Danh sách câu hỏi

Có 25,984 câu hỏi trên 520 trang
Thông tin. Công bằng vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển của xã hội Việt Nam. Công bằng được hiểu là sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ của con người trước pháp luật. Cốt lõi của công bằng là công bằng về cơ hội phát triển, nghĩa là tạo cơ hội như nhau cho mọi người, có tính đến yếu tố khác biệt, người yếu thế hơn sẽ được tạo điều kiện tốt hơn để có cơ hội như người mạnh hơn. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển vì con người, tạo điều kiện cho mọi người, nhất là trẻ em, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người di cư hoà nhập, tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện các chính sách dân tộc bình đẳng, đoàn kết, cùng phát triển”. (Theo Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, trang 264) Trường hợp 1. H sinh ra và lớn lên ở một vùng cao hẻo lánh. Học hết Tiểu học, H định nghỉ học vì điểm trường Trung học cơ sở cách rất xa nhà em. Nếu muốn đi học, H phải dậy từ 4 giờ sáng để kịp vào học lúc 7 giờ. Nhưng may mắn, H trúng tuyển vào học ở trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho học sinh dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, H đã thực hiện được mong muốn tiếp tục học tập của mình. Trường hợp 2. Phòng khám Bệnh viện D thường rất đông nên cô C phải đi sớm xếp hàng chờ đến lượt được khám bệnh, trong khi anh Y là người cùng phố với cô vừa đến nơi đã được mời vào khám trước do có người quen là nhân viên làm việc ở đây. a) Em hãy chỉ ra những biểu hiện của công bằng/ thiếu công bằng trong các thông tin, trường hợp trên. b) Em hãy nêu ý nghĩa của công bằng, tác hại của sự thiếu công bằng trong cuộc sống.
Khách quan là nhìn nhận sự vật, sự việc, con người một cách thực tế, chính xác, không thiên vị hay thành kiến mà phải dựa trên chứng cứ và dữ liệu xác đáng. Ngành kiểm sát với những công việc liên quan trực tiếp đến sinh mệnh, tự do, danh dự nhân phẩm của con người, càng cần đảm bảo tính khách quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ kiểm sát phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, trong đó, tính khách quan là một yêu cầu quan trọng, được cụ thể hoá trong Quyết định số 21/QĐ-VKSTC năm 2023 về Quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ kiểm sát: "Tính khách quan là phương pháp làm việc của người cán bộ kiểm sát; theo đó, cán bộ kiểm sát đáp ứng các yêu cầu: (1) Phải chí công vô tư, luôn tôn trọng sự thật khách quan; giải quyết công việc theo đúng pháp luật và quy định của Ngành; không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, không thiên vị hoặc áp đặt định kiến cá nhân chủ quan bất cứ bên nào trong giải quyết vụ án, vụ việc. (2) Không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thực thi công vụ của các cá nhân, cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành kiểm sát...". Làm tốt điều này sẽ giảm bớt được oan sai, xét xử đúng người, đúng tội, củng cố niềm tin trong nhân dân, làm cho bộ máy nhà nước thực sự có hiệu lực, sức mạnh. Khách quan không chỉ quan trọng với người cán bộ kiểm sát mà với mọi người, mọi ngành nghề trong xã hội, giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người. a) Để thực hiện được tính khách quan, người cán bộ kiểm sát phải làm gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ thiếu khách quan trong công việc? b) Qua thông tin trên, em hãy chỉ ra các biểu hiện và ý nghĩa của khách quan. c) Theo em, nhận thức và hành vi thiếu khách quan sẽ có tác hại gì?
Theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2022 - 2027) của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Thanh niên tình nguyện là phong trào chủ lực của Đoàn các cấp, đã cổ vũ và phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên với các hoạt động tiêu biểu như: tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới; tham gia xây dựng đô thị văn minh; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông; đảm bảo an sinh xã hội... Hoạt động tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp, trở thành phong trào thi đua sôi nổi, thu hút đông đảo thanh niên và người dân tham gia. Tập trung vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng, đời sống văn hoá ở nông thôn, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng các sân chơi cho thiếu nhi, sửa chữa và làm đẹp các công trình, di tích lịch sử, văn hoá của địa phương, tham gia phát triển kinh tế ở nông thôn;... Trong nhiệm kì, Đoàn thanh niên cả nước đã tham gia thắp sáng hơn 5.800 km đường giao thông nông thôn, xây dựng hơn 4.100 tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, làm mới hơn 7.100 km đường giao thông nông thôn và hơn 2.300 cầu nông thôn; xây dựng hơn 400 nhà văn hoá; tổ chức đồng loạt 29.433 “Ngày Chủ nhật xanh” với sự tham gia của gần 8,75 triệu lượt đoàn viên, thanh niên. Hoạt động tình nguyện đảm bảo an sinh xã hội với các việc làm như: tham gia phát triển cộng đồng, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, thanh niên yếu thế, dễ bị tổn thương thông qua các chương trình: Nhà nhân ái; Trường đẹp cho em; Nhà bán trú cho em; Hành trình nhân ái vì sức khoẻ cộng đồng; Mang âm nhạc đến bệnh viện; Cùng sống khoẻ; Tiếp sức người bệnh; Ngày Chủ nhật đỏ.... Thông qua những hoạt động cộng đồng này, phong trào đã cổ vũ, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, tính xung kích, tình nguyện của thanh niên Việt Nam; là môi trường để thanh niên cống hiến, trưởng thành và phát huy trách nhiệm của tuổi trẻ với cộng đồng và xã hội, củng cố niềm tin, rèn luyện ý chí, nghị lực và xây dựng quan điểm sống tích cực cho thanh niên. a) Em hãy kể tên những hoạt động cộng đồng trong thông tin trên. b) Em hãy nêu mục đích, đối tượng tham gia và ý nghĩa của những hoạt động đó. c) Theo em, thế nào là hoạt động cộng đồng? Em hãy nêu ý nghĩa của hoạt động cộng đồng.
