Danh sách câu hỏi

Có 2,003 câu hỏi trên 41 trang
Em hãy đọc trường hợp dưới dây và trả lời câu hỏi Trường hợp. Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân chế biến nông sản của anh A đã tiến hành sản xuất kinh doanh bắt đầu từ việc chuẩn bị, mua sắm các yếu tố đầu vào phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình. Sau khi hoàn thành việc chuẩn bị, doanh nghiệp bắt tay vào sản xuất. Doanh nghiệp đã triển khai nhập nguyên liệu nông sản sạch để tiến hành chế biến bằng công nghệ hiện đại thành nhiều loại sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Trên cơ sở kế hoạch bán hàng được xây dựng, nhờ đã tìm hiểu thị trường kĩ càng và đẩy mạnh tiếp thị, lại sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lí, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm,... doanh nghiệp của anh A đã trở thành một đối tác đáng tin cậy trên thị trường, có một lượng khách hàng đông đảo. Sau một năm kể từ khi đăng kí thành lập, doanh nghiệp của anh A đã có quy trình sản xuất tương đối ổn định. Doanh nghiệp đã tiếp tục sử dụng nguồn tiền thu được từ bán hàng sau khi đã trả những công nợ phải trả và thu hồi những công nợ phải thu kết hợp với nguồn vốn tích luỹ để tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo ra một quy trình vận động liên tục giữa tiền và hàng của doanh nghiệp. Câu hỏi: a) Em hãy mô tả thứ tự và làm rõ nội dung các bước trong quy trình tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp trên. b) Em hãy cùng bạn sơ đồ hóa quy trình tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp đó.
Em hãy đọc thông tin và trả lời câu hỏi. Thông tin 1. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Do quy mô nhỏ, nên các doanh nghiệp này rất khó tăng năng suất lao động nhờ chuyên môn hoá hay tận dụng lợi thế nhờ quy mô, Mặt khác, vì quy mô nhỏ nên khả năng tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất hầu như không có. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là trong môi trường hội nhập hiện nay. Bên cạnh đó, có rất ít mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Theo Báo cáo triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á, hiện nay mới chỉ có 21% các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu so với 30% của Thái Lan và 46% của Ma-lay-xi-a. Thông tin 2. Theo số liệu điều tra năm 2019 do Liên doản Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, có tới 35% doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất mà họ gặp phải là tiếp cận nguồn vốn. Các doanh nghiệp nhỏ thường phải chịu chi phí vay đắt đỏ hơn so các doanh nghiệp vừa và lớn. Đáng lưu ý là doanh nghiệp sẽ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp; đồng thời, thủ tục vay vốn phiền hà. Câu hỏi: a) Em hãy cho biết, mỗi thông tin đề cập đến khó khăn nào của doanh nghiệp nhỏ. Theo em, những khó khăn này ảnh hưởng gì đến việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ? b) Em hãy cùng bạn thảo luận và lấy ví dụ cụ thể về những khó khăn khác mà doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam đang phải đối mặt.
Em hãy quan sát hình ảnh, đọc thông tin, trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi. Thông tin. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020 cho thấy, 87% doanh nghiệp Việt Nam bị tác động bởi đại dịch COVID-19, trong đó có 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trường hợp. Anh X là người khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực may mặc, với số vốn ban đầu chỉ 100 triệu đồng. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của thị trường, nhưng với sự nỗ lực và ý tưởng kinh doanh của mình, những năm qua doanh thu của doanh nghiệp đã lên tới hàng chục tỉ đồng. Anh X chia sẻ, để có được thành công như ngày hôm nay, anh đã chú trọng đến các yếu tố, quan trọng nhất là lập kế hoạch cụ thể ngay từ khi bắt tay vào sản xuất kinh doanh. Tiếp theo đó là lựa chọn sản phẩm sao cho phù hợp với khách hàng để đủ sức cạnh tranh với đối thủ. Ngoài ra, vốn cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh, Anh nhấn mạnh dù vốn lớn hay nhỏ, quan trọng là bạn quản lý vốn như thế nào cho khoa học. Lợi nhuận là mục tiêu cao nhất, nhưng cũng là cái bẫy nguy hiểm làm phá sản doanh nghiệp. Không nên vì lợi nhuận mà giảm chất lượng sản phẩm để đạt được mục tiêu đề ra. Câu hỏi: Em hãy phân loại các nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thành nhân tố bên trong và nhân tố bên ngoài.
