Danh sách câu hỏi

Có 4780 câu hỏi trên 96 trang
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới: LÒNG TỐT - MÓN QUÀ VÔ GIÁ Pi-e-rô Phe-ru-chi (Piero Ferrucci) Bà lão chẳng màng ăn uống gì. Đơn độc trong thế giới này, bà cảm thấy mình như đang bị lãng quên bởi hết thảy mọi người. Phiền muộn chất chứa trong lòng bà tới mức bà không sao nuốt được gì. Mi-li-na (Milina) nhận thấy điều này, dì nói chuyện với bà và bà cũng đáp lời chút ít. Bằng giọng nói yếu ớt, bà lão kể Mi-li-na nghe về những đứa con trai và con gái của bà - những người bận bịu tới mức không săn sóc bà được, cũng chẳng đứa nào màng tới thăm bà. Bà không có bệnh, bà chỉ kiệt sức vì không ăn được gì. “Cô có muốn ăn một chút kem không?” - Mi-li-na hỏi. Thật là một ý tưởng kì lạ, mời một người sắp lìa đời ăn kem. Vậy nó có tác dụng. Một cách chậm rãi, từng thìa kem một, bà lão trông tươi tắn đôi phần. Thật đơn giản mà hết sức tài tình: mời ai đó - người không muốn ăn gì - một thứ ngon lành và dễ tiêu hóa, và rồi họ sẽ lấy lại tinh thần. Với cây kem, bà lão đã cảm nhận được sự nồng ấm của tình thân, thứ đã mang sắc hồng hào về lại trên gương mặt bà. Đó không chỉ là đồ ăn, mà quan trọng hơn, là một hành động đơn giản của lòng tốt. Thế giới ta đang sống tràn đầy bạo lực, chiến tranh, khủng bố và diệt vong. Nhưng rồi cuộc sống vẫn tiếp diễn vì chúng ta đối xử tử tế với nhau. Không tờ báo nào đăng tin về một người mẹ đọc truyện cho con nghe trước khi ngủ, về một người cha chuẩn bị điểm tâm cho con, về một người lắng nghe người khác bằng cả trái tim, về một người bạn làm ta vui. Nhiều người giàu lòng nhân ái nhưng lại không được ai biết đến, bởi lẽ làm những việc ấy chỉ đơn giản đó là việc nên làm. Nhận được lòng tốt từ người khác là một trải nghiệm tuyệt vời. Hãy thử nghĩ tới lần mà ai đó đối xử tốt với bạn, chẳng hạn một người qua đường chỉ bạn đường tới bến tàu, hay một người lạ lao mình xuống sông để cứu bạn khỏi chết đuối. Những việc ấy tác động thế nào tới bạn? Chắc hẳn là một tác động tích cực, bởi khi ai đó chìa tay giúp đỡ khi ta cần, ta sẽ thấy nhẹ nhõm. Bất cứ ai cũng muốn được lắng nghe, được đối xử bằng tình bằng hữu và một tấm lòng ấm áp, được thấu hiểu, được nâng niu. Điều tương tự cũng xảy đến với vế còn lại của phương trình này: cho đi lòng tốt cũng tác động tích cực với ta hệt như khi nhận được lòng tốt vậy. Những người giàu lòng nhân ái thường khỏe mạnh và sống lâu hơn; được nhiều người biết tới, làm việc hiệu quả hơn, thành công và hạnh phúc hơn những người khác (đây là điều đã được các nghiên cứu khoa học chứng minh. Nói cách khác, họ hướng tới cuộc sống thú vị và sung túc hơn những người không có phẩm chất này. Họ được trang bị tốt hơn, sẵn sàng đối mặt với tất cả sự bất định đến đáng sợ của cuộc sống. Những nghiên cứu về lòng tốt giúp ta hiểu được bản thân mình. Nếu như ta sống khỏe hơn khi ta biết quan tâm, cảm thông và cởi mở vì mọi người, thì hẳn ta phải được sinh ra để đối tốt với người khác. Nếu như ta cứ cố chấp tiến lên trong cuộc sống, tích tụ những suy nghĩ thù địch, hay mang sự hằn học trong mình tới hết đời, ta sẽ không ở trong phong độ tốt nhất. Và nếu ta bỏ lơ hay kìm nén những phẩm chất tích cực, ta có thể làm hại chính bản thân và những người xung quanh. Như lời của nhà tâm thần học An-bớt-tô An-bơ-ti (Alberto Alberti), tình yêu không được biểu lộ sẽ trở thành thù ghét, niềm vui không được biểu lộ sẽ trở thành phiền muộn. Vâng, chúng ta được định sẵn để trở thành người có lòng tốt. (Trích trong Giá trị của sự tử tế, Phạm Quốc Anh dịch, NXB. Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, 2020, tr.25 - 29) Câu hỏi trong khi đọc:  Câu chuyện được kể trong đoạn này có ý nghĩa gì?
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu phía dưới: Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại. Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đổi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả. Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ tỏa lan khắp cả một vùng thượng lưu “Bốn bề núi phủ mây phong/ Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ, ngân nga từ bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà... (Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ai đã đặt tên cho dòng sông?) a. Hiệu quả của sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình trong đoạn văn trên là gì? Hãy lí giải. b. Chỉ ra ít nhất một đặc điểm của ngôn ngữ văn học được thể hiện trong đoạn văn trên.
