Danh sách câu hỏi

Có 1,156 câu hỏi trên 24 trang
Đọc câu chuyện CHĂM LO CHO TRẺ EM Năm 2019, Hội Liên hiệp phụ nữ Thừa Thiên - Huế đã đẩy mạnh phòng trào chăm lo cho trẻ em trong tỉnh. Các cấp Hội trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh trang bị kiến thức, kĩ năng mềm cho các em như kĩ năng phòng tránh xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh của huyện A Lưới, Phú Vang, Phú Lộc; các cuộc truyền thông về giáo dục giới tính, kiến thức, kĩ năng phòng chống xâm hại, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông cho hơn 3 000 lượt học sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, Hội đã đa dạng hóa các hình thức giáo dục, tuyên truyền bằng việc tổ chức các hội thi như: Hội thi Phát huy sáng kiến của trẻ với bảo vệ môi trường; hội thi Rung chuông vàng “Tìm hiểu về Quyền trẻ em năm 2019”; Ngày hội Trẻ em vùng dân tộc thiểu số,... qua đó, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp các em học sinh được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm học tập. Phát huy tính hiệu quả của phương pháp truyền thông qua phương tiện nghe nhìn tạo sự lan toả trong cộng đồng, Hội đã tổ chức nhiều sự kiện truyền thông nổi bật thu hút sự tham gia không chỉ của các em học sinh, các bậc phụ huynh mà còn có sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đó là các sự kiện: tổ chức các diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói; các cuộc đối thoại chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em; các hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa, sự cần thiết về quyền tham gia của trẻ em; tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức ra mắt hai câu lạc bộ điểm “Nâng cao vai trò vị thế phụ nữ và trẻ em”, duy trì và thành lập mới 15 câu lạc bộ “Quyền Trẻ em” nhằm tạo điều kiện cho các em được trao đổi, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh; giúp các em rèn luyện phẩm chất, kĩ năng sống để trở thành người có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, các em còn có cơ hội bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình về những vấn đề liên quan đến trẻ em và được trẻ em quan tâm. Các cấp Hội cũng nỗ lực góp sức cùng toàn xã hội, tham gia tích cực các hoạt động khuyến học, khuyến tài. Qua đó đã trao tặng trên 330 xe đạp, 3 415 suất học bổng Nguyễn Thị Định cho học sinh nghèo toàn tỉnh; tặng đồng phục, sách vở và học phi với tổng trị giá gần 670 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hội còn tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ để xây dựng các sân chơi an toàn tại cộng đồng, thư viện xanh ở các trường học tại các vùng trẻ em còn gặp nhiều khó khăn đã góp phần tạo dựng môi trường an toàn, hữu ích cho trẻ vui chơi, phát triển. Lắng nghe trẻ em bằng trái tim và chăm sóc bảo vệ trẻ em bằng hành động là điểm nhấn của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế, góp phần tạo nên một môi trường hạnh phúc cho chính từng gia đình và lan tỏa ra toàn xã hội. Câu hỏi: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thể hiện trách nhiệm như thế nào trong việc thực hiện quyền trẻ em?
