Danh sách câu hỏi

Có 4,848 câu hỏi trên 97 trang
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới: THÁM HIỂM THÁC NƯỚC CAO NHẤT THẾ GIỚI Nằm sâu trong rừng rậm nhiệt đới rất khó tiếp cận, đến năm 1990, thác Ên-giô (Angel) – cao 979 mét mới mở cửa cho du khách tham quan. Nếu Vich-to-ri-a (Victoria) ở châu Phi là thác nước rộng nhất thì Ên-giô ở Vê-nê-du-ê-la (Venezuela) là thác nước cao nhất thế giới. Thác Ên-giô nằm trong Vườn quốc gia Ca-na-i-ma (Canaima) – Di sản thiên nhiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận năm 1994. Năm 2009, Tổng thống Vê-nê-du-ê-la U-gô Cha-vết (Hugo Chavez) tuyên bố, thác này nên được biết nhiều hơn với tên bản địa là Ke-re-pa-ku-pai Me-ru (Kerepakupai Merú).  Kích cỡ dòng thác sẽ thay đổi theo mùa tuỳ vào lượng mưa. Khi nước lớn và dòng chảy xiết, thác nước đổ xuống thường tạo nên lớp sương mờ có thể trải rộng tới 1 ki-lô-mét quanh thác Ên-giô. Thác Ên-giô có chiều cao 979 mét nằm ở ngọn núi Au-y-an-te-pui (Auyantepui). Dòng nước đổ từ trên cao xuống, sau đó thêm 400 mét gập ghềnh bên dưới và khoảng 30 mét cuối cùng thì chảy mạnh thành dòng suối lớn xuôi về hạ lưu. Thác được khám phá ra bởi một nhà thám hiểm Mỹ tên Giêm Ên-giô (James Angel) năm 1937, khi ông đang lái máy bay và phải hạ cánh khẩn cấp ở một vị trí rất gần thác. Thác Ên-giô hầu như không được biết tới rộng rãi cho đến giữa thập niên 1950 và mãi tới năm 1990, nơi này mới cho phép du khách tới tham quan. Người dân bộ tộc bản địa như Ka-ma-ra-kô-tốt (Kamarakotos) sống ở thung lũng gần nhất cũng cách khá xa thác nước. Họ tin rằng những ngọn thác ở nơi hẻo lánh là chỗ trú ẩn của các linh hồn xấu và tốt hơn hết là tránh đi. Thác nằm sâu trong những cánh rừng mưa nhiệt đới rậm rạp của Vườn quốc gia Ca-na-i-ma, thuộc vùng cao nguyên Gui-a-na (Guiana), bang Bô-li-va (Bolivar) nên rất khó để tiếp cận cũng như quan sát. Để ngắm toàn cảnh thác cần phải lên cao và phóng tầm mắt từ trên những chuyến bay. Ngày nay, Ên-giô là một trong những điểm tham quan tự nhiên thu hút đông khách du lịch nhất. Tuy nhiên, việc di chuyển ở đây vẫn rất phức tạp. Du khách phải đi máy bay nhỏ từ thủ đô Ca-ra-cát (Caracas) hoặc từ Siu-đa Bô-li-va (Ciudad Bolivar) đến khu trại Ca-na-i-ma gần thác, sau đó có hướng dẫn người Pê-mon (Pemón) đi kèm trekking và thêm nhiều giờ đi thuyền trên sông mới tới chân thác. Pê-mon là một bộ tộc bản địa, thường sinh sống ở những nơi hẻo lánh ở Vê-nê-du-ê-la cũng như các khu vực liền kề ở Guy-a-na (Guyana) và Bra-xin (Brazil). Ngoài Pê-mon, những nơi xa xôi này còn có nhiều bộ tộc khác. Du khách đến Ên-giô ngày nay có thể chọn các tour trọn gói từ 3 đến 9 ngày để được thám hiểm thác cao nhất thế giới và các điểm đến khác ở khu vực xung quanh, thậm chí kết hợp tham quan Rô-ra-i-ma (Roraima), Bra-xin. Nếu không muốn tốn thời gian đi thuyền trên sông nhiều giờ liền, du khách có thể lựa chọn đặt máy bay ngắm cảnh thác trên cao. Thời gian thác đông khách nhất là các tháng 1, 7, 8, 11 và 12, giá cả thời điểm này sẽ tăng nhưng chắc chắn khách sẽ chụp được thác Ên-giô đẹp nhất. Nếu đi máy bay ngắm cảnh, du khách có thể đi quanh năm, còn chọn mức độ khó và đường đi gập ghềnh hơn thì phải đúng mùa mưa tháng 6 đến tháng 11. Do mùa mưa nhiều nước, vườn quốc gia cần đảm bảo nước sông đủ cao để đưa khách đi thuyền tới thác. (Theo Khánh Trần tổng hợp, vnexpress.net, 29-8-2021) a) Văn bản trên nêu lên nội dung gì? Nhan đề văn bản được đặt theo cách nào?  b) Văn bản trên có được coi là văn bản thông tin giới thiệu một danh lam thắng cảnh không? Vì sao? c) Theo văn bản, đặc điểm nổi bật nhất của thác nước này là gì? d) Văn bản trên có điểm gì giống với văn bản Khám phá kì quan thế giới: thác I-goa-du?
