Danh sách câu hỏi
Có 5,287 câu hỏi trên 106 trang
Đọc.
NHÂN CÁCH QUÝ HƠN TIỀN BẠC
Mạc Đĩnh Chi (1272 - 1346), quê ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, thi đỗ trạng nguyên năm 1304, làm quan ba đời vua nhà Trần. Ông thông minh, giỏi thơ văn và có tài đối đáp rất sắc bén. Hai lần đi sứ Trung Quốc, ông tỏ rõ là người học rộng, tài cao, làm rạng danh đất nước. Khâm phục tài năng, cốt cách của Mạc Đĩnh Chi, vua Nguyên đã phong tặng ông danh hiệu Lưỡng quốc trạng nguyên.
Mạc Đĩnh Chi làm quan rất thanh liêm nên nhà ông thường nghèo túng. Sau khi lo đám tang của mẹ, cuộc sống của ông vốn đã thanh bạch giờ càng đạm bạc hơn. Vua Trần Minh Tông biết chuyện, liền hỏi một viên quan tin cẩn:
- Ta muốn trích ít tiền trong kho đem đến biếu Mạc Đĩnh Chi. Làm thế liệu có được không?
Viên quan tâu:
- Thần biết rõ: Nếu Hoàng thượng cho người đem tiền biếu thì Mạc Đĩnh Chi sẽ không nhận. Chỉ có cách lén bỏ tiền vào nhà, ông ấy không biết phải trả cho ai thì mới nhận.
Nhà vua ưng thuận và sai người làm như vậy.
Sáng hôm sau thức dậy, Mạc Đĩnh Chi thấy gói tiền trong nhà, liền đem vào triều, trình lên vua Minh Tông:
- Tâu Hoàng thượng. Đêm qua ai đã bỏ vào nhà thần gói tiền này. Thần ngờ rằng đó là tiền của một người muốn đút lót thần. Vậy, xin Hoàng thượng cho thần nộp tiền này vào công quỹ.
Vua Minh Tông đáp:
- Khanh có khó nhọc thì người ta mới giúp cho. Cứ coi đó là tiền của mình cũng được chứ sao!
- Phàm của cải không do tay mình làm ra thì không được tơ hào đến. – Mạc Đĩnh Chi khẳng khái đáp.
Vua rất cảm kích trước tấm lòng trung thực, liêm khiết, trọng nhân cách hơn tiền bạc của Mạc Đĩnh Chi, đành giữ lại tiền rồi cho ông lui.
(Theo Quỳnh Cư)
Đọc.
LÝ THƯỜNG KIỆT
Lý Thường Kiệt là một nhà quân sự, nhà chính trị nổi tiếng của nước ta. Trong cuộc chiến tranh chống Tống ở triều đại nhà Lý, Lý Thường Kiệt được vua giao chỉ huy quân ta chống giặc.
Trong trận chiến chống giặc Tống trên sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt đã bố trí quân đội sẵn sàng đón địch. Kế hoạch phòng thủ của Lý Thường Kiệt là chặn quân Tống từ bờ nam sông Như Nguyệt. Nếu để giặc vượt sông, chúng sẽ dễ dàng chiếm kinh đô Thăng Long như trở bàn tay.
Lý Thường Kiệt hạ lệnh cho người dân ở bờ bắc sông Như Nguyệt di cư sang bờ nam để tránh sự đàn áp của giặc, rồi lập doanh trại ở bờ nam để chống giữ. Ông cho đắp đê Nam Ngạn cao như bức tường thành. Ngoài đê thì đóng cọc tre mấy tầng. Chiến thuyền rút về hết bờ nam, sẵn sàng đón đánh quân địch.
Chiến sự diễn ra hàng tháng trời. Quân giặc tuy thế mạnh, người đông nhưng mấy lần vượt sông đều bị đánh lui. Tuy vậy, quân ta cũng dần dần núng thế. Tình thế hết sức nguy cấp. Để cổ vũ tinh thần quân sĩ và làm nao núng địch, Lý Thường Kiệt bèn sai người tâm phúc, đang đêm đọc vang bài thơ trong đền thờ Trương Hồng, Trương Hát (bên bờ sông Như Nguyệt):
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Đang đêm, nghe tiếng thơ vang lên sang sảng, hào hùng, ai cũng cho rằng thần làm ra bài thơ đó để báo trước việc quân giặc tất bại, quân ta tất thắng. Lòng tin tưởng vào thắng lợi được củng cố, quân sĩ ai nấy đều phấn khởi. Khí thế đã hăng, Lý Thường Kiệt bèn mở cuộc tiến công, đánh cho giặc Tống đại bại, phải cầu hòa và rút về nước. Bài thơ được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.
(Theo Lưu Hồng Hải)
* Đây là bản dịch ra tiếng Việt; bài thơ viết bằng chữ Hán.
Núng (thế): không còn vững chắc, không còn đủ sức chịu đựng, chống đỡ nữa.
Tuyên ngôn: bản tuyên bố của một quốc gia hoặc một tổ chức.
Điền từ thích hợp vào chỗ trống để chỉ ra sự khác nhau trong cách dùng dấu gạch ngang giữa hai đoạn văn sau:
a. Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội – là mùa xuân có mưa liêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng...
(Vũ Bằng)
b. Mô-da bỗng xót thương Giô-dép – vị hoàng đế của Đế quốc La Mã thần thánh nhiều khát vọng vĩ đại nhưng thất bại.
(Theo Lê Anh Tuấn và Bùi Anh Tú, Kể chuyện Âm nhạc)
(trước, giữa, cuối, sau)
Sự khác nhau đó là:
Đoạn a: Bộ phận chú thích nằm ở………..câu, nên……….. và………. phần chú thích đều có dấu gạch ngang.