Em hãy quan sát hình ảnh, đọc trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi. Trường hợp. Với khát khao và quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, chị P đã quyết định đăng ký doanh nghiệp nhỏ với mô hình sản xuất và kinh doanh nấm Linh chi. Mục tiêu ban đầu chị P đặt ra là mở một trại nấm diện tích 1 héc-ta, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 8 tấn nấm Linh chi khổ. Trong quá trình trồng nấm, chị P không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn kiến thức, kĩ thuật trồng nấm, cũng như đi tham quan các mô hình trồng nấm đạt hiệu quả để tích luỹ kinh nghiệm. Song song với việc nâng cao kĩ thuật trồng, chị P cũng xây dựng kế hoạch tiếp thị để phát triển thị trường. Với nỗ lực mở rộng thị trường, chị P dự định tăng doanh số bán hàng lên 24% mỗi năm trong hai năm tới và lợi nhuận tăng khoảng 10%. Nếu các điều kiện kinh doanh thuận lợi, chị dự định mở thêm 1 trại nấm nữa trong một năm tới. Theo tính toán của chị P, từ mô hình trồng nấm Linh chi của doanh nghiệp hiện nay, sau khi trừ chi phí, tổng thu nhập mỗi năm đem lại cho gia đình chị khoảng 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, cơ sở của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 13 lao động địa phương và nhiều lao động thời vụ khác. Câu hỏi: a) Em hãy cùng bạn liệt kê các mục tiêu của doanh nghiệp nhỏ được thể hiện trong hình ảnh trên và làm rõ từng mục tiêu đó. b) Em hãy xác định mục tiêu của chị P khi đăng kí kinh doanh và sau khi doanh nghiệp được thành lập. c) Ngoài những mục tiêu kể trên, em còn biết những mục tiêu nào khác của doanh nghiệp nhỏ?
Em hãy đọc các thông tin, trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi. Thông tin. Nghị định số 80 2021NĐ-CP Điều 5. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa 1. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản; lĩnh vực Công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỉ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỉ đồng. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỉ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỉ đồng. 2. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỉ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỉ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỉ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỉ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp 1. Anh Xđầu tư 2 tỉ đồng mở xưởng sản xuất quần áo trẻ em tại gia đình, anh thuê 50 lao động, doanh thu 1 năm khoảng 4 tỉ đồng. Sau khi trừ đi chi phí bỏ ra để sản xuất kinh doanh, anh thu được 500 triệu đồng tiền lãi năm. Trường hợp 2. Gia đình bạn M có cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống với tổng nguồn vốn của năm là 16 tỉ đồng, thuê 90 lao động và tổng doanh thu của năm khoảng 25 tỉ đồng. Câu hỏi: a) Em hãy chỉ ra các dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp nhỏ được đề cập ở thông tin trên. Theo em, thế nào là doanh nghiệp nhỏ? b) Các trường hợp trên đề cập đến những lĩnh vực sản xuất kinh doanh nào của doanh nghiệp nhỏ? Em hãy căn cứ vào tiêu chí để xác định doanh nghiệp nhỏ theo quy định của pháp luật và cho biết các doanh nghiệp trên có phải là doanh nghiệp nhỏ hay không?
