Danh sách câu hỏi

Có 3,939 câu hỏi trên 79 trang
II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm) Câu 1. (2,0 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày tác dụng của sự kết hợp giữa sự kiện hiện thực và trải nghiệm, thái độ, đánh giá của người viết trong đoạn trích sau của Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm: 3/12/1969 Đêm lạnh, gió đông bắc từng cơn thổi về làm mình lạnh tê người. Chạy đến bên em, mình khẽ run vì lạnh và mình đã ấm lại nhờ em đem tấm dù choàng lên vai mình và bàn tay em nắm chặt tay mình tha thiết thương yêu. [...] Bốn giờ kém mười lăm, mình và Thường khoác ba lô lên vai. Em tiễn mình đi cho đến tận chỗ tập trung. Giây phút chia tay mình nhìn em thấy trong đôi mắt đen ngời ấy một nỗi nhớ thương kì lạ – mình đã chia tay em như chia tay một người thân yêu ruột thịt. Bao giờ gặp lại em đây? Có phải khói lửa chiến tranh đã làm nước mắt mình khô cạn? Trước đây một câu chuyện đau buồn trong một cuốn phim có thể làm mình giàn giụa nước mắt thì bây giờ mình có thể cắn môi đứng lặng yên trong một buổi chia tay mà người đi, kẻ ở đều không hiểu ai còn ai mất sau buổi chia tay ấy. Và chiều nay đứng trước nấm mộ em Nhiều, đau thương đến rớm máu trong lòng vậy mà mình cũng chỉ rưng rưng nước mắt. Nấm mộ nằm ngay bên đường đi, vòng hoa chưa tàn, em đã chết hơn một trăm ngày mà tưởng như đứa em nhỏ dại ấy mới ngã xuống. Đốt một nắm hương cắm lên nấm mộ em mà mình nghẹn ngào không biết nói gì với người đã chết. Nhiều ơi! Em đã chết như một người chiến sĩ kiên cường mà cuộc đời em là bài ca cho những người còn sống ca ngợi. Nhiều ơi! Em chết đi giữa tuổi đời xanh ngát ước mơ, giữa tình yêu đang nở thắm. Chị và những người thân của em chỉ biết hứa với em rằng sẽ tiếp tục chiến đấu để trả thù cho em. (Trích Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm, Đặng Kim Trâm chỉnh lí, Vương Trí Nhàn giới thiệu, NXB Hội Nhà văn, 2023)
Câu 2. (4,0 điểm) Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích cảm hứng chủ đạo của bài thơ sau: Anh hái cành phù dung trắng Cho em niềm vui cầm tay Màu hoa như màu ánh nắng Buổi chiều chợt tím không hay Nhìn hoa bâng khuâng anh nói Mới thôi mà đã một ngày.   Ruộng cấy ta mong cơn mưa Ruộng gặt ta mong ngọn nắng Chăm lo cánh đồng tình yêu Anh đếm từng vầng trăng sáng Thiết tha anh nói cùng trăng Mới thôi đã tròn một tháng.   Mùa xuân lên đồi cỏ thơm Mùa hạ nhìn trời mây khói Mây tím chân cầu tím núi Đông xa ngày trắng mưa dầm Nhìn trời ngẩn ngơ anh nói Mới thôi mà đã một năm.   Sẽ đến một ngày trắng tóc Nhưng lòng anh vẫn không nguôi Thời gian sao mà xuẩn ngốc Mới thôi đã một đời người.   Dù năm dù tháng em ơi Tim anh chỉ đập một đời Nhưng trái tim mang vĩnh cửu Trong từng giọt máu đỏ tươi. (Hoàng Phủ Ngọc Tường, Theo Dù năm dù tháng, in trong Hoàng Phủ Ngọc Tường tuyển tập, Nxb Trẻ, Tp.HCM, 2022) * Chú thích: Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trí thức yêu nước, có vốn hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Ông là nhà văn chuyên về bút kí, đồng thời cũng là một nhà thơ với nhiều sáng tác có giá trị. Các thi phẩm của ông luôn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và trữ tình. Dù năm dù tháng là một bài thơ thể hiện rõ nét phong cách thơ của ông.