Đoạn b: Bộ phận chú thích nằm ở………... câu, nên dấu gạch ngang chỉ nằm ở…………... phần chú thích
Đọc.
THỜI GIAN LUÔN LUÔN CÔNG BẰNG
Rô-đanh sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã thích vẽ vời khắp nơi, vẽ những thứ ông nhìn thấy và cả những thứ ông tưởng tượng ra.
Vào ngày sinh nhật, cha mẹ đã đặc biệt mua tặng Rô-đanh những cây bút chì vẽ. Rô-đanh rất thích món quà này. Có nó, Rô-đanh càng hăng say vẽ hơn. Chị gái Rô-đanh thấy em thích vẽ đã động viên cậu đi học đào tạo chuyên sâu. Thế nhưng nhà không có tiền nộp học phí, phải làm sao bây giờ? Chị gái ông sau khi hỏi thăm ở nhiều nơi, cuối cùng đã tìm được một trường dạy miễn phí. Mặc dù trường này chủ yếu đào tạo nhân tài về thủ công mĩ nghệ và kĩ thuật, nhưng vì được học miễn phí, nên Rô-đanh vẫn rất phấn chấn.
Mỗi ngày, trường chỉ tổ chức học một buổi, nên khi tan học, Rô-đanh lại chạy tới Bảo tàng Lu-vrơ để quan sát và vẽ theo những bức tranh nổi tiếng trưng bày ở đây. Khi lần đầu tiên được nhìn thấy những bức tranh này, ông đã vui mừng không nói ra lời mà chỉ thầm nghĩ trong lòng: "Họ vẽ đẹp quá! Trình độ của mình còn kém xa, mình nhất định phải cố gắng!". Mỗi ngày quan sát và mô phỏng tranh ở Bảo tàng Lu-vrơ, Rô-đanh được mở rộng tầm nhìn nghệ thuật và trình độ đánh giá, đồng thời củng cố sự tự tin trong những bức vẽ của ông.
Rô-đanh rất tự giác trong học tập. Ngoài việc học trên lớp, ông còn tự tìm thêm bài tập cho mình. Vào thời gian rảnh rỗi, ông thường mang theo sách vở đi vẽ. Đi đến đâu về đến đấy, nhìn thấy cái gì liền vẽ cái đấy. Thấy những bạn học rất ham chơi, trong lòng ông nghĩ: "Lãng phí thời gian quý giá như vậy thì thật đáng tiếc!"
Thời gian luôn luôn công bằng, nó không để sự cố gắng của Rô-đanh trở nên hoang phí. Rô-đanh chăm chỉ nỗ lực, không nao núng trước khó khăn, ông đã sáng tác ra một số lượng lớn các tác phẩm điêu khắc để đời và được cả thế giới công nhận và kính phục.
(Theo Giả Vân Bằng)
Rô-đanh (1840-1917): nhà hoạ sĩ, nhà điêu khắc hàng đầu của Pháp.
Lu-vrơ: Viện bảo tàng nghệ thuật và di tích lịch sử nổi tiếng tại thủ đô Pa-ri của nước Pháp.
Mô phỏng: bắt chước cả một quá trình, một hệ thống.
ĐỌC – HIỂU
PHÂN XỬ TÀI TÌNH
Ngày xưa, có một vị quan án rất tài. Vụ án rắc rối đến mấy, ông cũng tìm ra manh mối và phân xử rất công bằng.
Một hôm, có hai người đàn bà đến công đường với một tấm vải. Trước mặt quan, một người mếu máo thưa:
- Bẩm quan, sáng nay con mang vải đi chợ bán, bà này hỏi mua, con đưa cho bà ấy xem. Thế rồi tự dưng bà ấy cướp không tấm vải bảo là của mình, nhất định không chịu trả lại cho con nữa. Xin quan đèn trời soi xét.
Quan nhìn sang người đàn bà thứ hai thì thấy bà ta cũng rưng rưng nước mắt kế:
Bẩm quan, tấm vải này con vừa dệt xong, mang đi chợ bán. Chính bà này lấy của con vậy mà còn dám đặt điều vu oan cho con.
Quan ngắt lời hai người, yêu cầu mỗi bên phải dẫn ra người làm chứng. Nhưng cả hai đều không tìm được vì sự việc xảy ra ở nơi vắng vẻ. Quan cho lính về tận nhà từng người đề xem xét có đúng vải do họ dệt ra như lời khai hay không. Lính trở về thuật lại rằng cả hai đều có khung cửi như nhau, khổ vải bằng nhau và cùng mang vải đi chợ bán hôm ấy. Quan nhìn vào thần sắc từng người để dò ý tứ, nhưng chỉ thấy vẻ đau đớn vì mất của hiện trên nét mặt của cả hai người. Ngẫm một lát, quan ôn tồn bảo họ:
Hai người nói đều có lí cả. Biết làm sao bây giờ? Thôi, ta xử thế này: đem tấm vải xé ra làm đôi, chia cho mỗi người một nửa. Thế là ổn. Hãy về nhà mà làm ăn!
Nói xong, quan sai lính đo vải để xé làm đôi. Thấy vậy, một người đàn bà bỗng ôm mặt bật khóc. Lập tức, quan sai đưa cả tấm vải cho người này rồi thét lính trói người kia lại vì chỉ có chủ nhân thực sự của tấm vải mới đau xót như vậy. Quả nhiên, sau một hồi tra khảo, người đàn bà kia đành cúi đầu nhận tội.
(Theo Nguyên Đổng Chi)
Quan án: chức quan ngày xưa chuyên lo việc điều tra và xét xử.
Công đường: nơi làm việc của quan lại ngày xưa.
Làm chứng: (người) đứng ra xác nhận những điều mình đã chứng kiến.