Danh sách câu hỏi

Có 2,879 câu hỏi trên 58 trang
Đọc văn bản: Ai trong chúng ta cũng cần được kính trọng, vì khi được kính trọng ta sẽ thấy rõ hơn những giá trị sâu sắc và đích thực của mình. Dù ta đang chịu nhiều thất bại nặng nề, đến nỗi suy sụp niềm tin vào bản thân, nhưng thái độ kính trọng của một ai đó sẽ ngầm nhắc ta nhìn lại những giá trị quan trọng khác của mình. Trong bất cứ mối liên hệ tình cảm nào, niềm kính trọng cũng là nền tảng quyết định nên sự tồn tại lâu bền. Không có sự kính trọng, tình cảm ấy chỉ còn là sự dựa dẫm cảm xúc qua lại mà thôi. Có những sự kính trọng bị miễn cưỡng trong những nguyên tắc ràng buộc như tuổi tác, vai vế hay địa vị. Tuy nó có thể tạo nên sự điều hợp hữu hiệu trong chừng mực nào đó, nhưng vì thiếu ý thức tự nguyện nên sự kính trọng ấy không phải là chất liệu để nuôi dưỡng mối liên hệ tình cảm lâu bền. Bởi vì bản chất của sự kính trọng phải xuất phát từ lòng chân thành, do thấy được giá trị chân thật của nhau hay sự tương tác sâu sắc với nhau.  Quả thật, càng kính trọng nhiều đối tượng thì thói quen tự hào và kiêu ngạo trong ta sẽ càng bị cô lập và rơi rụng bớt. Niềm kính trọng nếu vượt qua khỏi những khuôn thước định kiến của xã hội, có thể trải lòng với mọi đối tượng dù đó là những kẻ bị liệt vào tầng lớp thấp hay xấu xa, thì không gian bình yên và tự do trong ta sẽ vô cùng rộng lớn. Vì khi kính trọng đối tượng nào là ta đã chính thức thiết lập sự liên kết và tiếp nhận năng lượng từ nơi đối tượng ấy, dù ta không có chủ ý. Huống chi, kính trọng nhau tức là tôn trọng sự có mặt của nhau trong cuộc đời này, đó là cấu trúc cân bằng giữa các cá thể trong vũ trụ. Đời sống luôn có quá nhiều mối lo toan nên ta ít có cơ hội nhìn lại mình để giữ tâm quân bình và trong sáng. Theo đó, ta cũng dần đánh mất khả năng nhìn sâu sắc vào bản chất của từng đối tượng để thấy rằng ai cũng đáng kính trọng. Bởi suy cho cùng thì ai cũng có cái hay cái đẹp. Có khi những cái hay cái đẹp của họ đang hiện ra sờ sờ, nhưng vì mắt ta bị nhuộm lên những màu sắc của thành kiến nên ta không thể thấy được. Cũng có khi nó đang tiềm ẩn hay tạm thời bị vài năng lượng tiêu cực che khuất, mà nếu ta không có cái nhìn khám phá và cảm thông thì ta cũng không thể nào phát hiện ra được. Cho nên, ta hãy luôn tự hỏi mình vì sao ta lại thiếu kính trọng đối với người ấy? Tại ta hay tại họ? (Hiểu về trái tim, Minh Niệm, NXB Tổng hợp TP. HCM, Năm 2019) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
Đọc văn bản: Quan niệm của bản thân vẫn có xu hướng bị những ý kiến của người khác tác động đến. Bản thân không thể tự dưng trở nên kiên cường được. Vì vậy, điều mình thực sự muốn hướng tới là gì. Muốn trở thành người như thế nào và cả việc ban đầu bạn có cảm giác với điều gì chưa,.. Chưa chắc bạn đã hiểu được. Tuy nhiên, nếu dừng lại tại đó, quan niệm của bạn sẽ yếu ớt. Thế nên, sau khi đến được điểm bạn đặt bước đầu tiên, trước hết hãy bắt đầu bằng việc “đưa tay ra một cách ngẫu nhiên”. Hãy “đưa tay ra một cách ngẫu nhiên” để nắm lấy thứ bản thân yêu thích. “Tôi muốn thấy cái này, muốn chạm vào cái này” – thử đưa tay ra và thực hiện các phép thử. Sau đó chọn lựa điều gì tốt, điều gì không. Hãy biết từ bỏ những điều mà bạn cảm thấy vô nghĩa, chấp nhận những điều bạn cho rằng có ý nghĩa. Cứ lặp đi lặp lại việc lựa chọn, càng ngày bạn sẽ càng trở nên có chính kiến cá nhân. Sự lựa chọn phải của chính bạn chứ không phải chọn lấy thứ đã bị người khác ảnh hưởng. Giống như một đứa trẻ mới bắt đầu tập bò, tôi luyện các giác quan bằng việc sờ soạng một cách ngẫu nhiên, trước tiên bạn nên thử tự mình đưa tay ra, sau đó lựa chọn thứ bạn “thích” và “ghét”. Điều này bước đầu sẽ khiến quan điểm cá nhân của bạn trở nên mạnh mẽ hơn. Hiểu rõ trong thế giới xung quanh, bạn sẽ nhận ra được điều gì khiến bạn thoải mái và điều gì không. Bạn Không cần miễn cưỡng chấp nhận những điều kiện bạn không thoải mái. Đã mất công thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng của bản thân thì nhất định phải từ bỏ những điều không thuộc về bạn! Hãy vui vẻ, thoải mái để dễ dàng lựa chọn cho mình những điều tốt đẹp.          (Mặc kệ thiện hạ - Sống như người Nhật, Mari Tamagawa, NXB Hà Nội, tái bản 2020) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
