Danh sách câu hỏi
Có 11,844 câu hỏi trên 237 trang
1. Năm 2019, GS.TS. Nguyễn Huy Dân và các cộng sự thuộc Viện Khoa học Vật liệu,Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chế tạo thành công loại hợp kim có khả năng nhớ hình dạng, có nghĩa dù bị uốn cong hay làm xoắn bao nhiêu lần, chỉ cần gặp tác nhân nhiệt độ, hợp kim này trong vài giây sẽ quay trở lại hình dạng thiết kế ban đầu.
2. “Việc chế tạo thành công loại hợp kim nhớ hình hỗ trợ rất nhiều trong lĩnh sinh (chỉnh hình răng, ống đỡ động mạch, neo xương, cảm biến nhiệt), vi điện cơ tự động, nhíp nano, robot) trong nước”, GS Dân nói.
3. Loại vật liệu này được nhóm nghiên cứu trên ba hệ hợp kim khác nhau, gồm hệ hợp kim nitinol (gồm nguyên tố Niken (Ni), Titan (Ti), Đồng (Cu), hệ hợp kim Heusler (gồm (Ni, Co)-Mn- (Ga, Al) và hệ hợp kim entropy cao (Ti-Zr-(Co,HF)-Ni-Cu). Tỉ lệ hợp phần trong mỗi hợp kim đều được nhóm tính toán để phù hợp với mục đích chế tạo. GS Dân cho biết, hệ hợp kim nitinol có tính dẫn điện và độ bền cao nên được sử dụng để gia công cơ khí rất tốt, còn loại hợp kim Heusler có thể ứng dụng trong kỹ thuật làm lạnh.
4. Loại hợp kim nàycó đặc tính "thông minh" như vậy là nhờ sự linh hoạt trong cấu trúc nguyên tử của các thành phần hợp kim. Không giống với hợp kim thông thường, hợp kim nhớ hình có thể tự sắp xếp nguyên tử và tồn tại ở hai dạng khác nhau, cấu trúc tinh thể biến dạng và cấu trúc tinh thể ban đầu. Nhờ vậy, hợp kim vẫn giữ được hình dạng mới cho đến khi được nhắc nhở" trở lại trạng thái nguyên gốc bằng cách cho nhiệt hoặc dòng điện tác động vào.
5. Để tạo ra loại hợp kim này, đầu tiên, nhóm nghiên cứu áp dụng phương pháp luyện kim hồ quang để tạo ra loại hợp kim này ở dạng khối. Để làm vật liệu mỏng và nhỏ hơn, nhóm sử dụng phương pháp phun băng nguội nhanh. Sau đó, phương pháp phun xạ được áp dụng giúp tạo ra vật liệu ở dạng nano. Các cấu trúc của vật liệu được khảo sát bằng phương pháp nhiễu xạ tia X và kính hiển vi điện tử.
6. GS Dân chia sẻ, yếu tố quan trọng quyết định thành công của loại hợp kim nhớ hình là tỉ lệ từng nguyên tố kim loại trong vật liệu đó. Bởi một hợp kim có nhiều thành phần kim loại khác nhau, việc tìm ra khối lượng phù hợp của từng hợp phần có thể ảnh hưởng cấu trúc và tính chất nhớ hình của vật liệu. "Một số kim loại như Mangan trong quá trình nấu luyện rất dễ bay hơi, vì vậy phải điều chỉnh và thử nghiệm nhiều tỉ lệ khác nhau, đảm bảo quá trình tản nhiệt mà không ảnh hưởng tới tính chất hợp kim", ông nói.
7. Sau hai năm nghiên cứu, vật liệu hợp kim do nhóm chế tạo có đặc điểm cơ học phù hợp ứng dụng thực tế. Vật liệu có khả năng biến dạng và hiệu ứng nhớ hình tốt. Mặc dù trên thế giới, hợp kim nhớ hình đã được nghiên cứu và ứng dụng từ lâu, tuy nhiên tại Việt Nam, loại vật liệu này mới dừng lại ở mức độ tìm hiểu, thăm dò. "Việc xây dựng được quy trình công nghệ để chế tạo các hợp kim nhớ hình dạng khối, băng và màng có thể mở ra những ứng dụng mới cho vật liệu thông minh nhiều lĩnh vực trong nước, đặc biệt trong y sinh", GS Dân nói.
