Danh sách câu hỏi
Có 648 câu hỏi trên 13 trang
Đọc câu chuyện và trả lời câu hỏi
MỘT NHÀ THƠ CHÂN CHÍNH
Ngày xưa, ở vương quốc Đa-ghét-xtan (Dagestan) có một ông vua nổi tiếng bạo ngược. Dưới triều đại ông ta, nhân dân hết sức lầm than. Thế rồi khắp nơi nơi bỗng truyền đi một bài hát thống thiết, lên án thói hống hách, bạo tàn của nhà vua và phơi bày nỗi thống khổ của nhân dân.
Rồi một ngày, bài hát lọt đến tai vua. Vị vua ra lệnh tìm cho được tác giả bài hát để xử tội. Truy tìm không ra, vị vua ra lệnh tống giam tất cả nhà thơ và nghệ nhân hát rong cả nước. Sau đó, nhà vua ra lệnh họ phải hát cho vua nghe một bài hát do chính mình sáng tác ca ngợi nhà vua. Tất cả đều cố gắng hoàn thành, riêng có ba nhà thơ kiên quyết im lặng không chịu hát. Họ bị tống giam vào ngục.
Ba tháng sau, vị vua giải ba người ra và cho thêm cơ hội. Một trong ba nhà thơ đã hát ca ngợi vị vua, thế là được thả ra.
Giàn hoả thiêu xuất hiện, một trong hai nhà thơ còn lại cất tiếng hát. Riêng người cuối cùng vẫn im lặng. Vị vua ra lệnh: “Trói hắn và thiêu chết!”.
Cuối cùng, nhà thơ cũng cất vang tiếng hát. Đó là lời hát phơi bày sự thật về nỗi thống khổ của người dân, phê phán thói xấu của nhà vua,... Tiếng hát vang lên, cả hoàng cung rung động cùng với ngọn lửa bừng bừng bốc cháy như giận dữ. Nhà vua bất ngờ thét lên:”Dập tắt lửa! Ta không thể mất nhà thơ chân chính độc nhất của đất nước này”.
(Theo Tiếng Việt 4, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2020)
– Nhà thơ cuối cùng trong câu chuyện đã bảo vệ cái đúng, cái tốt như thế nào? Hành động đó đã mang lại điều gì?
– Vì sao chúng ta cần bảo vệ cái đúng, cái tốt?
Đọc các thông tin và thực hiện yêu cầu
Thông tin 1
Mạc Đĩnh Chi là con nhà nghèo, ngay từ nhỏ đã rất lanh lợi, thông minh. Trong khi bạn bè đồng trang lứa đi học, ông phải vào rừng kiếm củi. Vốn ham học, hằng ngày Mạc Đĩnh Chi luôn ghé đến lớp học của thầy đồ trong làng, đứng ngấp nghé ngoài cửa với bó củi sau lưng để học lỏm. Nhiều ngày, thầy đồ thấy tội nên đã cho Mạc Đĩnh Chi vào lớp ngồi cùng các bạn. Mạc Đỉnh Chi phải kiếm sống vào ban ngày và học vào buổi tối. Nhà nghèo không có đèn dầu để học, ông liền nghĩ ra cách bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng làm đèn. Không có vở để viết, ông dùng lá để thay giấy và tập viết. Bằng nghị lực phi thường, Mạc Đĩnh Chi đã đỗ Trạng nguyên vào khoa thi năm Giáp Thìn (1304).
(Theo Thần đồng nước Nam Mạc Đĩnh Chi, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2016)
Thông tin 2
Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, lớn lên trong vòng tay của bác ruột, sống trong điều kiện vất vả, khó khăn nhưng Phạm Ngọc Tiểu Vy (sinh năm 2009, thôn Tân Phú, xã Bù Nho huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) luôn ngoan hiền,
học giỏi. Nhờ siêng năng, ham học, tích cực tham gia các phong trào của trường, lớp nên mùa hè năm 2018, Tiểu Vy là một trong 70 học sinh ưu tú có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Chủ tịch nước gặp mặt tại Hà Nội. Khi được hỏi về ước mơ của mình, Vy chia sẻ: “Em tự hứa với mình sẽ cố gắng học thật giỏi, sau này trở thành cô giáo. Khi lớn lên em sẽ tích cực giúp đỡ những hoàn cảnh giống em”
(Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Phước, https://binhphuoc.gov.vn)
– Nêu cảm nghĩ của em về hai tấm gương vượt khó nói trên.
– Theo em, cần thể hiện thái độ như thế nào với những tấm gương vượt khó trong học tập và cuộc sống?
Đọc câu chuyện và trả lời câu hỏi
VƯỢT KHÓ TRONG HỌC TẬP
Nguyễn Thế Phong, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học số 1 Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, sinh ra bị liệt tứ chi, thế nhưng nghị lực vượt lên nghịch cảnh của em đã làm lay động lòng người.
Trong giờ học, Thế Phong cúi đầu ngậm lấy bút, kê lên tay rồi dùng cằm
đưa bút đi từng nét chữ. Sau hàng ngàn lần tập luyện cùng với tinh thần lạc quan, Phong đã khắc phục được khó khăn và viết chữ bằng cằm rất đẹp. Đáng nể hơn, Phong còn là một học sinh tiêu biểu trong lớp, đạt danh hiệu Học sinh Giỏi trong hai năm học liền.