Em hãy xử lí các tình huống sau Tình huống a) Anh M đầu tư tiền mở một cửa hàng bán bánh ngọt tại nhà. Mỗi tháng, sau khi trừ đi chi phí anh lãi khoảng 20 triệu đồng. Anh M yêu cầu vợ nghỉ việc để ở nhà phụ giúp mình và chăm sóc các con. Mặc dù kiếm được nhiều tiền nhưng khi vợ và các con anh đề nghị cả gia đình mỗi năm đi du lịch một lần thì anh M gạt đi với lí do nếu đi sẽ phải đóng cửa hàng, ảnh hưởng đến lượng khách mua và nguồn thu nhập. - Em nhận xét như thế nào về suy nghĩ và việc làm của anh ? - Nếu là con trong gia đình anh , em sẽ muốn thay đổi điều gì? Vì sao? Tình huống b) Bố mẹ của G rất quan tâm đến chuyện học hành của các con. Em gái G rất ngoan và chăm học, ngược lại G không muốn học và cho rằng mình bị bắt học quá nhiều, Biệt G thích đá bóng nên bố mẹ thường cho G đi đá bóng vào ngày Và ghi cuối tuần Chủ nhật vừa rồi, bà của G bị ốm, bố mẹ lại đi công tác xa nền yêu cầu anh em G ở nhà chăm sóc bà. G vùng vãng giận dỗi, cậu nghĩ chăm Nóc bà là trách nhiệm của bố mẹ chứ không phải của mình. Nhân lúc bà ngủ, G đã trốn đi đá bóng và giao cho em gái ở nhà trông bà. - Theo em, suy nghĩ và cách xử sự của G có đúng không? Vì sao? - Em hãy viết ra các cách có thể làm thay đổi suy nghĩ và cách ứng xử của G
Đọc câu chuyện và trả lời câu hỏi Câu chuyện. Mỗi khi có ai hỏi về điều mà tôi tự hào nhất cho đến bây giờ thì câu trả lời của tôi luôn là: “Tôi tự hào vì được sinh ra trong gia đình tôi, là cháu của ông bà, là con của bố mẹ tôi, là em của anh tôi”. Gia đình tôi không giàu, rất bình thường. Bà tôi là giáo viên về hưu, bà tuy hiền nhưng rất nghiêm. Ông tôi là bộ đội về hưu, ông rất tốt bụng và hài hước. Ông bà tôi sinh được ba người con trai. Bố tôi kể, từ nhỏ cả ba người đều rất gần gũi và hoà thuận, bác cả học giỏi nên bố và chú cứ theo gương bác mà học hành, thành đạt. Đến khi các nàng dâu về, sự gần gũi, hoà thuận ấy cứ thế mà tiếp diễn. Bà tôi nghiêm khắc nhưng thương con dâu, luôn chỉ dạy cách chi tiêu, vun vén kinh tế gia định, tạo điều kiện để các con làm việc, phấn đấu nên chẳng bao giờ có điều tiếng về mẹ chồng nàng dâu. Mấy anh em chúng tôi là thế hệ thứ ba, chúng tôi gần gũi và thân thiết với nhau từ bé. Cứ cuối tuần là cả gia đình tôi lại tụ họp ở nhà bác cả, ai có gì ngon thì mang đến liên hoan, người lớn thì hát hò còn bọn trẻ chúng tôi túm tụm vào một góc để đọc truyện, xem ti vi. Cả nhà từ người lớn tuổi đến trẻ em đều rất vui vẻ. Câu hỏi: a) Em hãy xác định các mối quan hệ gia đình trong câu chuyện trên. Các thành viên trong gia đình đã thực hiện trách nhiệm của mình trong các mối quan hệ đó như thế nào? b) Hãy chia sẻ những việc em đã làm để thực hiện trách nhiệm của bản thân trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình em.
Em hãy đọc thông tin và trả lời câu hỏi Thông tin 1. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, không phân biệt đối xử giữa các con. (Trích khoản 3 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014) Thông tin 2. Tại Hội nghị toạ đàm khoa học “Quan niệm về hạnh phúc của người Việt Nam” do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2017, giới chuyên môn đã đưa ra các quan điểm khác nhau về vấn đề này. Một số ý kiến cho rằng gia đình hạnh phúc cần được phác hoạ thông qua các yếu tố như ăn ngon, mặc đẹp, có nhà riêng, làm việc mình thích, gia đình hoà thuận, con cháu chăm ngoan, có quan hệ họ hàng tốt,... Có ý kiến đề cập đến gia đình hạnh phúc là đảm bảo thực hiện tốt các chức năng gia đình. Một số tác giả nhấn mạnh đến các giá trị, chuẩn mực như gia đình hoà thuận, các thành viên có ý thức xây dựng gia đình, con cái vâng lời cha mẹ, bình đẳng gia đình là các yếu tố quan trọng để đánh giá, xác định gia đình hạnh phúc. Câu hỏi: a) Theo em, các ý kiến trong những thông tin trên đã đề cập đến những yếu tố nào của gia đình hạnh phúc? b) Em hiểu như thế nào về gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc? c) Theo em, để xây dựng gia đình hạnh phúc cần có những điều kiện gì?