Công nghệ chế biến muối tinh dùng cho sản xuất dược phẩm và các ngành công nghiệp khác
1. Muối được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp và y dược, với lượng tiêu thụ nhiều gấp 10-20 lần so với dùng cho ăn uống trực tiếp thông qua chế biến thực phẩm hàng ngày. Muối được sản xuất chủ yếu tại các đồng muối khu vực Duyên hải phía Bắc, miền Trung và Nam Bộ. Tuy nhiên, đây là những loại muối ngắn ngày, hàm lượng NaCl chỉ đạt khoảng 92%, chứa nhiều tạp chất. Nhằm nâng cao chất lượng muối tinh, Công ty CP Muối và Thực phẩm Bình Định đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ và thiết bị chế biến muối tinh, công suất 2,5 - 3 tấn/giờ dùng cho sản xuất dược phẩm và các ngành công nghiệp khác”. Việc thực hiện đề tài không chỉ giúp các cán bộ của Công ty làm chủ được công nghệ sản xuất muối tinh mà còn tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm muối tinh trên thị trường.
Thực trạng các cơ sở chế biến muối trên cả nước
2. Cơ cấu tiêu dùng và sử dụng muối ăn (NaCl) trên thế giới gồm 60% cho sản xuất công nghiệp và y dược, 30% cho chế biến thực phẩm và ăn trực tiếp, 10% cho các tiêu dùng khác. Muối có mặt trong khoảng 14.000 loại sản phẩm công nghiệp và thực phẩm. Muối ăn mà ngày nay chúng ta mua về dùng không phải là NaCl nguyên chất, mà đã qua tinh chế và bổ sung thêm một số thành phần vi lượng. Trong sinh hoạt hàng ngày, muối ăn được dùng làm chất điều vị, bảo quản thực phẩm. Gia súc ăn thêm muối ăn sẽ chóng lớn, ít bệnh tật. Muối ăn còn được dùng trong việc chọn giống và trộn với các loại phân hữu cơ để bón cho lúa và hoa màu. Từ muối ăn có thể chế tạo ra nhiều loại hóa chất như kẽm clorua dùng trong việc hàn kim loại, thủy ngân clorua dùng trong y dược, natri clorat và hypoclorat dùng làm thuốc hiện ảnh.
3. Hiện nay, nước ta có trên 70 cơ sở chế biến muối nhưng chỉ có 15 dây chuyền chế biến muối tinh liên tục theo phương pháp nghiền rửa muối, trong đó có 11 dây chuyền do Công ty CP Công nghệ Muối biển - Saltechco thiết kế chế tạo và lắp đặt đồng bộ, 2 dây chuyền nhập khẩu đồng bộ của Tây Ban Nha và 2 dây chuyền hỗn hợp dùng máy móc của Việt Nam và Trung Quốc. Sản phẩm của các dây chuyền này hầu hết là muối tinh và muối tinh sấy dùng cho ngành công nghiệp thực phẩm và ăn trực tiếp, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thị trường. Các muối chất lượng cao đặc biệt là muối cho ngành dược, đều phải nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc. Dù muối được sử dụng trong lĩnh vực nào thì hàm lượng NaCl cũng luôn được chú trọng. Vì vậy, độ tinh khiết của muối càng cao thì càng có giá trị. Việc dùng nước muối bão hòa NaCl sau khi xử lý hóa chất loại bỏ hầu hết các tạp chất, sau đó đưa vào nồi cô đặc chân không để sản xuất muối tinh khiết được hầu hết các nước áp dụng. Tuy nhiên, việc dùng công nghệ nghiền rửa để loại tạp chất và đặc biệt là việc dùng nước chạt riêng biệt để rửa cho mỗi công đoạn trong dây chuyền chế biến sao cho sản phẩm muối đạt tiêu chuẩn phục vụ ngành dược thì hầu như chưa có ở nước ta.
Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng muối tinh
4. Trước thực trạng trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tuyển chọn và giao cho nhóm nghiên cứu thuộc Công ty CP Muối và Thực phẩm Bình Định thực hiện đề tài khoa học cấp nhà nước: “Nghiên cứu công nghệ và thiết bị chế biến muối tinh, công suất 2,5-3 tấn/giờ dùng cho sản xuất dược phẩm và các ngành công nghiệp khác” thuộc Dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ và thiết bị sản xuất muối sạch, muối tinh và hình thành liên kết theo chuỗi giá trị giữa Công ty CP Muối và thực phẩm Bình Định với diêm dân tại Bình Định”. Sau khi thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã giải quyết các nội dung sau:
5. Thứ nhất, đã thiết kế, chế tạo, lắp đặt vận hành dây chuyền chế biến muối tinh bằng công nghệ cô đặc chân không, năng suất 2,5-3 tấn/giờ, dùng cho sản xuất muối tinh trong ngành dược và các ngành công nghiệp khác từ nguyên liệu muối đạt theo tiêu chuẩn TCCS 01 và TCCS 02. Dây chuyền đã được Công ty CP Chứng nhận và Kiểm định Vinacontrol giám định công suất đạt yêu cầu. Đồng thời hoàn thiện quy trình và các công thức sản xuất ra các loại muối chăm sóc sức khỏe từ muối tinh như muối thông minh (thành phần chính là Natri) dành cho người cao huyết áp, muối ngâm chân, muối sữa spa.
6. Thứ hai, tạo ra được sản phẩm muối sau khi tinh chế đạt yêu cầu, được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 2 kiểm định đạt các chỉ tiêu hóa lý như đã đăng ký trong đề tài. Quy trình sản xuất và toàn bộ dây chuyền thiết bị được nghiên cứu chế tạo trong nước nên có giá thành thấp hơn so với thiết bị ngoại nhập từ 30 đến 50%, giúp tiết kiệm chi phí.
7. Thứ ba, nâng cao giá trị sản phẩm giúp giá bán tăng 20% so với muối tinh thông thường. Nếu sản xuất đạt 100% công suất thiết kế, mỗi năm vận hành dây chuyền thiết bị sản xuất muối này sẽ tạo ra 10.982 tấn muối sản phẩm/năm. Tính sơ bộ hiệu quả kinh tế mang lại đạt khoảng 7,3 triệu đồng/năm. Ngoài ra, việc xây dựng nhà máy chế biến muối tinh khiết từ nguồn nguyên liệu sạch của địa phương còn góp phần phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm và hóa dược, từng bước thay thế hàng nhập khẩu. Dây chuyền tinh chế muối tại Bình Định sẽ giúp thúc đẩy phát triển các vùng nguyên liệu muối sạch của tỉnh, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho diêm dân, giúp họ có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.
8. Thứ tư, góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển các thiết bị, dụng cụ tiên tiến cung cấp cho ngành sản xuất muối nói riêng và sản xuất thực phẩm nói chung nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội.
Có thể khẳng định, sản phẩm của đề tài chính là kết quả của việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, phát huy sự sáng tạo của các nhà nghiên cứu trong nước với mong muốn góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng cho thế hệ ngày nay và mai sau.
(Nguồn: Phùng Duy Tiến, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam)
Muối không được sản xuất nhiều tại đâu?