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới: SƠN ĐOÒNG LÀ HANG ĐỘNG TỰ NHIÊN KÌ VĨ NHẤT THẾ GIỚI Trang du lịch Uôn-đơ-lít (Wonderslist) vừa công bố mười hang động tự nhiên kì vĩ nhất thế giới, trong đó, hang Sơn Đoòng đứng đầu danh sách này. Mới đây, ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ti Ô-xa-lít (Oxalis), đơn vị khai thác tour du lịch hang Sơn Đoòng cho biết, trang du lịch Uôn-đơ-lít vừa công bố mười hang động tự nhiên kì vĩ nhất thế giới, trong đó, hang Sơn Đoòng (Quảng Bình, Việt Nam) đứng đầu danh sách này. Trên trang du lịch Uôn-đơ-lít, hang Sơn Đoòng của Việt Nam được giới thiệu là hang động lớn nhất thế giới, hình thành trên một đoạn đứt gãy của dãy Trường Sơn và bị dòng nước ngầm ăn mòn qua hàng triệu năm, tạo thành đường hầm khổng lồ bên dưới lớp núi đá vôi. Hang Sơn Đoòng được nhóm thám hiểm của Hiệp hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh (BCRA) do ông Hô-uốt Lim-bớt (Howard Limbert) dẫn đầu khảo sát vào năm 2009. Với phương pháp đo đạc và thông số đo đã được các nhà địa chất cao cấp của thế giới công nhận, trong đó có tiến sĩ Tô-ny Oát-ham (Tony Watham), hang Sơn Đoòng có thể tích là 38,5 triệu mét khối, là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Ngày 30-4-2013, tổ chức Kỉ lục Ghi-nét (Guinness) thế giới đã công nhận hang Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới. Từ dấu mốc này, hang Sơn Đoòng đã trở thành biểu tượng, thương hiệu của du lịch Việt Nam. Nhiều chương trình truyền hình, âm nhạc lớn của thế giới được thực hiện tại đây. Hang Sơn Đoòng đã được các tạp chí du lịch uy tín quốc tế bình chọn và vinh danh như: Top 11 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất trên thế giới năm 2019 (theo tạp chí Te-li-gráp – Telegraph), Một trong năm điểm đến đáng mơ ước nhất thế giới năm 2019 (theo tạp chí Lôn-li Plen-nit – Lonely Planet), Một trong những điểm đáng đến của năm 2022 (theo tạp chí AFAR),... Du lịch hang Sơn Đoòng, du khách có dịp trải nghiệm tại hồ nước khổng lồ với hệ thống sông ngầm chằng chịt, tận hưởng một thời tiết riêng biệt trong khu rừng rậm độc đáo. Du khách thích thú khi chiêm ngưỡng những măng đá và thạch nhũ khổng lồ được hình thành từ hàng triệu năm hay khám phá hệ sinh thái vô cùng phong phú tại đây. Bên cạnh đó, “Bức tường Việt Nam” – bức tường đá có chiều cao khoảng 90 mét sẽ là một thử thách vừa khó khăn nhưng rất thú vị trong chuyến thám hiểm hang Sơn Đoòng. Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ti Ô-xa-lít cho biết, năm 2023, tour du lịch khám phá hang Sơn Đoòng đã có hơn 700 khách đăng kí. Hiện tại, Ô-xa-lít đang mở bán tour du lịch năm 2024. Vì lí do thời tiết nên Sơn Đoòng chỉ khai thác từ tháng 1 đến tháng 8 hằng năm. Và để bảo tồn, gìn giữ hang động lớn nhất thế giới, mỗi năm chỉ có 1000 khách du lịch được khám phá Sơn Đoòng. Ông Nguyễn Châu Á chia sẻ thêm rằng từ những lí do trên đã tạo nên sự khan hiếm và khao khát của nhiều du khách muốn được chinh phục Sơn Đoòng một lần trong đời. Những điều này đã làm cho Sơn Đoòng trở thành điểm đến quan trọng và làm nền tảng quảng bá, lôi cuốn khách du lịch đến với Phong Nha, Quảng Bình trong những năm qua. Cũng nhờ một phần sức hút của Sơn Đoòng mà hiện nay có hơn 20 sản phẩm du lịch thám hiểm hang động của nhiều công ti đang khai thác rất hiệu quả tại Quảng Bình. (Theo Minh Châu, kenh14.vn, 29-09-2022) a) Thông tin chính của văn bản trên là gì? Thông tin chính ấy được nêu ở phần nào của văn bản? b) Vì sao văn bản trên được coi là văn bản thông tin giới thiệu một danh lam thắng cảnh? c) Đoạn văn in đậm mở đầu văn bản được gọi là gì? Phần ấy có nhiệm vụ như thế nào? d) Văn bản giúp em có thêm được những hiểu biết gì về danh lam thắng cảnh ở Việt Nam?