8. Bước đầu chế tạo thành công hợp kim nhớ hình, nhóm nghiên cứu đang trong quá trình phát triển vật liệu này để chế tạo loại nhíp micro có chức năng gắp các hạt, mẫu thí nghiệm kích thước micro cho độ chuẩn xác cao. Đồng thời, tiếp tục cải tiến và tối ưu hóa tính chất hợp kim, như chức năng biến đổi hai chiều, qua lại giữa hai trạng thái.
(Theo Nguyễn Xuân, Nhà khoa học Việt chế tạo hợp kim biết nhớ hình dạng, Báo VnExpress, ngày 21/2/2021)
Nội dung chính của bài đọc trên là?
Công nghiệp ô tô Việt Nam thời kỳ hội nhập ASEAN: Cần những thay đổi lớn
(1) Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ra đời muộn hơn so với các nước trong khu vực khoảng 30 năm. Thái Lan, Indonesia, Malaysia phát triển công nghiệp ô tô từ năm 1960, trong khi Việt Nam đến năm 1991 mới bắt đầu. Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô giai đoạn 1991-2001, sau đó lại rơi vào những bất cập trong xây dựng chiến lược công nghiệp ô tô giai đoạn 2001- 2011, khiến khoảng cách với các nước như Thái Lan hay Indonesia không được rút ngắn. Trong tương lai chúng ta sẽ chỉ hy vọng cải thiện được vị trí so với Philipines và Malaysia.
(2) Với mục đích thu hút đầu tư và xây dựng một ngành công nghiệp ô tô theo kịp các nước trong khu vực, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam được coi là ngành trọng điểm và luôn được ưu đãi nhất trong số các ngành công nghiệp. Sự ưu ái đặc biệt được thể hiện qua chính sách thuế ưu đãi về tỷ lệ nội địa hóa, nhập khẩu linh kiện lắp ráp và thu nhập doanh nghiệp... Thế nhưng kết quả là, giá xe sản xuất trong nước cao gấp 2 đến 3 lần so với nhiều quốc gia khác. Sở dĩ như vậy vì doanh nghiệp lắp ráp ô tô ỷ lại sự bảo hộ của Nhà nước nên đưa ra giá bán cao để thu lãi cao; lấy lý do thị trường ô tô Việt Nam có dung lượng chỉ bằng 1/10 thị trường của các nước trong khu vực để không giảm giá.
(3) Tuy đã trải qua 26 năm, nhưng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa đạt được sự tự chủ và đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngành này mỗi năm đóng góp khoảng 3% vào GDP, trong khi tỷ lệ đóng góp trung bình của các nước trong khu vực ASEAN là 10%. Doanh số xe các loại bán ra dù bắt đầu tăng từ năm 2014 và đến nay đạt 300.000 xe/năm nhưng vẫn chưa tương xứng với quy mô sản xuất và nhu cầu thị trường. Công nghiệp ô tô Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng 10 xe (xe con)/1.000 dân, trong khi tỷ lệ này ở các nước ASEAN là 80- 144 xe/1.000 dân. Trong số 17 doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô của Việt Nam hiện nay, chỉ có 2 doanh nghiệp có thị phần lớn là Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) chiếm 41,3% và Toyota Việt Nam (chiếm 21,6%), còn các doanh nghiệp khác có quy mô nhỏ và rất nhỏ. Các doanh nghiệp FDI đa số chỉ đầu tư cho lắp ráp, không tập trung vào nội địa hóa vì đã có sẵn các cơ sở sản xuất ở ASEAN trước đó.
(4) Công nghiệp ô tô Việt Nam đang đứng trước một số vấn đề cơ bản sau: Thị trường trong nước còn nhỏ, do không có chính sách kích cầu hợp lý, cơ sở hạ tầng yếu; giá xe của Việt Nam cao hơn so với giá xe của các nước trong khu vực, do thuế và phí quá cao; công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô vẫn chưa phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, lắp ráp ô tô; áp lực cạnh tranh từ các nước trong khu vực ngày càng lớn khi lộ trình cắt giảm thuế quan hoàn tất vào năm 2018 với mức thuế suất về 0% đối với mọi loại xe ô tô nhập khẩu từ ASEAN. Bên cạnh đó, chính sách phát triển công nghiệp ô tô thiếu đồng bộ và ngắn hạn, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong việc lập kế hoạch sản xuất dài hạn. Các chính sách “trải thảm” vẫn theo kiểu cào bằng, không ràng buộc rõ trách nhiệm doanh nghiệp về tỷ lệ nội địa hóa, đặc biệt là quá phụ thuộc vào doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp FDI là những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển không như kỳ vọng.
