Danh sách câu hỏi
Có 3,309 câu hỏi trên 67 trang
Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật “bà cô tôi” trong đoạn trích sau:
Một đại gia đình gồm hai con trai, hai con dâu, một gái, một rể và những đứa con của họ vẫn sống chung dưới một mái nhà, ăn chung một bếp ăn. Thiên hạ thì chia ra, bà cụ lại gom vào. Vẫn rất êm thấm mới lạ chứ. Nếp nhà đã thắng được tự do của cá nhân sao? Phải nói thêm, cái nếp nhà này cũng ít ai theo kịp. Người con dâu cả vốn là con gái Hàng Bồ, đỗ đại học, là một cô gái kiêu hãnh, tự tin, không dễ nhân nhượng. Ai cũng nghĩ hai người đàn bà, một già một trẻ, cùng sắc sảo sẽ rất khó chấp nhận nhau. Vậy mà họ ăn ở với nhau đã mười lăm năm chả có điều tiếng gì. Người chị của cô con dâu đến nói với bà cô tôi: “Bác chịu được tính nó thì con cũng phục thật đấy.”. Bà cải chính: “Đúng là tôi có phần phải chịu nó nhưng nó cũng có phần phải chịu tôi, mỗi bên chịu một nửa.”. Bà bảo, con dâu là vàng trời cho, mình không có công đẻ ra nó, cũng không nuôi nó ăn học ngày nào, bỗng dưng nó về nhận mình là mẹ, sinh con đẻ cái cho dòng họ, cáng đáng mọi việc từ trẻ đến già, không lễ sống nó thì thôi còn hoạnh hoe nồi gì. Bà chiều quý, và tôn trọng các con dâu thật lòng nên cả hai nàng dâu đều tâm sự với mẹ chồng: “Con ở với mẹ còn thoải mái hơn ở nhà với mẹ con.”. Con rể và con gái được nhận nhà ở một khu tập thể, nhà chật, lại xa, con còn nhỏ. Nhưng anh con rể không muốn nhờ vả mẹ vợ, tự mình cũng thấy không tiện mà người ngoài nhìn vào càng không tiện. Bà biết thế nên bảo con rế: “Trong cái nhà của tôi có một phòng dành cho vợ anh. Của vợ anh tức là của anh. Cũng như mọi thứ của anh tức là của vợ anh. Chẳng lẽ anh bảo không phải.”. Năm ngoái khu phố có yêu cầu bà cụ báo cáo về nếp sống gia đình cho hàng phố học tập. Bà từ chối, khi tôi lại thăm, bà nói riêng: “Cái chuyện ấy ai cũng biết cả, chỉ khó học thôi.”. Tôi cười: “Lại khó đến thế sao?”. Bà cụ nói: “Trong nhà này, ba đời nay, không một ai biết tới câu mày, câu tao. Anh có học được không?”. À, thế thì khó thật. Theo bà cụ, thời bây giờ có được vài trăm cây vàng không phải là khó, cũng không phải là lâu, nhưng có được một gia đình hạnh phúc phải mất vài đời người, phải được giáo dục vài đời. Hạnh phúc không bao giờ là món quà tặng bất ngờ, không thể đi tìm, mà cũng không nên cầu xin. Nó là cách sống, một quan niệm sống, là nếp nhà, ở trong tay mình, nhưng nhận được ra nó, có ý thức vun trồng nó, lại hoàn toàn không dễ.
(Nguyễn Khải, Nếp nhà, dẫn theo nhandan.vn)
Viết bài nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích, đánh giá ý nghĩa, thông điệp tư tưởng mà văn bản dưới đây muốn gửi đến người đọc.
NHỮNG DÒNG SÔNG
Sinh ra ở đâu, mà ai cũng anh hùng?
Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông.
Chẳng phải sông Đà, sông Mã, sông Hồng đôi bờ cát mênh mông,
Thì cũng sông Trà, sông Hương, sông Cửu Long uốn chín đầu rồng
Chẳng phải rộng xa một tầm cò vỗ cánh,
Cũng xinh xinh vài sải chèo quẫy mạnh...
Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng
Mỗi con người gắn bó một dòng sông.
Khi ta bé dòng sông nào cũng rộng,
Chiếc thuyền giấy gửi tuổi thơ theo sóng
Một cánh cò vỗ lả xuống lòng ta.
Từ nguồn nào, sông cũng nặng phù sa
Đời ông cha từng cuốc đất, dựng nhà...
Khơi tưởng tượng, những chuyện xưa mẹ kế
Tuổi thơ ngây ngỡ dòng sông nhỏ bé
Cửa quê mình, Trần Quốc Toản từng qua...
[...]
Đã bao đời gắn bó giữa hai ta
Sông chia mình thành ngàn nhánh phù sa
Đến bè bạn cùng từng gốc lúa.
Trắng lấp lánh là quẫy tung đuôi cá
Xanh mát êm là xoan dọc bờ vùng...
Yêu nhau rồi, ta có những vui chung...
[...]
Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng?
Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông.
(Bế Kiến Quốc, Thơ Việt Nam 1945 – 1975,
NXB Văn học, Hà Nội, 1985, tr. 35 – 37)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) so sánh, đánh giá hình tượng “nàng Vọng Phu” trong hai đoạn cuối của văn bản ở phần Đọc hiểu với đoạn trích thơ sau:
VỌNG PHU
Đầu nước đá ôm con, cuối nước đá đợi chồng
Đâu chẳng sông Thương đâu chẳng Kỳ Cùng
Là tượng đá của những thời binh lửa
Nàng Vọng phu đầu sông hơn gì nàng Tô Thị cuối sông
Một mình với mây, một mình với gió
Mùa đông một mình mùa xuân hay hạ một mình...
Người ra đi chắc gì quay lại nữa
Trên đầu non lòng đá vẫn kiên trinh
[...]
Không hóa thạch kẻ ra đi, hóa thạch kẻ đợi chờ
Xói mòn những non cao, không xói mòn lòng chung thủy
Đá đứng đấy giữa mưa nguồn và chớp bể
Đợi một bóng hình trở lại giữa đơn côi
(Chế Lan Viên, Chế Lan Viên, Toàn tập
(Vũ Thị Thường sưu tầm, biên soạn),
NXB Văn học, Hà Nội, 2002, tr. 144)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) so sánh, đánh giá hai đoạn thơ sau:
– Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó...
(Nguyễn Khoa Điềm, trích Mặt đường khát vọng,
in trong Thơ Việt Nam 1945 – 1975, NXB Văn học,
Hà Nội, 1985, tr. 212 – 213)
– Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu
Nghe dịu nỗi đau của mẹ
Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ
Các anh không về, mình mẹ lặng im.
Đất nước tôi
Từ thuở còn năm nôi
Sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa
Lao xao trưa hè một giọng ca dao
Xin hát về Người, đất nước ơi!
Xin hát về Mẹ, Tổ quốc ơi!
Suốt đời lam lũ
Thương luỹ tre làng bãi dâu, bến nước
Yêu trọn tình đời, muối mặn gừng cay...
(Tạ Hữu Yên, Đất nước, in trong Tuyển tập Tạ Hữu Yên,
NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2006)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích, đánh giá một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của văn bản thơ sau:
ÁO TRẮNG
Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng.
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.
Em đẹp bàn tay ngón ngón thon;
Em duyên đôi má nắng hoe tròn.
Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thối lại phòng anh cả núi non.
Em nói anh nghe tiếng lẫn lời;
Hồn em anh thở ở trong hơi.
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo,
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.
Đôi lứa thần tiên suốt một ngày.
Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.
Dịu dàng áo trắng trong như suối
Toa phất đôi hồn cánh mộng bay.
(Huy Cận, Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh – Hoài Chân),
NXB Văn học, Hà Nội, 1988, tr. 137 – 138)