Danh sách câu hỏi
Có 2,467 câu hỏi trên 50 trang
QUÊ HƯƠNG
Quê Thảo là một vùng nông thôn trù phú. Thảo rất yêu quê hương mình. Thảo yêu mái nhà tranh của bà, yêu giàn hoa thiên lí tỏa mùi hương thơm ngát, yêu tiếng võng kẽo kẹt mẹ đưa, yêu cả những đứa trẻ hồn nhiên mà tinh nghịch. Thảo sinh ra và lớn lên ở đây. Nơi thơm hương cánh đồng lúa chín ngày mùa, thơm hương hạt gạo mẹ vẫn đem ra sàng sảy, nơi nâng cánh diều tuổi thơ của Thảo bay lên cao, cao mãi.
Thảo nhớ lại những ngày ở quê vui biết bao. Mỗi sáng, Thảo đi chăn trâu cùng cái Tí, nghe nó kể chuyện rồi hai đứa cười rũ rượi. Chiều về thì đi theo các anh chị lớn bắt châu chấu, cào cào. Tối đến rủ nhau ra ngoài sân đình chơi và xem đom đóm bay. Đom đóm ở quê thật nhiều, trông cứ như là những ngọn đèn nhỏ bay trong đêm. Màn đêm giống như nàng tiên khoác chiếc áo nhung đen thêu nhiều kim tuyến lấp lánh.
Thời gian dần trôi, Thảo chuyển về thành phố. Đêm tối ở thành phố ồn ã, sôi động chứ không yên tĩnh như ở quê. Những lúc đó, Thảo thường ngẩng lên bầu trời đếm sao và mong đến kì nghỉ hè để lại được về quê.
Quê hương Thảo ở đâu?
ONG XÂY TỔ
Các em hãy xem kìa, một bầy ong đang xây tổ. Lúc đầu chúng bám vào nhau thành từng chuỗi như cái mành mành. Con nào cũng có việc làm. Các chú ong thợ trẻ lần lượt rời khỏi hang lấy giọt sáp dưới bụng do mình tiết ra trộn với nước bọt thành một chất đặc biệt để xây thành tổ. Hết sáp, chú tự rút lui về phía sau để những chú khác tiến lên xây tiếp. Những bác ong thợ già, những anh ong non không có sáp thì dùng sức nóng của mình để sưởi ấm cho những giọt sáp của ong thợ tiết ra. Chất sáp lúc đầu, sau khô đi thành một chất xốp, bền và khó thấm nước.
Cả bầy ong làm việc thật đông vui, nhộn nhịp nhưng con nào cũng biết tuân theo kỉ luật, con nào cũng hết sức tiết kiệm “vôi vữa”.
Chỉ vài ba tháng sau, một tổ ong đã được xây xong. Đó là một toàn nhà vững chãi, ngăn nắp, trật tự, có hàng ngàn căn phòng giống hệt nhau. Cả đàn ong trong tổ là một khối hòa thuận.
Tập đọc 3, 1980
Qua việc ong xây tổ, ta thấy ong có những đức tính nào ?
CHIẾC GỐI
Ngày ấy, gia đình tôi còn khó khăn nên ngoài hai buổi đi làm, mẹ tôi còn nhận thêm vải để may mong tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Một hôm, trong lúc dọn dẹp nhà cửa, tôi thấy mẹ nhìn cái hộp chứa đầy vải vụn và lẩm nhẩm: - Cái này làm được gì nhỉ?
Lúc sau, mẹ quay sang tôi, nói: - A, phải rồi! Mẹ sẽ làm cho Cún một cái gối.
Nghe mẹ nói vậy, tôi hớn hở cùng mẹ bắt tay vào để làm gối. Đầu tiên mẹ lựa các mảnh vải xanh thật đẹp để riêng cùng với với một mảnh vải vải màu khác. Còn bao nhiêu vải vụn mẹ cắt nhỏ ra để làm ruột gối. Tôi thắc mắc:
- Sao mẹ không để cả miếng vải cho đỡ mất công cắt ạ?