Đọc đoạn trích sau trong Vũ Như Tô (hồi thứ nhất, lớp VII) và trả lời các câu hỏi VŨ NHƯ TÔ ... Tôi bẩm sinh có khiếu về kiến trúc. Tôi đã học văn, sau bỏ văn tập nghề, nhưng tập thì tập, vẫn lo nơm nớp, chỉ sợ triều đình biết, thì vợ con ở nhà nheo nhóc. mà mình cũng không biết bao giờ được tháo cũi xổ lồng. Vua Hồng Thuận ngày nay càng khinh rẻ chúng tôi, cách đối đãi lại bạc ác. Chẳng qua là cái nợ tài hoa, chứ thực ra theo nghề ở ta lợi chẳng có mà nhục thì nhiều. ĐAN THIỀM – Chính vì thế mà ông càng đáng trọng. VŨ NHƯ TÔ – Trọng để làm gì? Tìm danh vọng chúng tôi đã chẳng chọn nghề này. Đời lẩn lút.... ĐAN THIỀM – Vậy thì các ông luyện nghề làm gì, luyện mà không đem ra thì thôi? VŨ NHƯ TÔ – Đó là nỗi khổ tâm của chúng tôi. Biết đa mang là khổ nhục mà không sao bỏ được. Như bóng theo hình. Chúng tôi vẫn chờ dịp. ĐAN THIỀM – Dịp đấy chứ đâu? Cửu Trùng Đài... VŨ NHƯ TÔ – Bà đừng nói nữa cho tôi thêm đau lòng. Ngày ngày, tôi thấy các bạn thân bị bắt giải kinh, người nhà khóc như đưa ma. Còn tôi, mong manh tin quan đến bắt, tôi đem mẹ già, vợ và hai con nhỏ đi trốn. Được một năm có kẻ tố giác, quan địa phương đem lính tráng đến vây kín nơi tôi ở. Tôi biết là tuyệt lộ, mặc cho họ gông cùm. (Chàng rơm rớm nước mắt) Mẹ tôi chạy ra bị lính đẩy ngã, chết ngay bên chân tôi. Bọn sai nha lộng quyền quá thể. Rồi tôi bị giải lên tỉnh, từ tỉnh lên kinh, ăn uống kham khổ, roi vọt như mưa trên mình, lắm khi tôi chết lặng đi. Mẹ cháu lẽo đẽo theo sau, khóc lóc nhếch nhác, tôi càng đau xót can tràng. Cũng vì thế mà tôi thề là đành chết chứ không chịu làm gì. ĐAN THIỀM – Cảnh ngộ của ông thì đáng thương thực. Nhưng ông nghĩ thế thì không được. VŨ NHƯ TÔ – Sao vậy? ĐAN THIÊM – Không được. Vì đức Hồng Thuận sẽ bắt ông chịu cực hình và còn đem tru di chín họ nhà ông. Ông đã tu được bao nhiêu công quả mà phạm vào tội đại ác ấy? VŨ NHƯ TÔ – Tài đã không được trọng thì đem trả trời đất. Đó là lẽ thường. Cũng như nhan sắc... ĐAN THIỀM – Không thể ví thế được, sắc vất đi được, nhưng tài phải đem dùng, VŨ NHƯ TÔ – Bà đã thương tài xin giúp cho tôi trốn khỏi nơi này. Ơn đó xin... ĐAN THIỀM – Tôi giúp cũng không khó gì. Nhưng ra khỏi chốn này liệu ông có thoát hẳn được không? Hơn nữa, cái vạ tru di cửu tộc vẫn còn trờ trờ ra đó. Ông đừng tính nước ấy, không nên. VŨ NHƯ TÔ – Vậy bà khuyên tôi nên ở đây làm việc cho hôn quân sao? ĐAN THIỀM – Miễn là ông không bỏ phí tài trời. Ông nên lợi dụng cơ hội đem tài ra thi thố. VŨ NHƯ TÔ – Xây Cửu Trùng Đài? ĐAN THIÊM - Phải. VŨ NHƯ TÔ – Xây Cửu Trùng Đài cho một tên bạo chúa, một tên thoán nghịch, cho một lũ gái dâm ô? Tôi không thể đem tài ra làm một việc ô uế, muôn năm làm bia miệng cho người đời được. ĐAN THIÊM – Ông biết một mà không biết hai. Ông có tài, tài ấy phải đem cống hiến cho non sông, không nên để mục nát với cỏ cây. Ông không có tiền, ông không có thể dựng lấy một toà đài như ý nguyện. Chấp kinh, phải tòng quyền. Đây là lúc ông nên mượn tay vua Hồng Thuận mà thực hành cái mộng lớn của ông... Ông khẽ tiếng. Đó là tiểu tiết. Ông cứ xây lấy một toà đài cao cả. Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời. Dân ta nghìn thu được hành diện, không phải thẹn với những cung điện đẹp của nước ngoài, thế là đủ. Hậu thế sẽ xét công cho ông, và nhớ ơn ông mãi mãi. Ông hãy nghe tôi làm cho đất Thăng Long này thành nơi kinh kì lộng lẫy nhất trần gian. VŨ NHƯ TÔ – Đa tạ. Bà đã khai cho cái óc u mê này. Thiếu chút nữa, tôi nhớ cả. Những lời vàng ngọc tôi xin lĩnh giáo. Trời quá yêu nên tôi mới được gặp bà. ĐAN THIỀM – Tôi cũng may được gặp ông. Xin ông cố đi. Đức vua ngự tới. (Trích Kiệt tác sân khấu thế giới – Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng. NXB Sân khấu, Hà Nội, 2006, tr. 35 – 39) Tình huống được miêu tả trong trích đoạn kịch là gì? Phân tích giá trị của tình huống kịch đó.