nó gây ra rất khủng khiếp nhưng mãi đến sau này con người chúng ta mới nhận ra dù đã được cảnh báo. Khi ấy, mọi sự cố gắng chữa trị đều trở nên vô nghĩa.
Không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến người hút thuốc lá mà nó còn là một “kẻ giết người” vô hình đối với những người xung quanh. Trong khói thuốc lá cũng chứa nhiều chất độc hại và do đó, khi người hút thuốc không chỉ làm giảm sức khỏe cho bản thân mình mà còn làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Những người xung quanh khi hít phải khói thuốc lá cũng có thể mắc những bệnh tật đã trên như ho, tức ngực, khó thở hay thậm chí nghiêm trọng hơn là ung thư phổi. Đối với phụ nữ đang mang thai nếu hút thuốc lá hay hít phải khói thuốc nhiều sẽ dẫn đến dị tật thai nhi và kéo theo những hậu quả rất đáng buồn.
Biết rằng tác hại của thuốc lá rất ghê gớm như vậy thì chúng ta cần làm gì để ngăn chặn việc hút thuốc lá trong xã hội hiện nay? Đối với những người hút thuốc lá thì hãy từ bỏ hút thuốc ngay giờ. Thuốc lá rất khó bỏ, vì rằng thuốc lá có chứa chất gây nghiện nhưng không phải không thể bỏ được. Sự ý thức cao độ cùng với những nỗ lực của bản thân kết hợp với các phương pháp cai thuốc lá hiệu quả hiện nay (như là dùng thuốc uống, các bài thuốc dân gian,…) sẽ giúp cho bạn kiềm chế được cơn thèm muốn hút thuốc lá. Điều quan trọng nhất đó chính là ý thức và ý chí của con người. Nếu biết đến tác hại của thuốc lá và quyết tâm cai thuốc thì nhất định chúng ta sẽ làm được.
Đối với những cơ sở sản xuất thuốc lá và các cơ quan chức năng cần có những kế hoạch sản xuất phối hợp với tuyên truyền để giảm thiểu tỷ lệ người hút thuốc lá. Xây dựng môi trường không khói thuốc lá không chỉ giúp bảo vệ chúng ta mà còn giúp môi trường trở nên trong lành, khỏe mạnh hơn, nhất là ở các môi trường công cộng đông người như cơ quan, trường học, sảnh chờ sân bay, trên xe bus….
Sự giúp đỡ của mọi người xung quanh đối với người hút thuốc lá và của tất cả chúng ta trong mọi trường hợp có khói thuốc lá cũng là điều vô cùng quan trọng. Nó không chỉ giúp bảo vệ chính chúng ta, bảo vệ người hút thuốc lá mà còn góp phần xây dựng môi trường văn hóa, văn minh lịch sự và lành mạnh hơn. Bởi vậy mọi người hãy cùng nhau chung tay bài trừ hành vi hút thuốc lá ẩn chứa nhiều hậu họa này để mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen hút thuốc lá - mẫu 8
Trong cuộc sống của chúng ta hiện nay, có rất nhiều thú vui ra đời, kéo theo nhiều thói hư tật xấu cũng nhờ đó mà có cơ hội phát triển. Có rất nhiều thói hư tật xấu trong cuộc sống hàng ngày, trở thành thói quen khó bỏ với nhiều người. Hút thuốc lá cũng là một trong những thói quen xấu, gây ảnh hưởng không chỉ đến bản thân mình mà còn ảnh hưởng đến người xung quanh, cần phải được loại bỏ.
