Danh sách câu hỏi

Có 4,786 câu hỏi trên 96 trang
Chỉ ra biểu hiện và nêu nhận xét về sự kết hợp giữa kể với tả hoặc kể với biểu cảm hoặc kể với tả và biểu cảm trong các đoạn văn sau: a) Chàng bèn theo lời, lập một đàn tràng ba ngày đêm ở bến Hoàng Giang. Rồi quả thấy Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện. (Nguyễn Dữ) b) Chúng tôi chỉ còn kịp nghe thấy tiếng bước chân huỳnh huỵch xuống cầu thang, rồi tiếng cổng sắt sập mạnh. Từ cửa sổ phòng khách, tôi còn thấy hắn chạy trối chết về phía cuối đường. Đồ vô lại! – Hôm rủa. – Thằng khốn này sẽ gieo rắc tai hoạ cho đến ngày lên giá treo cổ thôi. Vụ này kể ra cũng không hoàn toàn vô vị. (Đoi-lơ) c) Tôi tìm hung thủ trong hai người này chăng? Thoạt tiên thì đó là điều vô lí hết sức. Huy là người tôi biết đã lâu lắm, hiền lành, ngay thẳng,... Còn Thạc cũng là người tôi quen, hoạt bát, thông minh và ăn nói dễ thương. Vả lại, chính lúc xảy ra án mạng, cả hai người cùng đi xem chớp bóng với tôi, Huy ngôi bên cạnh tôi, và Thạc cũng ngồi liền một bên. Tôi ngồi giữa... Tuy vậy, một sự gì rất bí nhiệm, một điều quan sát không mấy khi ta lưu tâm đến... lúc thường tôi bỏ qua, nhưng bấy giờ đến mách bảo tôi, khiến tôi ngờ rằng hung thủ là Thạc. (Thế Lữ)
Chọn từ ngữ phù hợp với chỗ trống trong những câu sau để hoàn thành phần kiến thức về truyện kể sáng tạo và viết truyện kể sáng tạo. sáng tạo, hư cấu, miêu tả, mô phỏng, nhân vật, tưởng tượng, sự việc, đời sống, tự sự, người kể, tác giả, thông điệp   Truyện kể sáng tạo là một văn bản (1)..........., ở đó, (2)........... (có thể là nhân vật trong truyện – ngôi thứ nhất, hoặc người ngoài cuộc – ngôi thứ ba) kể lại một cách sáng tạo những (3)........... đã diễn ra ở một không gian, thời gian nào đó, gắn với những (4)........... cụ thể. Thông qua câu chuyện, (5)........... thể hiện quan điểm, suy nghĩ, thái độ của mình về những vấn đề của đời sống. Trong truyện, bên cạnh lời kể, còn có những câu, đoạn văn (6)..........., biểu cảm để làm nổi bật đặc điểm của nhân vật hoặc bối cảnh, đồng thời bộc lộ cái nhìn, tình cảm, cảm xúc của người kể và của chính nhà văn. Truyện kể sáng tạo có thể là một câu chuyện hoàn toàn mới hoặc (7)........... một truyện đã có nhưng điều chỉnh, thay đổi các chi tiết, sự việc, nhân vật,... theo ý tưởng của người kể. Viết truyện kể sáng tạo là tạo lập một văn bản tự sự có yếu tố (8)........... và có tính nghệ thuật nhất định. Khác với các văn bản như nhật kí, hồi kí, bản tường trình,..., truyện cho phép người viết (9)........... những sự việc, con người không có thật (ví dụ: thần tiên, ma quỷ,...) hoặc chỉ có một phần sự thật (ví dụ: Sự tích Hồ Gươm). Nhưng dù hư cấu thế nào thì truyện vẫn luôn đặt ra những vấn đề của (10)........... con người. Vì thế, việc (11)........... ra các tình huống, sự việc, chi tiết, nhân vật (con người, con vật, thần, thánh,...),... chỉ là phương thức để người viết gửi gắm những (12)....... về cuộc sống. Đó có thể là một bài học về đạo lí, lối sống hay một quan niệm, một góc nhìn về thiên nhiên, xã hội, con người.
