Câu hỏi:

21/07/2025 22 Lưu

MỘT CƠN GIẬN

(Thạch Lam)

(Tóm tắt phần trước: Thanh cùng những người bạn trò chuyện về những cơn giận và hậu quả của nó. Thanh cũng kể câu chuyện làm cho anh ân hận mãi. Vì sự bực tức không rõ nguyên nhân từ trước, cộng thêm việc mặc cả không thành và những lời nói khó chịu của người phu xe, cơn giận của Thanh lên đến đỉnh điểm. Trên đường đi, gặp cảnh sát, vì muốn trả thù, Thanh đã nói những điều bất lợi cho người phu xe, khiến anh ta phải chịu nộp phạt và bị thu xe. Sau hôm đó, cơn giận của anh cũng đã hết nhưng trong lòng lại dâng lên nỗi day dứt, kéo dài đến mấy ngày sau. Chính vì thế Thanh đã đi tìm đến nhà của người kéo xe đó.)

Lần ấy là lần đầu tôi bước vào một chỗ nghèo nàn, khổ sở như thế. Các anh thử tưởng tượng một dãy nhà lụp xụp và thấp lè tè, xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà.[…]

Người phu xe Dư ở trong ấy. Tôi cúi mình bước vào, chỉ thấy tối như bưng lấy mắt và thấy hơi ẩm lạnh thấm vào tận trong mình. Có tiếng người đàn bà sẽ sẽ (1) hỏi:

- Bẩm thầy muốn gì?

Khi mắt đã quen tối, tôi nhận thấy người đàn bà vừa hỏi, một bà già ở mép một chiếc giường tre mục nát kê ở sát tường. Sau lưng bà này, một người đàn bà nữa ngồi ôm trong lòng một vật gì hơi động đậy. Cả hai cùng ngước mắt lên nhìn tôi một cách ngạc nhiên và đầu họ chạm vào mái nhà thấp, đầy những mảnh giẻ rách nát vắt trên xà (2).

- Bác Dư có nhà không?

- Bẩm, chú nó đi về quê vắng từ hôm nọ.

Một vẻ sợ hãi thoáng qua trên mặt đủ tỏ (3) cho tôi biết họ không nói thật, tôi giảng giải:

- Không, cụ cứ nói thật cho tôi biết. Tôi đến để giúp bác ta chứ không có ý gì khác. Bà cụ nhìn tôi nghĩ ngợi một lát rồi nói:

- Thế thầy đã biết việc chú nó bị bắt xe hôm nọ? Tôi gật đầu ra hiệu cho bà cụ cứ nói.

- Hôm ấy cai (4) nói phải đem tiền lên nộp phạt để chuộc xe về. Chú nó đã xin khất với cai để rồi trả dần số tiền đó. Nhưng nó nhất định không nghe, bắt phải trả một nửa ngay. Khốn nạn, thì lấy đâu ra mà trả. Thế là bị nó đánh một trận thừa sống thiếu chết thầy ạ. Khi về đây lê đi không được nữa. Thế mà nó còn bắt mai phải trả ngay.

Người đàn bà ngồi trong cất tiếng ốm yếu nói theo:

- Nó còn bảo hễ không trả nó sẽ bắt lấy thẻ (5).

- Thế bây giờ bác ta đâu? Bà cụ trả lời:

- Đi ngay từ hôm ấy, mà không biết đi đâu. Đã ba hôm nay chúng tôi dò mà không thấy. Chắc là sợ cai không dám về nữa, dù có về mà không có tiền cũng chết với nó. Thật cũng là cái vạ; nghe đâu chú nó nói hôm ấy tại người khách đi xe không biết nói với người đội xếp (6) thế nào mới bị bắt, chớ không cũng chẳng việc gì.

Tôi yên lặng.

- Tội nghiệp cho vợ con chú đây, ốm đã mấy ngày hôm nay không có thuốc. Đứa cháu (7) không biết có qua khỏi được không.

Tôi đứng lại gần xem.

- Cháu nó sài (8) đã hơn một tháng nay. Hôm nọ đã đỡ. Mấy hôm nay vì không có tiền mua thuốc lại tăng. Ông lang bảo cháu khó qua khỏi được

Người mẹ nói xong nấc lên một tiếng rồi nức nở khóc.

