Xác định cách tổ chức ý trong đoạn văn sau:
(1) Vĩ Dạ trong bài thơ của Hàn Mặc Tử là tín hiệu về cuộc đời trần thế ấm nóng tình người. (2) Và nếu để ý sẽ thấy, vẻ đẹp của bức tranh phong cảnh được gợi tả ở đây chính là vẻ đẹp trần thế trong cảm hứng lãng mạn. (3) Này nhé, câu thơ thứ hai có từ “nắng”, chữ sau (“nắng mới lên”) bổ sung và giải thích ý nghĩa cho chữ trước (“nắng hàng cau”). (4) Thì ra, Vĩ Dạ đẹp không phải vì nơi đây có cau, có nắng, mà vì cái mới mẻ tinh khôi gần như trinh nguyên của nó. (5) Chữ “mướt” ở câu thứ ba có nghĩa là mượt mà, lại có nghĩa là non tơ, óng chuốt, gây ấn tượng về một vùng cây lá còn lóng lánh sương mai. (6) So sánh màu xanh của vườn tược với “ngọc” là lối nói ước lệ. (7) Nhưng đó cũng là cách nói lí tưởng hoá đối tượng. (8) Thành thử, tuy tả màu xanh, nhưng câu thơ lại thể hiện cảm hứng về một vẻ đẹp trong sáng. (9) Chất thơ của nét vẽ: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” được toát lên từ mối quan hệ giữa người và cảnh. Người thấp thoáng, ẩn hiện phía sau cảnh, cảnh gợi ra một vẻ đẹp e lệ, kín đáo. (10) Kín đáo - e ấp, trong sáng – non tơ, tinh khôi – mới mẻ đều là biểu hiện của vẻ đẹp trinh nguyên rất trần thế mà cảm hứng lãng mạn thường gửi gắm qua những bức tranh quê”.
(Theo Lã Nguyên, in trong sách Hàn Mặc Tử – Về tác gia và tác phẩm, Phan Cự Đệ – Nguyễn Toàn Thắng sưu tầm và biên soạn, NXB Giáo dục, 2003)