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới: “Hôm rời ghế ngồi, đứng giữa hai phần rèm cửa sổ, dõi mắt xuống con phố ảm đạm. Ngó qua vai anh, tôi thấy một phụ nữ cao lớn, cổ quấn khăn da trăn, đầu đội mũ da đỏ rộng vành đang đứng trên hè đường trông thẳng sang nhà. Trông cô ta đỏm dáng như nữ công tước Đi-vôn-sai (Devonshire) vậy. Cô cố giấu vẻ bối rối sau bộ phục trang rực rỡ, lưỡng lự ngước mắt lên căn hộ có sự hiện diện của chúng tôi, các ngón tay không biết làm gì ngoài mân mê hàng cúc áo. Đột nhiên, với sự quả quyết của một vận động viên bơi lội bật khỏi bờ, cô gái lao vút qua đường. Rồi chúng tôi nghe thấy một hồi chuông giòn giã ngoài cửa. – Tôi biết cái triệu chứng này rồi! – Hôm ném điếu thuốc hút dở vào lò sưởi. – Dấp da dấp dính trên vỉa hè là có sự mà. Cô nàng muốn hỏi xin ý kiến, nhưng không chắc có nên thổ lộ vấn đề tế nhị cho người lạ không. Chúng ta nên phân biệt rõ. Nếu người chồng có lỗi rất nghiêm trọng thì cô ta đã không ngần ngại gì mà không đến chỗ chúng ta và rung chuông ngay. Đằng này chắc có chút gì liên quan đến tình cảm, thành thử cô nàng hơi lúng túng hoặc thương cảm. Được rồi, chính cô ấy sẽ đến giải toả các mối nghi ngờ của chúng ta. Nói tới đây thì có tiếng gõ cửa. Người hầu giới thiệu cô Me-ri Sơ-thơ-len. Người phụ nữ dần dần hiện ra sau thân hình khiêm tốn của Hôm. Anh bạn tôi thân mật tiếp khách, sau khi khép cửa lại và mời cô ngồi. Ngắm kĩ bộ đồ độc đáo của nữ thân chủ, Hôm từ tốn: – Thưa cô, cô không thấy khó chịu khi phải đánh máy quá nhiều với cặp kính cận này chứ? – Ban đầu thì có. Nhưng giờ tôi đã có thể đánh máy mà chẳng cần nhìn bàn phím rồi. Rồi như chợt nhận ra ngụ ý trong ngôn từ của Hôm, cô gái rùng mình ngước lên, trên khuôn mặt còn đọng lại nỗi sợ hãi và sửng sốt. Cô bối rối hỏi: – Ông đã nghe nói về tôi rồi, ông Hôm? Nếu không làm sao ông biết chuyện ấy? Đừng để ý đến chuyện ấy. – Hôm vui vẻ cười. – Nghề của tôi là phải biết nhiều thông tin. Có lẽ tôi đã quen quan sát những gì mà người khác bỏ qua. Nếu không, chắc gì cô đã tới xin ý kiến tôi, đúng không? – Thưa ông, tôi được bà E-thơ-di (Etherege) giới thiệu đến gặp ông. Ông đã tìm lại người chồng cho bà ấy, trong khi nhiều người khác, thậm chí cảnh sát, đều cho rằng ông ấy đã chết. Ôi, ông Hôm, khẩn cầu ông giúp tôi càng nhiều càng tốt. Tôi chẳng giàu có gì, song cũng có lợi tức khoảng một trăm bảng mỗi năm. Ngoài ra, tôi còn có chút thù lao đánh máy nữa. Tôi sẽ chi hết, miễn là tìm được ông Hót-mơ En-giô.” (Đoi-lơ, trích Sơ-lốc Hôm, tập 1, Bùi Liên Thảo – Vũ Thu Hà – Vũ Quế Anh dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 2016) a) Đoạn trích trên kể về cuộc gặp gỡ giữa ai với ai? Vì sao có cuộc gặp gỡ này? b) Hãy xác định người kể chuyện trong đoạn trích trên (chú ý kết nối với văn bản Vụ cải trang bất thành trong SGK) và tìm một ví dụ để phân biệt lời người kể chuyện và lời nhân vật. c) Nhân vật Hôm đã được khắc hoạ như thế nào trong đoạn trích trên? d) Tìm các chi tiết trong đoạn trích cho thấy những đặc điểm phổ biến về tính cách hoặc năng lực ở nhân vật thám tử.