Cái cảnh đau thương ấy làm tôi rơm rớm nước mắt. Một cảm giác nghẹn ngào đưa lên chẹn lấy cổ. Tôi lấy tờ giấy bạc năm đồng đưa cho người mẹ, rồi vội vàng bước ra cửa, để mặc hai người nhìn theo ngờ vực. […]

- Cái kỉ niệm buồn rầu ấy cứ theo đuổi tôi mãi mãi đến tận bây giờ, rõ rệt như các việc mới xảy ra hôm qua. Sự đó nhắc cho tôi nhớ rằng người ta có thể tàn ác một cách rất dễ dàng. Và mỗi lần tôi nghĩ đến anh phu xe ngoại ô kia, tôi lại thấy đau đớn trong lòng như có một vết thương chưa khỏi.

(Thạch Lam – Một cơn giận, in trong Tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn học, H: 2020, tr.59-62)

* Chú thích:

Thạch Lam, tên thật là Nguyễn Tường Lân - thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn. Tác phẩm của ông thể hiện niềm cảm thương kín đáo mà sâu sắc đối với cuộc sống của những người dân nghèo nơi phố huyện ở ngoại ô Hà Nội hay của những trí thức bình dân.

1. Sẽ: có nghĩa là nhẹ nhàng, thỏ thẻ.

2. Xà: một bộ phận quan trọng của nhà, có chức năng nâng đỡ mái nhà, thường làm bằng gỗ hoặc bê tông cốt thép

3. Tỏ: hiểu rõ, biết rõ, trông thấy rõ

4. Cai: người trông coi những người lao động làm thuê; ở đây chỉ người quản lý đội xe.

5. Thẻ: thẻ căn cước, một loại giấy thông hành xác định nguồn gốc, lai lịch của cá nhân.

6. Đội xếp (từ cũ, khẩu ngữ): lính cảnh sát thời Pháp thuộc.

7. Đứa cháu: trong câu này, ý chỉ con người phu xe.

8. Sài: tên gọi chung các bệnh nội khoa lâu khỏi ở trẻ em.

Nêu căn cứ để xác định ngôi kể trong văn bản Một cơn giận.

Quảng cáo

Trả lời:

verified
Giải bởi Vietjack

- Ngôi kể thứ nhất

- Căn cứ xác định: người kể chuyện xưng tôi kể lại câu chuyện của chính mình

Câu hỏi cùng đoạn

Câu 2:

Theo văn bản, vì sao nhân vật tôi muốn trả thù người phu xe.

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

- Nhân vật tôi muốn trả thù người phu xe vì sự bực tức không rõ nguyên nhân từ trước, cộng thêm việc mặc cả không thành và những lời nói khó chịu của người phu xe, cơn giận của Thanh lên đến đỉnh điểm.

Câu 3:

Tìm những từ ngữ, hình ảnh miêu tả hoàn cảnh sống của người phu xe trong các câu văn sau: Lần ấy là lần đầu tôi bước vào một chỗ nghèo nàn, khổ sở như thế. Các anh thử tưởng tượng một dãy nhà lụp xụp và thấp lè tè, xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà.

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả hoàn cảnh sống của người phu xe: nghèo nàn, khổ sở; một dãy nhà lụp xụp, thấp lè tè, xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà.

Câu 4:

Xác định điểm nhìn trần thuật được sử dụng đoạn in đậm.

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

Điểm nhìn bên trong/ điểm nhìn nhân vật.

Câu 5:

Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong câu văn “Tôi cúi mình bước vào, chỉ thấy tối như bưng lấy mắt và thấy hơi ẩm lạnh thấm vào tận trong mình.”

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

- Biện pháp tu từ: So sánh – “tối như bưng lấy mắt”.

- Tác dụng: Gợi tả chân thực cảm giác tối tăm, ngột ngạt, nghèo nàn, ẩm thấp trong căn nhà người phu xe.Từ đó khơi gợi sự thương cảm và thái độ thức tỉnh nơi nhân vật “tôi”. Tăng tính gợi hình, gợi cảm, tăng hiệu quả cho sự diễn đạt.

Câu 6:

Nhận xét đặc điểm về từ ngữ của ngôn ngữ nói được mô phỏng, tái tạo trong những câu sau:

- Bác Dư có nhà không?

- Bẩm, chú nó đi về quê vắng từ hôm nọ.

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

Đặc điểm về từ ngữ của ngôn ngữ nói được mô phỏng, tái tạo trong các câu văn: Ngôn ngữ tự nhiên, đời thường, thể hiện vai vế xã hội: bẩm, chú nó, nọ.