Thông tin 1. Trải qua 10 năm (1418 - 1427), cuộc kháng chiến chống quân Minh do Bình Định vương Lê Lợi lãnh đạo đã giành thắng lợi, kết thúc bằng Hội thề Đông Quan. Tướng giặc Vương Thông cùng 10 vạn quân sĩ nhà Minh thể trước núi sông Việt Nam phải thực lòng chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước. Căm thù quân Minh đã gây nhiều tội ác cho nhân dân, các tướng lĩnh liền cùng nhau tới khuyên vua nên giết bọn chúng. Vua trả lời rằng: “Trả thù báo oán là chuyện thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho ức vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép tiếng thơm muốn đời, há chẳng lớn lao sao?”. Vua bèn hạ lệnh: “Cánh đường thuỷ, cấp 500 chiếc thuyền, cho Phương Chính, Mã Kỳ lãnh nhận. Cánh đường bộ, cấp lương thảo, cho Sơn Thọ, Hoàng Phúc lãnh nhận. Còn hơn 2 vạn người bị bắt hoặc đầu hàng và 2 vạn con ngựa thì do Mã Anh lãnh nhận... Tất cả đều tới dinh Bồ Đề lạy tạ mà về”. Bọn Phương Chính vừa xúc động vừa hổ thẹn đến rơi nước mắt. (Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2 (2003), NXB Văn hoá - Thông tin, trang 438, 439) Thông tin 2. Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ ngày 31 - 5 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tinh thần thân ái mà cảm hoá họ”. Trong thư gửi tù binh Pháp nhân dịp Noel ngày 24 - 12 - 1946, Người viết: “Tôi mong một ngày gần đây, hai dân tộc Pháp - Việt có thể cùng cộng tác trong vòng hoà bình và thân ái để mưu cầu hạnh phúc chung cho hai dân tộc. Trong khi chờ đợi, các bạn hãy yên lòng và sống dưới sự che chở của chúng tôi, cho đến khi hết chiến tranh, khi đó các bạn sẽ được tự do. Tôi chúc các bạn một ngày Noel vui và một năm tốt đẹp”. (Theo Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, trang 280, 281, 543) a) Em hãy nêu những việc làm của Bình Định vương Lê Lợi đối với quân Minh. Những việc làm đó thể hiện truyền thống nào của dân tộc Việt Nam? Nêu ý nghĩa của những việc làm đó. b) Em hãy tìm những chi tiết thể hiện lòng khoan dung của Bác Hồ trong thông tin 2 và nêu ý nghĩa của lòng khoan dung đó. c) Theo em, thế nào là lòng khoan dung? Hãy nêu những biểu hiện và ý nghĩa của lòng khoan dung trong cuộc sống.
Thông tin 1. Trong Bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc tháng 9/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt... Thanh niên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng... Trung thành: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp. Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện. "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm", "gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người". (Theo Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, NXB Chính trị quốc gia, trang 470, 47) Thông tin 2. Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quy định: “Điều 2: Đoàn viên có nhiệm vụ: 1. Luôn luôn phấn đấu vì lí tưởng của Đảng và Bác Hồ. Tích cực học tập, lao động rèn luyện, tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 2. Gương mẫu chấp hành và vận động thanh thiếu nhi thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân. Chấp hành Điều lệ Đoàn và các nghị quyết của Đoàn; tích cực tuyên truyền về tổ chức Đoàn trong thanh niên; sinh hoạt Đoàn và đóng đoàn phí đúng quy định”. (Theo Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) a) Dựa vào các thông tin trên, em hãy xác định nhiệm vụ của thanh niên Việt Nam và những việc thanh niên cần phải làm để thực hiện nhiệm vụ đó. b) Theo em, học sinh cần làm gì để thực hiện nhiệm vụ của thanh niên Việt Nam ngày nay?