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới: CHUYỆN NGƯỜI NGHĨA PHỤ Ở KHOÁI CHÂU (Trích Truyền kì mạn lục) Từ Đạt, người ở Khoái Châu, lên làm quan tại thành Đông Quan, thuê nhà ở cạnh cầu Đồng Xuân, láng giềng với nhà quan Thiêm thư là Phùng Lập Ngôn. Phùng giàu mà Từ nghèo, Phùng xa hoa mà Từ tiết kiệm, Phùng chuộng dễ dãi mà Từ thì giữ lễ. Lề thói hai nhà đại khái không giống nhau. Song cũng lấy nghĩa mà chơi bời đi lại với nhau rất thân, coi nhau như anh em vậy. Phùng có người con trai là Trọng Quỳ, Từ có người con gái là Nhị Khanh, gái sắc trai tài, tuổi cũng suýt soát. Hai người thường gặp nhau trong những bữa tiệc, mền vì tài, yêu vì sắc, cũng có ý muốn kết duyên Châu Trần. Cha mẹ đôi bên cũng vui lòng ưng cho, nhân chọn ngày mối lái, định kì cưới hỏi. Nhị Khanh tuy hãy còn nhỏ, nhưng sau khi về nhà họ Phùng, khéo biết cư xử với họ hàng rất hoà mục và thờ chồng rất cung thuận; người ta đều khen là người nội trợ hiền. Trọng Quỳ lớn lên, dần sinh ra chơi bời lêu lổng; Nhị Khanh thường vẫn phải can ngăn. Chàng tuy không nghe nhưng cũng rất kính trọng. Năm chàng hai mươi tuổi, nhờ phụ ấm được bổ làm một chức ở phủ Kiến Hưng. Gặp khi vùng Nghệ An có giặc, triều đình xuống chiếu kén một viên quan giỏi bổ vào cai trị. Đình thần ghét Lập Ngôn tính hay nói thẳng, ý muốn làm hại, bèn hùa nhau tiến cử. Khi sắp đi phó nhậm, Phùng Lập Ngôn bảo Nhị Khanh rằng: – Đường sá xa xăm, ta không muốn đem đàn bà con gái đi theo, vậy con nên tạm ở quê nhà. Đợi khi sông bằng nước phẳng, vợ chồng con cái sẽ lại cùng nhau tương kiến. Trọng Quỳ thấy Nhị Khanh không đi, có ý quyến luyến không dứt. Nhị Khanh ngăn, bảo rằng: – Nay nghiêm đường vì tính nói thẳng mà bị người ta ghen ghét, không để ở lại nơi khu yếu, bề ngoài vờ tiến cử đến chốn hùng phiên, bên trong thực dồn đuổi vào chỗ tử địa. Chả lẽ đành để cha ba đào muôn dặm, lam chướng nghìn trùng, hiểm nghèo giữa đám kình nghê, cách trở trong vùng lèo mán, sớm hôm săn sóc, không kẻ đỡ thay? Vậy chàng nên chịu khó đi theo. Thiếp dám đâu đem mối khuê tình để lỗi bề hiếu đạo. Mặc dầu cho phấn nhạt hương phai, hồng rơi tía rụng, xin chàng đừng bận lòng đến chốn hương khuê. Trọng Quỳ không đừng được, mới bày một bữa tiệc từ biệt, rồi cùng Lập Ngôn đem người nhà đi vào phương nam. Không ngờ lòng giời khó hiểu, việc người khôn lường, cha mẹ Nhị Khanh nối nhau tạ thế. Nàng đưa tang về Khoái Châu, chôn cất cúng tế xong rồi, đến cùng ở chung với bà cô Lưu thị. (Lược một đoạn: Bà cô Lưu thị muốn ép Nhị Khanh lấy người quan tướng quân họ Bạch giàu có nhưng Nhị Khanh một lòng phản đối, nàng sai người bõ già lặn lội đi tìm chồng ở Nghệ An. Khi người bõ già đến nơi thì thấy Phùng Lập Ngôn đã mất, Trọng Quỳ vì ăn chơi nên phá nát gia sản, hiện đang mắc kẹt, người bõ già phải giúp đưa về