Một số đề xuất
(5) Với hơn 90 triệu dân, trong đó 67% trong độ tuổi lao động (dân số vàng), Việt Nam hiện có một thị trường ô tô đầy tiềm năng. Nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa đường bộ có tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm, trong đó vận chuyển hành khách chiếm khoảng 91,4% và hàng hóa 70,6%. Có tiềm năng lớn nhưng Việt Nam lại phải bỏ ra hàng chục tỷ USD để nhập khẩu ô tô, trong khi nhiều doanh nghiệp lớn trong nước như Thaco đã chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón đầu cơ hội và thách thức. Để cải thiện tình hình này, trong thời gian tới, chúng ta cần quan tâm thực hiện 2 vấn đề lớn sau:
Nâng cao vai trò của những doanh nghiệp đầu tàu và tăng cường hợp tác quốc tế
(6) Sau năm 2018, nếu không có doanh nghiệp đầu tàu với năng lực cạnh tranh đủ mạnh, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô của các nước trong khu vực ASEAN, Ấn Độ... với các loại xe giá rẻ, gây ra thâm hụt nghiêm trọng cán cân thương mại; ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí không đạt mục tiêu đề ra, an sinh xã hội sẽ bị ảnh hưởng do người lao động mất việc làm. Cần phải khẳng định rằng, mục tiêu nhắm đến của công nghiệp ô tô Việt Nam không phải là có được một sản phẩm ô tô “Made in Vietnam” mà là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thông qua hợp tác với các đối tác nước ngoài tầm cỡ thế giới. Liên quan đến vấn đề này, khối ASEAN từ năm 2018 sẽ tiếp tục là thị trường màu mỡ đối với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản. Theo xu thế tất yếu, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mở thêm các cơ sở sản xuất tại ASEAN, trong đó có Việt Nam. Một quốc gia châu Á khác cũng có ngành công nghiệp ô tô phát triển mạnh là Hàn Quốc, nhưng chưa có nhiều cơ sở sản xuất tại các nước ASEAN. Vấn đề đặt ra là, những đối tác này cũng có những mục tiêu của họ khi quyết định đầu tư mở thêm các cơ sở sản xuất ở Việt Nam. Trong đó, tiêu chí quan trọng nhất là phải có doanh nghiệp trong nước hội đủ các chỉ tiêu mạnh về kinh tế, kỹ thuật, nguồn nhân lực, nghiên cứu - phát triển và quản trị hiệu quả... để hợp tác với họ, tức là phải có một doanh nghiệp đầu tàu.
(7) Thaco với khu phức hợp công nghiệp ô tô ở Khu kinh tế mở Chu Lai có công suất 250.000 xe/năm và hệ thống phân phối 3S trải dài từ Bắc đến Nam là doanh nghiệp hội tụ đầy đủ các tiêu chí đó. Hợp tác chiến lược giữa Thaco và Mazda (hãng ô tô nổi tiếng với sự vượt trội và đa dạng về loại hình sản phẩm có sức thu hút thị trường cao) vừa qua cũng là một hướng đi mới. Trong thực tế, Hyundai, KIA và Mazda đã thâm nhập thị trường ASEAN với Việt Nam là cửa ngõ để đặt cơ sở sản xuất và xuất khẩu ra toàn khu vực.
(8) Như vậy, năm 2018, công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ phải xoay trục, hướng về các doanh nghiệp nội địa lớn trong nước với những chính sách mới, đột phá, nhất quán của Nhà nước và hướng về hợp tác quốc tế có định hướng chiến lược.
Cần có những thay đổi chính sách ở tầm vĩ mô
(9) Đa số chính sách phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam thời gian qua thiếu đồng bộ và thường mang tính ngắn hạn, chưa khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư phát triển. Đặc biệt là từ năm 2018 sẽ nảy sinh nghịch lý mới, thuế suất xe nhập khẩu nguyên chiếc là 0%, trong khi thuế nhập linh kiện, phụ kiện vẫn là 15 đến 25%. Như vậy, ô tô ngoại nhập giá rẻ sẽ ồ ạt xâm nhập thị trường trong nước, khiến xe nội địa không thể cạnh tranh được. Ngoài ra, các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đối với công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay còn khá sơ sài, chưa trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy sự phát triển của ngành. Do vậy, Nhà nước cần nhanh chóng thay đổi những chính sách này để tạo điều kiện cho công nghiệp ô tô Việt Nam đứng vững và cạnh tranh tốt sau năm 2018.
