Đọc.
THỜI GIAN LUÔN LUÔN CÔNG BẰNG
Rô-đanh sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã thích vẽ vời khắp nơi, vẽ những thứ ông nhìn thấy và cả những thứ ông tưởng tượng ra.
Vào ngày sinh nhật, cha mẹ đã đặc biệt mua tặng Rô-đanh những cây bút chì vẽ. Rô-đanh rất thích món quà này. Có nó, Rô-đanh càng hăng say vẽ hơn. Chị gái Rô-đanh thấy em thích vẽ đã động viên cậu đi học đào tạo chuyên sâu. Thế nhưng nhà không có tiền nộp học phí, phải làm sao bây giờ? Chị gái ông sau khi hỏi thăm ở nhiều nơi, cuối cùng đã tìm được một trường dạy miễn phí. Mặc dù trường này chủ yếu đào tạo nhân tài về thủ công mĩ nghệ và kĩ thuật, nhưng vì được học miễn phí, nên Rô-đanh vẫn rất phấn chấn.
Mỗi ngày, trường chỉ tổ chức học một buổi, nên khi tan học, Rô-đanh lại chạy tới Bảo tàng Lu-vrơ để quan sát và vẽ theo những bức tranh nổi tiếng trưng bày ở đây. Khi lần đầu tiên được nhìn thấy những bức tranh này, ông đã vui mừng không nói ra lời mà chỉ thầm nghĩ trong lòng: "Họ vẽ đẹp quá! Trình độ của mình còn kém xa, mình nhất định phải cố gắng!". Mỗi ngày quan sát và mô phỏng tranh ở Bảo tàng Lu-vrơ, Rô-đanh được mở rộng tầm nhìn nghệ thuật và trình độ đánh giá, đồng thời củng cố sự tự tin trong những bức vẽ của ông.
Rô-đanh rất tự giác trong học tập. Ngoài việc học trên lớp, ông còn tự tìm thêm bài tập cho mình. Vào thời gian rảnh rỗi, ông thường mang theo sách vở đi vẽ. Đi đến đâu về đến đấy, nhìn thấy cái gì liền vẽ cái đấy. Thấy những bạn học rất ham chơi, trong lòng ông nghĩ: "Lãng phí thời gian quý giá như vậy thì thật đáng tiếc!"
Thời gian luôn luôn công bằng, nó không để sự cố gắng của Rô-đanh trở nên hoang phí. Rô-đanh chăm chỉ nỗ lực, không nao núng trước khó khăn, ông đã sáng tác ra một số lượng lớn các tác phẩm điêu khắc để đời và được cả thế giới công nhận và kính phục.
(Theo Giả Vân Bằng)
Rô-đanh (1840-1917): nhà hoạ sĩ, nhà điêu khắc hàng đầu của Pháp.
Lu-vrơ: Viện bảo tàng nghệ thuật và di tích lịch sử nổi tiếng tại thủ đô Pa-ri của nước Pháp.
Mô phỏng: bắt chước cả một quá trình, một hệ thống.