Danh sách câu hỏi
Có 4,786 câu hỏi trên 96 trang
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ BỀN VỮNG
CỦA DI SẢN VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM
Nhân dịp lần đầu tiên, trại hè mang tên “Sĩ tử nhí – Chắp cánh ước mơ” kéo dài trong hai tháng sắp được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, phóng viên trang tin Thủ đô Hà Nội đã có cuộc phỏng vấn TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, về sự kiện này cũng như các hoạt động khác nhằm nâng cao chất lượng điểm đến, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Văn Miếu.
PV: Thưa ông, trại hè “Sĩ tử nhi – Chắp cánh ước mơ” lần đầu tiên được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được coi là sự kiện văn hoá giáo dục có ý nghĩa đang được nhiều người mong chờ, ông có thể cho biết về ý tưởng tổ chức hoạt động này?
TS. Lê Xuân Kiêu: Đa dạng hoá các sân chơi để phục vụ tốt hơn nhu cầu của trẻ em, đặc biệt là trong những dịp nghỉ hè là trách nhiệm chung của cộng đồng. Chúng tôi, những người được giao nhiệm vụ giữ gìn và phát huy giá trị của Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tổ chức sự kiện này, trước hết mong muốn tạo thêm một sân chơi mới cho trẻ em, góp phần đem đến một mùa hè bổ ích, vừa chơi vừa học, nuôi dưỡng cho các em hạt giống ham học, ham hiểu biết, học gắn với hành, tinh thần tự học, tự chủ và học để cùng chung sống với nhau.
Ngoài ra, thông qua hoạt động “Sĩ tử nhí”, chúng tôi muốn truyền tải những giá trị tốt đẹp của cha ông ta về giáo dục đang được lưu giữ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tạo nên dòng chảy từ truyền thống đến hiện đại, phát triển chương trình giáo dục di sản để trẻ em của chúng ta ngày thêm yêu mến, trân quý những di sản tốt đẹp của cha ông ta để lại.
PV: Nâng cao chất lượng điểm đến là một trong những mục tiêu chiến lược của ngành du lịch Hà Nội, đối với Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chiến lược này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
TS. Lê Xuân Kiêu: Thứ nhất, chúng tôi tập trung vào việc đổi mới tư duy của đội ngũ cán bộ nhân viên làm việc tại di tích, từ việc quản lí theo kiểu đóng cửa, mở cửa di tích hằng ngày sang tư duy phục vụ khách tham quan, đáp ứng nhu cầu của du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm, tiếp cận với những giá trị độc đáo của di tích.
Thứ hai, phát triển các sản phẩm văn hoá du lịch trên cơ sở những giá trị của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đa dạng hoá các hoạt động văn hoá giáo dục, văn hoá nghệ thuật, từng bước tăng khả năng tương tác của du khách với các hoạt động được tổ chức tại di tích; sử dụng công nghệ hiện đại để bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Thứ ba, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, bổ sung các dịch vụ có chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu của du khách, kết nối khu Nội tự với hồ Văn và vườn Giám thông qua các hoạt động văn hoá phù hợp với di tích, kéo dài thời gian thăm di tích của du khách.
Thứ tư, mở rộng kết nối giữa di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám với các bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội.
Cuối cùng, đó là cải thiện hoạt động truyền thông tại di tích theo hướng truyền thông có trách nhiệm, hiệu quả; hoàn thiện bộ nhận diện di tích để quảng bá hình ảnh di tích với khách tham quan trọng nước và nước ngoài.
PV: Chúng ta sẽ làm gì để bảo tồn Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một điểm đến đặc biệt mang ý nghĩa giáo dục truyền thống hiếu học cũng như lịch sử của dân tộc?
TS. Lê Xuân Kiêu: Phát triển du lịch với điểm đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những phương thức để phát huy giá trị của di tích. Thông qua đó, giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam những giá trị về hiếu học, hiếu nghĩa, tôn trọng nhân tài của dân tộc Việt Nam, đồng thời quảng bá cho du khách quốc tế về văn hoá, lịch sử, con người Việt Nam. Đây là trách nhiệm chung của các cấp quản lí, ngành văn hoá, ngành du lịch, du khách, giới truyền thông và cộng đông dân cư xung quanh di tích.