Câu 7:

Qua trải nghiệm đáng buồn của nhân vật “tôi” trong văn bản, theo anh/ chị, cảm xúc giận dữ có phải hoàn toàn là tiêu cực hay không? Vì sao?

Xem lời giải

verified Lời giải của GV VietJack

Cảm giác giận dữ không hoàn toàn là tiêu cực. Bởi vì:

+ Giận dữ là một cảm xúc tự nhiên của con người trước những điều bất công, những điều khiến ta cảm thấy tổn thương hoặc không hài lòng

+ Khi con người có sự giận dữ tức là họ có những suy nghĩ riêng, cần được lắng nghe, thấu hiểu.

+ Tuy nhiên, chúng ta cần biết kiểm soát cơn giận dữ của bản thân để tránh những lời nói, những việc làm khiến người khác tổn thương.

CÂU HỎI HOT CÙNG CHỦ ĐỀ

Lời giải

- Đảm bảo yêu cầu về hình thức, dung lượng

+ Viết đúng hình thức đoạn văn (diễn dịch, quy nạp, móc xích…).

+ Đảm bảo dung lượng khoảng 200 chữ.

- Xác định đúng vấn đề nghị luận

+ Phân tích những nét đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện của đoạn trích “Một cơn giận” – Thạch Lam.

- Hệ thống ý:

+ Mô tả, đánh giá cách tác giả xây dựng truyện kể: Cốt truyện đơn giản, xoay quanh việc nhân vật Thanh tìm đến nhà của người phu xe Dư và nhận ra hậu quả nghiêm trọng của cơn giận vô cớ vài ngày trước -> dụng ý nghệ thuật của nhà văn, chỉ tập trung thể hiện diễn biến tâm trạng nhân vật.

+ Đặc điểm của người kể truyện:

. Ngôi kể: ngôi thứ nhất, vừa kể lại câu chuyện, vừa trực tiếp tham gia vào các sự kiện thông qua mối quan hệ với các nhân vật khác -> thúc đẩy cốt truyện phát triển, khắc họa diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật tôi; đồng thời thay tác giả đưa ra nhận xét, đánh giá về hậu quả của việc mất kiểm soát bản thân khi giận dữ, tạo nên những bài học sâu sắc.

+ Điểm nhìn: Sử dụng điểm nhìn linh hoạt, có sự kết hợp của nhiều loại điểm nhìn: bên ngoài, bên trong, không gian, thời gian…, phù hợp với nội dung trần thuật, cuối truyện chủ yếu sử dụng điểm nhìn bên trong bộc lộ nội tâm nhân vật -> tăng tính khách quan, lôi cuốn cho câu chuyện; góp phần thể hiện cảm hứng chủ đạo của toàn tác phẩm: lên án, phê phán các hành động gây tổn thương tới người khác, quan tâm đến những số phận nghèo khổ, cơ cực.

+ Vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời kể trong việc xây dựng nhân vật: Tái hiện tâm trạng xấu hổ, đau đớn và nỗi ân hận của nhân vật Thanh sau hành động đối với người phu xe.

+ Giọng điệu kể chuyện nhẹ nhàng, sâu lắng, vừa chiêm nghiệm, thấm thía, vừa trăn trở, suy tư.

- Phát triển đoạn văn logic, thuyết phục

+ Dẫn chứng từ văn bản để minh chứng cho nhận định.

+ Thể hiện rõ suy nghĩ về nét đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện trong đoạn trích.

- Đảm bảo ngữ pháp, liên kết:

+ Trình bày rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả.

- Sáng tạo

+ Cách diễn đạt mới mẻ, có suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Đoạn văn tham khảo

Đoạn trích “Một cơn giận” của Thạch Lam tiêu biểu cho nghệ thuật kể chuyện nhẹ nhàng mà sâu sắc của ông. Với cốt truyện đơn giản, tác giả chỉ tập trung vào hành trình nhân vật Thanh tìm đến nhà người phu xe để từ đó làm nổi bật những diễn biến tâm trạng phức tạp và sự day dứt âm ỉ sau một cơn giận vô cớ. Truyện được kể theo ngôi thứ nhất – nhân vật “tôi” vừa là người chứng kiến, vừa là người trực tiếp trải nghiệm – giúp câu chuyện trở nên chân thực, gần gũi, và có chiều sâu nội tâm. Đặc biệt, Thạch Lam sử dụng điểm nhìn trần thuật rất linh hoạt: kết hợp giữa điểm nhìn bên ngoài để miêu tả hoàn cảnh éo le của người phu xe và gia đình, với điểm nhìn bên trong để tái hiện nỗi ân hận, dằn vặt của nhân vật Thanh. Qua đó, nhà văn không chỉ truyền tải một câu chuyện nhân đạo mà còn thể hiện quan điểm sống: phê phán sự nóng giận, ích kỷ vô cảm và khơi dậy lòng trắc ẩn với những phận người nghèo khổ. Giọng điệu kể chuyện nhẹ nhàng, trầm lắng, mang tính chiêm nghiệm sâu sắc khiến tác phẩm để lại dư âm day dứt, khó phai trong lòng người đọc.