(10) Điều kiện cần là Nhà nước phải thay đổi cả về chính sách vĩ mô ở cấp nhà nước và cấp quản trị doanh nghiệp để có thể nâng cao năng lực quản trị nguồn lực của ngành và doanh nghiệp theo mô hình tập trung, xuyên suốt, nhắm tới mục tiêu tạo ra một năng lực cạnh tranh mới mang tầm quốc gia, với năng suất lao động cao, chi phí thấp. Khi đó, công nghiệp ô tô Việt Nam mới tạo được sự khác biệt lớn từ sản phẩm, công nghệ, dịch vụ so với các đối thủ và làm hài lòng khách hàng, từng bước chiếm lĩnh thị trường. Việc thành lập những cụm công nghiệp ô tô với những doanh nghiệp ô tô đầu tàu như Thaco và các đối tác chiến lược nước ngoài tầm cỡ, đồng thời kết nối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là điều kiện đủ để hội nhập thành công.
(11) Có thể nói, khe cửa để phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam đang rất hẹp, sẽ có nhiều doanh nghiệp không chịu nổi sức ép cạnh tranh phải rời cuộc chơi. Nhưng đây lại là cơ hội dành cho những doanh nghiệp có chiến lược khác biệt, có năng lực công nghệ, có đội ngũ nhân lực kỹ thuật mạnh và năng động, có tiềm lực tài chính, có phương thức quản trị tốt và có đối tác chiến lược tầm cỡ... tồn tại và phát triển bền vững.
(Nguồn: “Công nghiệp ô tô Việt Nam thời kỳ hội nhập ASEAN: Cần những thay đổi lớn”, Phạm Xuân Mai, Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam, số 7, năm 2017)
Nội dung chính được văn bản đề cập là gì?
1. Xuất phát từ chính nhu cầu và mong muốn của các bác sĩ và nhân viên y tế trong quá trình tiếp xúc, chăm sóc người bệnh Covid-19, nhóm PGS.TS Phan Trung Nghĩa, Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội đã thiết kế và chế tạo sản phẩm mũ thở khí tươi giúp hạn chế sự lây nhiễm virus, và giúp người đeo dễ dàng thao tác và di chuyển.
2. Cuối tháng 7/2020, Đại học Bách khoa Hà Nội đã kết hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Vietnam Airlines chế tạo và lắp đặt Buồng áp lực dương trên chuyến bay đón các công dân Việt Nam bị nhiễm Covid-19 từ Guinea Xích đạo, hạn chế sự lây nhiễm cho các tiếp viên và y bác sĩ trong toàn bộ hành trình bay.
3. “Do không khí đối lưu nên việc chỉ trang bị đồ bảo hộ, khẩu trang và kính chưa đảm bảo sự an toàn khỏi nCoV. Từ đó tôi nghĩ tới sản phẩm mũ thở khí tươi này”, PGS Nghĩa nói.
4. Sau đó PGS Nghĩa tìm hiểu và thiết kế kiểu dáng. Ông và nhóm nghiên cứu nhận được tư vấn của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Viện Trang thiết bị và Công nó trình Y tế, Bộ Y tế, mũ thở khí tươi ngăn nCoV hoàn thiện sau 3 tháng, với các thông số kỹ thuật được kiểm chứng bởi Bộ Y tế.
5. Sản phẩm có bốn phần chính, gồm màng siêu vi lọc ULPA và quạt hút, phần hệ thống điều khiển và pin sạc, mặt nạ và dây truyền khí và phần dây đeo. Toàn bộ mũ thở được tối ưu, có khối lượng 2 kg, giúp người đeo dễ dàng di chuyển.
6. Mũ thở được hoạt động theo nguyên lý, quạt hút không khí tươi bên ngoài và siêu màng lọc ULPA lọc hết các hạt có kích thước lớn hơn 0,15 micromet. Màng lọc này khiến virus như nCoV khi bám vào các giọt dịch bị giữ lại và không thể đi qua màng lọc. Vì vậy, không khí sau khi đi qua quạt hút và màng lọc trở thành không khí sạch và an toàn cho người sử dụng.
7. Phần khí sạch truyền đến phần mũ đeo nhờ hai dây ống dẫn bằng nhựa y tế đường kính 8 mm. Mặt nạ nhựa an toàn và dễ đeo giúp tạo góc quan sát tốt, không làm ảnh hưởng tới khả năng nghe và nói của người sử dụng. Hệ thống được kích hoạt bằng công tắc, có thể hoạt động trong 90 phút và báo hiệu bằng âm thanh và tín hiệu khi pin sắp hết trước 15 phút để người sử dụng kịp thay thế pin hoặc sạc khi cần.
