Danh sách câu hỏi
Có 3,060 câu hỏi trên 62 trang
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Những bông lúa vàng mới cắt xong đều xếp rải rác từng hàng trên bờ ruộng, trong đám cỏ xanh mọc đầy. Mỗi khi gặt được vài lượm lúa người thợ hái ôm sát bó lúa thơm vào người, đem ra xếp vào chỗ lúa trước. Rồi họ lại trở vào ruộng, đứng theo hàng những người bạn gặt. Tiếng hái đưa vào gốc lúa xoàn xoạt như tiếng trâu bò ăn cỏ. Chăm chú vào công việc làm, Tân không để ý gì đến cảnh vật chung quanh. Chàng cũng không thấy mệt nữa, tuy ánh nắng chiếu trên lưng nóng rát, và mồ hôi từng giọt rỏ ở trên trán xuống, Tân chú ý đưa cái hái cho nhanh nhẹn, mỗi lần bông lúa rung động chạm vào mặt, vào người, mùi lúa chín thơm lại phảng phất lẫn với mùi rạ ướt mới cắt. Mùi thơm đó làm cho chàng say sưa như men rượu. […] Mặt trời đã xế phía bên kia đồi. Ở dưới thung lũng, sương mù lạnh trắng xóa lan ra lẫn với làn khói tỏa ở xung quanh các làng. Cỏ bên đường đi đã ướt. Về phía xa, có ngọn lửa của ai đốt trên sườn rặng núi mờ ở chân trời. Tân với bọn thợ bước đều trở về nhà, ai nấy yên lặng không nói gì, như cùng kính trọng cái thời khắc của một ngày tàn. Trong cái thời khắc này, Tân như thấy cảnh vật đều có một tâm hồn, mà lớp sương mù kia là tâm hồn của đất màu, đã nuôi hạt thóc cần cho sự sống của loài người.
(Trích truyện ngắn Những ngày mới – Thạch Lam)
Xác định các phương thức biểu đạt của đoạn trích.
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Quê hương thứ nhất của chị ở đất Hưng Yên, quê hương thứ hai của chị ở nông trường Hồng Cúm, hạnh phúc mà chị đã mất đi từ bảy, tám năm trước nay ai ngờ chị lại tìm thấy ở một nơi mà chiến tranh đã xảy ác liệt nhất. Ở đây, trong những buổi lễ cưới, người ta tặng nhau một quả mìn nhảy đã tháo kíp làm giá bút, một quả đạn cối đã tiện đầu, quét lượt sơn trắng làm bình hoa, một ống thuốc mồi của quả bom tấn để đựng giấy giá thú, giấy khai sinh cho các cháu sau này và những cái võng nhỏ của trẻ con tết bằng ruột dây dù rất óng. Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy.
(Nguyễn Khải, Mùa lạc, Dẫn theo Truyện ngắn Nguyễn Khải,
NXB Văn học 2013)
Chỉ ra các phương thức biểu đạt được sử dụng kết hợp trong đoạn văn bản trên?
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Trong mỗi chú bé đều âm ỉ giấc mơ bay lên. Tôi cũng thấy thế. Em chắc vẫn còn nuôi giấc mơ đó. Nhưng khi lớn lên, đôi khi những tầng mây thâm thấp thôi cũng khiến ta như bị che khuất tầm nhìn. Tệ hơn, những tầng mây sũng nước thậm chí có thể che khuất cả những giấc mơ, đè nén khát vọng của mỗi người. Một ngày mây mù có thể khiến ta yếu ớt và bi lụy. Một chút thất bại cũng như mây mù kéo đến, có thể làm em rút vào tổ kén u uất, bi quan. Ai đó nói rằng cách tốt nhất để hóa giải khó khăn là đi xuyên qua nó. Đi xuyên qua mây mù bằng giấc mơ phi công gìn giữ từ thơ bé. Đi xuyên qua gian khó bằng lòng lạc quan. Đi xuyên qua u mê bằng khao khát hướng đến trí tuệ, thông sáng. Đi xuyên qua thất bại bằng sự điềm đạm trưởng thành.