Hồn Trương Ba: (một mình) Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta... (sau một lát) Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? “Chẳng còn cách nào khác”! Mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!(Đứng dậy, lập cập nhưng quả quyết, đến bên cột nhà, lấy một nén hương châm lửa, thắp lên. Đế Thích xuất hiện.)Đế Thích: Ông Trương Ba! (thấy vẻ nhợt nhạt của Hồn Trương Ba) Ông có ốm đau gì không? Một tuần nay tôi bị canh giữ chặt quá, không xuống đánh cờ với ông được, nhưng ông đốt hương gọi, đoán là ông có chuyện khẩn, tôi liều mạng xuống ngay. Có việc gì thế?Hồn Trương Ba: Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn là tôi toàn vẹn.Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cảNgọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông.Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác, đã là chuyện không nên, đằng này cái thân tôi cũng phải sống nhờ vào anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!Đế Thích: (không hiểu) Nhưng mà ông muốn gì?Hồn Trương Ba: Ông từng nói: Nếu thân thể người chết còn nguyên vẹn, ông có thể làm cho hồn người đó trở về. Thì đây, (chỉ vào người mình) thân thể anh hàng thịt còn lành lặn nguyên xi đây, tôi trả lại cho anh ta. Ông hãy làm cho hồn anh ta được sống lại với thân xác này.Đế Thích: Sao lại có thể đổi tâm hồn đáng quý của bác lấy chỗ cho cái phần hồn tầm thường của anh hàng thịt ?Hồn Trương Ba: Tầm thường, nhưng đúng là của anh ta, sẽ sống hòa thuận được với thân anh ta, chúng sinh ra là để sống với nhau. Vả lại, còn…còn chị vợ anh ta nữa…chị ta thật đáng thương!”(Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ, SGK Ngữ văn 12, trang 149, NXBGD)Phân tích nhân vật Trương Ba trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về thông điệp nhân sinh được gửi gắm qua đoạn trích.
Đọc văn bản: Gia đình và bạn bè là chốn an toàn mà bạn có thể tìm đến để chia sẻ nỗi niềm. Tuy nhiên, việc tâm sự có thể biến thành hành vi đổ rác khi người khác không đồng ý lắng nghe bạn tâm sự về những buồn phiền, lo lắng, bực dọc và thất vọng của bạn. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến của người khác trước khi bạn bộc bạch nỗi lòng với họ. Câu hỏi “Tôi có thể tâm sự với bạn một chút được không?” thể hiện bạn tôn trọng họ và hiểu rằng họ cũng có những mối bận tâm riêng. Nếu bạn cứ thao thao bất tuyệt về vấn đề của mình với người khác mà không hỏi trước thì chẳng khác nào bạn xem vấn đề của mình quan trọng hơn vấn đề của họ. Hành xử như thế tức là bạn đang đặt bản thân lên trên sự cảm nhận của người khác, không quan tâm là họ đang trải qua chuyện gì. Nếu bạn nhận ra mình đang vô cớ xả rác vào cuộc sống của người khác, hãy dừng lại kịp thời. Bạn chỉ nên tâm sự khi người khác đã sẵn sàng lắng nghe. Nếu họ chưa sẵn sàng, bạn cũng đừng trách cứ họ. Thay vào đó, bạn nên tôn trọng quyết định của họ và tìm một thời điểm khác thích hợp hơn để chia sẻ nỗi lòng. (Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác, mục Lưu ý khi tâm sự với người khác, David J. Pollay, NXB Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2022, tr. 213-214)          Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