II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm) Câu 1. (2,0 điểm) Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nét đặc sắc nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Quang Sáng trong truyện ngắn sau: BÀI HỌC TUỔI THƠ Thằng con tôi 11 tuổi, học lớp sáu. Qua mùa thi chuyển cấp, nhân một buổi chiều cho con đi chơi mát, nó kể... Đang hỏi nó về chuyện thi cử, nó chợt hỏi lại tôi: – Ba! Có bao giờ thấy có một bài luận văn nào điểm không không ba? Con số không cô cho bự bằng quả trứng gà. Không phải cho bên lề, mà một vòng tròn giữa trang giấy. Thiệt đó ba. Chuyện ngay trong lớp của con, chứ không phải con nghe kể đâu. Tôi chưa kịp hỏi, nó tiếp:  – Còn thua ba nữa đó, ba. Ít nhứt ba cũng được nửa điểm. Còn thằng bạn của con, con số không bự như quả trứng. Thằng con tôi ngửa mặt cười, có lẽ nó thấy thú vị vì thời học trò của ba nó ít nhứt cũng hơn được một đứa. Số là cách đây vài năm, có một nhà xuất bản gởi đến các nhà văn nhà thơ quen biết trong cả nước một câu hỏi, tôi còn nhớ đại ý, nhà văn nhà thơ thời thơ ấu học văn như thế nào, nhà xuất bản in thành sách “Nhà văn học văn”. Đọc qua, nghe các nhà văn nhà thơ kể, tất nhiên là mỗi người có mỗi cuộc đời, mỗi người mỗi giọng văn, nhìn chung thì người nào, lúc còn đi học, cũng có khiếu văn, giỏi văn. Nếu không thì lấy gì làm cơ sở để sau này trở thành nhà văn? Rất lô-gích và rất là tự nhiên vậy. Duy chỉ có bài của tôi hơi khác, có gì như ngược lại. Tôi kể, hồi tôi học ở trường trung học Nguyễn Văn Tố (1948 - 1950), tôi là một học sinh trung bình, về môn văn không đến nỗi liệt vào loại kém, nhưng không có gì tỏ ra là người có khiếu văn chương. Và có một lần, bài luận văn của tôi chỉ được có một điểm trên hai mươi (1/20). Đó là kỉ niệm không quên trong đời học sinh của tôi, môn văn. Khi con tôi đọc bài văn đó, con tôi hỏi: – Sao bây giờ ba là nhà văn? Và bạn bè cũng hỏi như vậy. Tôi cũng đã tự lí giải về mình, và lời giải cũng đã in vào sách rồi, xin không nhắc lại. Tôi hỏi con tôi: – Luận văn cô cho khó lắm hay sao mà bạn con bị không điểm. – Luận văn cô cho “Trò hãy tả buổi làm việc ban đêm của bố”. – Con được mấy điểm? – Con được sáu điểm. – Con tả ba như thế nào? – Thì ba làm việc làm sao thì con tả vậy. – Mấy đứa khác, bạn của con? Thằng con tôi như chợt nhớ, nó liến thoắng: – A! Có một thằng ba nó không hề làm việc ban đêm mà nó cũng được sáu điểm đó ba. – Đêm ba nó làm gì? – Nó nói, đêm ba nó toàn đi nhậu. – Nó tả ba nó đi nhậu à? – Dạ không phải. Ba nó làm việc ban ngày nhưng khi nó tả thì nó tả ba nó làm việc ban đêm, ba hiểu chưa? – Còn thằng bạn bị không điểm, nó tả như thế nào? – Nó không tả không viết gì hết, nó nộp giấy trắng cho cô. – Sao vậy? Hôm trả lại bài cho lớp, cô gọi nó lên, cô giận lắm, ba. Cô hét: “Sao trò không làm bài”. Nó cúi đầu làm thinh. Cô lại hét to hơn: “Hả?”. Nó cũng làm thinh. Tụi con ngồi dưới, đứa nào cũng run. – Nó là học trò loại “cá biệt” à? – Không phải đâu ba, học trò tiên tiến đó ba. – Sao nữa? Nó trả lời cô giáo như thế nào? Nó cứ làm thinh. Tức quá, cô mới quất cây thước xuống bàn cái chát: “Sao trò không làm bài?”. Tới lúc đó nó mới nói: “Thưa cô, con không có ba”. Nghe nó nói, hai con mắt của cô con mở tròn như hai cái tô. Cô đứng sững như trời trồng vậy ba! Tôi bỗng nhập vai là cô giáo. Tôi thấy mình ngã qụy xuống trước đứa học trò không có ba. Sau đó cô và cả lớp mới được biết, em mồ côi cha khi vừa mới lọt lòng mẹ. Ba em hi sinh trên chiến trường biên giới. Từ ấy, má em ở vậy, tần tảo nuôi con... Có người hỏi em: “Sao mày không tả ba của đứa khác”. Em không đáp, cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống đôi má. Chuyện của đứa học trò bị bài văn không điểm đã để lại trong tôi một nỗi đau. Em bị không điểm, nhưng với tôi, người viết văn là một bài học, bài học trung thực. Sáng tạo không đồng nghĩa với bịa đặt. Giữa những dòng chữ bịa đặt và trang giấy trắng, tôi xin để trang giấy trắng trung thực trên bàn viết. (Mùa thu, 1990 - Truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng, timsach.vn) * Nguyễn Quang Sáng (1932-2014): Ông bắt đầu viết truyện từ năm 1954. Các tác phẩm tiêu biểu: Người con đi xa, Chiếc lược ngà, Người quê hương, Bông cẩm thạch… Ông thường viết về cuộc sống và con người Nam Bộ. Truyện của ông thường rất giản dị vừa hiện đại và có âm hưởng, có cốt truyện và các tình huống hết sức đặc sắc, giàu kịch tính.