Đọc.
CẦU SÔNG QUAI: ĐẾN ĐỂ KHÔNG BAO GIỜ QUÊN
Đây là chiếc cầu nằm trên con đường sắt nối liền Băng Cốc với Răng-gun do quân đội Nhật cưỡng chế tù binh và lao công xây dựng trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Con đường sắt 415 km được hoàn thành trong một thời gian cực ngắn và được đánh đổi bằng xương máu của hàng chục vạn tù binh và lao công. Họ đã chết vì kiệt sức, bệnh tật, tai nạn và bị hành hạ.
Một tù binh trong chuyến đầu tiên kể: "Quanh tôi tràn ngập sự chết chóc và kinh hoàng. Tôi không có ý niệm về hôm qua và ngày mai, chỉ còn điều xảy ra hôm nay mà thôi".
Trên một đường đèo mà những tù binh Úc gọi là đèo Hoả Ngục, tù nhân phải đào núi đá bằng tay và làm cả ban đêm dưới ánh nến. Ít nhất 700 người đã bỏ mạng ở đây vì kiệt sức và bị đánh đập!
Ông Frét Xai-cơ - người Hà Lan – kể: “Chúng tôi làm việc cật lực từ sáng sớm đến tối mịt. Về đến lán trại, khi ai đó vừa ngồi xuống để thở thì một trận mưa roi đã đổ xuống. Thỉnh thoảng vào nửa đêm, lính Nhật đến lôi một người nào đó đi giết".
Trong nghĩa trang Kan-cha-na-bu-ri ngày nay, các nấm mồ xếp ngang dọc thẳng tắp, có bia đá ghi họ tên, quốc tịch, ngày chết của từng người. Chúng tôi thấy những đoá hoa tươi đặt bên một số mộ. Nhiều du khách đứng lặng yên, có người cứ đi dọc mãi theo các mộ phần. Có cả những du khách Nhật.
Cầu sông Quai bây giờ yên bình soi bóng trên dòng nước xanh biếc. Ở một góc nhà hàng có một gian nhỏ trưng bày những bức ảnh đen trắng, kể lại nhỏ nhẹ một phần những gì đã xảy ra trong quá khứ của tuyến đường sắt và cây cầu này.
Hãy đến đây để lắng nghe, để ngắm nhìn và để không bao giờ quên!
(Theo Duyên Trường, bảo tuoitre.vn)
Thế chiến thứ hai (1939–1945): cuộc chiến tranh giữa khối Đồng Minh (gồm Liên Xô, Anh, Mỹ, Pháp,...) và khối Phát xít (còn gọi phe Trục; gồm Đức, Ý, Nhật,...).
Băng Cốc: thủ đô của Thái Lan; Răng-gun: thủ đô của Mi-an-ma.
Hàng chục vạn tù binh và lao công: Phát-xít Nhật đã cưỡng bức hơn 60.000 tù binh người Anh, Úc, Mỹ, Niu Di-lân, Hà Lan, Đan Mạch.... và khoảng 200000 lao công người Ấn Độ, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po, Thái Lan, Mi-an-ma,... đi làm con đường này. Đường được khởi công ngày 16-9-1942 và chính quyền Nhật bắt phải hoàn thành xong vào tháng 12-1943. Nhưng nó đã được hoàn thành sớm hơn, vào ngày 17-10-1943. Khoảng 12 000 tù binh và 90 000 lao công đã chết, cho nên con đường này còn có tên "Đường sắt Tử thần".
Đèo Hoả Ngục (Hellfire Pass): đèo cách cầu Sông Quai 80 km về phía tây bắc, tù nhân phải đào bằng dụng cụ
thô sơ như cuốc chim, đục đá; ngày nay, ở đây có Bảo tàng Tưởng niệm Đèo Hoả ngục. Nghĩa trang Kan-cha-na-bu-ri: tức nghĩa trang Đôn-rắc theo tiếng Thái, nằm ở thị trấn Kan-cha-na-bu-ri (Thái Lan), gần cầu Sông Quai, giáp biên giới Thái Lan - Mi-an-ma; hiện có gần 7.000 ngôi mộ của những tù binh người Anh, Úc, Hà Lan,... Họ chết trong khi xây dựng tuyến đường sắt nói trên.