Trong lớp học nhỏ bé giữa núi rừng Phong Nha, cậu bé Phong cứ thế miệt mài, dùng cằm nắn nót từng con chữ. Từng con chữ được viết là từng nỗ lực để hiện thực hóa giấc mơ trở thành bác sĩ của Phong. Cậu bé không may mắn ấy, bằng sự quyết tâm của mình, lại trở thành niềm tự hào của bố mẹ.
(Theo Bá Cường, báo Thanh niên, 13/2/2023)
– Bạn Thế Phong đã vượt qua những khó khăn trong học tập và cuộc sống như thế nào?
– Theo em, vì sao phải vượt qua khó khăn trong học tập và cuộc sống?
Xử lí tình huống
– Tình huống 1:
Lớp 5B có bạn Y Hên là người dân tộc Xơ-đăng mới chuyển đến. Bạn chưa quen ai nên rất ít nói. Thấy bạn mặc trang phục hằng ngày của dân tộc mình, một nhóm bạn trong lớp trêu chọc Y Hên.
Nếu chứng kiến tình huống đó, em sẽ ứng xử như thế nào?
– Tình huống 2:
Vào dịp Tết, gia đình Bin đi thăm họ hàng và dẫn theo chú cún con. Nhưng khi đến nhà bác Hai, bác không muốn cho cún con vào nhà vì bác bị dị ứng với lông thú.
Nếu là Bin, em sẽ ứng xử như thế nào?
– Tình huống 3:
Nhóm của Na đang lên kế hoạch sưu tầm và giới thiệu các danh nhân văn hoá thế giới của Việt Nam. Cô giáo phân công thêm bạn Lê – một học sinh mới chuyển trường vào nhóm của Na. Lê vẽ khá đẹp nhưng nhút nhát. Các bạn lo ngại Lê sẽ làm chậm kế hoạch của nhóm.
Nếu là Na, em sẽ ứng xử như thế nào?
– Tình huống 4:
Cam bị ngã nên có một vết sẹo trên mặt. Kể từ ngày đó, Cam rất tự ti về ngoại hình của mình. Một hôm, đi học về, Cam chạy đến ôm chặt lấy chị Cốm, khóc nức nở và nói:“Bạn Ân không chơi với em và còn gọi em là vịt con xấu xí".
+ Em có đồng tình với việc làm của bạn Ân không? Vì sao?
+ Nếu là Cốm, em sẽ động viên Cam như thế nào?
Đọc thông tin và trả lời câu hỏi:
Vào ngày 16/11/1995, đại diện của 185 quốc gia đã kí vào bản tuyên bố đưa ra tại Hội nghị toàn thể lần thứ 28 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) lấy ngày 16/11 hằng năm làm ngày Quốc tế Khoan dung. Theo đó, 185 quốc gia này cam kết “tôn trọng, chấp nhận và hiểu đúng sự đa dạng, phong phú các nền văn hoá của thế giới, những hình thức tự biểu hiện và những khả năng thể hiện cá tính của con người". Các quốc gia cũng công nhận một thực tế là con người khác nhau về hình dáng bên ngoài, địa vị, lời nói, cách ứng xử và các giá trị, sống đều có quyền được sống trong hoà bình và duy trì cá tính của mình.
Trong một thế giới phát triển không đồng đều, bất công và bạo lực, tình trạng kì thị, phân biệt đối xử,... vẫn đang tồn tại thì lòng khoan dung của con người có ý nghĩa đặc biệt, có vị trí quan trọng để gắn kết và xây dựng một thế giới hoà bình, thịnh vượng. Sự đa dạng về tôn giáo, ngôn ngữ, văn hoá và chủng tộc hiện tồn tại trên hành tinh không phải là lí do để dẫn đến xung đột, mà đó chính là một kho báu làm phong phú thêm cho cuộc sống của tất cả chúng ta.
(Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 16/11/2014)
– Ý nghĩa của ngày Quốc tế Khoan dung là gì?
– Theo em, vì sao phải tôn trọng sự khác biệt của người khác?
Xử lí tình huống
– Tình huống 1: Lan sống với mẹ vì bố đang công tác ở đảo xa. Na rủ các bạn trong lớp đến giúp đỡ, động viên gia đình Lan. Tuy nhiên, Bin lại không đồng tình vì cho rằng điều này không cần thiết,
Nếu là bạn của Bin, em sẽ làm gì?
– Tình huống 2: Nhân dịp sinh nhật Tin, bố tặng Tin quyển sách Anh hùng nhỏ tuổi đất Việt. Tin nói với Cốm: “Quyển sách này không hấp dẫn nên mình
chưa đọc.
Nếu là Cốm, em sẽ làm gì?
– Tình huống 3: Nhân kỉ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12), nhà trường tổ chức buổi giao lưu với các cựu chiến binh. Trong lúc các bạn đang say sưa nghe kể chuyện lịch sử, Tin thì thầm với Bin: "Đấy toàn là chuyện của người lớn. Mình xem truyện tranh đi Bin!”
Nếu là Bin, em sẽ làm gì?
– Tình huống 4: Khối lớp 5 tổ chức một buổi hoạt động trải nghiệm tại đền thờ liệt sĩ địa phương. Trong lúc các bạn đang tích cực tham gia hoạt động thì Cốm lại rủ Na trốn ra ngoài chơi.
Nếu là Na, em sẽ làm gì?