nhà. Về đến nhà, vợ chồng trông nhau mà khóc, Trọng Quỳ bèn làm bài thơ thể hiện tình cảm với vợ. Hai vợ chồng vì xa cách lâu ngày mới được gặp lại nên tình cảm nồng nàn thắm thiết.) Song, Trọng Quỳ vì quen thân phóng lãng, thuộc tính chơi bời, về nhà ít lâu rồi nết cũ lại đâu đóng đấy, hằng ngày cùng người lái buôn là Đỗ Tam bê tha lêu lổng. Trọng Quỳ thì thích Đỗ có tiền nhiều. Đỗ thì ham Trọng Quỳ có vợ đẹp. Những khi uống rượu với nhau rồi đánh bạc, Đỗ thường lấy lợi nhử Trọng Quỳ. Trọng Quỳ đánh lần nào cũng được, thấy kiếm tiền dễ như thò tay vào túi mình lấy đồ vật vậy. Nhị Khanh vẫn răn bảo rằng: – Những người lái buôn phần nhiều là giảo quyệt, đừng nên chơi thân với họ, ban đầu tuy họ thả cho mình được, nhưng rồi họ sẽ vét hết của mình cho mà xem. Trọng Quỳ không nghe. Một hôm, Trọng Quỳ cùng các bè bạn họp nhau đánh tứ sắc. Đỗ bỏ ra trăm vạn đồng tiền để đánh và đòi Trọng Quỳ đánh bằng Nhị Khanh. Trọng Quỳ quen mui vẫn được luôn, chẳng suy nghĩ gì, liền bằng lòng cách ấy. Giấy giao kèo viết xong rồi vừa uống rượu vừa gieo quân. Trọng Quỳ gieo ba lần đều thua cả ba, sắc mặt tái mét; cử toạ cũng đều ngơ ngác buồn rầu hộ. Trọng Quỳ phải cho gọi Nhị Khanh đến, bảo rõ thực tình, đưa tờ giao kèo cho xem và yên ủi rằng: – Tôi vì nỗi nghèo nó bó buộc, để luỵ đến nàng. Việc đã đến thế này, hối lại cũng không kịp nữa. Thôi thì bi hoan tán tụ cũng là việc thường của người ta. Nàng nên tạm về với người mới, khéo chiều chuộng hắn, rồi bất nhật tôi sẽ đem tiền đến chuộc. Nàng liệu cơ không thể thoát khỏi, giả vờ nói tử tế rằng: – Bỏ nghèo theo giàu, thiếp lẽ đâu từ chối. Số giời xếp đặt, há chẳng là tiền định hay sao! Nếu chồng mới không nỡ rẽ bỏ, còn đoái thu đến cái dung nhan tàn tạ này, thiếp xin sửa túi nâng khăn, hết lòng hầu hạ như đã đối với chàng xưa nay. Nhưng xin cho uống một chén rượu, mượn làm một chén tiễn biệt và cho về từ giã các con một chút. Đỗ cả mừng, rót đầy một chén xà cừ rượu đưa mời nàng uống. Uống xong, nàng về nhà ôm lấy hai con, vỗ vào lưng mà bảo rằng: – Cha con bạc tình, mẹ đau buồn lắm. Biệt li là việc thường thiên hạ, một cái chết với mẹ có khó khăn gì. Nhưng mẹ chỉ nghĩ thương các con mà thôi. Nói xong, lấy đoạn dây tơ thắt cổ mà chết. Đỗ thấy mãi nàng không đến, lấy làm lạ, sai người đến giục, té ra nàng đã chết rồi. Trọng Quỳ hối hận vô cùng, sắm đồ liệm táng tử tế rồi làm một bài văn tế. [...] Trọng Quỳ đã goá vợ, rất ăn năn tội lỗi của mình. Song sinh kế ngày một cùng quẫn, ăn bữa sớm lo bữa tối, phải đi vay quanh của mọi người làng xóm. Nhân nghĩ có một người bạn cũ, hiện làm quan ở Quy Hoá, bèn tìm đến để mong nhờ vả. Dọc đường buồn ngủ, chàng nằm ghé xuống ngủ ở gốc cây bàng, bỗng nghe trên không có tiếng gọi rằng: – Có phải Phùng lang đấy không? Nếu còn nghĩ đến tình xưa thì