Danh sách câu hỏi

Có 5,236 câu hỏi trên 105 trang
Từ những câu chuyện ấu thơ  Tôi nghĩ trẻ em trên khắp thế giới đều thích nghe chuyện giống tôi. Ba tôi đi làm xa nên những câu chuyện đầu tiên tôi nghe được là từ bà tôi và chú tôi. Bà kể tôi nghe chuyện Tấm Cám, Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt, Đôi hài bảy dặm,... Chú tôi lại thích kể chuyện Tôn Ngộ Không và một số truyện trong Nghìn lẻ một đêm.  Bà và chú tôi kể mãi cũng hết chuyện. Từ khi nghe chú tôi mách những câu chuyện đó và vô số những câu chuyện tương tự được viết trong các cuốn sách, tôi cố gắng học chữ để tự mình khám phá thế giới kì diệu kia.  Bảy tuổi, tôi mê mẩn với những cuốn sách ba tôi mua về. Tám, chín tuổi, tôi đã mày mò đọc hết rương truyện Trung Hoa của ông thợ hớt tóc trong làng. Rồi tôi tìm đến Không gia đình, Những người khốn khổ,…  Tôi khóc cười qua những trang sách, ngạc nhiên thấy mình trải qua những cảm xúc mà trên thực tế, tôi chưa đủ lớn để trải nghiệm ngoài đời. Sách đã bồi đắp tâm hồn, làm giàu có và làm trưởng thành tình cảm một đứa bé và đặc biệt mở rộng đến vô biên bờ cõi của trí tưởng tượng.  Rồi tới lượt mấy đứa em nhỏ của tôi lại tranh nhau nằm gần tôi vào mỗi buổi tối, nhao nhao: Anh Hai kể chuyện đi, anh Hai!.  Tôi vẫn luôn biết ơn cả nhà đã tạo cho tôi thói quen đọc sách một cách tự nhiên như vậy. Nhờ thói quen ấy, nhu cầu đọc sách đã nảy mầm và trở thành một khát khao trong tôi, như cỏ cây khát ánh sáng và khí trời.   (Nguyễn Nhật Ánh)  Những câu chuyện đầu tiên, bạn nhỏ được nghe ai kể? Đó là những câu chuyện gì? 
Đọc đoạn văn dưới đây và trả lời câu hỏi.  Không nên phá tổ chim là một câu chuyện giản dị nhưng lại mang đến cho tôi nhiều cảm xúc khó quên. Câu chuyện kể về một em nhỏ vì tò mò mà trèo lên cây, bắt ba con chim non xuống để chơi. Nhưng lời khuyên của chị gái đã làm cho em tỉnh ngộ. Chị đã nói về nỗi buồn của chim mẹ khi không tìm thấy con, số phận của những chim non khi bị tách ra khỏi mẹ. Chị còn nói với em về lợi ích mà loài chim mang lại cho con người. Lời khuyên của chị thật nhẹ nhàng mà thấm thía. Nó giúp người em có một hành động đáng khen: đem những con chim non đặt lại tổ của chúng. Câu chuyện tuy ngắn nhưng thật xúc động bởi ý nghĩa nhân văn cao đẹp: Cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn nếu chúng ta biết yêu quý và trân trọng sự sống của muôn loài. Gấp trang sách lại, hình ảnh những chú chim non bé bỏng quấn quýt bên mẹ vẫn in đậm trong tâm trí tôi.  (Phan Nguyên)  a. Người viết muốn nói điều gì qua đoạn văn trên?  b. Tìm các câu văn trong đoạn ứng với phần mở đầu, triển khai, kết thúc của đoạn văn và xác định nội dung tương ứng của mỗi phần.    c. Tìm trong đoạn văn những từ ngữ hoặc câu văn thể hiện tình cảm, cảm xúc của người viết. 
Khổ luyện thành tài  Lê-ô-nác-đô đa Vin-xi có niềm đam mê hội hoạ từ nhỏ. Năm 14 tuổi, ông được cha đưa đến gặp danh hoạ Vê-rô-ki-ô để học vẽ.  Buổi học đầu tiên, thầy giáo đưa một quả trứng gà và bảo Lê-ô-nác-đô vẽ. Cậu bé rất vui, vì vẽ trứng là việc quá dễ dàng. Cậu cầm bút và cẩn thận về từng nét, từng nét. Ngày hôm sau, thầy giáo lại đưa quả trứng gà và bảo Lê-ô-nác-đô vẽ tiếp. Rồi mấy ngày sau cũng vậy. Cậu bé có chút không vui, nghĩ: “Trứng gà có gì hay ho đâu mà thấy bắt vẽ mãi như thế?”. Dần dần, cậu cảm thấy chán nản với yêu cầu của thầy giáo, cho rằng thầy coi thường năng lực của mình.  Một hôm, cậu mạnh dạn hỏi thầy: “Tại sao thầy luôn bắt em vẽ trứng thế ạ?”. Thầy giáo nói: “Em đừng nghĩ vẽ trứng gà là đơn giản và dễ dàng. Trong một nghìn quả trứng, không thể tìm ra hai quả hoàn toàn giống nhau. Cho dù là cùng một quả trứng, nhưng nếu em nhìn nó từ những góc độ khác nhau thì cũng sẽ thấy những hình dạng khác nhau. Hơn nữa, ánh sáng cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hình dạng của vật. Muốn thể hiện chính xác quả trứng trên giấy, không thể bỏ qua sự khổ luyện.”.  Ngừng một lát, thầy nói tiếp: “Trong quá trình vẽ, em chú ý đến những điều gì? Thầy muốn luyện tầm nhìn cho em, đây là bước đi đầu tiên dẫn đến thành công của hội hoạ. Chỉ có vẽ tốt quả trứng gà đơn giản này, mới có thể vẽ được những sự vật phức tạp.”.  Nghe những lời nói đó, Lê-ô-nác-đô bỗng hiểu ra mọi điều và cảm nhận được sự khổ công của thầy.  Từ đó về sau, Lê-ô-nác-đô luôn nhớ lời thấy, khổ luyện vẽ tranh. Một năm... hai năm..., trình độ vẽ tranh của Lê-ô-nác-đô ngày càng được nâng cao, cuối cùng đã xuất sắc hơn thầy của mình. Lê-ô-nác-đô đa Vin-xi trở thành hoạ sĩ Ý nổi tiếng thế giới.  (Theo 101 câu chuyện học sinh cần đọc giúp các em trở thành nhà khoa học tương lai)  Những ngày đầu tiên đi học vẽ, vì sao Lê-ô-nác-đô đa Vin-xi cảm thấy chán nản?