Vì triệu năm đã là như thế, cuộc đời có hôm nắng đẹp, có ngày mưa dầm, có tuần mây đen như đè nặng, có khoảnh khắc u ám tối dạ, rỗng đầu, nhưng Mặt Trời vẫn mọc mỗi sớm mai. Không phải ai cũng có thể trở thành phi công lái Airbus hay Boeing đúng y như giấc mơ tuổi nhỏ. Nhưng ai cũng có thể học cách giữ cho mình giấc mơ bay xuyên qua những tầng mây, đón nắng rọi sáng tâm hồn khiến nụ cười luôn nở trên môi mỗi người.
(Bay xuyên những tầng mây, Hà Nhân, NXB Văn học, 2016, tr. 98)
Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Trẫm nghĩ, việc chọn người hiền là rất đúng lí. Chọn được người hiền là do sự tiến cử. Cho nên, khi đã được nước rồi, việc đó là việc đầu tiên. Thời cổ, ở nơi triều đình, người hiền vái nhường chen vai nhau đầy dẫy. Vì thế, ở dưới, không có người bị sót, ở trên ko có người bị quên. Có thế, việc chính trị mới được hoà vui. Xét như các đời Hán, Đường, bọn bày tôi đều tôn nhường, tiến cử người hiền: Tiêu Hà tiến Tào Nham, Nguỵ Vô Tri tiến Trần Bình, Địch nhân kiên tiến cử Trương Cửu Linh, Tiêu Tung tiến Hàn Hưu. Tuy rằng tài có cao thấp, không giống nhau, nhưng cũng được dùng đúng việc, đúng chỗ.
Nay trẫm giữ trách nhiệm lớn, ngày đêm sợ hãi y như đi trên vực sâu, chính là vì chưa được người hiền ra giúp việc trị nước. Nay lệnh cho văn võ đại thần, công hầu đại phu, từ tam phẩm trở lên, phải tiến cử một người, hoặc tại triều, hoặc tại quận, không cứ đang làm quan, hay chưa làm quan. Xét cứ có tài văn hay võ, đáng coi dân chúng là trẫm giao cho việc. Mà người tiến cử thì được thưởng vào bực thượng thưởng, theo như phép xưa. Nếu tiến cử người có tài trung bình thì được thưởng thăng hai trật. Nếu cử người có tài đức đều trội hơn đời, thì được trọng thưởng. Xét ở đời, không hiếm người có tài, mà phép cầu tài thì không hiếm. Hoặc có người đủ tài kinh luân, ở hàng quan lại thấp kém, không được ai cất nhắc, hoặc có bực hào kiệt, ở trong nơi thảo mãng lẫn với bọn sĩ tốt, vì thiếu người đề đạt, trẫm làm sao mà biết rõ được. Vậy từ nay, bực quân tử nào muốn cùng trẫm coi việc, ai nấy tự tiến cử.
(…)
Tờ chiếu này ban ra , phàm đang ở hàng quan lại. đều gắng sức là phần việc của mình, mà cố tiến cử đề đạt. Còn như kẻ chốn nơi thôn dã, dừng lấy việc tự tiến cử làm xấu hổ, mà trẫm thành mang tiếng để xót nhân tài.
(Chiếu cầu hiền tài, Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi toàn tập,
NXB Văn hoá thông tin, 1970, tr.317, 318)
Xác định thể loại của văn bản.
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Huống chi ta cùng các ngươi sinh phải thời loạn lạc, lớn gặp buổi gian nan. Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sĩ mắng triểu đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thỏa lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà đòi bạc vàng, để vét của kho có hạn. Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai vạ về sau!
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng.
(Hịch tướng sĩ – Trần Quốc Tuấn)
Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trên.