Danh sách câu hỏi
Có 22,399 câu hỏi trên 448 trang
Chỉnh sửa bài viết.
Viết lại một số câu trong đoạn văn của em cho đúng hoặc hay hơn theo gợi ý dưới đây:
– Bổ sung thêm dẫn chứng để làm sáng tỏ ý kiến tán thành. Ví dụ:
+ Lập Câu lạc bộ Đọc sách.
Câu lạc bộ Đọc sách không chỉ là nơi chúng ta tìm kiếm tri thức mà còn là địa điểm để kết nối bạn bè. Mỗi cuốn sách sẽ trở nên thú vị hơn, ý nghĩa hơn khi có bạn cùng đọc. Từ hoạt động đọc sách, giới thiệu sách, thiết kế lại bìa sách hoặc viết bài cảm nhận về tác phẩm văn học,... chúng ta sẽ học hỏi được nhiều điều từ bạn bè. Tôi nghĩ rằng điều tuyệt vời ở Câu lạc bộ Đọc sách không chỉ là số lượng sách bạn đọc được mà còn là sự gắn kết của bạn với các thành viên.
(Lâm Phong)
+ Phát triển hoạt động thể dục, thể thao trong nhà trường.
Kéo co cũng là môn thể thao giúp bạn có kĩ năng hợp tác. Để giành được chiến thắng, mỗi cá nhân ngoài việc gắng hết sức kéo sợi dây về phía mình còn cần phải biết đồng lòng, đồng sức. Khi cùng nhau hô “1 – 2 – 3” chính là chúng ta đang khích lệ mình, khích lệ đồng đội tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn nhất từ mỗi thành viên.
(Minh Khôi)
– Viết lại phần kết thúc.
Thành lập Câu lạc bộ Đọc sách trong trường học là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, mang lại nhiều lợi ích cho học sinh. Tôi tin rằng một hoạt động bổ ích như vậy sẽ được nhân rộng ở nhiều trường học trên cả nước.
(Quỳnh Anh)
Những trải nghiệm của tôi về lợi ích của thể thao càng khiến tôi tin tưởng vì sao cần phát triển hoạt động thể dục, thể thao trong nhà trường. Vậy thì, bạn ơi, sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập, hay cầm trái bóng và bước ra sân cỏ nào!
(Hữu Tùng)
Cụ Đồ Chiểu
Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) sinh ra trong một gia đình nhà nho ở làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).
Năm 1833, do cuộc binh biến trong triều đình, cha bị mất chức, gia đình li tán, cậu bé Chiểu mới mười hai tuổi đã phải xa cha mẹ, ra Huế ở nhờ nhà một người bạn của cha để ăn học.
Năm 1843, Nguyễn Đình Chiểu trở về quê mẹ, đỗ tú tài tại trường thi Gia Định. Hai năm sau, ông lại trở ra Huế học tập, chờ kì thi năm Kỷ Dậu, 1849. Nhưng cuối năm 1848, mẹ mất, Nguyễn Đình Chiểu phải bỏ thi về Nam chịu tang mẹ. Trên đường về, ông bị ốm nặng, mù cả hai mắt, chạy chữa mãi không khỏi. Cuối năm 1849, Nguyễn Đình Chiểu mới về đến Gia Định “lỡ bề báo hiếu, lỡ đường lập thân”.
Không gục ngã trước những thử thách nặng nề liên tiếp của số phận, sau thời gian chịu tang mẹ, ông mở trường dạy học và làm thuốc chữa bệnh cho dân. Học trò gần xa nghe danh, mến đức xin học rất đông. Tiếng thơ chan chứa tinh thần nghĩa hiệp của Đồ Chiểu cũng bắt đầu vang khắp miền Lục tỉnh.
Năm 1858, giặc Pháp xâm lược nước ta. Nguyễn Đình Chiểu cùng các lãnh tụ nghĩa quân bàn mưu tính kế đánh giặc. Ông sáng tác thơ văn bày tỏ niềm tiếc thương, cảm phục đối với những người đã hi sinh vì đất nước; khích lệ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của nhân dân. Trái tim nhân hậu của ông luôn gắn bó sắt son với vận mệnh của đất nước. Ông được nhân dân Lục tỉnh gọi bằng cái tên trìu mến “cụ Đỗ Chiểu” như một cách tri ân với người thầy đáng kính của “lòng dân”.
(Theo Trần Thị Hoa Lê)
Dựa vào đoạn mở đầu và những hiểu biết của em, hãy nói 2 – 3 câu giới thiệu về Nguyễn Đình Chiểu.
Danh y Tuệ Tĩnh
(1) Tuệ Tĩnh (1330 – 1400) là một danh y đời Trần. Một lần, ông dẫn các học trò lên núi Nam Tào, Bắc Đẩu để nói về điều mình ấp ủ từ lâu.
(2) Ông kể: Khi giặc ngoại xâm nhóm ngó nước ta, vua quan nhà Trần chỉ huy quân sĩ luyện tập võ nghệ, rèn vũ khí chuẩn bị lương thực, thuốc men, phòng giữ bờ cõi rất cẩn trọng.
(3) Từ lâu, việc vận chuyển thuốc men, vật dụng từ Trung Quốc sang nước ta đã bị ngăn cấm. Vua quan nhà Trần lo khi giáp trận, tất có người bị thương hoặc đau ốm, lấy gì chạy chữa?
(4) Các thái y bèn toả đi khắp mọi miền quê học cách chữa bệnh bằng cây cỏ trong dân gian. Vườn thuốc mọc lên khắp nơi. Núi Nam Tào, Bắc Đầu là hai ngọn dược sơn thời bấy giờ.