Đọc câu chuyện TẤM GƯƠNG HỌC SINH TIÊU BIỂU Em Hà Kiên Trung học lớp 9B, Trường Trung học cơ sở Hồng Thái (Sơn Dương) là người dân tộc Tày. Em học rất giỏi và đặc biệt yêu thích và đam mê môn Toán. Trong 8 năm học qua, em luôn là học sinh giỏi toàn diện, điểm trung bình của em đạt 9,2, riêng môn Toán đạt 9,6. Những thành tích mà em đạt được trong môn Toán khiến nhiều người phải nể phục như: Lớp 6, đạt giải nhì môn Toán trong kì thi chọn học sinh giỏi cấp huyện; lớp 7, giải nhất môn Toán trong kì thi chọn học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Chia sẻ về phương pháp học tập của mình Trung nói, trên lớp em chú ý nghe thầy cô giáo giảng bài, có những bài không hiểu em sẽ gặp trực tiếp thầy cô để hỏi phương pháp hoặc trao đổi với bạn bè. Trước hết, học môn nào cũng phải có niềm đam mê, riêng với môn Toán, em luôn cố gắng nắm vững công thức, làm nhiều bài tập và nắm kĩ các dạng đề. Trung bình mỗi ngày, em dành thời gian học khoảng 5 tiếng, trong đó có 2 tiếng em học môn Toán. Với em những công thức, con số Toán học không khô khan, cứng nhắc mà rất phong phú, sinh động và việc tìm tòi, khám phá phương pháp giải toán giúp em rèn luyện khả năng tính nhanh, tư duy logic. Cũng từ đây, em đã làm quen với các cuộc thi Toán tổ chức qua mạng Internet. Không chỉ học giỏi, Trung còn tích cực tham gia các hoạt động ở trường. Em là một lớp phó học tập gương mẫu, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm học của mình với các bạn, giúp đỡ, hướng dẫn bài cho bạn tiến bộ hơn. Em cùng với ban cán sự lớp xây dựng được 5 đôi bạn cùng tiến. Bản thân em nhận giúp đỡ bạn Phạm Hà My, học lực trung bình trở thành học lực khá trong lớp. Trung quyết tâm cố gắng học giỏi để thi vào lớp chuyên Toán, Trường Trung học phổ thông Chuyên tỉnh Tuyên Quang. Em mơ ước sau này sẽ trở thành một bác sĩ giỏi để cứu chữa cho những bệnh nhân nghèo. Câu hỏi: Em học được điều gì trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em của bạn Trung?
Đọc câu chuyện GƯƠNG SÁNG DOANH NHÂN Anh Lê Nguyên Vũ, 36 tuổi, ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng là tấm gương điển hình về kinh doanh giỏi, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho nhân dân, đóng góp nhiều vào việc nộp thuế cho Nhà nước. Không những thế, anh mà còn hăng hái tham gia các hoạt động nhân đạo, tình nghĩa. Anh có nhiều giải pháp thúc đẩy toàn công ty thi đua lao động, phát huy sáng kiến, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Năm 2010, anh Vũ tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ - Đại học Đà Nẵng, lần lượt được hai công ty tổ chức sự kiện và quảng cáo truyền thông tuyển dụng. Với quyết tâm khởi nghiệp, anh vừa làm, vừa tích luỹ kiến thức, tìm hiểu các công việc liên quan trong quá trình sản xuất - kinh doanh. Đầu năm 2021, anh thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tiên Phong Vũ, trụ sở tại 109 Đống Đa (phường Thạch Thang, quận Hải Châu), xưởng sản xuất ở số 2 Huyền Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), chuyên nhận hợp đồng tổ chức sự kiện và làm các công trình trang trí. Người giám đốc trẻ nỗ lực kết nối, xây dựng các mối quan hệ, ngày càng tạo được nhiều khách hàng. Trong từng công trình, anh trực tiếp thiết kế kiểu dáng, vẽ mô hình trên vi tính, trao đổi thống nhất với khách hàng. Qua việc giữ chữ tín trong kinh doanh, thương hiệu và uy tín của Công ty Tiên Phong Vũ ngày càng được khẳng định trên thị trường. Cũng từ đó, anh Vũ thu hút được nhiều khách hàng, tạo việc làm ổn định cho công nhân, hằng năm luôn hoàn thành nghĩa vụ thuế Nhà nước. Mặt khác, anh Vũ tận tình hỗ trợ người nghèo, gương mẫu trong các cuộc vận động tình nghĩa, nhân đạo, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Mới đây, anh và nhóm bạn đồng tâm nguyện đã trao gần 400 suất quà cho hộ nghèo ở các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang và Tây Giang (tỉnh Quảng Nam). Trước thềm xuân mới Tân Sửu 2021, anh Vũ ấp ủ dự định mở rộng quy mô hoạt động của công ty, tiếp tục nâng cấp trang thiết bị, tuyển dụng thêm công nhân lành nghề và phấn đấu nâng lương cho người lao động. Anh Vũ đã trở thành một doanh nhân giỏi, tổ chức sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, đóng góp nhiều thuế cho Nhà nước, mang lại nhiều công ăn việc làm cho nhân dân, hết sức chăm lo đời sống người lao động, tích cực góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của thành phố Đà Nẵng. Câu hỏi: Câu chuyện trên cho thấy anh Lê Nguyên Vũ đã thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình như thế nào?