Hàng ngày chúng ta đọc sách, báo, xem đài, qua các phương tiện truyền thông, ai cũng đều biết thuốc lá có hại cho tất cả mọi người. Thuốc lá có chứa Nicotin, là một chất gây nghiện cho nên nhiều người tưởng rằng chỉ hút thử, hút chơi nhưng dần dà lại trở thành thói quen khó bỏ, khó cai. Thuốc lá ảnh hưởng trực tiếp và rất xấu đến sức khỏe con người. Thuốc lá chính là nguyên nhân gây nên các bệnh về phổi và đường hô hấp như lao phổi, ung thư phổi, ung thư vòm họng… và là một trong những nguyên nhân làm giảm tuổi thọ của con người, vì nếu hút thuốc lá lâu dài, sẽ có thể gây tử vong cho người hút. Không chỉ vậy, thuốc lá còn ảnh hưởng gián tiếp đến những người xung quanh dù họ không hút. Những người hút thuốc lá thụ động, thường xuyên hít phải khói thuốc từ người thân và ở nơi công cộng, cũng rất dễ bị mắc phải những bệnh nguy hiểm không kém gì người hút thuốc lá trực tiếp. Đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Với trẻ nhỏ, hít phải khói thuốc sẽ khiến các em có nguy cơ mắc các bệnh viêm phổi, còi cọc, chậm phát triển. Còn với phụ nữ mang thai, khi hít phải nhiều khói thuốc sẽ ảnh hưởng nặng nề đến thai nhi, nhiều trường hợp đã xảy ra gây hậu quả đáng tiếc, mà lý do là vì hít phải khói thuốc lá.
Hút thuốc lá còn ảnh hưởng đến môi trường. Vì khói thuốc lá phát tán ra không khí, làm ô nhiễm không khí. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một nặng nề cũng có một phần nào đó do thuốc lá, con người mỗi ngày tiêu thụ không biết bao nhiêu điếu thuốc, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống xung quanh.
Thuốc lá có nhiều tác hại nghiêm trọng như vậy, nhưng nhiều người vẫn coi nhẹ việc hút thuốc. Họ dùng điếu thuốc để làm phương tiện giao tiếp, gặp nhau chào hỏi nhau bằng điếu thuốc, hơn thua nhau cũng ở điếu thuốc. Nghiêm trọng hơn, tình trạng thanh thiếu niên hút thuốc đang ngày càng trẻ hóa, dấy lên một hồi chuông báo động với toàn xã hội. Các em học sinh còn nhỏ, hiếu kỳ, tìm hiểu, a dua theo bạn bè, hút thuốc để thể hiện bản thân, dần dần dẫn đến nghiện thuốc lá, ảnh hưởng tới sức khỏe, học tập, kéo theo là hệ lụy về tương lai của các em sau này.
Xã hội, nhà nước cũng đã có rất nhiều biện pháp để giảm thiểu lượng hút thuốc lá, nhưng dường như vẫn không có tác dụng nhiều. Trên vỏ bao thuốc lá được sản xuất ra cũng có ghi: Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Vậy mà người cầm bao thuốc vẫn dửng dưng, không xem đó là sự nghiêm trọng cần để mắt tới. Các hoạt động tuyên truyền về tác hại của thuốc lá vẫn diễn ra thường xuyên, nhưng cũng chưa thực sự đem lại tác dụng gì lớn.
Có thể thấy, thuốc lá thực sự có hại cho con người, đang là một vấn đề mà cả xã hội cần quan tâm. Mỗi người chúng ta cần phải tự có ý thức bảo vệ bản thân, nhắc nhở người xung quanh không hút thuốc lá, vì một tương lai, xã hội trong lành không có khói thuốc, ảnh hưởng đến thế hệ tương lai con em chúng ta.
Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen hút thuốc lá - mẫu 9
Việt Nam là một trong những đất nước có tỉ lệ người tiêu thụ rượu, bia và thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Dường như mọi người đang bỏ qua mọi lời khuyến cáo, bỏ qua những hệ lụy của thuốc lá để tìm đến nó như một liều thuốc tiên. Giới trẻ hút thuốc ngày càng nhiều và tỉ lệ nghiện thuốc thì ngày càng tăng.
Hút thuốc lá là một trong những thói quen, sở thích đặc biệt của rất nhiều người đặc biệt là đối với đàn ông. Có người đã trở thành những con nghiện thuốc lá, một ngày họ có thể hút đến một bao thuốc và không thể bỏ được. Họ hút thuốc và bỏ qua mọi lời khuyến cáo về ảnh hưởng và tác hại của nó đến cuộc sống con người.
