Danh sách câu hỏi
Có 648 câu hỏi trên 13 trang
Em hãy xử lí các tình huống dưới đây:
Tình huống 1. Tối nay có một trận bóng đá mà Tiến rất yêu thích. Trận bóng sắp bắt đầu, nhưng Tiến chưa ôn bài xong. Tiến rất phân vân.
- Nếu là Tiến, em sẽ làm gì?
Tình huống 2. Hoa xin bố mẹ đi học đàn ghi-ta (guitar) vì rất thích bộ môn này. Tuy nhiên, sau một thời gian luyện tập, cảm thấy không tiến bộ, các ngón tay bị đau nhức, nên Hoa rất chán nản và muốn bỏ học.
- Nếu là Hoa, em sẽ vượt qua khó khăn trên như thế nào?
Tình huống 3. Để chuẩn bị ngày hội thể thao của trường, thấy A Lử có năng khiếu thể thao nên cô giáo đề xuất em tham gia môn chạy. Tuy nhiên, A Lử lại thích tham gia môn nhảy cao hơn. Bạn muốn bày tỏ nguyện vọng của mình, nhưng lại ngại ngùng mỗi khi giao tiếp với cô.
- Nếu là A Lử, em sẽ vượt qua khó khăn trên như thế nào?
Em hãy nhận xét về sự vượt qua khó khăn của các bạn trong những trường hợp dưới đây:
Trường hợp 1. Đang học lớp 5, một tai nạn bất ngờ đã cướp đi đôi chân của Khánh. Để tự động viên mình, Khánh đã đọc sách về những tấm gương vươn lên của người khuyết tật. Được người thân và bạn bè giúp đỡ, Khánh đã nỗ lực vượt qua nghịch cảnh và nhanh chóng trở lại trường học tập, rèn luyện và tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành kĩ sư công nghệ thông tin.
- Nhận xét của em:
Trường hợp 2. Để khắc phục nhược điểm nói lắp, An đã tìm kiếm và học hỏi các biện pháp từ sách báo, trên In-tơ-nét (Internet) và thử rèn luyện. Qua vài tuần tập luyện nhưng chưa thấy có kết quả, An rất nản lòng và không còn muốn sửa chữa khuyết điểm này nữa.
- Nhận xét của em:
Trường hợp 3. Trang cùng gia đình chuyển từ thành phố về nông thôn sinh sống. Cách sống và giọng nói khác biệt của mọi người đã gây cho Trang nhiều khó khăn trong học tập và sinh hoạt. Để vượt qua điều đó, Trang đã tìm hiểu phong tục, thói quen sinh hoạt của người dân địa phương và các bạn trong lớp, tích cực nói chuyện và tham gia vào các hoạt động chung của tập thể. Trang còn mời các bạn về nhà chơi vào những dịp cuối tuần. Không lâu sau, Trang đã hoà nhập được với cuộc sống ở nơi đây.
- Nhận xét của em:
Em hãy xử lí các tình huống dưới đây:
Tình huống 1. Lớp 5A được giao nhiệm vụ chuẩn bị các tiết mục văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Linh không đồng ý nhận Bình vào nhóm của mình vì cho rằng Bình chậm chạp, sẽ làm ảnh hưởng đến nhóm.
- Nếu là thành viên của nhóm, em sẽ làm gì?
Tình huống 2. Khánh ít nói, hay ngồi một mình. Lực và một số bạn trong lớp không thích chơi cùng vì cho rằng Khánh không hoà đồng, xem thường người khác.
- Nếu là bạn cùng lớp, em sẽ khuyên Lực và các bạn như thế nào?
Tình huống 3. Trong các cuộc thảo luận, Hương thường không lắng nghe ý kiến của các bạn vì cho rằng ý kiến của mình luôn đúng, còn ý kiến mọi người đều sai. Khi các bạn góp ý, Hương nói đó là tính cách riêng của mình và không muốn thay đổi.
- Nếu là bạn của Hương, em sẽ làm gì?
Tình huống 4. Hôm nay, cô giáo tổ chức cho các bạn chia sẻ về ước mơ của mình trong tương lai. Lần lượt các bạn đều mong muốn trở thành bác sĩ, giáo viên,... Đến lượt mình, Toàn vui vẻ nói: “Em ước mơ trở thành đầu bếp nổi tiếng ạ!”. Nghe thế, Thịnh và một số bạn bật cười, vì cho rằng việc nấu ăn thường chỉ dành cho phụ nữ.
- Nếu chứng kiến việc làm của Thịnh và các bạn, em sẽ làm gì?