Để bảo tồn di sản này như là một điểm đến đặc biệt mang ý nghĩa giáo dục truyền thống hiếu học cũng như lịch sử của dân tộc, đòi hỏi tinh thần, ý thức trách nhiệm cao trong quản lí, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích. Trân trọng những giá trị của di tích, đặt đúng vai trò của Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong sự phát triển không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả nước để từ đó có sự quan tâm đặc biệt đến di tích. Phát huy được nguồn lực tổng hợp của nhà quản lí, nhà khoa học và cộng đồng; có những sáng tạo, đổi mới trong quản lí, bảo tồn và phát huy giá trị di tích này một cách bền vững cho các thế hệ sau.
(Theo Minh Anh (thực hiện), thanglong.chinhphu.vn, 20-5-2018)
a) Văn bản trên nêu lên nội dung gì? Nội dung và hình thức của văn bản trên có gì giống văn bản Cùng nhà văn Tô Hoài ngắm phố phường Hà Nội (Trần Đăng Khoa)?
b) Nêu đặc điểm của bài phỏng vấn được thể hiện trong văn bản trên.
c) Theo văn bản, chúng ta sẽ làm gì để bảo tồn Văn Miếu – Quốc Tử Giám?
d) Văn bản giúp em hiểu được thông điệp gì từ các di tích lịch sử?
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
HỒ GƯƠM
Hồ Gươm là một danh thắng đẹp, nằm giữa trung tâm Thủ đô tráng lệ, cảnh sắc hữu tình, nổi tiếng thơ mộng của Hà Nội 36 phố phường. Không những thế, Hồ Gươm còn là hồ thiêng gắn liền với truyền thuyết Rùa Thần. Từ xưa tới nay, vẻ đẹp thiêng liêng của Hồ Gươm đã làm say mê, ngây ngất bao lớp thi nhân, bao tâm hồn nghệ sĩ, làm du khách bốn phương không khỏi trầm trồ.
Hồ có tổng diện tích 12 héc-ta, là hồ nước ngọt tự nhiên của thành phố. Hồ Gươm kéo dài 700 mét theo hướng nam bắc và rộng 200 mét theo hướng đông – tây. Mặt hồ xanh biếc, bình lặng và trầm tư nằm giữa những khu phố cổ, những con đường tấp nập, mở ra một khoảng không thoáng đãng cho những sinh hoạt văn hoá của mọi người khi đến với Hồ Gươm. Ngoài ra, hồ còn gắn liền với các công trình kiến trúc nổi tiếng khác như: Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Đài Nghiên, Tháp Bút,...
Hồ Gươm có vị trí kết nối giữa khu phố cổ gồm các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lương Văn Can, Lò Sũ,... với khu phố Tây do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỉ là Bảo Khánh, Nhà Thờ, Tràng Thi, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Bà Triệu.
Hồ Gươm có thể còn nhiều tuổi hơn cả kinh thành Thăng Long xưa. Lùi lại lịch sử để khám phá sự hình thành của Hồ Gươm, căn cứ vào bản đồ Hồng Đức (1490) và cả các tấm bản đồ sau này [...] thì Hồ Gươm lúc ấy chưa hình thành, nó là một nhánh cụt của sông Hồng. Không biết sau đó hồ được hình thành từ thời gian nào, đến tấm bản đồ tỉnh thành Hà Nội vẽ năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) thì Hồ Gươm đã gần như ngày nay.
Trước kia hồ có tên gọi là hồ Lục Thuỷ (vì nước có màu xanh ngắt quanh năm). Cái tên hồ Hoàn Kiếm mới có từ thời Lê. Tương truyền, Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, có mò được một lưỡi kiếm dưới sông, lại tìm được cái chuôi ngoài ruộng. Lưỡi lắp vào chuôi vừa khít. Lê Lợi đem kiếm báu dưới cờ kháng chiến suốt mười năm đánh đuổi giặc Minh. Giải phóng đất nước, nhà vua đóng đô ở Thăng Long cũ và gọi là Đông Kinh. Một buổi, vua dạo thuyền trên hồ Lục Thuỷ, bỗng gặp một con rùa vàng lớn nhô lên mặt nước. Rùa nói: “Xin nhà vua trả kiếm thần cho Long Vương.”. Kiếm vừa rút khỏi vỏ đã vút bay về phía rùa, rùa ngậm lấy và lặn biến mất. Từ sự tích này mà hồ Lục Thủy đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm (hồ trả gươm) hay gọi tắt là Hồ Gươm. Truyền thuyết đã thể hiện tư tưởng “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của dân tộc ta, đó là một bằng chứng cho lòng yêu hoà bình thiết tha của người Việt Nam, của Thăng Long - Hà Nội. Đất nước của chúng ta từ xa xưa tới nay lúc nào cũng muốn hoà bình, nhưng nếu có ngoại xâm thì gươm của Thần linh nước Nam lại xuất hiện và được trao cho những người anh hùng để bảo vệ toàn vẹn bờ cõi.