(5) Cây cỏ nước Nam đã góp phần làm cho quân ta thêm hùng mạnh, can trường, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù đông hơn ta hàng trăm lần.
(6) Kể xong, Tuệ Tĩnh trầm ngâm nói về sự quý giá của ngọn cây, sợi cỏ trên non sông gấm vóc mà tổ tiên để lại. Rồi ông nói với học trò ý nguyện nối gót người đi trước...
(7) Thế là, theo con đường của danh y Tuệ Tĩnh, cho đến nay, hàng trăm vị thuốc từ cây cỏ nước Nam, hàng nghìn phương thuốc được tổng hợp từ dân gian để trị bệnh cứu người.
(Theo Tạ Phong Châu – Nguyễn Quang Vinh – Nghiêm Đa Văn)
Danh y Tuệ Tĩnh dẫn các học trò lên núi Nam Tào, Bắc Đẩu để nói với các trò điều gì?
Đọc sách báo viết về một danh nhân của Việt Nam.
G:
Trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có biết bao nhân vật lỗi lạc, kiệt xuất trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao, khoa học,... Bộ sách Danh nhân đất Việt giới thiệu những danh nhân tiêu biểu của dân tộc ta qua các thời đại, giúp bạn đọc cảm nhận và trân trọng truyền thống tốt đẹp của cha ông, càng thêm gắn bó, tự hào về lịch sử dân tộc.
Đọc những cuốn sách viết về Lê Quý Đôn, các em sẽ được biết về tài năng của một nhà bác học kiệt xuất, nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, nhà quân sự tài ba,... Cuộc đời, sự nghiệp của Lê Quý Đôn và những danh nhân, hào kiệt dắt Việt mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ cháu con.
Người thầy của muôn đời
Chu Văn An là một nhà giáo nổi tiếng đời Trần. Cụ đỗ cao nhưng không làm quan mà mở trường dạy học ở quê nhà nhằm truyền bá đạo lí và đào tạo nhân tài cho đất nước. Trường của cụ rất đông học trò, có nhiều người trở thành những nhân vật nổi tiếng.
Năm ấy, đến ngày mừng thọ cụ giáo Chu tròn sáu mươi tuổi, từ sáng sớm, các môn sinh đã tề tựu trước sân nhà cụ. Cụ Chu đội khăn ngay ngắn, mặc áo dài thâm ngồi trên sập. Mấy học trò cũ từ xa về dâng biếu thầy những cuốn sách quý do chính họ sưu tầm và chép lại. Cụ hỏi thăm công việc của từng người, bảo ban các học trò nhỏ, rồi đột nhiên nói:
– Thầy cảm ơn các anh. Bây giờ, thấy muốn mời tất cả các anh theo thầy tới thăm một người mà thấy mang ơn sâu nặng.
Các môn sinh đồng thanh dạ ran. Thế là thầy đi trước, trò theo sau. Các anh có tuổi đi ngay sau thầy, người ít tuổi hơn nhường bước, mấy chú tóc để trái đào đi sau cùng. Cụ dẫn học trò đi về cuối làng, đến một ngôi nhà tranh đơn sơ nhưng sáng sủa, ấm cúng. Ở hiên trước, một cụ già trên tám mươi tuổi, râu tóc bạc phơ đang ngồi sưởi nắng. Cụ giáo Chu bước vào sân, chắp tay cung kính vái và nói to:
– Lạy thầy! Hôm nay con đem tất cả môn sinh đến tạ ơn thầy.
Cụ già tóc bạc ngước lên, nghiêng đầu nghe. Cụ đã nặng tai. Thầy giáo Chu nói lại thật to câu nói vừa rồi một lần nữa. Thì ra đây là cụ đồ xưa kia đã dạy vỡ lòng cho cụ giáo Chu.
Tiếp sau cụ giáo Chu, các môn sinh lần lượt theo lứa tuổi vái tạ cụ đồ già. Ngày mừng thọ thầy Chu năm ấy, họ được thêm một bài học thấm thía về nghĩa thầy trò.
(Theo Hà Ân)
Đoạn mở đầu bài đọc giới thiệu những gì về thầy giáo Chu Văn An?
Đọc đoạn văn dưới đây và thực hiện yêu cầu.
Hôm nay, lớp tôi thảo luận về chủ điểm “Tiếp bước cha ông”. Một trong những ý kiến các bạn nêu ra là cần bảo vệ di sản của cha ông để lại. Tôi rất tán thành ý kiến này. Di sản là tài sản quý báu của cha ông, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tôi và bạn nhìn thấy di sản qua di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, phong tục, lễ hội,... Vì sao phải giữ gìn di sản của cha ông để lại? Vì giữ gìn di sản của cha ông để lại chính là giữ gìn thành quả lao động của những thế hệ trước. Để có một công trình kiến trúc, một mái đình, ngôi chùa,... cha ông ta đã phải đổ biết bao mồ hôi, công sức lao động thậm chí cả xương máu. Biết bao khát vọng của người xưa được gửi gắm vào mỗi di sản đó. Từ những di sản của cha ông, chúng ta thấy lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những giá trị ấy đã nối kết quá khứ với hiện tại. Tôi nghĩ bảo vệ di sản của cha ông để lại là trách nhiệm của thế hệ trẻ, trong đó có tôi và các bạn.
(Đăng Dương)
a. Đoạn văn trên nói về sự việc gì? Người viết có ý kiến thế nào về sự việc đó.
b. Xác định các phần (mở đầu, triển khai, kết thúc) của đoạn văn.
c. Chọn nội dung tương ứng với mỗi phần của đoạn văn.
d. Trong phần triển khai, người viết đã đưa ra lí do và những dẫn chứng nào để chứng minh ý kiến của mình là đúng?