Lời giải

- Đảm bảo yêu cầu về hình thức, dung lượng

+ Viết đúng hình thức bài văn đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết bài.

+ Đảm bảo dung lượng khoảng 600 chữ.

- Xác định đúng vấn đề nghị luận: Phân tích văn bản “Một cơn giận” của Thạch Lam.

- Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ và dẫn chứng; trình bày được hệ thống ý phù hợp theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận. Có thể triển khai theo hướng:

* Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về nhà văn Thạch Lam: nhà văn nổi bật trong dòng văn học hiện thực lãng mạn trước Cách mạng tháng Tám 1945, với phong cách nhẹ nhàng, sâu lắng, đầy tính nhân văn.

- Dẫn dắt và nêu vấn đề: “Một cơn giận” là truyện ngắn tiêu biểu thể hiện cái nhìn thấm thía của Thạch Lam về con người – một câu chuyện nhỏ nhưng chứa đựng bài học lớn lao về sự nóng giận và hậu quả của những hành động vô tâm.

* Thân bài:

1. Tóm tắt nội dung văn bản

- Nhân vật “tôi” (Thanh) vì một cơn giận vô cớ đã có hành động làm hại một người phu xe – ông Dư.

- Sau đó, anh day dứt, tìm đến nhà người phu xe, chứng kiến cảnh khốn khổ của gia đình ông, và mang trong lòng nỗi ân hận day dứt.

2. Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động nhân vật Thanh

- Ban đầu: Thanh tức giận không rõ lý do, gặp chuyện không vừa ý với người phu xe thì trút giận, vu vạ khiến người ta bị phạt nặng.

→ Thể hiện tính bồng bột, thiếu kiểm soát, mang cái tôi ích kỷ, nóng nảy.

- Sau đó: Khi cơn giận nguôi ngoai, anh cảm thấy dằn vặt, day dứt vì hành động vô tâm.

→ Thanh là người có lương tâm, biết hối hận, không chối bỏ lỗi lầm.

- Cao trào: Cảnh anh đến nhà người phu xe – nơi nghèo nàn, tối tăm, đầy đau thương – đã tác động mạnh đến anh.

+ Hành động trao tiền giúp đỡ gia đình người phu xe là biểu hiện của sự chuộc lỗi, thức tỉnh lương tri.

- Kết thúc: Thanh mãi day dứt vì hành động nhỏ của mình đã dẫn đến hậu quả lớn.

→ Đây là minh chứng sâu sắc cho sự trưởng thành trong nhận thức, thể hiện thái độ sống có trách nhiệm.

3. Giá trị tư tưởng – nhân văn của văn bản

- Lên án sự nóng giận vô cớ, sự vô cảm, tàn nhẫn của con người trong đời sống thường nhật.

- Thức tỉnh lương tri và nhân tính nơi con người, khơi dậy trách nhiệm cá nhân trước những hành động dù nhỏ.

- Thể hiện lòng cảm thông sâu sắc với người lao động nghèo khổ, bị dồn đến bước đường cùng – giọng điệu nhân đạo đặc trưng của Thạch Lam.

4. Nghệ thuật kể chuyện đặc sắc

- Ngôi kể thứ nhất giúp câu chuyện trở nên chân thực, gần gũi, khắc họa rõ tâm trạng nhân vật.

- Giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, kết hợp miêu tả cảnh đời thực với tâm lý sâu sắc.

- Kết cấu truyện đơn giản, tập trung vào diễn biến nội tâm – đặc điểm tiêu biểu trong phong cách tự sự của Thạch Lam.

* Kết bài:

- Khẳng định “Một cơn giận” là truyện ngắn mang giá trị nhân văn sâu sắc: cảnh tỉnh con người về sự nóng giận và hậu quả từ những hành động vô tình.