- Bởi vì như thế nó sẽ không mềm. Mẹ sợ con không ngủ được.
Cứ thế, tôi thức cùng mẹ để hoàn thành chiếc gối. Rồi đêm khuya tôi ngủ lúc nào không hay, chỉ biết rằng đôi lúc chập chờn, tôi vẫn cảm thấy có ánh điện. Chắc mẹ vẫn chưa ngủ.
Ba ngày sau, chiếc gối hoàn thành, một chiếc gối bằng vải màu xanh xen lẫn một vài miếng vải đỏ và vàng. Nhưng đối với tôi nó không chỉ có vậy. Bởi vì khi mẹ may cho tôi chiếc gối, mẹ đã như cho tôi một bầu trời xanh trong đầy mơ ước, nơi đó có vầng thái dương chói lọi dẫn bước tôi đi tới nhiều chân trời mới mang một hành trang đặc biệt. Đó là tình yêu bao la của mẹ.
(Phan Thu Hương)
Vì sao ngoài hai buổi đi làm, mẹ Cún còn nhận thêm vải để may?
CHA SẼ LUÔN Ở BÊN CON
Một trận động đất lớn xảy ra. Chỉ trong vòng bốn phút, nó đã san bằng thành phố. Giữa cơn hỗn loạn đó, một người cha chạy vội đến trường học của con. Ông bàng hoàng, lặng đi vì ngôi trường chỉ còn là một đống đổ nát. Rồi ông nhớ lại lời hứa với con: “Dù có chuyện gì xảy ra, cha cũng sẽ luôn ở bên con.”. Ông cố nhớ lại vị trí lớp học của con, chạy đến đó và ra sức đào bới. Mọi người kéo ông ra và an ủi:
− Muộn quá rồi! Bác không làm được gì nữa đâu!
Nhưng với ai, ông cũng chỉ có một câu hỏi: “Bác có giúp tôi không?”, rồi tiếp tục đào bới. Nhiều người bắt đầu đào bới cùng ông.
Nhiều giờ trôi qua. Đến khi lật một mảng tường lớn lên, người cha bỗng nghe thấy tiếng con trai. Mừng quá, ông gọi to tên cậu bé. Có tiếng đáp lại: “Cha ơi, con ở đây!”. Mọi người cùng ào đến. Bức tường đổ đã tạo ra một khoảng trống nhỏ nên bọn trẻ còn sống. Bọn trẻ được cứu thoát. Cậu con trai ôm chầm lấy cha: − Cha ơi! Con đã bảo các bạn là nhất định cha sẽ cứu con và các bạn mà!
(Thanh Giang dịch)
Chuyện gì xảy ra với ngôi trường của cậu con trai khi động đất?
BÀ TÔI
(Trích)
Bữa ăn bà thường ngồi đầu nồi, lấy đũa cả đánh tơi cơm ra rồi xới. Bà xới cho bà bát cơm trên, sau mới xới cho cả nhà và cho tôi. Khi ăn, bao giờ bà cũng ăn sau. Mùa hè bà bảo là phải quạt một chút cho mát, mùa rét thì bà bảo bà phải nghỉ một tí cho đỡ mệt rồi bà mới ăn. Bà ăn rất ít, thường thì chỉ hai lưng, một lưng cơm, một miếng cháy. Trong lúc ăn, bà hay để ý đến tôi, nếu tôi có vẻ thích ăn món gì thì bà lại ít ăn món ấy. Có khi bà chỉ cần chan một ít nước dưa hoặc ăn với một vài quả cà pháo là xong bữa.