Đọc câu chuyện BÁC HỒ - TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu về lối sống giản dị và thực hành tiết kiệm. Tiết kiệm theo Bác là “không xa xỉ, không hoàng phí, không bừa bãi”, nhưng cũng “không phải là bủn xỉn, tiết kiệm không phải ép nhịn ăn, nhịn mặc mà chi tiêu ở những việc cần thiết, thể hiện nếp sống văn minh”. Người nhắc nhở: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm chuẩn mực, thước đo cho người ta bắt chước. Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính”. Chính vì vậy, trong cuộc sống hằng ngày từ việc ăn, ở, sinh hoạt, ở mọi lúc, mọi nơi, Người không nói nhiều, không hô hào đao to búa lớn mà luôn thể hiện tinh thần gương mẫu về thực hành tiết kiệm bằng chính những hành động, nếp sống của mình. Bữa ăn của Người cũng không có gì khác bữa ăn của mọi gia đình Việt Nam: bát cơm, quả cà muối, con cá kho, đĩa rau muống luộc,... Trang phục hằng ngày của Người cũng rất đơn sơ, vài bộ quần áo kaki, đôi dép cao su cũ kĩ,... Nhà ở của Bác cũng “không có gì khác một ngôi nhà của nông dân Việt Nam” (lời của một người nước ngoài được Bác tiếp đã nhận xét). Đặc biệt, Người thường nhắc nhở cán bộ, nhân dân về thực hành tiết kiệm điện “Nước ta còn nghèo, nên càng phải tiết kiệm điện. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, xí nghiệp,… đều tiết kiệm điện thì chúng ta sẽ đủ điện để dùng cho đời sống và sản xuất”. Là Chủ tịch nước, Bác được ưu tiên cấp diện trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng tinh thần dùng điện tiết kiệm của Bác đáng cho mọi người trân trọng, suy ngẫm và học tập. Ông Phạm Ngọc Toản, người đã từng là chiến sĩ cận vệ trung thành bên cạnh Hồ Chủ tịch trong suốt 15 năm cho đến khi Bác đi xa, kể rằng: “Bác vẫn thường dặn anh em cận vệ tắt điện khi ra khỏi phòng". Theo ông Toàn, vào những ngày hè o bức, Bác thường dùng chiếc quạt lá cọ và rất ít khi dùng quạt điện. Về việc tiết kiệm điện thì Bác là một tấm gương lớn. Không biết bao nhiêu lần, tự tay Bác đã tắt những bóng đèn, cái quạt, và cả cái đài nữa, khi không có ai dùng cả. Khi ra nước ngoài cũng thế, đi qua một hành lang đến nơi bạn mời Bác ở, hay trong nhà khách của bạn, thấy những bóng đèn sáng không cần thiết là Bác tìm cách tắt đi. Ở trong Phủ Chủ tịch, nhìn thấy ở xa có những chiếc bóng đèn sáng là Bác bảo: “Chú đến xem ở đó có cần không, nếu không thì tắt đi cho đờ lãng phí”. Đã 48 năm kể từ ngày Bác đi xa, nhưng tư tưởng, tấm gương đạo đức ngời sáng, giản dị, lớn lao và vĩ đại của Người sẽ mãi trường tồn cùng thời gian. Thực hiện những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho đến hôm nay và mãi mãi về sau. a) Lời nói và việc làm của Bác Hồ thể hiện Bác là người như thế nào?