Đối với sức khỏe con người, thuốc lá chính là một liều thuốc độc. Hút thuốc lá có thể dẫn đến ung thư phổi, gây ảnh hưởng đến các cơ quan khí quản, răng miệng. Đã vậy, những người hút thuốc lá lại có rất nhiều người vô ý thức, không có trách nhiệm khi thường xuyên hút ở những nơi công cộng, những nơi có nhiều người. Khói thuốc vốn vô cùng độc hại, vậy mà họ hút thôi chưa đủ, lại muốn tất cả những người xung quanh cũng phải hút theo mình. Người ta hút thuốc cả khi bên cạnh có trẻ nhỏ, có phụ nữ có thai, thậm chí là hút thuốc cả trong bệnh viện.
Hút thuốc lá cũng là nguyên nhân gây nên nhiều hệ lụy khác. Người lớn hút thuốc nhiều sẽ trở thành một tấm gương xấu cho trẻ em noi theo. Khi nhìn thấy trong nhà có bố hút thuốc, anh hút thuốc, các bé cũng sẽ học theo và hút thuốc từ sớm. Khi đến trường lớp, thấy một số nam sinh hút thuốc, nhiều bạn cũng học tập và hút theo. Điều này khiến cho việc hút thuốc ngày một lây lan rãi và kéo nhiều người đi vào con đường nghiện thuốc. Nhiều người khi hút thuốc đã vứt tàn thuốc rất vô ý dẫn đến việc gây ra cháy nổ. Thuốc lá cũng khiến cho người hút phải tiêu một lượng tiền không nhỏ. Cứ thử tính, nếu người nghiện thuốc lá một ngày hút hết một bao thuốc, một tuần hút hết 5 bao thuốc, mỗi tháng hút khoảng 20 bao, một năm sẽ là 240 bao thuốc. Nhân với số tiền khoảng 20.000 đồng một bao thuốc thì mỗi năm bạn sẽ mất đến khoảng 5 triệu đồng tiền thuốc lá. Bỏ số tiền ấy ra mua thuốc hút để rồi hại chính sức khỏe của bản thân mình, thật là không đáng chút nào.
Hút thuốc lá vô cùng có hại, nhưng tại sao mọi người lại vẫn hút. Phần vì người ta không ý thức được sự nguy hiểm của thuốc, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Dù có nhìn thấy những hình ảnh minh họa trên bao bì thuốc, có thấy sự khuyến cáo của cơ quan chức năng thì họ cũng không sợ bởi họ nghĩ chuyên ung thư phổi là chuyện xa vời. Một số bạn trẻ lại hút thuốc chỉ vì đua đòi, học theo người khác. Các bạn nghĩ rằng việc cầm điếu thuốc lên hút là oai, là bản lĩnh, phong độ và thể hiện được chí khí ta đây chăng. Rồi cũng có một bộ phận hút thuốc là do bị rủ rê, lôi kéo, khiến không làm chủ được bản thân.
Với những ảnh hưởng, hệ lụy của thuốc lá, mỗi người phải có ý thức tránh xa nó, nói không với thuốc lá. Nó không chỉ hại bạn mà còn hại những người xung quanh bạn, những người mà bạn yêu quý. Hãy học bỏ thuốc có thể bằng cách thay vào đó là một loại đồ ăn, một loại kẹo cao su. Chúng ta hãy sống thật lành mạnh, giữ gìn sức khỏe và làm đẹp cho xã hội với việc không có khói thuốc.
Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen hút thuốc lá - mẫu 10
Dịch hạch, thổ tả, hàng vạn hàng triệu người chết, nhờ tiến bộ y học, loài người hầu như đã diệt trừ được. Cả thế giới đang lo âu về nạn AIDS, chưa tìm ra giải pháp thì lại xuất hiện nạn thuốc lá. Có thể nói rằng bên cạnh các tệ nạn khác, thuốc lá đã gây ra tác hại rất lớn đối với đời sống con người.
Hút thuốc lá ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Hút thuốc lá có thể gây ra bệnh về phổi, gan, tim, khoa học và thực tế đã chứng minh rằng nếu một người hút thuốc lá thường xuyên trong vòng nhiều năm thì tuổi thọ sẽ giảm đi rất nhiều so với những người không hút thuốc lá. Vì sao vậy. Trong thuốc lá có cocain dễ gây nghiện, khi hút có thể nó kích thích sự hưng phấn cho người hút nhưng nó lại gây ra tác hại rất lớn. Nó làm thành màng đen bao lấy phổi, hút càng nhiều thì diện tích màng đen càng lớn gây bệnh cho người hút. Không chỉ cá nhân người hút mà hút thuốc thì người gần anh cũng hít phải khói độc. Vợ con, những người xung quanh cũng bị nhiễm độc, cũng đau tim mạch, viêm phế quản, ung thư đặc biệt người hít phải khói thuốc còn có khả năng bị bệnh cao gấp mười lần người hút thuốc. Hút thuốc cạnh một người đàn bà có thai quả là một tội ác.