Hàng ngày chỉ có tôi và bà tôi là ở gần nhau và hay chuyện trò với nhau nhiều nhất. Tôi đi học một buổi, về lại quanh quẩn nhặt rau, lấy muối giúp bà, xâu kim cho bà vá quần áo. Khi ngồi khâu, bà hay kể cho tôi nghe bao nhiêu là truyện: Truyện Kiều, truyện Nhị Độ Mai… những truyện vần, bà thường thuộc từ đầu đến cuối.
Bà tôi vẫn thường hay nói với tôi: “Bà sống được ngày nào hay ngày ấy. Người già như ngọn đèn trước gió, không biết tắt lúc nào”…
Xuân Quỳnh, Bầu trời trong quả trứng, NXB Kim Đồng, 2005
Khi ăn cơm, bà thường ngồi ở đâu?
PHẦN THƯỞNG
Na là một cô bé tốt bụng. Ở lớp, ai cũng mến em. Em gọt bút chì giúp bạn Lan. Em cho bạn Minh nửa cục tẩy. Nhiều lần, em làm trực nhật giúp các bạn bị mệt... Na chỉ buồn vì em học chưa giỏi.
Cuối năm học, cả lớp bàn tán về điểm thi và phần thưởng. Riêng Na chỉ lặng yên nghe các bạn. Em biết mình chưa giỏi môn nào.
Một buổi sáng, vào giờ ra chơi, các bạn trong lớp túm tụm bàn bạc điều gì đó có vẻ bí mật lắm. Rồi các bạn kéo nhau đến gặp cô giáo.
Cô giáo cho rằng sáng kiến của các bạn rất hay.
Ngày tổng kết năm học, từng học sinh giỏi bước lên bục nhận phần thưởng. Cha mẹ các em cũng hồi hộp. Bất ngờ, cô giáo nói:
- Bây giờ, cô sẽ trao phần thưởng đặc biệt. Đây là phần thưởng cả lớp đề nghị tặng bạn Na. Na học chưa giỏi, nhưng em có tấm lòng thật đáng quý.
Na không hiểu mình có nghe nhầm không. Đỏ bừng mặt, cô bé đứng dậy bước lên bục. Tiếng vỗ tay vang dậy. Mẹ của Na lặng lẽ chấm khăn lên đôi mắt đỏ hoe.
Phỏng theo BLAI-TƠN
(Lương Hùng dịch)
Na đã làm những việc tốt gì giúp các bạn trong lớp?
NGƯỜI MẸ HIỀN
Giờ ra chơi, Minh thì thầm với Nam: "Ngoài phố có gánh xiếc, bọn mình ra xem đi!"
Nghe vậy, Nam không nén nổi tò mò. Nhưng cổng trường khóa, trốn ra sao được. Minh bảo:
- Tớ biết có một chỗ tường thủng.
Hết giờ ra chơi, hai em đã ở bên bức tường. Minh chui đầu ra. Nam đẩy Minh lọt ra ngoài. Đang đến lượt Nam cố lách ra thì bác bảo vệ vừa tới, nắm chặt hai chân em: "Cậu nào đây? Trốn học hả?" Nam vùng vẫy, Bác càng nắm chặt cổ chân Nam. Sợ quá, Nam khóc toáng lên.
Bỗng có tiếng cô giáo:
- Bác nhẹ tay kẻo cháu đau. Cháu này là học sinh lớp tôi.
Cô nhẹ nhàng kéo Nam lùi lại và đỡ em ngồi dậy. Cô phủi đất cát lầm lem trên người Nam và đưa em về lớp.
Vừa đau, vừa xấu hổ, Nam bật khóc. Cô xoa đầu Nam và gọi Minh đang thập thò ở cửa lớp vào, nghiêm giọng hỏi:
- Từ nay các em có trốn học đi chơi nữa không?
Hai em cùng đáp:
- Thưa cô, không ạ. Chúng em xin lỗi cô.
Cô hài lòng, bảo hai em về chỗ rồi tiếp tục giảng bài.
Theo NGUYỄN VĂN THỊNH
Vào giờ ra chơi, Minh đã rủ Nam đi đâu?