Vào thời Trần, thuỷ quân thường chiến tập trận ở hồ cho chúa ngự trên lầu Ngũ Long xem, nên gọi là hồ Thuỷ Quân. Đến cuối thế kỉ XVI, chúa Trịnh dựng phủ chúa với nhiều lâu đài, cung điện xây dựng bên bờ phía tây của hồ, lúc này nhìn từ phủ chúa ra hồ, phía hồ trên gọi là hồ Tả Vọng (nhìn từ bên trái) và phía hồ dưới gọi là hồ Hữu Vọng (nhìn từ bên phải). Cuối thế kỉ XIX, thực dân Pháp sau khi chiếm Hà Nội, hồ Hữu Vọng đã bị chúng cho san lấp hết để mở mang phố phường, chỉ còn lại hồ Tả Vọng chính là Hồ Gươm ngày nay. Cho dù vua chúa đặt tên gì, người dân cũng chỉ quen gọi Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm. [...]
(Theo ditichlichsu-vanhoahanoi.com)
a) Thông tin chính của văn bản trên là gì? Thông tin chính ấy được nêu ở phần nào của văn bản?
b) Vì sao văn bản trên được coi là văn bản thông tin giới thiệu một di tích lịch sử?
c) Theo văn bản, Hồ Gươm có những tên nào? Nêu ý nghĩa của mỗi tên gọi.
d) Văn bản giúp em có thêm được hiểu biết gì về những di tích lịch sử ở Việt Nam?
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“…Trong khung cảnh đó, những con người chiến thắng trở về được khắc hoạ bằng những dòng thơ thật đẹp:
Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Bức tượng đài người dân chài tạc giữa trời đất, một bức tượng đài có hình khối, màu sắc và cả hương vị đặc trưng đã làm toát lên một phong thái, một thần sắc đặc biệt. Màu da rám nắng là tín hiệu của một đời sống lao động chân tay vất vả, phải vật lộn với thiên nhiên để tồn tại, màu da của cuộc đời gần gũi với trời đất, với nắng gió, chịu đựng được nắng sương, một màu da từng trải. Vị xa xăm không chỉ là vị muối mặn mòi, nồng đậm từng in dấu trên bất kì người đi khơi nào mà còn mang một ý vị tượng trưng, gợi cảm: đẩy hình ảnh những người trai làng chài sang một sắc thái huyền thoại, cổ tích, gợi hơi thở của đại dương, của biển xa, của những chân trời tít tắp, nơi con người kiên cường, dũng cảm làm nên những kì công đáng khâm phục. Quen mà lạ, thực mà hư là hình ảnh những con người ấy, những đứa con của lòng biển, của đại dương”
(Trần Đình Sử (Chủ biên), Phân tích, bình giảng tác phẩm văn học 8,
NXB Giáo dục, 2001)
a) Đoạn trích trên nêu cảm nghĩ của người viết về những dòng thơ nào trong bài thơ Quê hương (Tế Hanh)?
b) Những từ ngữ nào trong các dòng thơ ấy được người viết đi sâu vào lí giải, cảm nhận? Người viết có những cảm xúc, suy nghĩ hay liên tưởng, tưởng tượng như thế nào?
c) Trong đoạn trích, người viết nêu cảm nghĩ của mình trực tiếp hay gián tiếp? Vì sao?
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa,
Tia nắng tia nhảy hoài trong ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.
(Trích Chợ Tết – Đoàn Văn Cừ, dẫn theo Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, 1996)
– Chỉ ra cách gieo vần và ngắt nhịp trong đoạn thơ trên.
– Đoạn thơ sử dụng các phương thức biểu đạt nào?
– Các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên là gì?
– Đoạn thơ viết về điều gì?
– Tác giả thể hiện tình cảm, cảm xúc nào?
Chỉ ra ít nhất một điểm khác nhau về nội dung và một điểm khác nhau về hình thức nghệ thuật của bài Chiều xuân với bài thơ sau:
MÙA XUÂN CHÍN
Trong làn nắng ửng: khói mơ tan.
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.
Bao cô thôn nữ hát trên đồi:
– Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây...
Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng.
– “Chị ấy, năm nay còn gánh thóc.
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”
(Hàn Mặc Tử, dẫn theo Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam,
NXB Văn học, Hà Nội, 1996)