Nạn hút thuốc ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế mỗi người và nền kinh tế xã hội. Một người mới bắt đầu làm quen với thuốc lá có thể hút rất ít không tốn là bao nhưng thuốc lá rất dễ gây nghiện nên số lượng và số lần hút sẽ tăng lên một cách nhanh chóng. Vì vậy, số tiền đáng lẽ một người chồng cha mẫu mực phải lo cho gia đình, một cậu thanh niên dành quyên góp đồng bào lũ lụt thì lại nướng vào hút thuốc lá. Thật tai hại! Đặc biệt trên phong bì ngoài bao thuốc nào cũng có ghi "hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ" nên việc nhập khẩu thuốc lá với thuế quan rất đắt ảnh hưởng đến nền kinh tế cả nước. Do vậy có thể nói thuốc lá làm nền kinh tế cá nhân, cả nước và cả thế giới thiệt hại.
Nhiều thanh niên (trong đó có cả nữ) ngày nay muốn tỏ vẻ ta đây là người lớn, lên mặt đàn anh đàn chị bèn tìm đến thuốc lá. Họ coi lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc lá trên tay mới là dân sành điệu. Suy nghĩ vậy thực là nguy hiểm! Quả thuốc lá đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách con người. Bố và anh hút, chú bác hút... không những đầu độc con em mà còn nêu gương xấu. Một điều đáng chê trách của nền điện ảnh Việt Nam và cả thế giới là những chiến sĩ cảnh sát mẫu mực nhất, những cán bộ được yêu kính nhất trước một vấn đề đau đầu cần suy nghĩ để tìm hướng giải quyết thì lại trầm ngâm cùng điếu thuốc. Điều đó càng khuyến khích việc hút thuốc lá. Tệ nạn thuốc lá không chỉ giới hạn trong phạm vi của nó. Từ điếu thuốc đến cốc bia, đến ma tuý thực là khoảng cách không xa mấy. Mọi tệ nạn dường như đều có thể mở đầu bằng điếu thuốc.
Thuốc lá - Môi trường ngỡ không liên quan đến nhau nhưng thực ra có liên quan mật thiết đến nhau. Hút thuốc lá, khói thuốc lá làm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh khói nhà máy, khói xe cộ khói thuốc lá hủy hoại môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Vì những tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe kinh tế, nhân cách, đời sống con người như vậy nên mỗi cá nhân cộng đồng, toàn thế giới cần phải tích cực chống việc hút thuốc lá. Không chỉ là lời nói, khẩu hiệu suông mà ai cũng phải tự ý thức thực hiện bằng hành động. Người người nhắc nhở nhau, nhà nhà nhắc nhở nhau... nếu tất cả cùng đồng tâm hiệp lực không hút - không mua - không bán thuốc lá thì tốt biết mấy.
CÂU HỎI HOT CÙNG CHỦ ĐỀ
Câu 1:
Câu 2:
Câu 3:
Câu 4:
Câu 5:
Vị thế của người thuyết phục có cần được thể hiện không? Nếu có, nên thể hiện như thế nào?
Câu 6:
Bộ 12 đề kiểm tra giữa học kì 1 Văn 10 Kết nối tri thức có đáp án - Đề 1
Đề kiểm tra giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều có đáp án (Đề 7)
Đề kiểm tra giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều có đáp án (Đề 10)
Đề kiểm tra học kì 2 Văn 10 Kết nối tri thức có đáp án (Đề 9)
Bộ 12 đề kiểm tra giữa học kì 1 Văn 10 Chân trời sáng tạo có đáp án - Đề 1
Đề kiểm tra học kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo có đáp án (Đề 5)
Trắc nghiệm: Tam đại con gà có đáp án
Đề kiểm tra học kì 2 Văn 10 Kết nối tri thức có đáp án (Đề 3)
về câu hỏi!