8. PGS Nghĩa cho biết, hiện nay loại mũ thở khí tươi này chưa được sử dụng rộng rãi trong y tế do giá thành nhập ngoại cao. Thông thường, một sản phẩm nhập ngoại có giá hơn 20 triệu, nhưng mũ thở khí tươi do PGS Nghĩa chế tạo có giá thành khoảng 2,5 triệu đồng, trong khi chất lượng lọc khí và khối lượng tương đương nhau.
9. Hiện sản phẩm này đã được đăng ký sở hữu trí tuệ và phối hợp với các bác sĩ bệnh viện để tiếp tục thử nghiệm và cải tiến. "Nhóm sẽ thay ống dẫn khí 8 mm bằng ống dẫn kích thước 5 mm để tiết chế lượng khí truyền tới người dùng theo tư vấn của các bác sĩ" PGS Nghĩa nói và cho biết, nhóm nghiên cứu đang chế tạo khoảng 40-50 chiếc mũ thở khí tươi để có thêm góp ý từ bệnh viện. Với số lượng nhiều hơn để hỗ trợ các bác sĩ tuyến đấu chống dịch, nhóm mong muốn nhận được sự đồng hành của doanh nghiệp, nhà đầu tư để có thể thương mại hóa sản phẩm.
(Theo Nguyễn Xuân, Đại học Bách khoa Hà Nội thiết kế mũ thở khí tươi ngăn nCoV, Báo VnExpress, ngày 6/12/2020)
Nội dung chính của bài đọc trên là?
Công nghệ chế biến muối tinh dùng cho sản xuất dược phẩm và các ngành công nghiệp khác
1. Muối được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp và y dược, với lượng tiêu thụ nhiều gấp 10-20 lần so với dùng cho ăn uống trực tiếp thông qua chế biến thực phẩm hàng ngày. Muối được sản xuất chủ yếu tại các đồng muối khu vực Duyên hải phía Bắc, miền Trung và Nam Bộ. Tuy nhiên, đây là những loại muối ngắn ngày, hàm lượng NaCl chỉ đạt khoảng 92%, chứa nhiều tạp chất. Nhằm nâng cao chất lượng muối tinh, Công ty CP Muối và Thực phẩm Bình Định đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ và thiết bị chế biến muối tinh, công suất 2,5 - 3 tấn/giờ dùng cho sản xuất dược phẩm và các ngành công nghiệp khác”. Việc thực hiện đề tài không chỉ giúp các cán bộ của Công ty làm chủ được công nghệ sản xuất muối tinh mà còn tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm muối tinh trên thị trường.
Thực trạng các cơ sở chế biến muối trên cả nước
2. Cơ cấu tiêu dùng và sử dụng muối ăn (NaCl) trên thế giới gồm 60% cho sản xuất công nghiệp và y dược, 30% cho chế biến thực phẩm và ăn trực tiếp, 10% cho các tiêu dùng khác. Muối có mặt trong khoảng 14.000 loại sản phẩm công nghiệp và thực phẩm. Muối ăn mà ngày nay chúng ta mua về dùng không phải là NaCl nguyên chất, mà đã qua tinh chế và bổ sung thêm một số thành phần vi lượng. Trong sinh hoạt hàng ngày, muối ăn được dùng làm chất điều vị, bảo quản thực phẩm. Gia súc ăn thêm muối ăn sẽ chóng lớn, ít bệnh tật. Muối ăn còn được dùng trong việc chọn giống và trộn với các loại phân hữu cơ để bón cho lúa và hoa màu. Từ muối ăn có thể chế tạo ra nhiều loại hóa chất như kẽm clorua dùng trong việc hàn kim loại, thủy ngân clorua dùng trong y dược, natri clorat và hypoclorat dùng làm thuốc hiện ảnh.