Em hãy xử lí các tình huống sau:
Tình huống 1. Trong buổi thảo luận về chủ đề “Thể hiện lòng biết ơn những người có công với quê hương, đất nước”, Nam cho rằng, học sinh cần chăm chỉ học tập, rèn đức luyện tài để trở thành người giúp ích cho đất nước. Nga thì cho rằng, học sinh còn nhỏ nên chỉ cần trân trọng, ghi ơn những người tham gia chống giặc ngoại xâm là đủ.
a. Em đồng tình với ý kiến của Nam hay Nga? Vì sao?
b. Nếu là thành viên của lớp, em sẽ đưa ra ý kiến của mình như thế nào?
Tình huống 2. Mẹ Lam là giáo viên xung phong đi giảng dạy ở vùng hải đảo. Lam ở nhà với bà. Các bạn trong lớp đều rất cảm phục và muốn giúp đỡ Lam, nhưng chưa biết phải làm thế nào.
Nếu là thành viên của lớp, em sẽ đề xuất cách gì để giúp đỡ Lam?
Tình huống 3. Nhân kỉ niệm ngày Giải phóng miền Nam, cô giáo lên kế hoạch tổ chức đến thăm và tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ ở địa phương. Các bạn đều rất nhiệt tình, riêng Long không tham gia vì bận đi đá bóng.
a. Em có đồng tình với việc làm của Long không? Vì sao?
b. Nếu là bạn cùng lớp với Long, em sẽ nói gì với Long?
Em hãy vẽ 😊 vào ý kiến mà em đồng tình, ☹vào ý kiến mà em không đồng tình trong việc thể hiện lòng biết ơn những người có công với quê hương, đất nước và nêu lí do.
…… a. Biết ơn các cô, chú, bác thương binh, liệt sĩ là thể hiện đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”.
- Vì: …………………………………………………………………………………
…….. b. Chúng ta phải biết ơn những người có công với quê hương, đất nước vì họ giúp cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh, tươi đẹp.
- Vì: …………………………………………………………………………………
…….. c. Vì còn nhỏ tuổi nên học sinh không thể làm gì để giúp các cô, chú, bác thương binh và gia đình liệt sĩ.
- Vì: …………………………………………………………………………………
…….. d. Nhắc nhở để bạn bè có thái độ, hành vi biết ơn những người có công với quê hương, đất nước cũng là việc làm thể hiện lòng biết ơn.
- Vì: …………………………………………………………………………………
…….. e. Phấn đấu học tập và rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội là việc làm thể hiện lòng biết ơn những người có công với quê hương, đất nước.
- Vì: …………………………………………………………………………………
……. g. Chỉ có những anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm mới là người có công với quê hương, đất nước.
- Vì: …………………………………………………………………………………
Xử lí tình huống.
a. Em có một hộp bút màu dùng rất tốt. Nhân dịp sinh nhật, bạn em tặng em một hộp bút màu giống hệt hộp bút em đang có.
Em sẽ xử lí như thế nào? Vì sao?
b. Em và bạn thân đi chơi. Bạn muốn mua một món quà để cùng ăn nhưng lại không có đủ tiền. Em có một số tiền trong túi và dự định để dành số tiền này.
Em sẽ làm gì? Vì sao em làm như vậy?
c. Ngay tuần đầu tiên của tháng, Nga đã tiêu hết toàn bộ số tiền dành cho cả tháng.
Theo em, Nga cần phải làm gì để không lặp lại tình trạng này?
d. Tháng trước, Phóng vay tiền của bạn để mua đồ chơi mà mình yêu thích và hứa sẽ trả lại trong tháng này. Tuy nhiên, khi nhận được khoản tiền chi tiêu trong tháng này, Phóng nhận ra rằng, sau khi trả số tiền đã vay của bạn, Phóng sẽ không còn đủ tiền để làm bất cứ việc gì nữa.
- Theo em, bạn Phóng nên làm gì trong tình huống này?
- Để tránh tình trạng này tiếp diễn, bạn Phóng cần phải làm gì?
Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào dưới đây? Vì sao?
a. Thuỷ cho rằng, mình mới là học sinh lớp 5, vì vậy việc bàn tới chuyện sử dụng tiền hợp lí là chưa cần thiết.
b. Theo Bình, sử dụng tiền hợp lí giúp mỗi người tiết kiệm tiền và có sẵn tiền để sử dụng khi cần thiết.
c. Nga cho rằng, sử dụng tiền hợp lí là tôn trọng công sức của bố mẹ và người lao động.
d. Minh cho rằng, sử dụng tiền hợp lí giúp ta có tiền để giúp đỡ những người gặp khó khăn trong cuộc sống.
e. Theo Yến, nếu giàu thì cứ tiêu tiền thoải mái, không cần phải tính toán, cân nhắc.
g. Lập cho rằng, nếu biết sử dụng tiền hợp lí, ta sẽ có tiền để chủ động thực hiện mơ ước của mình.