- Gợi nhắc người đọc cần sống nhân ái, kiểm soát bản thân, luôn đặt mình vào vị trí người khác để cư xử tử tế trong đời sống thường nhật.

Bài viết tham khảo

Thạch Lam là một trong những cây bút tiêu biểu của văn học hiện thực lãng mạn trước Cách mạng tháng Tám 1945. Ông không chỉ nổi bật bởi giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng mà còn bởi cái nhìn đầy nhân ái với con người, đặc biệt là những số phận nghèo khổ, bị lãng quên. Truyện ngắn “Một cơn giận” là một tác phẩm như thế – một câu chuyện nhỏ, giản dị nhưng mang đến bài học lớn lao về sự nóng giận và hệ quả của hành động vô tâm.

Tác phẩm kể về nhân vật “tôi” – Thanh, một người trí thức, sau một lần nổi giận vô cớ đã có hành động thiếu suy nghĩ: trút giận lên người phu xe bằng cách nói những điều bất lợi với cảnh sát khiến anh ta bị thu xe và nộp phạt nặng. Khi cơn giận qua đi, trong Thanh chỉ còn lại sự day dứt và hối hận. Anh đã tìm đến nhà người phu xe Dư để chuộc lỗi và tận mắt chứng kiến cảnh sống nghèo khổ, đau thương của gia đình người này. Chính khoảnh khắc ấy đã đánh thức trong Thanh nỗi đau của lương tri và nỗi ân hận kéo dài mãi về sau.

Diễn biến tâm lý của nhân vật Thanh là điểm nhấn đặc sắc của truyện. Từ sự nóng nảy, ích kỷ, thỏa mãn khi trút giận lên người yếu thế, đến nỗi trăn trở, xót xa khi chứng kiến hậu quả mà cơn giận gây ra – đó là quá trình thức tỉnh tâm hồn đầy thuyết phục. Thanh không tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác, mà dám đối diện với sai lầm, tìm đến nơi nghèo khổ để chuộc lỗi. Hành động trao tờ bạc năm đồng không chỉ là sự giúp đỡ vật chất mà còn là biểu hiện của sự ăn năn, sự thức tỉnh về đạo đức làm người. Nhân vật “tôi” vì thế trở thành hiện thân của một con người biết sống có trách nhiệm, có lòng trắc ẩn với tha nhân.

Truyện không chỉ lên án thói nóng giận bộc phát, hành vi vô tâm, mà còn khơi gợi nhận thức nhân văn: con người có thể vô tình gây tổn thương cho người khác một cách rất dễ dàng nếu không kiểm soát được bản thân. Từ đó, tác phẩm nhắc nhở người đọc cần tỉnh táo trong lời nói, hành động, bởi những gì ta cho là nhỏ có thể gieo đau khổ lớn cho người khác.

Nghệ thuật kể chuyện trong truyện cũng là điểm đáng chú ý. Tác giả sử dụng ngôi kể thứ nhất giúp câu chuyện chân thực, gần gũi, đồng thời khắc họa rõ nét tâm trạng và nội tâm nhân vật. Cốt truyện đơn giản, không có tình huống kịch tính, nhưng lại giàu chất nhân văn nhờ tập trung vào diễn biến tâm lý. Giọng điệu nhẹ nhàng, trầm lắng, đậm chất chiêm nghiệm đã tạo nên chiều sâu cảm xúc, khiến người đọc không khỏi xúc động và suy ngẫm.

“Một cơn giận” không chỉ là câu chuyện về một lần nóng nảy, mà là lời cảnh tỉnh sâu sắc về sự kiểm soát cảm xúc, về trách nhiệm của mỗi người trong lời nói và hành động. Truyện ngắn của Thạch Lam để lại ấn tượng bởi tinh thần nhân đạo và bài học đạo đức nhẹ nhàng mà sâu sắc – một bài học mà bất kỳ ai cũng nên ghi nhớ trong cuộc sống hôm nay.

Lời giải

Bạn cần đăng ký gói VIP ( giá chỉ từ 199K ) để làm bài, xem đáp án và lời giải chi tiết không giới hạn.

Nâng cấp VIP

Lời giải

Bạn cần đăng ký gói VIP ( giá chỉ từ 199K ) để làm bài, xem đáp án và lời giải chi tiết không giới hạn.

Nâng cấp VIP