3. Hiện nay, nước ta có trên 70 cơ sở chế biến muối nhưng chỉ có 15 dây chuyền chế biến muối tinh liên tục theo phương pháp nghiền rửa muối, trong đó có 11 dây chuyền do Công ty CP Công nghệ Muối biển - Saltechco thiết kế chế tạo và lắp đặt đồng bộ, 2 dây chuyền nhập khẩu đồng bộ của Tây Ban Nha và 2 dây chuyền hỗn hợp dùng máy móc của Việt Nam và Trung Quốc. Sản phẩm của các dây chuyền này hầu hết là muối tinh và muối tinh sấy dùng cho ngành công nghiệp thực phẩm và ăn trực tiếp, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thị trường. Các muối chất lượng cao đặc biệt là muối cho ngành dược, đều phải nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc. Dù muối được sử dụng trong lĩnh vực nào thì hàm lượng NaCl cũng luôn được chú trọng. Vì vậy, độ tinh khiết của muối càng cao thì càng có giá trị. Việc dùng nước muối bão hòa NaCl sau khi xử lý hóa chất loại bỏ hầu hết các tạp chất, sau đó đưa vào nồi cô đặc chân không để sản xuất muối tinh khiết được hầu hết các nước áp dụng. Tuy nhiên, việc dùng công nghệ nghiền rửa để loại tạp chất và đặc biệt là việc dùng nước chạt riêng biệt để rửa cho mỗi công đoạn trong dây chuyền chế biến sao cho sản phẩm muối đạt tiêu chuẩn phục vụ ngành dược thì hầu như chưa có ở nước ta.
Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng muối tinh
4. Trước thực trạng trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tuyển chọn và giao cho nhóm nghiên cứu thuộc Công ty CP Muối và Thực phẩm Bình Định thực hiện đề tài khoa học cấp nhà nước: “Nghiên cứu công nghệ và thiết bị chế biến muối tinh, công suất 2,5-3 tấn/giờ dùng cho sản xuất dược phẩm và các ngành công nghiệp khác” thuộc Dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ và thiết bị sản xuất muối sạch, muối tinh và hình thành liên kết theo chuỗi giá trị giữa Công ty CP Muối và thực phẩm Bình Định với diêm dân tại Bình Định”. Sau khi thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã giải quyết các nội dung sau:
5. Thứ nhất, đã thiết kế, chế tạo, lắp đặt vận hành dây chuyền chế biến muối tinh bằng công nghệ cô đặc chân không, năng suất 2,5-3 tấn/giờ, dùng cho sản xuất muối tinh trong ngành dược và các ngành công nghiệp khác từ nguyên liệu muối đạt theo tiêu chuẩn TCCS 01 và TCCS 02. Dây chuyền đã được Công ty CP Chứng nhận và Kiểm định Vinacontrol giám định công suất đạt yêu cầu. Đồng thời hoàn thiện quy trình và các công thức sản xuất ra các loại muối chăm sóc sức khỏe từ muối tinh như muối thông minh (thành phần chính là Natri) dành cho người cao huyết áp, muối ngâm chân, muối sữa spa.
6. Thứ hai, tạo ra được sản phẩm muối sau khi tinh chế đạt yêu cầu, được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 2 kiểm định đạt các chỉ tiêu hóa lý như đã đăng ký trong đề tài. Quy trình sản xuất và toàn bộ dây chuyền thiết bị được nghiên cứu chế tạo trong nước nên có giá thành thấp hơn so với thiết bị ngoại nhập từ 30 đến 50%, giúp tiết kiệm chi phí.
7. Thứ ba, nâng cao giá trị sản phẩm giúp giá bán tăng 20% so với muối tinh thông thường. Nếu sản xuất đạt 100% công suất thiết kế, mỗi năm vận hành dây chuyền thiết bị sản xuất muối này sẽ tạo ra 10.982 tấn muối sản phẩm/năm. Tính sơ bộ hiệu quả kinh tế mang lại đạt khoảng 7,3 triệu đồng/năm. Ngoài ra, việc xây dựng nhà máy chế biến muối tinh khiết từ nguồn nguyên liệu sạch của địa phương còn góp phần phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm và hóa dược, từng bước thay thế hàng nhập khẩu. Dây chuyền tinh chế muối tại Bình Định sẽ giúp thúc đẩy phát triển các vùng nguyên liệu muối sạch của tỉnh, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho diêm dân, giúp họ có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.
8. Thứ tư, góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển các thiết bị, dụng cụ tiên tiến cung cấp cho ngành sản xuất muối nói riêng và sản xuất thực phẩm nói chung nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội.
Có thể khẳng định, sản phẩm của đề tài chính là kết quả của việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, phát huy sự sáng tạo của các nhà nghiên cứu trong nước với mong muốn góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng cho thế hệ ngày nay và mai sau.
(Nguồn: Phùng Duy Tiến, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam)
Muối không được sản xuất nhiều tại đâu?