ngày ấy tháng ấy xin đến chờ thiếp ở cửa đền Trưng Vương. Ân tình thiết tha, đừng coi là âm dương cách trở. Trọng Quỳ lấy làm lạ, tiếng giống như tiếng Nhị Khanh, mở mắt ra nhìn thì chỉ thấy trên trời một đám mây đen bay về tây bắc. Trọng Quỳ tuy rất lấy làm ngờ nhưng cũng muốn thử xem sao, bèn đúng hẹn đến trước đền ấy. Song đến nơi chỉ thấy bóng tà rọi cửa, rêu biếc đầy sân, năm ba tiếng quạ kêu ở trên cành cây xao xác. Trọng Quỳ buồn rầu toan về thì Mặt Trời đã lặn, bèn ngả mình nằm ở tấm ván nát trên một cái cầu. Khoảng cuối canh ba, bỗng nghe thấy tiếng khóc nức nở từ xa rồi gần. Khi thấy tiếng khóc chỉ còn cách mình độ nửa trượng, nhìn kĩ thì người khóc chính là Nhị Khanh. Nàng bảo với Trọng Quỳ rằng: – Đa tạ ơn chàng, từ xa lặn lội tới đây, biết lấy gì để tặng chàng được! Trọng Quỳ chỉ tự nhận tội lỗi của mình; nhân hỏi đầu đuôi, Nhị Khanh nói: – Thiếp sau khi mất đi, Thượng đế thương là oan uổng bèn ra ân chỉ. Hiện thiếp được lệ thuộc vào toà đền này, coi giữ về những sớ văn tấu đối, không lúc nào nhàn rỗi để thăm nhau được. Bữa nọ nhân đi làm mưa, chợt trông thấy chàng nên mới gọi; nếu không thì nghìn thu dằng dặc, chẳng biết đến bao giờ được gặp gỡ nhau. Trọng Quỳ nói: – Sao nàng đến chậm thế! Nhị Khanh nói: Vừa rồi thiếp nhân theo xe mây, lên có việc ở nơi Đế sở. Vì cớ có chàng nên thiếp đã phải bẩm xin về trước đấy, thành ra cũng sai hẹn với chàng một chút. Bèn dắt tay nhau đi nằm, cùng nhau chuyện trò thủ thỉ. Khi nói đến việc hiện thời, Nhị Khanh chau mày: – Thiếp thường theo chầu tả hữu Đức Bà ở đây, được trộm nghe chư tiên nói chuyện với nhau, bảo Hồ triều sẽ hết vào năm Bính Tuất, binh cách nổi lớn, số người bị giết chóc đến chừng hơn hai mươi vạn, ấy là chưa kể số bị bắt cướp đi. Nếu không phải người giống cây đức đã sâu thì chỉ e ngọc đá đều bị cháy cả. Bấy giờ có một vị chân nhân họ Lê, từ miền tây nam xuất hiện; chàng nên khuyên hai con bên chí đi theo vị ấy, thiếp dù chết cũng không nát. Trời gần sáng, Nhị Khanh vội dậy để cáo biệt, vừa đi vừa ngoảnh đầu nhìn lại rồi thoắt chốc thì biến đi mất. Trọng Quỳ bèn không lấy ai nữa, chăm chỉ nuôi hai con cho nên người. Đến khi vua Lê Thái Tổ tuốt gươm đứng dậy ở Lam Sơn, hai người con trai đều đi theo, trải làm đến chức Nhập thị nội. Đến nay ở Khoái Châu hiện còn con cháu. (Nguyễn Dữ, Truyền kì mạn lục, Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 1999) a) Nhân vật chính trong văn bản trên là ai? Nhân vật ấy được khắc hoạ qua những chi tiết tiêu biểu nào? b) Xác định và nêu tác dụng của những chi tiết kì ảo trong truyện. c) Vấn đề xã hội mà truyện đặt ra là gì? Vấn đề đó có còn trong xã hội Việt Nam ngày nay không? d) Văn bản trên chuyển tải thông điệp gì? e) Hãy so sánh nhân vật Nhị Khanh và nhân vật Vũ Nương (Chuyện người con gái Nam Xương).