Đọc văn bản: Tất cả chúng ta đều được sinh ra để làm những điều có ý nghĩa. Nhưng hành trình thực hiện điều đó không phải lúc nào cũng thênh thang rộng mở, mà luôn có những cá nhân và sự kiện xuất hiện cản đường chúng ta. Hãy nhớ lại thời thơ ấu tươi đẹp. Chúng ta sống vui vẻ bên gia đình và bạn bè, cuộc đời của ta tràn ngập tình yêu thương và hạnh phúc. Nhưng khoảng thời gian vui vẻ này không kéo dài. Chúng ta bị bạn bè nói xấu sau lưng, bị chọc ghẹo hoặc bị chỉ trích một cách bất công. Ai đó nói với chúng ta rằng có người đang giận ta và không còn thích ta nữa. Nhưng khi chúng ta hỏi lý do thì họ không đưa ra được câu trả lời hợp lý. Có vẻ như chúng ta chẳng thể làm gì để cải thiện tình hình. Ta cảm thấy bất lực. Khi lớn lên, chúng ta hy vọng không còn nhiều người có khả năng khiến chúng ta cảm thấy tổn thương và giận dữ nữa, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Thật ra, ngày càng có nhiều người có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của chúng ta. Hành vi tồi tệ của họ gây ra biết bao phiền toái và làm ta cảm thấy hết sức khó chịu. Trong cuộc sống, chúng ta tác động đến người khác, đồng thời ta cũng bị người khác tác động. Khi một người sống tích cực, chúng ta nên quan sát và học hỏi họ. Tuy nhiên, khi hành vi của một người là tiêu cực, chúng ta đứng trước một quyết định liệu ta sẽ chấp nhận hành vi đó hay lựa chọn một cách phản ứng khác? May mắn là quyền quyết định nằm trong tay chúng ta. Đừng ngồi thụ động một chỗ và để thái độ của người khác ảnh hưởng đến mình. Chúng ta sống trên đời vì một mục đích to lớn hơn. (Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác, David J. Pollay, NXB Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2022, tr. 6-7)           Xác định phong cách chức năng ngôn ngữ của đoạn trích trên.
Sông Hương là vậy, dòng sông của thời gian ngân vang, của sử viết giữa màu cỏ lá xanh biếc. Khi nghe lời gọi, nó biết cách tự biến đời mình làm một chiến công, để rồi nó trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước. Thỉnh thoảng, tôi vẫn còn gặp trong những ngày nàng đem áo ra phơi, một sắc áo cưới của Huế ngày xưa, rất xưa: màu áo lục điều với loại vải vân thưa màu xanh tràm lồng lên một màu đỏ ở bên trong, tạo thành một màu tím ẩn hiện, thấp thoáng theo bóng người, thuở ấy các cô dâu trẻ vẫn mặc sau tiết sương giáng. Đấy cũng chính là màu của sương khói trên sông Hương, giống như tấm voan huyền ảo của tự nhiên, sau đó ẩn giấu khuôn mặt thực của dòng sông...Có một dòng thi ca về sông Hương, và tôi hi vọng đã nhận xét một cách công bằng về nó khi nói rằng dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ. Mỗi nhà thơ đều có một khám phá riêng về nó: từ xanh biếc thường ngày, nó bỗng thay màu thực bất ngờ, “dòng sông trắng - lá cây xanh” trong cái nhìn tinh tế của Tản Đà, từ tha thiết mơ màng nó chợt nhiên hùng tráng lên “như kiếm dựng trời xanh” trong khí phách của Cao Bá Quát; từ nỗi quan hoài vạn cổ với bóng chiều bãng lãng trong hồn thơ Bà Huyện Thanh Quan, nó đột khởi thành sức mạnh phục sinh của tâm hồn, trong thơ Tố Hữu. Và ở đây, một lần nữa, sông Hương quả thực là Kiều rất Kiều, trong cái nhìn thắm thiết tình người của tác giả Từ ấy.(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ Văn 12, tập một, NXB GD, 2020, Tr. 29, 30)Cảm nhận hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tính trữ tình trong bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường
Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ. Và rồi, như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vịnh xưa cổ. Đối với Huế, nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình. Riêng với sông Hương, vốn đang xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó, khúc quanh này thực bất ngờ biết bao. Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống với con người nơi đây; và để nhân cách hoá nó lên, tôi gọi đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Và giống như nàng Kiều trong đêm tình tự, ở ngã rẽ này, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả: “Còn non, còn nước, còn dài, còn về, còn nhớ…”. Lời thề ấy vang vọng khắp lưu vực sông Hương thành giọng hò dân gian; ấy là tấm lòng người dân nơi Châu Hoá xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở.(Ai đã đặt tên cho dòng sông, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một,NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.200,201)Anh/chị hãy cảm nhận đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về nét tài hoa, uyên bác của Hoàng Phủ Ngọc Tường khi viết về hình tượng sông Hương.