Tìm các điển cố, điển tích (in đậm) được dùng trong Truyện Kiều (Nguyễn Du) nêu ở bên A ứng với nguồn gốc và nghĩa ở bên B. A. Điển cố, điển tích   B. Nguồn gốc, nghĩa a) Sông Tương một dải nông sờ, / Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia.   1) Điển cố, bắt nguồn từ một câu trong sách cổ bên Trung Quốc: Thương cung chi điểu kiến khúc mộc nhi cao phi... (Chim đã bị thương vì cung bắn, thấy cây cong cũng sợ phải bay cao). Câu thơ của Nguyễn Du có điển cố này biểu thị sự cảnh giác, nỗi lo lắng của nàng Kiều sau những hoạn nạn đã trải qua.  b) Dâng thư đã thẹn nàng Oanh, / Lại thua ả Lý bán mình hay sao?   2) Điển tích, lấy ý từ một chuyện xưa bên Trung Quốc: Đời nhà Chu có ông Lão Lai đã 70 tuổi, hãy còn cha mẹ. Một hôm, ông mặc áo ngũ sắc ra sân múa, rồi giả ngã, khóc như trẻ con để làm vui cho cha mẹ. Câu thơ có điển tích này nói về nỗi nhớ thương của Thuý Kiều đối với cha mẹ. c) Sân Lai cách mấy nắng mưa, / Có khi gốc tử đã vừa người ôm?   3) Điển cố, dẫn theo sách Tình sứ (Trung Quốc): Quân tại Tương giang đầu / Thiếp tại bát Tương giang vĩ / Tương tư bất tương kiến / Đồng ẩm Tương giang thuỷ. (Chàng ở đầu sông Tương / Thiếp ở cuối sông Tương / Nhớ nhau không thấy mặt / Cùng uống nước sông Tương.). Câu thơ của Nguyễn Du có điển cố này miêu tả nỗi niềm tương tư của Kim Trọng sau khi gặp nàng Kiều. d) Thiếp như con én lạc đàn, / Phải cung, rày đã sợ làn cây cong!   4) Điển tích, dẫn theo một chuyện trong Hán thư: Cha nàng Đề Oanh phạm tội nặng, nàng dâng thư lên vua xin chuộc tội cho cha. Vua cảm lòng hiếu thảo của nàng mà tha tội cho người cha. Câu thơ có điển tích này thể hiện sự hiếu nghĩa của Thuý Kiều khi quyết bán mình chuộc cha. Mẫu: a) - 3).
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới: (Đây là đoạn trích trong Truyện Kiều, từ dòng 1 519 đến dòng 1 526, thuộc phần “Gia biến và lưu lạc”. Sau khi bị lừa mua đến lầu xanh của Tú Bà, buộc phải tiếp khách làng chơi, Kiều được Thúc Sinh, một nhà buôn giàu có, là con rể của quan Lại bộ Thượng thư, chuộc ra khỏi lầu xanh và cưới làm vợ. Kiều đã khuyên Thúc Sinh về gặp vợ cả là Hoạn Thư để trình bày mọi việc. Đoạn này tả cảnh Thuý Kiều tiễn đưa Thúc Sinh về gặp Hoạn Thư.) Người lên ngựa, kẻ chia bào, Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san. Dặm hồng bụi cuốn chinh an, Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh. Người về chiếc bóng năm canh, Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi. Vầng trăng ai xẻ làm đôi, Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường. (Theo Truyện Kiều, trong Từ điển “Truyện Kiều”, Đào Duy Anh, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974) a) Đoạn trích trên thể hiện nội dung gì? b) Nhân vật ở đây gồm những ai? Lời trong đoạn trích là lời của ai?  c) Xác định chủ đề của đoạn trích. d) Phân tích nghệ thuật đối được Nguyễn Du sử dụng trong đoạn trích trên.  e) Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đã được thể hiện như thế nào trong đoạn trích?